Toàn cảnh Tọa đàm.
Các diễn giả khách mời tham dự chương trình có ông Nguyễn Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ Nội chính, Ban Nội chính Trung ương; Thượng tá Nguyễn Hiếu - Phó Trưởng Phòng A4 Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an; bà Đặng Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp.
Về phía Học viện Tư pháp có Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu; Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Minh Hằng cùng các giảng viên và học viên một số lớp đào tạo nghề Luật sư khóa 25.1, khoá 25.2. Sau buổi Tọa đàm này, Học viện Tư pháp tiếp tục tổ chức thêm 02 buổi với sự tham gia của học viên các lớp đào tạo nghề Luật sư khác của khóa 25.1, khoá 25.2.
Tại Tọa đàm, diễn giả khách mời, các giảng viên và các học viên trao đổi nhiều nội dung, trong đó tập trung 04 nội dung chính.
Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu phát biểu tại Tọa đàm.
Chia sẻ về chủ trương của Đảng đối với tổ chức hoạt động Luật sư và vị trí vai trò của Luật sư trong hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các ý kiến nêu rõ, vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của Luật sư được thể hiện trong nhiều văn bản của Đảng, quy định chủ trương, đường lối, chính sách đối với Luật sư, trong đó có Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa 13 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết có nhiều quy định về nghề Luật sư và hoạt động Luật sư Việt Nam, trong đó nhấn mạnh quy định về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chất lượng đội ngũ Luật sư Việt Nam: “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”. Quy định của Đảng về nghề Luật sư và hoạt động Luật sư Việt Nam được thể chế trong Luật Luật sư. Có ý kiến cho rằng, để nâng tầm vai trò, vị thế của Luật sư, giúp cho Luật sư đủ bản lĩnh chính trị, có chỗ dựa tinh thần vững chắc thì nên chăng chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần được cơ cấu trong danh sách Ban chấp hành TW Đảng khóa 14 để qua đó có tác động, làm thay đổi quan điểm của các quan tư pháp trong quá trình tương tác với các Luật sư.
Về vấn đề bản lĩnh chính trị của Luật sư trong quá trình hành nghề, các ý kiến tại Tọa đàm cho rằng hiểu được bản chất giai cấp của pháp luật từ đó tuân thủ pháp luật trong quá trình hành nghề là đã thể hiện bản lĩnh chính trị của Luật sư. Khi thấm sâu ý thức chính trị pháp luật thể hiện ý Đảng lòng dân sẽ vượt qua mọi khó khăn trong đó có cám dỗ vật chất để đóng góp cho sự nghiệp chung.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm.
Luật sư là một trong những nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân. Vì vậy vai trò, trách nhiệm của Luật sư trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được cho rằng thể hiện qua các hoạt động của Luật sư: tham gia tư vấn đầu tư để ko xảy ra tranh chấp, rủi ro trong các hoạt động kinh tế; đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền; đấu tranh với các thế lực thù địch; tuyên truyền các hoạt động đúng đắn; tu dưỡng đạo đức, trau dồi chuyên môn để tạo niềm tin trong nhân dân. Thể hiện đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị trong quá trình hành nghề cũng chính là đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về vai trò của đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp đối với Luật sư, các diễn giả khách mời và các học viên đều khẳng định vai trò quan trọng của cơ sở đào tạo và kỹ năng tự đào tạo của mỗi Luật sư trong quá trình hành nghề từ đó xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng. Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu khẳng định trong quá trình đó luôn luôn có sự đồng hành của Học viện Tư pháp.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu đánh giá Tọa đàm đã thành công tốt đẹp. Mặc dù chưa giải quyết hết băn khoăn, chưa chia sẻ hết trăn trở nhưng các học viên đã có thông tin mới, kiến thức mới được các diễn giả khách mời chia sẻ. Từ phía ngược lại, các diễn giả cũng biết được các học viên đang suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề như thế nào để có định hướng triển khai tốt công việc mình đang đảm nhận. Học viện Tư pháp cũng có cơ hội rà soát, có cái nhìn bao quát hơn về công tác đào tạo để có định hướng đào tạo phù hợp, hiệu quả.
Thay mặt Đảng ủy và Lãnh đạo Học viện Tư pháp, Giám đốc Nguyễn Xuân Thu cảm ơn các diễn giả khách mời đã tham gia hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại Học viện Tư pháp, cảm ơn các học viên đã tham gia Tọa đàm để có được góc nhìn đúng đắn về nghề Luật sư ngay khi đang theo học chương trình đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp.
THANH HƯƠNG
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai ký kết hợp tác cùng Khoa Khoa học xã hội – Luật, Trường Đại học Hoa sen