Ảnh minh họa.
Việc một ông thầy dạy luật, Trưởng khoa Trường Đại học Luật Hà Nôi bị một cô gái tố cáo đã cưỡng hiếp, đánh đập và đe dọa cô thuộc lĩnh vực mà chúng ta đang đề cập. Người mẹ của cô gái đó là đồng nghiệp với ông, tin cậy mà gửi gắm cô cho ông xin việc vào bệnh viện nơi ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Vụ việc còn phải điều tra, làm rõ, tuy nhiên, một sự thật là cô gái đã lâm vào tình trạng hoảng loạn, phải vào “Nhà bình yên” tá túc và được giúp đỡ ổn định tâm lý. Hội Phụ nữ cũng đã có yêu cầu đề nghị cơ quan chức năng điều vào cuộc. Vụ việc này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ của dư luận, rất nhiều người quan tâm không chỉ là sự tò mò.
Chưa hết, ngay sau sự cố gây ầm ĩ này, một giảng viên khác của Đại học Luật Hà Nội cũng bị tố có hành vi sàm sỡ với các nữ sinh viên của trường. Ngay lập tức, nhà trường đã đề nghị Công an vào cuộc điều tra. Trong một cuộc họp báo gần đây có đề cập đến vụ việc của ông Trưởng khoa bị tố cáo, đại diện của Bộ Nội vụ cho biết đã nắm được nội dung và có hướng để tăng cường hơn việc gìn giữ đạo đức công chức, viên chức.
Lâu nay, chỉ dấu cho thấy việc băng hoại đạo đức trong đội ngũ ông thầy là hành vi “đổi tình, lấy điểm” đã không còn là một hiện tượng cá biệt nữa. Cụm từ này đã thành “từ khóa” mà khi ta gõ vào sẽ có hàng trăm vụ việc hiện lên trên màn hình. Đó là mối nguy cho xã hội, không chỉ là hiện tại mà cả tương lai.
Trở lại với vấn đề “hiểu luật để phạm luật”, dẫn chứng mới nhất là trường hợp của Luật sư Trịnh Văn Quyết, ông chủ FLC nổi tiếng và tai tiếng. Ông đã “úp sọt” (từ của cư dân mạng gọi hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông) đến 3 lần và không thể “quá tam ba bận”, lần này không còn là việc xử phạt hành chính nữa. Là một Luật sư, ông quá hiểu hành vi của mình là vi phạm pháp luật hình sự mà cứ làm, làm đến 3 lần thì chứng tỏ một sự coi thường pháp luật hết sức rõ ràng. Chắc hẳn, việc coi thường pháp luật này của ông không chỉ xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán!
Hoặc nữa, minh chứng cho hiện tượng “bảo vệ pháp luật mà phá hoại pháp luật” là trường hợp mới đây của Đội trưởng Đội chống ma túy Công an huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), ông bị bắt vì hành vi nhận hối lộ 100 triệu đồng để bỏ qua một vụ sử dụng ma túy trên địa bàn thuộc quyền quản lý của ông.
Có thể dẫn ra nhiều ví dụ tương tự về việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lấy danh nghĩa bảo vệ pháp luật mà xâm hại pháp luật nhằm thỏa mãn dục vọng hoặc tiền bạc, chỉ dấu cho thấy sự tha hóa nhân cách, xuống cấp đạo đức và “ngồi xổm” lên đạo lý.
NHỊ NGỌC
Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp