/ Tin tức
/ Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay

11/04/2024 06:15 |

(LSVN) - Tiếp tục chỉ đạo, điều hành các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, có giải pháp đột phá tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; mở rộng, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đẩy mạnh quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu và dịch vụ ăn uống, nhà hàng...; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 05/4/2024 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 03 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung thực hiện theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, các quốc gia liên quan, các đối tác, nhất là chính sách về tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư...; phân tích, dự báo để kịp thời có phương án điều hành, phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. 

Tiếp tục chỉ đạo, điều hành các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, có giải pháp đột phá tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; mở rộng, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đẩy mạnh quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu và dịch vụ ăn uống, nhà hàng...; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Chủ động, nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, nhà ở và các hàng hóa thiết yếu. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, hiệu quả các mặt hàng do Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, nhất là đối với việc điều chỉnh học phí, tính chi phí nhân công trực tiếp, chi phí quản lý vào dịch vụ khám, chữa bệnh, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Chú trọng phát triển thị trường trong nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch, nhất là dịp cao điểm du lịch hè 2024. Khẩn trương triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng, đẩy mạnh phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu; tạo thuận lợi thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa.

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các dự án cao tốc Đông - Tây; sân bay, cảng biển; đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh.

Đẩy nhanh việc hoàn thiện, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia; khẩn trương ban hành và triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt. Khôi phục và phát huy đà tăng trưởng ngành công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm. Chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Tăng cường công tác quản lý và thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng.

Tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Tiếp tục phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, các loại khoáng sản, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...

Chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội; quan tâm, hỗ trợ kịp thời các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng yếu thế; xuất cấp gạo hỗ trợ người dân trong thời điểm giáp hạt. Tăng cường kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới. Triển khai hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, chủ động, quyết liệt, kịp thời ứng phó, kiểm soát và xử lý các loại dịch bệnh truyền nhiễm.

Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung triển khai kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nêu tại mục III Báo cáo số 2170/BC-VPCP ngày 02 tháng 4 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả cải cách thủ tục hành chính tháng 3 năm 2024 và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xem xét, trả lời theo thẩm quyền những đề xuất, kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương nêu tại Phụ lục IX kèm theo Báo cáo này; đồng thời gửi kết quả về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo trước ngày 25 hằng tháng.

Khẩn trương cung cấp thông tin, số liệu về kết quả cải cách thủ tục hành chính và xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo văn bản số 174/TTg-KSTT ngày 13 tháng 3 năm 2024 và Công văn số 1739/VPCP-KSTT ngày 18 tháng 3 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 10 tháng 4 năm 2024 để tổng hợp, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số theo chủ đề năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chỉ đạo về chuyển đổi số giao tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ. Khẩn trương rà soát lại các hệ thống công nghệ thông tin, thực hiện đúng và nghiêm túc các yêu cầu về an toàn, an ninh mạng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền; nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về quyền con người, quyền công dân, công tác thông tin tuyên truyền đối nội, đối ngoại về các thành tựu nhân quyền ở Việt Nam.

Khẩn trương báo cáo kết quả xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm của bộ, cơ quan, địa phương gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ để theo dõi, hoàn thành trước ngày 15 tháng 4 năm 2024.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu, tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn quy định; đồng thời chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, báo cáo.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm hơn các Luật này. Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo.

Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT tại Tờ trình số 2451/TTr-GTVT ngày 08 tháng 3 năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại văn bản số 1762/VPCP-CN ngày 13 tháng 3 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin, số liệu, nhận định đánh giá tại Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tình hình triển khai kế hoạch năm 2024, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10 tháng 4 năm 2024 để tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Báo cáo.

TRẦN NGUYÊN

Chính phủ yêu cầu hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Nguyễn Hoàng Lâm