Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo khoản 3, Điều 200, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Đồng thời, phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 15, Điều 210, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
Dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện bao gồm:
- Dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư; đã được lựa chọn hoặc công nhận chủ đầu tư đối với trường hợp dự án phải thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư;
- Quyền sử dụng đất của dự án, phần dự án chuyển nhượng không thuộc trường hợp đang có tranh chấp đang được cơ quan có thẩm quyền thông báo, thụ lý, giải quyết hoặc có tranh chấp nhưng đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật; không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; không thuộc trường hợp luật cấm giao dịch; không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị đình chỉ, tạm đình chỉ giao dịch theo quy định của pháp luật;
- Dự án không bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động hoặc không có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp dự án hoặc phần dự án chuyển nhượng bị xử phạt vi phạm hành chính thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
- Dự án còn trong thời hạn thực hiện;
- Đối với dự án bất động sản chuyển nhượng một phần dự án còn phải bảo đảm các hạng mục công trình xây dựng hoặc mục đích sử dụng, kinh doanh của các công trình xây dựng của phần dự án chuyển nhượng có thể độc lập được với phần dự án khác trong dự án bất động sản.
Ngoài ra, còn phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, bên nhận chuyển nhượng dự án cũng phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 2, 4 và 5, Điều 40, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Điều 40. Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản 2. Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 của Luật này và cam kết tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng nội dung dự án đã được chấp thuận; trường hợp có thay đổi nội dung dự án thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật này. 4. Doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản ngoài tuân thủ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. 5. Ngoài điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4, Điều này, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. |
Đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đã được thu giữ theo quy định tại Điều 7, Nghị quyết 42/2017/QH14 hoặc đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định tại Điều 10, Nghị quyết 42/2017/QH14 trước ngày 01/07/2024 mà đến ngày Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành chưa xử lý xong thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Điều 10 của Nghị quyết 42/2017/QH14 từ ngày 01/01/2024 cho đến khi xử lý xong.
Trước đó, tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) thì chưa có quy định về các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản mà chỉ được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản.
Cụ thể, trong việc xử lý nợ vay, các tổ chức tín dụng được nắm giữ bất động sản và trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định quy định tại Điều 140, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017).
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ quy định khoản 3, Điều 200 và khoản 15, Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
MINH NGUYÊN
Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất