Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Chủ tịch Hãng Luật Giải Phóng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì cá nhân muốn thực hiện các hoạt động kêu gọi, vận động và tiếp nhận tiền từ thiện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh… thì phải lập quỹ hợp pháp. Cụ thể, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ, ngoài các tổ chức gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép được tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ, thì không ai có quyền thực hiện hoạt động này.
Thủ tục thành lập Quỹ từ thiện, quỹ xã hội được thực hiện theo quy định tại 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Điều đó có nghĩa, việc các nghệ sĩ, tổ chức, cá nhân khác chưa lập quỹ hợp pháp mà dùng tài khoản cá nhân để kêu gọi, tiếp nhận tiền từ thiện là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế như một thông lệ và truyền thống làm từ thiện của người Việt, thì khi xảy ra thiên tai, các cá nhân, đặc biệt là các nghệ sĩ luôn nhiệt tình kêu gọi ủng hộ người dân gặp khó khăn, hành động này nặng về tình người, tương thân, tương ái và thực hiện trong hoàn cảnh cấp bách. Nó diễn ra trong một thời gian dài, lặp đi lặp lại, nên cả xã hội cũng như cách nhìn từ quản lý nhà nước đều mặc nhiên xem hoạt động này là nhân đạo, không vi phạm pháp luật. Vì lẽ đó, không ít cá nhân đã lợi dụng hoạt động từ thiện, thiếu kiểm soát này để trục lợi và thực tế đã có nhiều vụ bị khởi tố.
Với cách dùng tài khoản cá nhân để huy động tiền từ thiện, đặc biệt là với người của công chúng như các nghệ sĩ hiện nay lộ ra sự khó kiểm soát về tính minh bạch, khách quan trong hoạt động từ thiện của họ. Số tiền kêu gọi có khi lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ, một số con số quá lớn mà không có bất cứ công cụ pháp luật nào để kiểm soát thì làm sao đảm bảo được tính minh bạch, khách quan.
Có thể liệt kê ra một vài tình huống không phù hợp trong thu chi số tiền từ thiện từ tài khoản cá nhân như sau: (1) Tại một thời điểm nào đó, số tiền từ thiện phải đảm bảo dương, không được rút ra để chi cho mục đích khác ngoài từ thiện, kể cả rút ra mượn tạm để chi cho việc riêng sau đó nộp lại cũng không được phép; (2) Huy động tiền từ thiện rồi để đó không chi khẩn cấp theo nội dung kêu gọi, ví dụ kêu gọi ủng hộ lũ lụt, nhưng hết lũ lụt rồi vẫn không thực hiện khoản chi này; (3) Chi sai mục đích kêu gọi từ thiện, ví dụ kêu gọi ủng hộ cho người dân lũ lụt, nhưng lại đi ủng hộ xây nhà cho vùng khác; (4) Chi tiền từ thiện không có chứng từ chứng minh, ví dụ rút tiền mặt rồi phát cho một đám đông, điều này không thể chứng minh được tính minh bạch về tổng số tiền đã phát, cũng như đối tượng được nhận; (5) Thu nhiều mà chi ít…
Để tránh rơi vào những tình huống này, đòi hỏi người làm từ thiện phải minh bạch tài khoản, thông báo số dư thu chi hàng ngày trong thời gian làm từ thiện và báo cáo kết quả tổng kết sau khi kết thúc hoạt động từ thiện, chứ không phải đợi khi dư luận lên tiếng thì mới báo cáo, công khai. Người làm từ thiện cũng không thể lập luận, làm từ thiện là vì cái tâm nên không dám gian lận, cái tâm phải xuất phát từ minh bạch thì mới đáng kính.
Ở góc độ pháp luật, hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện có dính dáng đến vụ lợi cá nhân là vi phạm pháp luật, nếu chứng minh được khoản tiền từ thiện bị xử dụng trái mục đích, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Để xem xét khởi tố về hành vi này, cơ quan điều tra phải dựa vào các nguồn tin tội phạm. Nguồn tin về tội phạm quy định tại điểm d khoản 1 điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự gồm tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.
Theo đó, những mạnh thường quân nếu có chứng cứ chứng minh người mà mình đã ủng hộ từ thiện không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi thì cần làm đơn gửi tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng để được xem xét. Từ đó, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu ngân hàng và những người liên quan cung cấp dòng tiền trong tài khoản từ thiện để điều tra. Trong trường hợp, tuy không có người tố giác, nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ quan điều tra tự mình phát hiện có dấu hiệu trục lợi hoạt động từ thiện, họ cũng có quyền điều tra theo quy định.
Ngoài ra, nếu có nghi ngờ người làm từ thiện, dưới danh nghĩa là mạnh thường quân dùng tiền từ các hoạt động thu nhập bất hợp pháp như một hình thức để rửa tiền, thì cơ quan điều tra cũng có thể lần theo các manh mối này để điều tra độc lập.
Làm từ thiện, đúng như lời một số nghệ sĩ trong các vụ lùm xùm nói là phải xuất phát từ cái tâm, rất đúng, nhưng tâm chỉ sáng khi hoạt động từ thiện mà mình làm không có chỗ nào tối cả. Cứ minh bạch thì các “ngôi sao” sẽ sáng, sao sáng nhất chính là “sao kê”, không có gì thì ắt không phải ngại!
Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG
Chủ tịch Hãng Luật Giải Phóng
Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán: Mức phạt thấp không loại trừ các cá nhân cố tình vi phạm