/ Thư viện pháp luật
/ Tiền lương, thời gian công tác để tính hưởng chế độ với sĩ quan tại ngũ thôi phục vụ, hy sinh, chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp

Tiền lương, thời gian công tác để tính hưởng chế độ với sĩ quan tại ngũ thôi phục vụ, hy sinh, chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp

10/12/2024 15:08 |

(LSVN) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP. Trong đó đáng chú ý, dự thảo quy định cụ thể tiền lương để tính hưởng chế độ với sĩ quan tại ngũ thôi phục vụ, hy sinh, chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng.

Theo đó, tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và điểm d khoản 1 Điều 4 Thông tư này được tính bằng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi sĩ quan nghỉ hưu. Khi tính bình quân tiền lương của tháng, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm sĩ quan hưởng chế độ hưu trí.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tiền lương tháng để tính chế độ trợ cấp một lần quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5; Điều 7; khoản 2 Điều 9 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6; khoản 1, khoản 2 Điều 7 và khoản 3 Điều 8 Thông tư này là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước thời điểm sĩ quan nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành, nghỉ theo chế độ bệnh binh, hy sinh, từ trần hoặc chuyển sang công chức quốc phòng.

Tiền lương tháng để tính chế độ trợ cấp một lần nêu tại điểm a, điểm b nêu trên bao gồm: Tiền lương theo cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan, các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Về thời gian công tác để tính hưởng chế độ, theo dự thảo, thời gian công tác để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2; điểm b khoản 1 Điều 5; Điều 7 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và điểm d khoản 1 Điều 4, khoản 2 Điều 6 và khoản 1 Điều 7 Thông tư này là tổng thời gian công tác trong Quân đội (bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng) và thời gian công tác tại các cơ quan đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước có đóng bảo hiểm xã hội.

Thời gian công tác để tính quy đổi quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và khoản 1, khoản 2 Điều 8 Thông tư này để hưởng chế độ trợ cấp một lần là tổng thời gian công tác trong Quân đội (gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng) có tham gia trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn khó khăn hoặc làm nghề, công việc được xếp điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thời gian công tác hướng dẫn tại điểm a, điểm b nếu bị đứt quãng mà chưa hưởng trợ cấp một lần (phục viên, xuất ngũ, thôi việc) thì được cộng dồn.

Cách tính thâm niên nghề đối với sĩ quan được thực hiện theo Thông tư số 224/2017/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng.

Trường hợp thời gian công tác, thời gian tăng thêm do quy đổi và thời gian nghỉ hưu trước hạn tuổi có tháng lẻ thì được tính theo nguyên tắc: dưới 3 tháng không tính, từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.

DUY ANH

Các tin khác