/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

09/04/2024 06:43 |

(LSVN) - Dấu hiệu y học và dấu hiệu tâm lý là những điều kiện cần và đủ để xác định một người ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Dấu hiệu y học có vai trò như là nguyên nhân và dấu hiệu tâm lý là hậu quả.

Ảnh minh hoạ.

Quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự

Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:

"1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự."

Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:

"Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự." 

Có thể thấy, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và được quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015, so với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định này đã rút gọn hơn, nêu rõ các trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là trường hợp chủ thể là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng bị áp dụng biện pháp tư pháp như bắt buộc chữa bệnh trên cơ sở chung.

Về quy định này, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) đã chia ra các trường hợp như sau:

(i) Trường hợp người không có năng lực trách nhiệm hình sự mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật Hình sự này quy định phải áp dụng các biện pháp y tế bắt buộc theo quy định của Bộ luật này quy định (khoản 2 Điều 21);

(ii) Trường hợp có năng lực trách nhiệm hình sự mà vào đúng thời điểm thực hiện tội phạm bị rối loạn thần kinh không thể nhận thức đầy đủ tính chất thực tế và mức độ nguy hiểm do hành động (không hành động) của mình gây ra hoặc không thể điều khiển hành vi của mình thì phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 22).

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) quy định cụ thể các trường hợp sau: 

(i) Người mắc bệnh tâm thần gây hậu quả nguy hiểm trong khi mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, sau khi được xác nhận thông qua các thủ tục pháp lý thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng người nhà hoặc người bảo lãnh có nghĩa vụ phải tăng cường giám sát nghiêm ngặt và chữa bệnh cho họ. Trong trường hợp cần thiết chính quyền có thể cưỡng chế chữa bệnh;

(ii) Người mắc bệnh tâm thần mà phạm tội khi thần kinh đang bình thường thì phải chịu trách nhiệm hình sự;

(iii) Người mắc bệnh tâm thần phạm tội vào thời điểm chưa hoàn toàn mất hết khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng có thể được giảm nhẹ hình sự.

Dấu hiệu xác định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các dấu hiệu để xác định một người thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự:

Về dấu hiệu y học: Thể hiện ở việc mắc bệnh tâm thần kinh niên hoặc rối loạn tâm thần tạm thời hoặc một bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần. Trong đó, bệnh tâm thần có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân:

- Nguyên nhân đầu tiên có thể do tổn thương trực tiếp đến não bộ gây trở ngại cho hoạt động của não như là: chấn thương sọ não, nhiễm độc thần kinh, các bệnh mạch máu não, các tổn thương não khác...

- Nguyên nhân thứ hai phát sinh do từ tâm lý của người bệnh: rối loạn lo âu, ám ảnh; rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên do giáo dục không đúng, môi trường xã hội không thuận lợi, căng thẳng tâm lý...

- Nguyên nhân thứ ba phát sinh do cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý: các dị tật bẩm sinh, thiếu sót về hình thành nhân cách.

Dấu hiệu tâm lý: Thể hiện ở việc một người không thể đánh giá được hành vi của mình, không thể nhận thức được các yêu cầu của xã hội liên quan đến vi đã thực hiện, không điều kiện được hành vi của minh.

Như vậy, dấu hiệu y học và dấu hiệu tâm lý là những điều kiện cần và đủ để xác định một người ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Dấu hiệu y học có vai trò như là nguyên nhân và dấu hiệu tâm lý là hậu quả. Ngoài ra, đối với trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 trước khi bị kết án thì cũng đã được áp dụng các biện pháp buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thực tiễn xét xử cho thấy, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, chỉ khi nào xuất hiện các căn cứ nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của một người nào đó, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm mới cần kiểm tra và giám định. Vì vậy, việc xác định năng lực trách nhiệm hình sự của một người không phải là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các trường hợp, mà chỉ đối với 1 số ít trường hợp thực tiễn yêu cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

2. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

3. Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch): Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011;

4. Đinh Bích Hà (dịch và giới thiệu): Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011.

 PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án quân sự Quân khu 7

Nguyễn Mỹ Linh