Một người yêu nước
Tài liệu nói về Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường rất nhiều và thông qua các tài liệu này, chúng ta nhận thấy rằng Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường là một trí thức có “lòng yêu nước sâu sắc”. Ít lâu sau khi ông mất vào năm 1933, tờ báo uy tín trên đã nêu “Cụ có cái chí muốn làm việc giúp ích cho đời lắm”(2). Thực ra, tình yêu nước của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn, thuở nhỏ ông học chữ Hán, sau đó học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và tình yêu nước của ông thể hiện qua tâm huyết phát triển chữ Quốc ngữ. Ở khía cạnh này, Luật sư Phan Văn Trường có những đóng góp lớn trong việc dùng chữ Quốc ngữ, là người tiên phong đề xướng dùng chữ Quốc ngữ là văn tự cho người Việt Nam. Báo Phụ nữ tân văn đã nêu rằng “có một lần diễn thuyết ở Saigon, nói việc học của dân ta; cụ cũng chủ trương nên mở mang vun tưới tiếng mẹ đẻ của ta cho nó trở nên một nền văn tự có giá trị”(3).
Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường là người yêu nước và điều này không ai bàn cãi; ông là người uyên thâm về pháp luật và điều này cũng không ai bàn cãi. Tình yêu nước và pháp luật là hai yếu tố không tách rời nhau trong con người Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường. Trong bài này, chúng tôi muốn tôn vinh Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường qua khảo cứu tình yêu đất nước của ông thông qua pháp luật và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho cuộc sống đương đại.
Bài học trong Nhà nước pháp quyền
Tại Việt Nam, khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (ngày 29/11/1991) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994 cũng như trong các văn kiện khác của Đảng. Sau đó, tại các Đại hội lần thứ X và XI của Đảng, đã có bước tiến trong nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Theo đó, mục tiêu tổng quát là hoàn thiện Nhà nước Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. khoản 1, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Trong Nhà nước pháp quyền, vai trò của pháp luật rất quan trọng và tầm quan trọng của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Đảng, như Nghị quyết số 27-NQ/ TW năm 2022 có nêu, “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Ở đây, “Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp” và “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội”(4). Việc đề cao vai trò của pháp luật cũng được nhìn thấy trong con người của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường. Trong tác phẩm rất nổi tiếng của ông là Pháp luật lược luận, được công bố ít lâu sau khi ông rời Pháp về Việt Nam, ông đã quan niệm rằng “Hễ đã quân tụ đoàn kết thành dân tộc, quốc gia, xã hội, thì phải có pháp luật mà giữ cho quốc dân ai ai cũng được tự do an cư lạc nghiệp và quốc gia xã hội được cường thịnh, vinh hiển”(5).
Ở đây, chúng tôi không bàn về vai trò của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường trong việc xây dựng hay vận hành Nhà nước pháp quyền mà chúng tôi muốn tìm thấy ở ông những bài học quý giá cho cuộc sống ngày nay để chúng ta cùng nhau chung sống tốt trong Nhà nước pháp quyền đã được Hiến pháp khẳng định. Những bài học kinh nghiệm đó được rút ra từ tình yêu nước của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường và tình yêu đó được thể hiện trong ứng xử của ông thông qua pháp luật. Dù đã ra đi cách đây gần 100 năm, tấm gương về lòng yêu nước của ông thông qua pháp luật là niềm tự hào để thế hệ chúng ta noi theo.
Bài học về nỗ lực học tập pháp luật
Nỗ lực học cử nhân luật
Trong các dấu ấn mà Phan Văn Trường để lại cho thế hệ sau, có con đường học vấn của ông để có kiến thức pháp luật uyên bác. Nhiều tài liệu nêu rằng sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn ở Hà Nội (khóa 1892-1894), ông làm việc tại Văn phòng Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, ông đã nỗ lực phấn đấu học hỏi rất nhiều để trở thành Luật sư, Tiến sĩ luật.
Trong mối quan hệ với học tập pháp luật, có tài liệu làm cho chúng ta hiểu, trước khi sang Pháp, ông Phan Văn Trường đã học luật ở Việt Nam. Chẳng hạn, có tài liệu nêu “Sau khi tốt nghiệp và thành Luật sư, ông làm phiên dịch ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Sau ông sang Pháp theo học ngành luật tại Đại học Sorbonne, Paris rồi trình luận án Tiến sĩ về luật hình để trở thành Tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam”. Thực ra, rất khó để xác định ông Phan Văn Trường đã học luật ở Việt Nam trước khi sang Pháp vào năm 1908. Một bài báo viết về ông vài tháng sau khi ông mất vào năm 1933 có nhắc đến việc học tập của ông trước khi sang Pháp vào năm 1908 không nhắc đến việc học luật của ông ở Việt Nam và chỉ nêu như sau: “Không nhớ cụ tốt nghiệp ở nhà trường ra và vô làm việc nhà nước năm nào, nhưng chắc chắn cụ xuất thần từ sự nhà nước sớm lắm. Có người nói vào lối 1900. Sau cụ thi đậu còm-mi, làm việc tại Phủ Thống sứ Hà Nội. Hồi chánh phũ bỏ cụ qua bên Tây, chính là lúc cụ đang làm còm-mi hạng ba ở phủ Thống sứ. Năm đó là năm 1908”(6).
Tài liệu viết về Phan Văn Trường nêu rằng “cụ qua Pháp hồi cuối năm 1908, do Chánh phủ Đông Dương cữ qua làm giáo sư ôn tập trong trường Đông phương ngữ tại Paris”(7) và đây là thời điểm ông nỗ lực học tập để có bằng cử nhân luật tại Pháp. Việc học tập để có bằng cử nhân luật của ông tại Pháp có điểm đặc thù riêng và việc này được Báo Phụ nữ tân văn miêu tả khá toàn diện với nội dung như sau: “Cụ bắt đầu sang Pháp vào hồi cuối năm 1908 bước qua 1909. Cụ làm giáo sư tiếng Việt-Nam ở trường Đông phương ngữ từ năm đó cho tới năm 1912, nghĩa là trước sau bốn năm, rồi vì một chuyện, cụ không dạy nữa (…). Trong bốn năm vừa làm giáo sư, cụ vừa đi học luật ở trường đại học. Bổn tâm cụ lảnh chức nầy qua Pháp cũng chỉ cầu có chỗ học thêm mà thôi, thiệt tình không lấy danh vị giáo sư và việc lương bổ làm quý báu gì hết. Những ngày giờ nào không phải dạy, thì cụ đi tới trường đại học luật khoa nghe giảng. Cụ nói rằng hồi đó tiếng rằng được đi học, nhưng vì còn mắc dạy ở trường kia thành ra đi học bữa có bữa không, chớ không được đều đủ như người ta. Tuy vậy người có thông minh, có lập-chí thành ra việc học cũng được mở mang tấn tới một mình. Hồi cụ sắp bị thôi dạy ở trường Đông phương ngữ, thì cụ đã dân luật khoa cữ nhơn rồi”(8).
Nỗ lực học Tiến sĩ luật
Nói đến Phan Văn Trường trong con đường học vấn thì không thể không nói đến nỗ lực học cao hơn, trong đó có nỗ lực học Tiến sĩ luật tại Pháp. Thực tế, không dừng lại ở việc có bằng cử nhân luật, Phan Văn Trường tiếp tục học trình độ Tiến sĩ luật khoa. Tài liệu về ông cho biết ông đã bắt đầu nỗ lực học Tiến sĩ ở Pháp từ năm 1913.
Cụ thể, Báo Phụ nữ tân văn nêu rằng: “Đầu năm 1913, khi thôi làm giáo sư trường Đông phương ngữ rồi, thì cụ mướn một căn phố nhỏ ở đường Berthelet, lo kiếm tài liệu để viết cái luận án thi tấn sĩ Luật khoa”(9). Đến năm 1922 (gần 10 năm sau khi bắt tay vào nghiên cứu Tiến sĩ), Phan Văn Trường hoàn thành việc học Tiến sĩ của mình và thời gian ông làm luận án Tiến sĩ có những điểm cũng rất đáng được biết đến. Thực ra, việc học Tiến sĩ của ông bị ngắt quãng vì Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông phải nhập ngũ (do có quốc tịch Pháp), sau đó bị bắt vì nghi làm gián điệp cho Đức. Chiến tranh chấm dứt, ông lại tiếp tục việc học và sau đó bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ luật khoa với đề tài “Lược khảo về Bộ luật Gia Long”, trở thành một người Việt Nam đầu tiên có bằng Tiến sĩ luật.
Nỗ lực trau dồi kiến thức pháp luật ở cấp độ cao của Phan Văn Trường không chỉ thể hiện ở thời gian làm Tiến sĩ mà còn thể hiện thông qua nội dung công việc làm Tiến sĩ của ông. “Tháng 4 năm 1919, cụ được mãn lính, trở về ở Paris lo làm kế tiếp cho rồi bài luận án thi Luật khoa tấn sĩ. Luận án này nói về luật Gia Long, rất có giá trị về mặt nghiên cứu và nghị luận. Hồi đó cụ viết tới hai cái luận án lận. Một cái khác, xét về hình luật xưa của Trung quốc và so sánh với luật Gia Long ta”(10). Thực tế, trong năm 1922, chúng ta thấy Phan Văn Trường xuất bản tới 02 cuốn sách tại Pháp, cuốn thứ nhất có tiêu đề Essai sur le Code Gia-Long (tạm dịch là Luận bàn về Bộ luật Gia Long, Nxb. Ernest Sagot, Paris 1922) và cuốn thứ hai có tiêu đề là Le droit pénal à travers l’ancienne législation chinoise - Etude comparée sur le Code Gia-Long (tạm dịch là Pháp luật hình sự qua lăng kính pháp luật Trung quốc xưa-Nghiên cứu so sánh với Bộ luật Gia-Long, Nxb. Ernest Sagot, Paris 1922). Đánh giá về hai tài liệu này, Báo Phụ nữ tân văn có nêu: “Ai được đọc hai cuốn sách nầy, chắc đều phải tâm phục cụ Phan chẳng những là một tay tinh thông tân học mà thôi, lại còn tinh thông cả cựu học của ta nữa”(11).
Nỗ lực học suốt đời
Nghiên cứu về cuộc đời của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường, chúng ta thấy ông là người rất nỗ lực trong việc học tập, trau dồi kiến thức dù hoàn cảnh học tập không dễ dàng gì như Báo Phụ nữ tân văn có nêu: “Sang Pháp từ năm 1908, ở đến năm 1923, trải 15 năm trường; hết nạn nọ đến nạn kia luân luôn. Tuy vậy mà cụ còn nghiên cứu pháp luật, đậu được cữ nhơn rồi thi tấn sĩ”(12).
Tài liệu về Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường còn cho thấy ông không chỉ dừng việc học tập, trau dồi kiến thức sau khi có bằng Tiến sĩ luật. Sau khi Phan Văn Trường mất ít tháng, một trong những nhà cách mạng làm việc rất nhiều với Phan Văn Trường là Nguyễn An Ninh viết rằng “Học nhiều như Phan Văn Trường xứ ta dễ có mấy ai”(13). Thực tế, lược thuật về cuộc đời Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường sau khi ông mất, Báo Phụ nữ tân văn còn nêu rằng “Cụ mất, gia nghiệp để lại có rất nhiều sách vở”(14).
Các thông tin trên chưa thể cho chúng ta cái nhìn toàn diện về nỗ lực học tập suốt đời của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường nhưng nội dung đó cũng cho thấy ông không chỉ học tập để có tấm bằng cử nhân, Tiến sĩ mà tiếp tục học tập, học tập suốt đời để trau dồi kiến thức.
Trong Nhà nước pháp quyền
“Tư tưởng pháp luật là tiền đề, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Xây dựng pháp luật bao gồm nhiều bước với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của họ về nội dung của chính sách, về cách thức và kỹ thuật xây dựng pháp luật, về nội dung điều chỉnh của pháp luật và sử dụng các nguồn luật”(15). Do đó, “nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những điều kiện tiên quyết của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(16).
Phần trình bày trên cho chúng ta thấy nỗ lực học tập pháp luật rất quý báu của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường, một tấm gương sáng trong nỗ lực trau dồi kiến thức pháp luật dù hoàn cảnh học tập, trau dồi kiến thức pháp luật không dễ dàng. Bài học đó rất đáng quý cho cuộc sống chúng ta ngày nay trong Nhà nước pháp quyền. Bởi lẽ, để có Nhà nước pháp quyền vững mạnh, có kiến thức pháp luật là cần thiết, đặc biệt là kiến thức pháp luật của những người theo nghề gắn liền với pháp luật, trong đó có Luật sư. Để cùng sống tốt trong Nhà nước pháp quyền mà Hiến pháp đã định, chúng ta cần nỗ lực trau dồi kiến thức pháp luật và nỗ lực học tập của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường là bài học quý cho chúng ta ngày nay.
Bài học về nỗ lực học tập của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường không chỉ có ý nghĩa trong giới Luật sư theo sự nghiệp của ông mà có ý nghĩa cho tất cả những ai sử dụng pháp luật như một bộ phận nghề nghiệp của mình để cùng nhau sống tốt trong Nhà nước pháp quyền đã được Hiến pháp quy định.
Bài học từ tư tưởng cải cách pháp luật
Pháp luật là những gì con người tạo lập ra để phục vụ cuộc sống và cuộc sống không ngừng thay đổi nên pháp luật cũng cần thay đổi; pháp luật được làm ra là để phục vụ con người, cần coi đó là phương thức để cho cuộc sống tốt đẹp hơn hay ít nhất không tồi tệ hơn. Ở Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường, “một trí thức yêu nước, tiến bộ”, chúng ta thường thấy mong muốn có những thay đổi để cuộc sống dân chúng tiến bộ hơn và tư tưởng tiến bộ đó thường được ông thể hiện thông qua mong muốn thay đổi pháp luật. Trong tác phẩm Pháp luật lược luận được công bố năm 1926, ông đã từng nêu rằng “xem xét pháp luật trong quốc gia, luật nào lợi, luật nào hại chúng dân, và nên cải sửa thế nào cho đặng lợi ích quốc gia, xã hội”(17). Sinh thời, không hiếm lần Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường thể hiện tư tưởng tiến bộ với mong muốn sửa đổi pháp luật để cuộc sống dân chúng được tốt hơn.
Chẳng hạn, từ cuối năm 1913, Trường Cao đẳng xã hội học (École des Hautes Etudes sociales) của Pháp tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết về nghiên cứu các vấn đề quan trọng ở xứ Đông Dương và Trường này có mời Phan Văn Trường diễn thuyết. Trong bài diễn thuyết vào ngày 13/3/1914 tại đây, “cụ chỉ đứng về phương diện lịch sử và triết lý mà bày tỏ ý kiến của dân Việt-Nam trông mong ở nước Pháp một cách thắm thiết cao xa ra thế nào, và thỉnh cầu nước Pháp ban hành cho những việc sửa sang thiết yếu là những việc gì? Tư tưởng chánh đáng mà thiết thực, lời lẽ êm ái mà thâm trầm, thính giả bữa đó đều khen là một bài diễn giảng hay”(18).
Một hoạt động nữa của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường cũng rất đáng được nhắc đến khi đề cập tới tình yêu nước của ông thông qua pháp luật, đặc biệt là mong muốn thay đổi pháp luật để dân chúng có cuộc sống tiến bộ hơn. Cụ thể, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ngày 18/6/1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Versailles (18-21/6/1919).
Khi đó, Phan Văn Trường tham gia soạn thảo bản Yêu sách của nhân dân An Nam (bản Yêu sách tám điểm) gửi tới Hội nghị. Bản Yêu sách tám điểm này được Luật sư Phan Văn Trường soạn bằng tiếng Pháp trong đó có nội dung thể hiện mong muốn thay đổi pháp luật để cuộc sống được cải thiện như yêu sách thứ hai, theo đó cần “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam” hay yêu sách thứ 7, theo đó “Thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”.
Trong Nhà nước pháp quyền, pháp luật có vai trò thiết yếu và pháp luật này không bất biến mà luôn được thay đổi để phù hợp với thay đổi, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền và nhu cầu thay đổi pháp luật, một tài liệu nêu rằng “để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay cần tập trung vào (…) hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và cơ chế thực hiện pháp luật hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật”(19). Thực tế, “trong gần 30 năm đổi mới toàn diện của đất nước, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực lập pháp, song hệ thống luật pháp của chúng ta cho đến nay vẫn tỏ ra chưa theo kịp thực tiễn và còn nhiều bất cập. Do vậy, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý lại được đặt ra một cách cấp thiết hơn, nhằm xây dựng hệ thống luật pháp của Việt Nam một cách hoàn chỉnh và ổn định hơn, làm cơ sở cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(20). Nói cách khác, để hướng tới Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, “hệ thống pháp luật Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện”(21).
Như vậy, việc hoàn thiện pháp luật là một nhu cầu trong Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới và việc hoàn thiện này được thể hiện trong thực tế bằng việc thay đổi các quy định đang tồn tại bằng những quy định mới với tinh thần cấp tiến hơn. Tinh thần cấp tiến trong thay đổi pháp luật này không xa lạ trong con người Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường; những hành động yêu nước thông qua pháp luật của ông, đặc biệt thông qua tinh thần cải cách pháp luật với tư tưởng cấp tiến như nêu trên vẫn còn giá trị tham khảo cho chúng ta ngày nay trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bài học từ tuyên truyền pháp luật
Sinh thời, Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường rất quan tâm tới giáo dục, tới truyền bá những tư tưởng tiến bộ trong đó có truyền bá kiến thức pháp luật. Ông quan niệm rằng “hễ nước nào chúng dân có chăm xem xét những việc lợi hại quốc gia, có biết pháp luật mà gìn giữ quyền tự do cùng mọi quyền của quốc dân thì quốc gia mới cường thạnh, nhơn dân mới chóng tiến bộ, chóng văn minh”(22). Nhiều tài liệu cho thấy ông tìm cách truyền bá trực tiếp tư tưởng pháp luật cho dân chúng.
Chẳng hạn, thời ở Pháp, ông có vai trò quan trọng đối với Hội thân ái (La Fraternité). Khi viết về mối quan hệ giữa La Fraternité và Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường, một tài liệu nêu rằng “Lúc đầu, mỗi tháng Hội La Fraternité nhóm hội nhiều lần, và tổ chức ra những cuộc hội đàm rất có ý nghĩa. Anh em cùng nhau bàn bạc ra nhiều cái ý kiến rất hay cho cuộc lưu học của người ở đất nước Pháp, và tính rộng ra tới việc truyền bá học thuật nước Pháp ở bên Tổ quốc mình nữa”(23).
Ngày 22 tháng chạp năm 1923, Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường ở Marseille đáp chiếc tầu Nhật để về nước và “sang 21 janvier 1924 cụ về tới đất nước nhà, sau 15 năm xa cách”(24). Thời kỳ sống ở Việt Nam (sau khi rời Pháp), ông vẫn lo nghĩ về vấn đề giáo dục nước nhà, truyền bá tư tưởng tiến bộ cho dân chúng trong đó có kiến thức pháp luật. Thực vậy, có tài liệu cho biết rằng ngày 17/3/1925, tại trụ sở Hội Khuyến học Nam Kỳ, ông đã diễn thuyết về “Việc giáo dục học vấn trong dân tộc An Nam”, bài diễn thuyết dài 24 trang rất nổi tiếng này đã được Nhà in Xưa-Nay sau đó ấn hành thành sách. Ông kêu gọi mỗi người dân tùy tài, tùy lực mà hãy tận tâm phụ giúp những việc giáo dục học vấn cho dân tộc An Nam; nước nào muốn cho hồn cố hương mỗi ngày càng tinh anh hơn thì phải “học hành, luyện tập chép sách, dịch sách, để cho tiếng quốc ngữ càng ngày càng rõ ràng, gọn gàng, thâm thúy, tinh thần hơn”.
Không chỉ quan tâm tới giáo dục và truyền bá tư tưởng pháp luật thông qua diễn thuyết trực tiếp, Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường còn truyền bá những tư tưởng tiến bộ, kiến thức pháp luật thông qua sách, báo. Trong thời gian sống ở Việt Nam (sau khi rời Pháp), Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường hoạt động rất tích cực với tờ báo tiếng Pháp nổi tiếng đương thời là La Cloche Fêlée (Chuông rè) và L’Annam (Nước Nam). Thông qua các tờ báo này, ông thể hiện là“ngòi bút sắc sảo, vốn kiến thức Đông-Tây uyên thâm, sự am tường luật pháp”(25).
Nói về truyền bá tư tưởng pháp luật của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường, chúng ta không thể không kể đến tác phẩm nổi tiếng của ông. Đó là cuốn Pháp luật lược luận (do Nhà in Xưa-Nay xuất bản năm 1926) mà ông soạn ra để truyền bá những kiến thức cơ bản về pháp luật. Trong cuốn sách này, ông đã nêu “những người không có chuyên môn pháp luật, cũng nên suy xét, nghiên cứu cho biết đại ý quy củ pháp luật là những thể nào, để mà: một là biết giữ quyền tự do, và tư lợi của mình cho người khác không xâm phạm đến được; hai là biết giữ mình không xâm phạm, không hại đến quyền tự do và tư lợi người khác”(26).
Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật có vai trò quan trọng, để pháp luật đi vào cuộc sống, việc tuyên truyền nội dung và tinh thần pháp luật đến dân chúng là vô cùng cần thiết.
Khi bàn về xây dựng Nhà nước pháp quyền, một tài liệu nhấn mạnh rằng “Thực tiễn cho thấy rằng, một trong những nguyên nhân của việc thực hiện pháp luật chưa tốt là do kiến thức về luật pháp chưa tốt, nhiều người dân chưa am hiểu về luật pháp, chưa ý thức được sự cần thiết phải chấp hành luật, hoặc do không nắm được luật nên vi phạm mà không biết. Chính vì vậy, để tăng cường việc thực thi pháp luật, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, chú trọng sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, của các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như bộ máy chính quyền các cấp và cuối cùng là siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, để mệnh lệnh hành chính luôn được chấp hành một cách nghiêm túc và thông suốt từ trung ương đến cơ sở”(27). Ở đây, để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, cần “nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các đặc trưng cơ bản, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động”(28).
Trước nhu cầu tuyên truyền pháp luật như nêu trên trong Nhà nước pháp quyền, những gì Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã làm để tuyên truyền pháp luật vẫn còn giá trị kinh nghiệm cho thế hệ sau chúng ta. Ở đây, bên cạnh việc truyền bá tinh thần cũng như nội dung pháp luật một cách trực tiếp cho dân chúng, việc tuyên truyền pháp luật qua sách, báo cũng cần tiếp tục được phát huy, đặc biệt là đối với những người gắn bó với pháp luật.
Bài học từ vận dụng pháp luật
Khi nói về lòng yêu nước của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường thông qua pháp luật, chúng ta không thể không nói đến việc ông sử dụng pháp luật để phục vụ dân chúng. Sự am tường pháp luật của ông không chỉ được sử dụng vào cải cách pháp luật như chúng ta đã thấy mà còn được sử dụng để giúp đỡ dân chúng. Sinh thời, Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường có không ít những hành xử được kính mến thông qua việc sử dụng pháp luật giúp đỡ người dân. Chẳng hạn, trong năm 1912, “đồng bào ta ở Paris mới phát sanh ra cái ý kiến muốn lập ra một hội ái hữu của các học sinh ta lưu học bên Pháp” và “rồi đó có hội La Fraternité tổ chức ra. Ấy là cơ quan ái hữu trước nhứt của đồng bào ta du học bên Pháp. Chính cụ Trường thảo điều lệ hội đặt tên hộ và định ra cho hội mục đích”(29). Ở đây, Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã biết vận dụng kiến thức pháp luật để viết ra được điều lệ để hội có thể hoạt động phù hợp với pháp luật của Pháp thời đó. Thời kỳ sống ở Pháp, Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường còn có ứng xử nữa cũng rất đáng được nhắc đến khi đề cập tới việc sử dụng pháp luật để giúp đỡ người dân. Thực tế, ông đã có một thời làm việc ở Toulouse (miền Nam của Pháp) và “số là lính thợ Việt- Nam ta đông ở Toulouse rất kính trọng cụ Trường; mỗi khi anh em muốn làm đơn thĩnh cầu đều gì, cũng đều hỏi ý và nhờ cụ làm đơn giùm. Cụ giữ gìn cẩn thận khi nào anh em muốn làm đơn kêu nài, thì cụ bảo viết ra quốc ngữ, rồi cụ theo đó mà dịch ra chữ tây giùm cho”(30). Việc sử dụng kiến thức am tường pháp luật của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường để giúp đỡ người dân không chỉ được thể hiện ở thời gian ông sống ở Pháp. Việc này vẫn được Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường tiếp tục khi về Việt Nam sinh sống. Thực tế, sau khi rời Pháp về Việt Nam, ông thuê nhà số 119 đường Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), mở Văn phòng Luật sư tham vấn nhằm giúp đồng bào dùng luật lệ để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình. Việc sử dụng pháp luật giúp đỡ dân chúng của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã được Báo Phụ nữ tân văn miêu tả một cách giản dị nhưng rất có giá trị tham khảo cho chúng ta hiện nay. Cụ thể, Báo này nêu rằng “Bố tánh cụ Trường vốn không ham trọng tiền bạc, coi như về sau, hồi cụ ở Saigon đây, mở phòng trạng sư cố vấn, ai muốn đưa bao nhiêu tiền thì đưa, cụ
không đòi hỏi gì hết”(31).
Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới, chúng ta “quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật” như Nghị quyết của Đảng đã xác định.
Thực tế, dân chúng phải tuân thủ pháp luật, phải ứng xử phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai trong dân chúng cũng am tường pháp luật, hiểu biết pháp luật và dân chúng cần sự hỗ trợ của người có kiến thức pháp luật, am tường pháp luật.
Ở đây, tình yêu nước thông qua sử dụng pháp luật phục vụ dân chúng như nêu trên của Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường vẫn là kinh nghiệm quý báu cho chúng ta ngày nay, thời đại mà chúng ta đang sống trong Nhà nước định hướng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Kết luận
Luật sư, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã rời xa chúng ta cách đây 90 năm. Ông sinh ra, lớn lên và mất trong bối cảnh đời sống của nhân dân ta có nhiều khó khăn. Khi viết về cuộc đời của ông, Báo Phụ nữ tân văn đã miêu tả rất đúng khi nêu rằng “Bao nhiêu học vấn sự nghiệp trong một đời cụ, có những chỗ nào vẻ vang sáng tỏ, cho tới những là phẩm hạnh mà ta kính tôn, danh dự mà ta hâm mộ, tài năng mà ta mến yêu, nhất thiết đều ở chung quanh cái đời gian truân lưu lạc”(32). Ở ông, chúng ta thấy “một nhà lý thuyết, tư tưởng, thấy việc gì phải thì làm, gặp lẽ gì sai thì nói”(33). Tình yêu quê hương, đất nước của ông, một nhà trí thức, có quan hệ mật thiết với pháp luật. Những gì ông đã làm và để lại vẫn còn nhiều giá trị cho chúng ta ngày nay, đặc biệt là đối với những người có nghề nghiệp gắn liền với pháp luật.
(1) V.A, Cái đời gian truân lưu lạc của cụ Phan Văn Trường, Báo Phụ nữ tân văn, số 211, ngày 10/8/1933, tr.13. (2) V.A, bđd, tr.13. (3) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, ngày 21/9/1933, tr.5. (4) Trương Hồ Hải và Đặng Viết Đạt, Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Tạp chí Cộng sản ngày 11/9/2023, (5) Phan Văn Trường, Pháp luật lược luận, Nhà in Xưa-Nay, Saigon 1926, tr.1. (6) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 211, ngày 10/8/1933, tr.15. (7) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 212, ngày 17/8/1933, tr.9. (8) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 211, ngày 10/8/1933, tr.15. (9) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 214, ngày 31/8/1933, tr.7. (10) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 216, ngày 14/9/1933, tr.12. (11) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 216, ngày 14/9/1933, tr.12. (12) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 217, ngày 21/9/1933, tr.5. (13) Nguyễn An Ninh, Vài lời nhắc nhớ, Báo Trung Lập, ngày 27/4/1933. tr.1. (14) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 217, ngày 21/9/1933, tr.7. (15) Nguyễn Đức Minh, Nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, ngày 29/12,2021. (16) Nguyễn Đức Minh, tlđd. (17) Phan Văn Trường, sđd, tr.1. (18) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 215, ngày 07/9/1933, tr.6. (19) Trương Hồ Hải và Đặng Viết Đạt, tlđd. (20) Trần Kim Cúc, Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay - Từ lý luận đến thực tiễn, Tạp chí Cộng sản, ngày 16/01/2014. (21) Trương Hồ Hải và Đặng Viết Đạt, tlđd. (22) Phan Văn Trường, sđd, tr.2. (23) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 214, ngày 31/8/1933, tr.5. (24) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 217, ngày 21/9/1933, tr.5. (25) https://thanhnien.vn/phan-van-truong-tri-thuc-cua-hai-the-gioi-1851026006.htm, ngày 20/9/2023. (26) Phan Văn Trường, sđd, tr.1. (27) Trần Kim Cúc, tlđd. (28) Trương Hồ Hải và Đặng Viết Đạt, tlđd. (29) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn số, 214, ngày 31/8/1933, tr.5. (30) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn số, 216, ngày 1/9/1933, tr.12. (31) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn số, 216, ngày 14/9/1933, tr.11. (32) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 211, ngày 10/8/1933, tr.13. (33) V.A, bđd, Báo Phụ nữ tân văn, số 211, ngày 10/8/1933, tr.14. |
GS.TS ĐỖ VĂN ĐẠI
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh