/ Pháp luật bốn phương
/ Thương lượng lời khai trong thủ tục tố tụng hình sự Hoa Kỳ

Thương lượng lời khai trong thủ tục tố tụng hình sự Hoa Kỳ

03/01/2022 08:58 |

(LSVN) - Tố tụng hình sự bắt đầu khi một đạo luật bị vi phạm và trải qua các giai đoạn bắt giữ, cáo trạng, xử sơ thẩm và phúc thẩm. Thương lượng lời khai được thực hiện trước khi xử sơ thẩm, điều đó có nghĩa là có khả năng không phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và xa hơn nữa là phúc thẩm.

Ảnh minh họa.

Cần phải nói thêm rằng ở Mỹ không có một trình tự tố tụng hình sự và cả dân sự thống nhất hay quy chuẩn. Thay vào đó, hệ thống liên bang có một trình tự tố tụng ở cấp độ quốc gia, mỗi bang và lãnh thổ có những quy tắc và quy định riêng tác động lên thủ tục tố tụng. Tuy nhiên có những chuẩn mực và sự tương đồng giữa tất cả các thực thể chính quyền này và về cơ bản có những bước như trên.

Trước khi một phiên tòa sơ thẩm hình sự được tiến hành, luật pháp của liên bang và bang yêu cầu rất nhiều thủ tục và sự kiện. Một số bước do Hiến pháp Mỹ và Hiến pháp bang quy định, một số do quy định của Tòa án, số khác do những đạo luật lập pháp và phần còn lại là do tập tục, truyền thống. Mặc dù những sự kiện mang tính thủ tục này thay đổi theo thực tiễn từng nơi và vẫn có những điểm tương đồng trên toàn đất nước. Nhưng nó không mang tính tự động hay thông lệ mà do những người có quyền phán quyết của hệ thống pháp lý thực thi quyền tự quyết tại mọi bước tùy theo giá trị, thái độ và thế giới quan của họ.

Việc bắt giữ

Bắt giữ là sự liên hệ quan trọng đầu tiên giữa Cơ quan Công quyền và bị cáo. Hệ thống pháp lý Mỹ đưa ra hai loại bắt giữ cơ bản - bắt giữ có lệnh và bắt giữ không có lệnh. Lệnh bắt giữ được ban hành sau khi một đơn kiện, do một người lập hồ sơ để kiện người khác, đã được trình bày và xem xét bởi một Thẩm phán tiểu hình, người đã tìm ra nguyên nhân hợp lý cho việc bắt giữ. Bắt giữ không có lệnh xảy ra khi tội phạm diễn ra trước sự có mặt của một Cảnh sát hay khi một Cảnh sát có nguyên nhân hợp lý để tin rằng một người nào đó đã phạm (hoặc dường như phạm) một tội. Niềm tin như vậy sau đó phải được thể hiện bằng một tuyên bố cam đoan hoặc một bản cam kết. Ở Mỹ, 95% các cuộc bắt giữ là không có lệnh.

Xuất hiện trước Thẩm phán tiểu hình

Khi một người bị bắt giữ vì tình nghi phạm tội thì người đó sẽ bị lưu giữ ở đồn Cảnh sát, có nghĩa là những sự kiện xung quanh việc bắt giữ được ghi chép lại và bị cáo có thể bị lấy vân tay và chụp hình. Sau đó bị cáo xuất hiện trước một quan chức tư pháp cấp thấp mà chức danh có thể là Thẩm phán hay Ủy viên Hội đồng. Sự xuất hiện như vậy phải được thực hiện “mà không có sự chậm trễ vô cớ”, Tòa án Tối cao Mỹ quyết định rằng Cảnh sát có thể lưu giữ một người bị bắt giữ không có lệnh trong vòng 48 giờ.

Sự xuất hiện này ở Tòa án (tiểu hình) là dịp diễn ra một số sự kiện quan trọng trong thủ tục tố tụng hình sự. Bị cáo phải được thông báo trước về những lời buộc tội chính xác và phải được thông tin về bảo lãnh và những quyền được hưởng theo Hiến pháp. Bị cáo “phải được cảnh báo trước bất kỳ câu hỏi nào rằng anh ta có quyền giữ im lặng, rằng bất cứ điều gì anh ta nói đều có thể dùng làm bằng chứng chống lại anh ta ở Tòa án, rằng anh ta có quyền thuê Luật sư, và rằng nếu anh ta không có khả năng thuê Luật sư thì sẽ có một người được chỉ định thay mặt anh ta trả lời bất kỳ câu hỏi nào”.

Thẩm phán tiểu hình sẽ xác định bị cáo có được bảo lãnh tại ngoại hay không, và trong trường hợp đó thì số tiền bảo lãnh là bao nhiêu. Về mặt Hiến pháp, yêu cầu duy nhất đối với số tiền bảo lãnh là nó không được “quá lớn”. Bảo lãnh được coi là một đặc quyền, chứ không phải quyền lợi, và nó có thể bị từ chối trong những vụ án có thể phán quyết tử hình mà bằng chứng phạm tội có tính thuyết phục cao hoặc nếu Thẩm phán tiểu hình tin rằng bị cáo sẽ lẩn trốn khỏi bị cáo buộc mà không cần quan tâm số tiền bảo lãnh là bao nhiêu. Một biện pháp thay thế bảo lãnh là giải phóng bị cáo bằng cam kết trước tòa, về cơ bản là một lời hứa của bị cáo sẽ quay lại Tòa án vào ngày xét xử được chỉ định.

Trong những vụ án nhỏ, bị cáo có thể được yêu cầu bào chữa có phạm tội hoặc không phạm tội. Nếu lời bào chữa là có phạm tội thì một bản án có thể được tuyên đọc ngay tại chỗ. Nếu bị cáo bào chữa là vô tội thì sẽ lên kế hoạch một ngày xét xử. Tuy nhiên, trong vụ án nghiêm trọng, nhiệm vụ tiếp theo của Thẩm phán tiểu hình là xác định liệu bên bị có yêu cầu một phiên tòa sơ bộ hay không. Nếu một phiên tòa như vậy là cần thiết thì vụ án sẽ được Công tố hoãn lại và bắt đầu một bước tiếp theo của thủ tục tố tụng hình sự.

Cảnh báo về quyền của người bị bắt

Bạn đã bị bắt. Trước khi chúng tôi hỏi bạn bất cứ câu hỏi nào, bạn cần phải hiểu những quyền của bạn là gì.

Bạn có quyền giữ im lặng. Bạn không cần thiết phải nói bất cứ điều gì cho chúng tôi vào bất cứ thời điểm nào hoặc trả lời bất cứ câu hỏi nào. Bất cứ điều gì bạn nói có thể được dùng để chống lại bạn trước tòa.

Bạn có quyền nói chuyện với một Luật sư để lấy lời khuyên trước khi chúng tôi hỏi bạn và có quyền yêu cầu Luật sư ở bên cạnh bạn trong lúc chúng tôi đặt câu hỏi.

Nếu bạn muốn có nhưng không thể thuê Luật sư, chúng tôi sẽ cung cấp Luật sư cho bạn.

Nếu bạn muốn trả lời các câu hỏi bây giờ mà không cần có Luật sư thì bạn vẫn sẽ có quyền dừng việc trả lời vào bất cứ lúc nào. Bạn cũng có quyền dừng trả lời vào bất cứ lúc nào cho đến khi bạn nói chuyện với Luật sư.

Thủ tục đại bồi thẩm đoàn hay phiên tòa sơ bộ

Ở cấp độ liên bang tất cả những người bị cáo buộc phạm tội đều được bảo đảm theo Tu chính án Hiến pháp thứ năm rằng vụ án của họ sẽ được một đại bồi thẩm đoàn xem xét. Tuy nhiên, Tòa án tối cao không quy định điều này cho tất cả các bang.

Hiện nay, chỉ khoảng một nửa số bang sử dụng đại bồi thẩm đoàn, ở một số bang trong những bang này đại bồi thẩm đoàn chỉ được dùng cho những loại vụ án đặc biệt. Những bang không sử dụng đại bồi thẩm đoàn sẽ áp dụng một phiên tòa sơ bộ hoặc một phiên thẩm vấn. Một số bang sử dụng cả hai thủ tục này. Bất cứ phương pháp nào được sử dụng, mục đích cơ bản của khâu này trong thủ tục tố tụng hình sự là để xác định liệu có nguyên nhân hợp lý nào để đưa bị cáo ra phiên tòa chính thức không.

Đại bồi thẩm đoàn. Các đại bồi thẩm đoàn gồm 16 đến 23 công dân, thường lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ danh sách đăng ký cử tri, đưa ra phán quyết trên cơ sở đa số phiếu. Nhiệm kỳ của những người này có thể kéo dài tùy ý từ một tháng đến một năm, và một số người có thể tham gia nhiều vụ án trong nhiệm kỳ của họ. Chỉ một mình Công tố trình bày bằng chứng trước đại bồi thẩm đoàn. Nếu có đa số tin rằng có nguyên nhân hợp lý thì một bản cáo trạng, hay một đơn kiện sẽ được đưa ra. Nếu không thì sẽ không có đơn kiện.

Phiên tòa sơ bộ. Ở đa số các bang đã bãi bỏ hệ thống đại bồi thẩm đoàn, một phiên tòa sơ bộ được sử dụng để xác định liệu đã có nguyên nhân hợp lý để xét xử. Ở phiên tòa này, Công tố trình bày vụ kiện, và bị cáo có quyền đối chất các nhân chứng và đưa ra bằng chứng thỏa đáng. Thông thường, các Luật sư của bị cáo lựa chọn không tranh cãi ở khâu này của thủ tục tố tụng hình sự.

Luận tội

Luận tội là quá trình bị cáo được đưa ra trước Thẩm phán tại Tòa án sau thủ tục đại bồi thẩm đoàn hay phiên tòa sơ bộ. Công tố hoặc Thư ký tòa đọc ở tòa công khai lời buộc tội đã được đưa ra chống lại bị cáo. Bị cáo được thông báo rằng anh ta có quyền hiến định được một Luật sư đại diện và một Luật sư sẽ được chỉ định không mất tiền nếu cần thiết.

Bị cáo có một số lựa chọn cho việc bào chữa cho lời buộc tội. Những lời bào chữa thông thường nhất là có phạm tội và vô tội. Nhưng bị cáo cũng có thể bào chữa vô tội vì mất trí, hay trước đó bị cùng một hiểm họa (đã bị xét xử vì cùng một lời buộc tội vào một thời điểm khác), hoặc “nolo contendere” (tiếng Latinh có nghĩa là không tranh cãi). “Nolo contendere” có nghĩa là bị cáo không chối bỏ những tình tiết của vụ án nhưng khiếu nại rằng anh ta không phạm bất cứ tội gì, hoặc nó có thể có nghĩa là bị cáo không hiểu lời buộc tội. Bào chữa không tranh cãi chỉ có thể được đưa ra với sự đồng ý của Thẩm phán (và đôi khi của Công tố).

Nếu bị cáo bào chữa vô tội thì Thẩm phán sẽ lên kế hoạch một ngày xét xử. Nếu bị cáo tự nhận là có tội thì có thể bị kết án ngay tại chỗ hoặc một ngày sau đó do Thẩm phán ấn định. Trước khi Tòa án chấp nhận tự nhận tội, Thẩm phán phải chứng nhận rằng lời bào chữa được đưa ra một cách tự nguyện và rằng bị cáo đã được biết những ý nghĩa của lời nhận tội. Tự nhận tội hầu như tương đương với phán quyết chính thức có tội.

Khả năng thương lượng lời khai

Ở cả cấp độ bang và liên bang tại Hoa Kỳ, đa số vụ án hình sự không bao giờ được xét xử. Trước ngày xử án, giữa Công tố và Luật sư bên bị đã có sự thương lượng về những lời buộc tội chính thức sẽ được đưa ra và nội dung bản án mà Công tố sẽ khuyến nghị với Tòa án. Trên thực tế sẽ có cam kết về một hình thức khoan dung để đổi lấy lời khai tự nhận tội.

Thương lượng lời khai đã định đoạt số phận của bị cáo trước khi xét xử nên vai trò của Thẩm phán chỉ đơn giản là để bảo đảm rằng những thủ tục pháp lý và Hiến pháp được tuân thủ. Có ba loại thương lượng lời khai (không loại trừ lẫn nhau).

Giảm cáo trạng: Hình thức thương lượng phổ biến nhất giữa Công tố và bên bị là giảm cáo trạng xuống một mức đỡ nghiêm trọng hơn so với những gì mà bằng chứng có thể chứng minh được.

Xóa cáo trạng tăng nặng: Hình thức thương lượng dẫn tới xóa bỏ những lời buộc tội khác dành cho một cá nhân bao gồm không đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng hơn chống lại cá nhân đó hay bác bỏ những cáo trạng bổ sung đối với cùng một tội đang dành cho bị cáo.

Một biến thể khác của hình thức thương lượng này là thỏa thuận mà trong đó điều khoản phạm tội nhiều lần được xóa khỏi bản cáo trạng. Ở cấp độ liên bang và tại nhiều bang, một người bị đánh giá là phạm tội thường xuyên khi bị kết án lần thứ ba về một trọng tội tại bất cứ nơi nào ở Mỹ. Bản án bắt buộc cho phạm tội thường xuyên là tù chung thân. Ở các Tòa án bang, lời buộc tội đối với phạm tội thường xuyên thường được xóa bỏ để đổi lấy lời khai tự nhận tội.

Một thương lượng khác thuộc loại này là thỏa thuận mà trong đó những cáo trạng ở các Tòa án khác nhau được hợp nhất tại một Tòa án để các bản án được thi hành cùng một lúc.  

Thương lượng hình phạt. Hình thức thứ ba của thương lượng lời khai liên quan đến việc để bị đơn tự nhận tội để đổi lấy một thỏa thuận của Công tố yêu cầu Thẩm phán có bản án nhẹ hơn.

Khi việc thương lượng lời khai không được thực hiện và bị cáo xác nhận sự vô tội của mình, thì một phiên tòa chính thức sẽ diễn ra. Tu chính án Hiến pháp thứ sáu nêu rõ “Trong tất cả các vụ khởi tố hình sự, bị cáo sẽ được hưởng quyền xét xử nhanh chóng và công khai”. Đạo luật xét xử nhanh năm 1974 quy định rằng trong thời gian cao nhất là 100 ngày thì những cáo buộc tội phạm phải được đưa ra xét xử hoặc bị bãi bỏ.

LÊ HÙNG

Cặp đôi nhận án tử hình vì ném hai con của vợ cũ qua cửa sổ từ tầng 14

Lê Minh Hoàng