Tham dự Tọa đàm có Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chủ trì Tọa đàm; Luật sư Lê Đức Bính, Bí thư Đảng ủy Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cùng với sự tham gia của các Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Phát biểu tại Toạ đàm, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Việc ban hành và thực hiện Luật này cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động, mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian hơn 8 năm qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, vì vậy đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc sống, nhất là đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Để tiếp tục hoàn thiện đạo luật quan trọng này, các Luật sư tham gia buổi Tọa đàm đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Tại Toạ đàm, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An đã đưa ra một số ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đấu thầu. Đáng chú ý, đưa ra góp ý Điều 5 quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu theo dự thảo 2 Luật Đấu thầu, Luật sư Hảo cho rằng: Dự thảo mới quy định rõ hơn 2 đối tượng nhà thầu trong nước và nhà thầu nước ngoài theo hướng liệt kê cụ thể đối với nhà thầu, nhà đầu tư trong nước là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác được đăng ký, thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; đối với nhà thầu; nhà đầu tư nước ngoài có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp, hạch toán tài chính độc lập.
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An đã đưa ra một số ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đấu thầu.
Điểm c khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật Đấu thầu quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư như sau:
“Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định pháp luật của nước mà nhà thầu được cấp Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác”.
"Quy định trong dự thảo Luật có nhắc đến cụm từ: “mất khả năng thanh toán”. Vậy, như thế nào được coi là nhà thầu, nhà đầu tư là “mất khả năng thanh toán”? Nhà thầu, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục gì để chứng minh mình không “mất cả năng thanh toán”. Có áp dụng theo quy định tại Luật Phá sản 2014 đối với trường hợp này không?", Luật sư Hảo bày tỏ băn khoăn.
Theo Luật Phá sản 2014 tại Điều 4 nêu rõ: "Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán". Thực tế để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán dẫn đến có phá sản hay không là khó xác định. Do đó, Luật sư góp ý dự thảo Luật Đấu thầu cần có giải thích, hướng dẫn cụ thể hơn đối với trường hợp này để các nhà thầu, nhà đầu tư có thể thuận tiện hơn trong việc xác định tư cách hợp lệ của mình. Luật sư kiến nghị có thể sửa như sau:
“Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; phải có báo cáo tài chính 3 năm gần nhất để chứng minh khả năng thanh toán theo quy định pháp luật của nước mà nhà thầu được cấp Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác thầu về Điều kiện đối với cá nhân tham gia”.
Tại Toạ đàm các Luật sư cũng bày tỏ sự đồng ý với kiến nghị của Luật sư Hảo, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật này.
Liên quan đến nội dung hủy thầu và trách nhiệm khi hủy thầu quy định tại Điều 15 dự thảo Luật, Luật sư Dương Thị Kiều Loan, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 dự thảo Luật thì: “Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 và khoản 2 Điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan để bù đắp chi phi đấu thầu lại và bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật và văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu chưa có quy định cụ thể để làm rõ các loại chi phí để bù đắp chi phí đấu thầu là những chi phí nào để xác định trách nhiệm mà tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu phải đền bù cho các bên liên quan. Do đó, Luật sư đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ các loại chi phí để bù đắp chi phí đấu thầu.
Bên cạnh đó, tại Tọa đàm, các đại biểu cũng góp ý vào nhiều nội dung trong dự thảo luật như: Phạm vi điều chỉnh; cơ chế tổ chức lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp Nhà nước theo các phương án; hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, quy trình, thủ tục, thời gian đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; ưu tiên, ưu đãi đối với nhà thầu sản xuất hàng hóa trong nước;...
Phát biểu tại Toạ đàm, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, bày tỏ sự ghi nhận những ý kiến đóng góp của các Luật sư. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp đó, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội sẽ tổng hợp và hoàn thiện văn bản chính thức để gửi Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội trong thời gian tới.
Toạ đàm đã thể hiện sự tích cực của các Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trong việc tham gia công tác xây dựng, đóng góp ý kiến để hoàn thiện pháp luật. Nghề Luật sư đã góp phần có những đóng góp nhất định trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do nhân dân, vì nhân dân và đặc biệt là khẳng định vị trí, trách nhiệm đóng góp của Luật sư, từ đó, nâng cao vị thế, vai trò của nghề Luật sư.
THANH THANH