Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tiếp tục làm mạnh các vấn đề về đăng kiểm xe cơ giới, động thái này được thể hiện rõ sau hàng loạt sự việc Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khám xét, bắt tạm giam nhiều đối tượng thuộc các trung tâm đăng kiểm phía Nam. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như Bộ Giao thông vận tải liên tiếp đưa ra các công văn và ban hành các quyết định liên quan tới hoạt động của các trung tâm đăng kiểm…
Sau khi các hoạt động đăng kiểm xe cơ giới được siết chặt, nhằm né tránh các hoạt động kiểm tra gắt gao, nghiêm ngặt đến từ cơ quan chức năng, các chủ xe cơ giới đã đổ xô đến garage để tháo phụ kiện độ thêm hoặc thuê các bộ phận "zin" như đèn, la-zăng hòng qua mắt cơ quan kiểm định vì lo ngại "rớt" đăng kiểm.
Vậy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Pháp luật quy định thế nào về trường hợp này?
Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay một số garage ôtô và cửa hàng cho thuê lại linh kiện xe nhằm để các chủ phương tiện lắp đặt, sau đó mang xe đi kiểm định do trước đó đã độ linh kiện là hành vi vi phạm pháp luật, có thể tùy tính chất và mức độ xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Luật sư cho biết, việc độ linh kiện cho xe làm cho xe không đúng với quy chuẩn kỹ thuật ban đầu sẽ khiến chức năng hoạt động của xe bị ảnh hưởng, thậm chí gây mất an toàn. Vì thế cơ quan chức năng có thể từ chối kiểm định là đúng quy định pháp luật, nếu các chủ xe độ linh kiện cho xe thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 100/2019, mức phạt tiền lên tới 04-06 triệu đồng.
Còn hành vi thuê, mượn linh kiện thay thế để qua mắt cơ quan kiểm định nhằm mục đích đăng ký kiểm định thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định điểm a, khoản 8, Điều 30, Nghị định 100/2019 của Chính phủ, mức phạt từ 04-06 triệu đối với cá nhân và phạt từ 08-12 triệu đối với tổ chức là chủ xe ôtô vi phạm.
Trường hợp việc độ linh kiện xe dẫn đến xe hoạt động không đúng với chức năng ban đầu, điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả chết người, thương tích, thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì người điều khiển phương tiện độ linh kiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015. Thậm chí có thể xem xét tội “Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người” theo quy định tại Điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những chủ xe có hành vi thuê, mượn linh kiện để kiểm định, kiểm tra rà soát các của hàng và dịch vụ liên quan đến cho thuê mượn linh kiện kiểm định nhằm chấn chỉnh lĩnh vực này, nếu để tình trạng thuê mượn linh kiện kiểm định diễn ra tràn lan thì hệ lụy gây mất an toàn của các phương tiện khi tham gia giao thông sẽ rất lớn, hệ lụy lâu dài, gây thiệt hại về người và tài sản nếu các phương tiện này lưu thông trên đường”, Luật sư cho hay.
Khởi tố thêm 06 bị can liên quan sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm Chiều 28/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam 06 người liên quan đến sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành. Theo đó, 06 người này thuộc các trung tâm đăng kiểm 50-05V (ở phường An Phú Đông, quận 12), trung tâm đăng kiểm 50-03V (ở phường Tam Bình) và chi nhánh trung tâm 50-03V tại phường Linh Trung, TP. Thủ Đức. Như vậy, tính đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố tổng cộng 43 người về các tội “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác” liên quan đến tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Liên quan đến vụ việc, sáng ngày 28/12, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp cùng Công an TP. Hà Nội và các cục nghiệp vụ của Bộ Công an khám xét Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (trụ sở đóng tại 18 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội). Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều máy móc, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra và mời, triệu tập nhiều người về làm việc. Đến nay, Công an TP. Hồ Chí Minh đủ cơ sở nhận định, tại một số trung tâm đăng kiểm, lãnh đạo đã chỉ đạo cho cấp dưới, các đăng kiểm viên, nhân viên trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm. Công an TP. Hồ Chí Minh cũng xác định, một số trung tâm đã dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải. Ngoài ra, các trung tâm còn có hành vi dùng nhân viên đóng giả kiểm định viên, ký giả chữ ký trong hồ sơ, giấy chứng nhận kiểm định. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục mở rộng điều tra. |
HOÀNG VŨ