Tọa đàm về ‘Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án’.
Tham dự Tọa đàm có, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Phạm Thanh Bình; Luật sư Hoàng Văn Hướng, Luật sư Nguyễn Phương Nam.
Theo đó, để thực hiện Kế hoạch xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành “Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam đóng góp vào Đề án nêu trên.
Để tập hợp ý kiến đóng góp từ đội ngũ Luật sư có bề dày hành nghề Luật sư, Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm này. Tại Tọa đàm, các Luật sư tham dự đã trao đổi, thảo luận về một số nội dung cụ thể như:
- Thực trạng kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
- Những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết;
- Những nội dung cơ bản trong Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Cụ thể, Luật sư Huỳnh Phương Nam đưa ra kiến nghị cần có cơ quan đánh giá, khảo sát hoạt động của cơ quan tố tụng; có cơ chế phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với cơ quan điều tra, cơ quan xét xử,.. để xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, trong các hoạt động xã hội cần sự tham gia của Luật sư nhiều hơn nhằm tăng cường vai trò của Luật sư trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong tố tụng.
Luật sư Đào Ngọc Lý cho rằng, đối với Tòa án, khi có văn bản kiến nghị của Luật sư thì trong bản án Hội đồng xét xử, Thẩm phán phải ghi rõ ý kiến đồng ý hay không đồng ý, vì sao? Bởi trên thực tiễn đều không ghi mà chỉ ghi chung chung là “không đồng ý với ý kiến của Luật sư”, không ghi rõ lý do tại sao.
Tiếp đó, Luật sư Phạm Thanh Bình cũng đưa ra kiến nghị cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cơ quan tố tụng.
Luật sư Nguyễn Phương Nam bày tỏ sự đồng ý với kiến nghị của các Luật sư. Bổ sung thêm, Luật sư Nam đưa ra kiến nghị Điều tra viên phải xây dựng kế hoạch lấy cung, sau đó được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công khai, từ đó tạo sự minh bạch, nâng cao hiệu quả trong công tác tố tụng, hạn chế các tiêu cực, tham nhũng. Hiện nay, trong luật không quy định về vấn đề này, do đó cần có quy định hướng dẫn để nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp giữa Luật sư và các cơ quan.
Ngoài ra, Luật sư Nam chia sẻ một số khó khăn đối với Luật sư từ phía trại giam, đáng chú ý như Luật sư phải đăng kí trước, thời gian gặp chỉ 1 tiếng,... Vì vậy Luật sư kiến nghị cần quy định theo hướng không giới hạn thời gian gặp bị can, bị cáo tại trại giam. Bên cạnh đó, Luật sư cũng cho rằng các cơ quan cần có sự phản hồi, trả lời những kiến nghị của Luật sư trong quá trình tố tụng.
Phát biểu tại Tọa đàm, Luật sư Hoàng Văn Hướng kiến nghị: "Cần làm rõ khái niệm tham nhũng, tiêu cực trong tố tụng; Thực hiện triệt để các vấn đề giám sát trong tất cả các khâu, các cơ quan; Đồng thời tiếp thu lắng nghe phản biện xã hội".
Phát biểu kết luận tại Tọa đàm, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam bày tỏ sự ghi nhận những ý kiến đóng góp của các Luật sư. Những ý kiến trên không chỉ góp phần hoàn thiện Đề án mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn để tạo điều kiện cho các Luật sư có thể hành nghề tốt hơn trong thời gian tới.
HỒNG HẠNH
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam gặp mặt Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ