Ảnh minh họa.
Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Sanjeev đã nộp đơn kháng cáo, hồ sơ vụ án hiện được chuyển đến TAND TP. Hà Nội để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Đại diện của ông Sanjeev Nanavati cho biết, theo nội dung của Thư mời làm việc được ông Sanjeev và Tổng Giám đốc VPBank ký ngày 18/02/2018, hợp đồng lao động đầu tiên của ông Sanjeev và VPBank có thời hạn 02 năm và sẽ được tái tục đến 05 năm. Thư mời làm việc cũng quy định rằng VPBank có quyền chấm dứt hợp đồng lao động nếu ông Sanjeev thuộc một trong những trường hợp: (1) Có hành vi thô tục, không đứng đắn; (2) Kết quả công việc dưới mức mong đợi; (30 Các lý do khác, bao gồm: (i) quyết định của chính phủ liên quan đến giấy phép lao động, (ii) tái cơ cấu tổ chức do thay đổi công nghệ, (iii) dư thừa lao động vì lý do kinh doanh hoặc các lý do bất thường và không định kỳ tương tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.
Đến ngày 18/5/2018, VPBank ký ban hành Thư xác nhận, theo đó VPBank xác nhận và đồng ý rằng trong mọi hoàn cảnh bất kỳ sẽ tuyển dụng ông Sanjeev, ít nhất ở cấp bậc và trách nhiệm tương đương vị trí Phó Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành trong 05 năm liên tiếp. Nếu vì bất kỳ lý do nào khác ngoài 03 lý do được định nghĩa trong Thư mời làm việc (nêu ở trên) mà VPBank không thể tiếp tục tuyển dụng ông Sanjeev đủ 05 năm, VPBank sẽ bồi thường cho ông Sanjeev một khoản tiền cho khoảng thời gian còn lại theo tỉ lệ, tính trên mức lương và thưởng cố định hàng năm là 670.800 USD.
Ông Sanjeev bắt đầu chính thức làm việc cho VPBank ở vị trí Phó Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành cao cấp từ ngày 16/7/2018. Tuy nhiên, đến ngày 07/8/2019, VPBank gửi cho ông Sanjeev Thông báo số 110 thông báo rằng quan hệ lao động của ông Sanjeev và VPBank sẽ kết thúc vào ngày 10/02/2020 với lý do tái cơ cấu tổ chức do thay đổi công nghệ. Ngoài Thông báo 110, VPBank không gửi cho ông Sanjeev bất kỳ tài liệu nào khác.
Vì không thấy VPBank có bất kỳ kế hoạch thay đổi công nghệ nào có thể ảnh hưởng đến vị trí công việc của mình nên ông Sanjeev yêu cầu VPBank cung cấp các tài liệu liên quan đến việc thay đổi công nghệ để tìm hiểu, nhưng VPBank từ chối cung cấp. Tại buổi đối thoại ngày 30/10/2019, ông Sanjeev nhắc lại yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc thay đổi công nghệ, tuy nhiên VPBank nhất quyết từ chối.
Sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 10/02/2020, ông Sanjeev khởi kiện VPBank yêu cầu bồi thường khoản tiền như nêu ở trên. VPBank cho rằng việc chấm dứt quan hệ lao động với ông Sanjeev là do tái cơ cấu tổ chức do thay đổi công nghệ, thuộc một trong các trường hợp mà VPBank được quyền chấm dứt hợp đồng theo Thư xác nhận, nên VPBank không có trách nhiệm bồi thường cho ông Sanjeev.
Trong quá trình giải quyết vụ án, VPBank xuất trình Phương án sử dụng lao động và cho rằng đó là tài liệu chứng minh VPBank chấm dứt quan hệ lao động với ông Sanjeev vì lý do “tái cơ cấu tổ chức do thay đổi công nghệ”. Tuy nhiên, đại diện của ông Sanjeev không chấp nhận ý kiến của VPBank, cho rằng Phương án sử dụng lao động thậm chí không có bất kỳ thông tin nào khả dĩ cho thấy việc chấm dứt quan hệ lao động của ông Sanjeev có liên quan đến “tái cơ cấu tổ chức do thay đổi công nghệ”. Ngược lại, nội dung của Phương án sử dụng lao động cho thấy VPBank xóa bỏ vị trí công việc của ông Sanjeev chỉ vì cho rằng cần xóa bỏ lớp báo cáo trung gian giữa các phòng ban kinh doanh và Tổng Giám đốc, và việc này không liên quan đến bất kỳ thay đổi công nghệ nào.
Ngoài ra, VPBank còn trình bày rằng việc chấm dứt quan hệ lao động với ông Sanjeev được VPBank thực hiện hợp pháp, theo đúng quy định về trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, đại diện của ông Sanjeev phản bác rằng tính hợp pháp của việc chấm dứt hợp đồng lao động không liên quan đến yêu cầu khởi kiện của ông Sanjeev, không liên quan đến trách nhiệm bồi thường đã rõ ràng của VPBank.
Đại diện của ông Sanjeev cho rằng với những bằng chứng rõ ràng về trách nhiệm bồi thường của VPBank, lẽ ra ông Sanjeev phải được xử thắng kiện. Rất tiếc là Tòa án cấp sơ thẩm đã chọn bác toàn bộ yêu cầu của ông Sanjeev. Toàn bộ phần nhận định của bản án sơ thẩm (từ trang 9 đến trang 12) chỉ lập lại nội dung trình bày của VPBank. Đáng chú ý, bản án sơ thẩm (tại phần đầu trang 12) kết luận: “… VPBank chấm dứt quan hệ lao động với ông Sanjeev với lý do “tái cấu trúc do thay đổi công nghệ” là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận…”, mà không đề cập, phân tích, đánh giá và chấp nhận bất kỳ bằng chứng nào của việc “tái cấu trúc do thay đổi công nghệ”. Cũng tại trang 12, bản án sơ thẩm còn nhận định rằng VPBank đã thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục cho thôi việc đối với người lao động, trong khi vấn đề này không liên quan đến trách nhiệm bồi thường đã rõ ràng của VPBank.
Đại diện của ông Sanjeev cho rằng bản án sơ thẩm là một điều đáng tiếc, và Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền khắc phục thiếu sót của bản án sơ thẩm để trả lại sự công bằng cho ông Sanjeev. Ông Sanjeev dự định sẽ tiếp tục sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Vì vậy, ông Sanjeev xem vụ kiện với VPBank là một thách thức mà ông cần phải vượt qua, để chứng minh rằng Việt Nam là một quốc gia pháp quyền, nơi mà các chuyên gia, các tài năng từ nước ngoài đến để đóng góp vào sự phát triển, có thể tin tưởng rằng quyền hợp pháp của mình được bảo vệ.
Ngày 30/6/2021 vừa qua, TAND Hà Nội đã ban hành Quyết định số 141/2021/LĐ-PT về việc đưa vụ án nêu trên ra xét xử vào lúc 08h30 ngày 26/7/2021. Tuy nhiên, ngày 21/7/2021, đại diện của ông Sanjeev nộp đơn xin hoãn phiên tòa với lý do không thể tham dự phiên tòa do bị trở ngại bởi các quy định phòng chống dịch bệnh.
PV
Tòa án bác yêu cầu của nguyên đơn trong vụ án lao động triệu đô