/ Nghề Luật sư
/ Tọa đàm “Phương thức hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài"

Tọa đàm “Phương thức hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài"

23/11/2023 14:55 |

(LSVN) - Chỉ thị số 45/CT-TƯ và Kết luận số 12/KL-TƯ của Bộ chính trị đã xác định “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia”.

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng cuộc phát động thi đua chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đoàn Luật sư TP. Hà Nội (24/11/1984-24/11/2023), ngày 22/11/2023, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội giao Ban Quan hệ quốc tế chủ trì tổ chức Tọa đàm “Phương thức hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Tới dự có Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhệm Đoàn, Trưởng Ban quan hệ quốc tế; Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Phó Chủ nhiệm Đoàn; các Luật sư trong Ban Chủ nhiệm và các Luật sư thành viên.  

Các đại biểu dự Tọa đàm chụp hình lưu niệm. 

Số liệu Ủy bản Người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy với hoảng gần 6 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, trong đó có trên nửa triệu nhân sĩ, trí thức, doanh nhân là nguồn đóng góp to lớn về tri thức, tinh thần và vật chất cho nước nhà. Sau hội thảo Hỗ trợ pháp lý cho Người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra vào ngày 26/10/2023, một trong những yêu cầu lớn được đặt ra là làm sao để Kiều bào Việt Nam có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập vào xã hội sở tại. Thực tế cho thấy, nhu cầu được trợ giúp pháp lý của người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn, trải dài trên một số lĩnh vực chủ yếu: Quốc tịch, hồi hương, kết hôn & ly hôn, xuất nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, tranh chấp dân sự và lao động quốc tế.

Tại buổi Tọa đàm, các tham luận và ý kiến của các đại biểu đã cùng thống nhất rằng chủ trương của Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư về trợ giúp pháp lý và cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho người Việt Nam ở nước ngoài là chủ trương đúng đắn và hợp xu hướng. Tuy nhiên phương thức thực hiện trợ giúp, đối tượng tiếp cận và lực lượng Luật sư tham gia cung cấp dịch vụ vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, chưa đồng nhất. Kinh nghiệm của Luật sư Nguyễn Hưng Quang trong nhiều năm tư vấn trên VOV4 và Tạp chí Quê hương online cho thấy cần huy động Luật sư trẻ tham gia viết bài, sản xuất nội dung trong các giao thức tương tác với kiều bào, bên cạnh đó cần xây dựng Ngân hàng dữ liệu giải đáp tập trung vào các lĩnh vực bà con kiều bào quan tâm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với đơn vị bảo hiểm nghề nghiệp Luật sư để tránh rủi ro cho Luật sư tư vấn. Luật sư Quang cũng nhấn mạnh cần sản xuất nội dung số trên các nền tảng xã hội để có hiệu ứng lan tỏa nhanh.

Trong khi đó Luật sư Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn trên VTV4 và vneexpress.net lại cho rằng hầu hết bà con Việt kiều cần Luật sư tư vấn những vấn đề liên quan tới pháp luật Việt Nam như quốc tịch, hôn nhân, thừa kế, tranh chấp dân sự nên cần chú trọng lĩnh vực này. Có đại biểu cũng kiến nghị sau khi khảo sát, cần lập danh sách các tổ chức hành nghề và các Luật sư có kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại ngữ để cung cấp cho kiểu bào tự lựa chọn như đã từng triển khai với Đại sứ quán CHLB Nga tại Hà Nội. Ý kiến về việc thành lập một bộ phận chuyên trách nằm trong Ban quan hệ quốc tế cũng được các đại biểu nêu ra và tranh luận…

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo là rất quý báu và đáng trân trọng, đồng thời sẽ là tư liệu mà Ban quan hệ quốc tế tổng hợp, đánh giá, tổng kết để thiết lập nột chương trình hành động cụ thể, phù hợp trong thời gian tới.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền phát biểu kết luận. 

Cho ý kiến kết luận Tọa đàm, Luật sư Đào Ngọc Chuyền nhấn mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài là chủ trương của Ban Chủ nhiệm là phù hợp với xu hướng phát triển của cộng đồng kiều bào, tuy nhiên cần thống nhất tư tưởng về sự khác nhau giữa trợ giúp miễn phí và cung cấp dịch vụ có thu phí mặc dù có sự giao thoa, một vài điểm chung giữa hai hoạt động này. Bên cạnh đó, không có nhiều vụ việc mà người Việt Nam ở nước ngoài mời Luật sư can thiệp vào các vụ việc tại nước ngoài vì nguyên tắc chủ quyền quốc gia gắn liền chủ quyền tư pháp. Luật sư cũng đề nghị Ban quan hệ quốc tế và các Luật sư thành viên nghiên cứu đề nghị của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài về việc cơ quan này chuyển giao chuyên mục Pháp luật trên Tạp chí quê hương online cho Đoàn Luật sư TP. Hà Nội quản lý, vận hành. Quá trình triển khai, cần xem xét tổ chức thêm các buổi Tọa đàm có chọn lọc đại biểu và sơ kết, rút kinh nghiệm. Luật sư Chuyền cũng yêu cầu Ban quan hệ quốc tế tổng hợp các ý kiến của các đại biểu Luật sư tham gia Tọa đàm để báo cáo Ban chủ nhiệm xem xét cho ý kiến và chuẩn bị cho việc dự thảo, ký kết một Bộ quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao vào thời gian phù hợp.

Toàn cảnh Tọa đàm. 

 Luật sư NGUYỄN PHÚ THẮNG

                                                                                  Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Nguyễn Mỹ Linh