Ảnh minh họa.
Khái niệm phiên tòa trực tuyến và quyền xét xử của người bị buộc tội
Theo quy định tại khoản 3 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự "Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày".
Phiên tòa hình sự là hình thức hoạt động xét xử các vụ án hình sự của Tòa án và được đưa ra xét xử công khai, trực tiếp tại phiên tòa. Tuỳ theo tính chất của thủ tục xét xử vụ án mà có phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, phiên tòa giám đốc thẩm và phiên tòa tái thẩm. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong thời hạn luật định Tòa án phải mở phiên tòa hình sự sơ thẩm để xét xử vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra toàn bộ quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ và ra quyết định giải quyết vụ án.
Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Phiên tòa trực tuyến là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử của ngành Tòa án.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “2. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai”, quyền xét xử của người bị buộc tội thể hiện trên ba phương diện:
Thứ nhất: Quyền được xét xử kịp thời trong thời hạn luật định. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định và có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, như vậy, việc Tòa án mở phiên tòa xét xử trong thời hạn luật định là căn cứ chứng minh, xem xét một hành vi có tội hay không có tội và chịu hinh phạt nào, không vì bất cứ lý do gì để không mở phiên tòa.
Thứ hai: Quyền được xét xử công bằng: Ở nước ta, khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”; Điều 9 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: “1. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào”, “2. Cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”; Điều 23 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “1.Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”, “2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.
Những quy định trên cho thấy, ở nước ta, quyền của người bị buộc tội được xét xử công bằng bởi Tòa án xét xử độc lập và được thành lập theo luật thể hiện qua các nội dung sau:
- Xét xử độc lập, khách quan: Đòi hỏi hoạt động xét xử của Tòa án không bị phụ thuộc, không bị tác động bởi bất cứ chủ thể nào; thông qua phiên tòa, Tòa án kiểm tra, đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa… và đưa ra bản án, quyết định đúng pháp luật; Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử người bị buộc tội không chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án hay Tòa án cấp trên; không bị phụ thuộc vào kết luận điều tra và cáo trạng (có quyền có quan điểm và kết luận khác với Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát); các thành viên trong Hội đồng xét xử cũng độc lập với nhau, ý kiến biểu quyết của hội thẩm có giá trị như của Thẩm phán. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng nghiêm cấm tổ chức, cá nhân can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án.
- Được thành lập theo luật: Mặc dù Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập nhưng phải tuân theo pháp luật trong việc giải quyết vụ án hình sự, tuân theo các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ ba: Quyền được xét xử công khai: Phiên tòa công khai góp phần thực hiện cơ chế giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Tòa án. Nguyên tắc này được hình thành với tinh thần bao trùm là “Tòa án không những có nhiệm vụ thi hành công lí mà còn phải cho thấy công lí đã được thi hành”. Vì vậy, nội dung chủ đạo của nguyên tắc là công việc xét xử của Tòa án phải được tổ chức sao cho công chúng có thể tham dự được và thông tin về việc xét xử đến với công chúng một cách tối đa. Nội dung này thể hiện ở một số khía cạnh cụ thể sau:
Thứ nhất, trước khi xét xử mỗi vụ án, Tòa án phải công khai địa điểm, thời gian xét xử để công chúng được biết nếu quan tâm.
Thứ hai, phiên xử phải được tổ chức công khai để người dân tham dự nếu có nhu cầu. Tòa án không được từ chối người dân thực hiện quyền này, trừ các trường hợp được phép xét xử kín theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà Tòa án không đáp ứng được (ví dụ, phòng xử án đã chật...), thì Tòa án phải áp dụng các biện pháp để người dân theo dõi được diễn biến của phiền tòa.
Thứ ba, trong quá trình xét xử, có một số công đoạn có thể được thực hiện không công khai (ví dụ, khi Nghị án, khi hòa giải các bên), song bản án phải được tuyên công khai và công bố để mọi người biết và nghiên cứu nếu muốn.
Thứ tư, Tòa án phải đưa ra phân tích, lập luận, lý do cho mỗi phán quyết của mình và viết rõ lập luận, lý do đó trong bản án được công bố, làm sao phải cho người dân thấy mỗi quyết định của Tòa án đều phải có lí lẽ được phân tích và lập luận một cách rõ ràng.
Thứ năm, nguyên tắc xét xử công khai không mang tính tuyệt đối.
Mối quan hệ giữa phiên tòa trực tuyến và quyền xét xử của người bị buộc tội
Quyền được Tòa án đưa vụ án ra xét xử của người bị buộc tội là quyền có mối quan hệ chặt chẽ với quy định mở phiên tòa của Tòa án. Xét về mặt nội hàm việc mở phiên tòa hình sự sơ thẩm là căn cứ để xác định bị cáo có tội hay không có tội, hình phạt và các vấn đề khác, tại phiên tòa đương sự hoặc người bào chữa chứng minh và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, việc mở phiên tòa không chỉ là trách nhiệm của Tòa án mà góp phần thực hiện quyền con người của người bị buộc tội.
Phiên tòa trực tuyến là kết quả của việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng 4.0 và tác động tới một số thành tố của quyền xét xử của người bị buộc tội, trong đó, phiên tòa trực tuyến tác động lớn và rõ ràng nhất đến trên các phương diện:
Thứ nhất: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly, giãn cách xã hội. Do đó hoạt động xét xử của TAND cũng bị ảnh hưởng, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định. Một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa. Vì vậy, phiên tòa trực tuyến là biện pháp hiệu quả đảm bảo tốt nhất quyền xét xử đúng thời hạn luật định của người bị buộc tội.
Thứ hai: Phiên tòa trực tuyến mọi người đều có thể theo dõi, các tài liệu, trình tự thủ tục mang tính công khai, các thành viên Hội đồng xét xử không bị tác động bởi bất kỳ yếu tố nào nên đảm bảo tính công bằng trong phán quyết.
Thứ ba: Phiên tòa trực tuyến góp phần bảo đảm công khai trên hai phương diện đó “Phiên tòa công khai” và “Công lý công khai”, phiên tòa trực tuyến không chỉ mang nghĩa trực diện là công chúng có thể trực tiếp tham dự và theo dõi phiên xét xử, mà cần được hiểu rộng hơn là nhân dân cũng có thể theo dõi, dám sát quá trình tố tụng tại bất kỳ thời điểm và địa điểm nào thông qua các phương tiện kỹ thuật số.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phiên tòa trực tuyến đảm bảo quyền xét xử của người bị buộc tội
Thứ nhất: Cụ thể hóa các quy định về phiên tòa trực tuyến trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là một căn cứ để phiên tòa trực tuyến.
Thứ hai: Cần quy định chặt chẽ điều kiện đối với các vụ án mở phiên tòa trực tuyến, bên cạnh những ưu điểm của phiên tòa trực tuyến vì do được thực hiện dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ nên quá trình vận dụng có thể bị ảnh hưởng, nên xét xử các vụ án tình tiết, tính chất ít phức tạp, giải quyết trong thời gian ngắn.
Thứ ba: Số hóa hồ sơ vụ án, đây là yêu cầu quan trọng nhằm ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin tại các phiên tòa trực tuyến. Số hóa hồ sơ vụ án hình sự là phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển hóa chứng cứ từ dạng vật chất thành dạng file hình ảnh hoặc video để những người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính, thông qua thiết bị trình chiếu có thể nhìn thấy, nghiên cứu và trích cứu mà không phải sử dụng đến hồ sơ vụ án bằng giấy.
Thứ tư: Tăng cường tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm xét xử phiên tòa trực tuyến, mở lớp nghiệp vụ đào tạo về phiên tòa trực tuyến cho đội ngũ làm cán bộ chuyên môn trong hệ thống Tòa án.
Thứ năm: Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhất là hệ thống công nghệ thông tin và mở các lớp đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin nhằm khai thác có hiệu quả sức mạnh nền tảng số.
TRẦN VĂN HÙNG
Tòa án Quân sự Quân khu 4