/ Thư viện pháp luật
/ Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập ngành tư pháp

Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập ngành tư pháp

08/11/2022 08:34 |

(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 07/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp.

Thông tư này quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp có hoạt động sự nghiệp công trong các lĩnh vực gồm: trợ giúp pháp lý; bồi thường nhà nước; lý lịch tư pháp; công chứng; đấu giá tài sản; đăng ký biện pháp bảo đảm; hỗ trợ pháp luật, tư vấn pháp luật.

Ảnh minh họa.

Trong đó, Thông tư quy định rõ các tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp như sau:

- Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị đồng thời phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

- Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền thành lập từ Trung ương đến địa phương theo quy định của pháp luật.

- Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư cũng quy định rõ nguyên tắc, việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp phải phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Nghị định số 120/2020/NĐ-CP).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/12/2022.

THU HƯƠNG

Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Loan B T Thanh