/ Tư vấn
/ Tiền công tác phí của công chức gồm những khoản nào?

Tiền công tác phí của công chức gồm những khoản nào?

23/03/2021 16:02 |

(LSVN) - Trong cả quá trình làm việc, công chức hẳn có không ít lần phải đi công tác. Vậy khi đó, công chức được thanh toán những khoản tiền công tác phí nào?

Công tác phí là gì? Khi nào công chức được thanh toán?

Tại khoản 1, Điều 3 của Thông tư 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về  chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị như sau: “Công tác phí là khoản chi phí để trả cho người đi công tác trong nước, bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ nơi đến công tác, cước hành lý và tài liệu mang theo để làm việc (nếu có)”.

Theo đó, công chức khi được cử đi công tác sẽ được thanh toán tiền theo thời gian công tác thực tế, căn cứ vào văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc theo giấy mời tham gia đoàn công tác.

Thời gian được hưởng công tác phí bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, Tết theo lịch trình công tác và thời gian đi đường.

Tuy nhiên, chỉ khi đáp ứng ba điều kiện sau đây thì công chức sẽ được thanh toán công tác phí theo quy định tại khoản 3, Điều 3: 
- Thực hiện đúng nhiệm vụ được giao;
- Được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử đi công tác hoặc được mời tham gia đoàn công tác;
- Có đủ các chứng từ để thanh toán như giấy đi đường của người đi công tác có đóng dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đến công tác hoặc khách sạn, nhà nghỉ nơi công chức ở; hóa đơn, chứng từ mua vé hợp pháp khi đi công tác bằng các phương tiện giao thông; giấy mời…

Đặc biệt, trong 04 khoảng thời gian nêu tại khoản 4 Điều 3 Thông tư này quy định công chức sẽ không được thanh toán công tác phí:
- Thời gian điều trị, điều dưỡng tại cơ sở y tế, nhà điều dưỡng, dưỡng sức;
- Những ngày học ở trường, lớp đào tạo tập trung dài hạn, ngắn hạn đã được hưởng chế độ đối với người đi học;
- Những ngày làm việc riêng trong thời gian đi công tác;
- Những ngày được giao nhiệm vụ thường trú hoặc biệt phái tại một địa phương hoặc cơ quan khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Phụ cấp công tác của công chức là bao nhiêu?

Theo khoản 2, Điều 12 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về Quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương thì công chức được hưởng các quyền về lương và các chế độ liên quan đến tiền lương như sau:"Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật".

Theo đó, khi đi công tác, công chức sẽ được hưởng tiền công tác phí gồm các khoản tiền chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú và tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác. Cụ thể:

1. Phụ cấp lưu trú

Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 của Thông tư 40/2017/TT-BTC thì: “ Phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chi trả, được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú tại nơi đến công tác)”.
- Mức phụ cấp lưu trú để trả cho người đi công tác: 200.000 đồng/ngày. Nếu công tác trong ngày thì căn cứ vào số giờ thực tế đi công tác trong ngày, thời gian phải làm ngoài giờ hành chính… để trả phụ cấp cho công chức.
- Đồng thời tại khoản 2 của Điều 6 cũng quy định: Công chức ở đất liền đi công tác trên biển, đảo: 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo. Một số ngành đặc thù được hưởng bồi dưỡng khi đi công tác biển, đảo thì được chọn mức phụ cấp cao nhất để trả cho công chức.

2. Tiền thuê phòng nghỉ tại nơi công tác

Tiền thuê phòng nghỉ tại nơi công tác của công chức được quy định tại Điều 7 của Thông tư:

- Trường hợp thanh toán theo hình thức khoán:
+ 1.000.000 đồng/ngày/người đối với lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên, không phân biệt nơi đến công tác.
+ 450.000 đồng/ngày/người đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại đi công tác ở quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh.
+ 350.000 đồng/ngày/người đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại đi công tác tại huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc TW, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh.
+ 300.000 đồng/ngày/người đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại đi công tác tại các vùng còn lại.

- Trường hợp thanh toán theo hóa đơn thực tế:
+ 2.500.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn một người/1 phòng đối với lãnh đạo cấp Bộ trưởng và các chức danh tương đương, không phân biệt nơi đến công tác.
+ 1.200.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn một người/1 phòng đối với Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 đi công tác tại các quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh.
+ 1.000.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 2 người/phòng với các đối tượng còn lại đi công tác tại các quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TW và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh.
+ 1.100.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn một người/1 phòng với Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 đi công tác tại các vùng còn lại.
+ 700.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 2 người/phòng với các đối tượng còn lại đi công tác tại các vùng còn lại.

3. Chi phí đi lại

Về các chi phí đi lại, công chức cũng được thanh toán theo hình thức khoán và theo hóa đơn thực tế được quy định tại Điều 5 của Thông tư. Trong đó:

Thanh toán theo hóa đơn thực tế: Là giá ghi trên vé, hoá đơn, chứng từ mua vé hợp pháp hoặc giấy biên nhận của chủ phương tiện; giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ như tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu gồm các loại chi phí gồm:
- Chi phí chiều đi và về từ nhà hoặc cơ quan đến sân bay, ga tàu, bến xe; vé máy bay, vé tàu, xe vận tải công cộng đến nơi công tác và theo chiều ngược lại.
- Chi phí đi lại tại địa phương nơi đến công tác từ chỗ nghỉ đến chỗ làm việc, từ sân bay, ga tàu, bến xe về nơi nghỉ (lượt đi và lượt về).
- Cước, phí di chuyển bằng phương tiện đường bộ, đường thủy, đường biển cho bản thân và phương tiện của người đi công tác.
- Cước tài liệu, thiết bị, dụng cụ, đạo cụ (nếu có) phục vụ trực tiếp cho chuyến đi công tác mà người đi công tác đã chi trả.
- Cước hành lý của người đi công tác bằng phương tiện máy bay trong trường hợp giá vé không bao gồm cước hành lý mang theo.

Riêng vùng không có phương tiện vận tải và người đi công tác phải thuê thì sẽ được xem xét, thanh toán tiền thuê theo hợp đồng thuê hoặc giấy biên nhận với chủ phương tiện.

Đồng thời, về giá vé máy bay, điều luật cũng nêu rõ:
- Hạng thương gia: Bộ trưởng và các chức danh tương đương; Thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; Phó trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
- Hạng ghế thường: Các đối tượng còn lại.
Thanh toán theo hình thức khoán: Áp dụng với kinh phí sử dụng ô tô khi đi công tác, tiền tự túc phương tiện đi công tác:
- Chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô khi đi công tác tự nguyện đăng ký khoán kinh phí sử dụng ô tô: Mức khoán đi công tác = Đơn giá khoán x khoảng cách thực tế đi công tác hàng tháng của từng chức danh;
- Công chức không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác, nhưng nếu đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10km (với xã khó khăn, đặc biệt khó khăn) hoặc 15km (xã còn lại) trở lên mà tự đi bằng xe của mình: 0,2 lít xăng/km.

Ngoài ra, đối với trường hợp khoán công tác phí theo tháng thì mức khoán là 500.000 đồng/người/tháng đối với cán bộ cấp xã thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng; cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị còn lại phải thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng.

VŨ THỦY

Những việc cán bộ, công chức thanh tra không được làm khi tiếp dân

Lê Minh Hoàng