(LSVN) - Vấn nạn "tín dụng đen" đã và đang gây nên những hệ lụy to lớn đối với đời sống người dân, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực hi vọng ngăn chặn và đẩy lùi loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, "tín dụng đen" lại "biến tướng" hoạt động dưới hình thức cho vay theo công nghệ online với chiêu trò, mô thức như loại hình cho vay nặng lãi truyền thống.
Ngày 14/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, công tác phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn có mặt hạn chế và chưa thực sự hiệu quả, người dân vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 4/2020, toàn quốc có 27.999 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ với hơn 1.000 người làm nghề. Trong đó có hơn 7.770 cơ sở cầm đồ có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” (1.410 cơ sở không có giấy phép), do 5.008 cá nhân làm chủ; có hơn 1.700 cơ sở kinh doanh tài chính liên quan đến “tín dụng đen” (521 cơ sở không có giấy phép), 3.909 cá nhân cũng có biểu hiện cho vay nặng lãi. Hiện nay, “tín dụng đen” có lãi suất từ 100% đến 300%/năm, thậm chí lên đến hơn 1.000%/năm, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính, tiền tệ cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thời gian qua, nhiều vụ án liên quan đến tín dụng đen đã được cơ quan chức năng triệt phá, một trong những đặc điểm chung của các hoạt động này là cho vay với lãi suất rất cao, khi các con nợ không thực hiện trả nợ sẽ bị siết nợ bằng mọi cách, thậm chí dùng cả vũ lực.
Điều đáng lo ngại, hình thức cho vay “cắt cổ” này đã len lỏi đến tận các vùng quê xa xôi, hoặc trà trộn vào tận trường học với khách hàng là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
Ngày 21/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an huyện Thanh Hà đồng loạt tiến hành kiểm tra 7 cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên địa bàn huyện Thanh Hà. Quá trình kiểm tra, đến ngày 19/6 xác minh làm rõ các đối tượng đã cho 3.783 lượt vay, với tổng số tiền lên tới gần 60 tỷ đồng; tiền lãi thu về hơn 24 tỷ đồng.
Quá trình đấu tranh, làm rõ các đối tượng bước đầu khai nhận mở hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu vay/1 ngày tương đương với lãi suất từ 109,5 đến 182,5%/1 năm. Các đối tượng còn đánh con nợ khi không trả nợ đúng hẹn.
Tại Quảng Nam, cơ quan chức năng cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ phạm tội, vi phạm pháp luật có dấu hiệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh và một số địa phương đã khởi tố nhiều vụ án, khởi tố bị can về hành vi “bắt, giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản” với mục đích yêu cầu trả nợ do vay mượn với lãi suất cao, không có khả năng trả nợ...
Tháng 5/2019, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua một số vụ án liên quan đến việc cho vay nặng lãi bị triệt xóa và bắt giữ, trong một số giao dịch cho vay lãi, có không ít đối tượng đi vay là các em học sinh. Quá trình điều tra vụ án, lực lượng Công an đã thu thập được nhiều xe đạp, thẻ học sinh… là phương tiện mà các em đem đi cầm cố.
Trong thời buổi công nghệ số, hình thức tín dụng đen cũng đã chuyển đổi phương thức hoạt động ngay trên các trang mạng xã hội. Không trực tiếp thông qua "đầu nậu" như "tín dụng đen" truyền thống, "tín dụng đen" online hoạt động mạnh trên các link quảng cáo, các trang mạng xã hội...
Nếu tìm kiếm từ khóa "vay tiền nhanh" trên Google, chỉ trong vòng chưa đến 1 giây đã có hơn 70 triệu kết quả tìm kiếm liên quan đến chủ đề. Trên các trang quảng cáo cho vay tiền, "khách hàng" sẽ được giới thiệu thủ tục cho vay hết sức nhanh gọn, lãi suất thấp, kèm theo những lời quảng cáo hấp dẫn.
Không chỉ xuất hiện trên các trang tìm kiếm internet, trên ứng dụng CH Play hoặc qua App Store; trên điện thoại chỉ cần gõ từ khóa “vay tiền” ngay lập tức người dùng sẽ thấy xuất hiện rất nhiều ứng dụng vay tiền với các cam kết hấp dẫn. Hầu hết ứng dụng này báo lãi suất vừa phải, có khi rẻ hơn lãi suất của các cơ sở tín dụng và ngân hàng, thậm chí 0%. Tuy nhiên, đến khi duyệt xong, lãi suất sẽ được tính theo cách khác, số tiền thực nhận cũng thấp hơn so với khoản vay ban đầu với đủ lý do như: phí bổ sung, phí bảo hiểm, phí quản lý…
Theo Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, cho vay thông qua ứng dụng trực tuyến đang lan nhanh dù lãi suất cộng phí có thể lên đến 1.400% một năm, gấp 70 lần so với quy định.
Theo các chuyên gia pháp lý, vay tiền qua các ứng dụng trực tuyến (app online) bản chất là hình thức cho vay tín chấp giữa các cá nhân, không chịu sự điều chỉnh của luật pháp, các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự. Chính việc không phải chịu bất cứ sự điều chỉnh nào khiến hình thức cho vay này ngày càng biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường đối với người vay, thậm chí kinh khủng hơn tín dụng đen…
Đứng đằng sau những dịch vụ "tín dụng đen" là các "băng nhóm xã hội" sẵn sàng ra tay nếu con nợ chậm trả theo thỏa thuận. Đã có rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra mà nạn nhân chính là những "con nợ", thậm chí chính là những "chủ nợ" vì dồn ép "khách hàng" của mình đến bước đường cùng.
Ngày 01/01/2021 tới đây, khi Luật Đầu tư mới có hiệu lực có quy định cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê hi vọng sẽ hạn chế bớt những hậu quả thương tâm mà loại hình "tín dụng đen" để lại.
ĐỨC SƠN