/ Dọc đường tố tụng
/ Tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp

Tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp

23/10/2021 16:19 |

(LSVN) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 23/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn); sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết này.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn), Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí xã hội; tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.

Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị quyết phải bảo đảm các quan điểm: Thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và xây dựng xã hội số; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền: Độc lập, công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật và trật tự tôn nghiêm; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng theo quy định của pháp luật; tham khảo, có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xét xử trực tuyến, để tiếp thu phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Ngoài ra, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

Nghị quyết giao Tòa án nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an và cơ quan có liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến. Dự kiến, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

HUYỀN TRANG

Đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH

Lê Minh Hoàng