Rắc rối vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng
Theo đó, vào ngày 16/5/2011, Ngân hàng TMCP Đại Á - Chi nhánh Hà Nội (nay là Ngân hàng TMCP phát triển TP. HCM - Chi nhánh Hồ Gươm) có ký hợp đồng cấp tín dụng hạn mức số HM11/2012/ HB với Công ty Tân Nam. Ngân hàng có cho Công ty Tân Nam vay tiền với hạn mức 5.000.000.000 đồng (năm tỉ đồng). Thời hạn hiệu lực của hợp đồng 12 tháng kể từ ngày ký. Thời hạn vay tối đa không quá 06 tháng. Trả lãi vay trong thời gian 10 ngày kể từ ngày bên vay nhận tiền sau khi giải ngân 01 tháng. Thời hạn trả nợ gốc, lãi và mức lãi suất cho vay được quy định trên giấy nhận nợ.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay gồm: Toàn bộ quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất của bất động sản tại địa chỉ số 34, ngõ 125, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội được xác định theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 399379 do UBND quận Tây Hồ cấp ngày 01/9/2005 mang tên ông Nguyễn Xuân Thanh và vợ bà Đào Thị Lục. Ngày 20/3/2006 đã đăng ký tặng cho ông Nguyễn Xuân Chính. Tài sản trên đã được thế chấp theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba số HB 11/0011/HĐBĐ ngày 16/5/2011, đã tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo ngày 18/5/2011.
Toàn bộ quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất của bất động sản tại địa chỉ số 34, ngõ 125, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội được xác định theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10103031075 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 26/10/2000 cho ông Nguyễn Xuân Tùng và vợ là bà Nguyễn Thị Tuyết. Tài sản được thế chấp theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người thứ ba số HB 11/0012/HĐBĐ ngày 18/5/2011, đã tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo ngày 23/5/2011.
Quá trình thực hiện hợp đồng: Ngày 19/5/2011, Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Tân Nam vay số tiền 3.900.000.000 đồng theo giấy nhận nợ số 01-HM11/0012/HB, thời hạn vay đến 19/11/2011. Ngày 24/5/2011, Ngân hàng giải ngân số tiền 1.100.000.000 đồng theo giấy nhận nợ số 02-2011-HM11/2012/HB, thời hạn vay đến ngày 24/11/2011. Khi hết thời hạn vay của 02 giấy nhận nợ trên, Công ty Tân Nam đã trả đầy đủ nợ gốc và lãi cho Ngân hàng. Tuy nhiên do nhu cầu của doanh nghiệp cần vốn để tiếp tục kinh doanh nên hai bên tiếp tục thực hiện giao dịch theo hợp đồng hạn mức tín dụng đã ký ngày 16/5/2011.
Cụ thể: Ngày 23/11/2011, Ngân hàng đã giải ngân số tiền 3.900.000.000 đồng theo giấy nhận nợ số 03-2011-HM11/2012/HB. Ngày 28/11/2011, giải ngân số tiền 1.100.000.000 đồng theo Giấy nhận nợ số 04-2011-HM11/2012/HB; Số tiền giải ngân được chuyển vào tài khoản của Công ty Tân Nam. Quá trình thanh toán, Công ty vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng ra thông báo chuyển nợ quá hạn và thông báo thu hồi nợ trước hạn.
Ngày 02/7/2012, Ngân hàng TMCP Đại Á nộp đơn khởi kiện đề nghị Công ty Tân Nam thanh toán các khoản tiền nợ theo 02 giấy nhận nợ số 03- 2011 HM11/0012/HB và 04-2011- HM11/2012/HB (tính đến ngày 26/6/2012) gồm 5.000.000.000 đồng tiền gốc và 634.025.341 đồng tiền lãi. Đồng thời yêu cầu Công ty Tân Nam sẽ tiếp tục phải trả tiền lãi phát sinh đến khi thanh toán hết nợ cho Ngân hàng. Nếu Công ty Tân Nam không trả được nợ, đề nghị tòa án xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Ngày 18/11/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyết định số 2687/QĐ NHNN về việc sát nhập Ngân hàng TMCP Đại Á vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (viết tắt là HDBank). Sau khi sát nhập HDBank đề nghị tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.
Tại phiên toà sơ thẩm Ngân hàng yêu cầu Công ty Tân Nam phải trả các khoản nợ sau: Đối với giấy nhận nợ số 03: Nợ gốc: 3.900.000.000 đồng; Lãi trong hạn: 1.723.670.000 đồng; Lãi quá hạn: 8.670.921.854 đồng; Tổng cộng: 14.294.591.854 đồng. Đối với giấy nhận nợ số 04: Nợ gốc: 1.100.000.000 đồng; Lãi trong hạn: 479.266.944 đồng; Lãi quá hạn: 2.456.454.317 đồng; Tổng cộng: 4.035.721.261 đồng.
Trong quá trình tiến hành tố tụng, Giám đốc Công ty Tân Nam không đến Tòa án để giải quyết vụ án. Về những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, theo Bà Đào Thị Lục trình bày: Nhà, đất tại 34 ngõ 125 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội được UBND quận Tây Hồ cấp giấy chứng nhận ngày 1/9/2005 mang tên ông Nguyễn Xuân Thanh và bà Đào Thị Lục. Ông Chính là con trai út của ông Thanh, bà Lục có vợ là Nguyễn Thị Vân Trung có mở Công ty Tân Nam để làm ăn. Để tạo điều kiện cho các con có vốn kinh doanh, bà Lục và ông Thanh đã ký tặng cho nhà đất tại 34 ngõ 125 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội cho ông Chính để ông Chính thực hiện việc vay vốn tại Ngân hàng. Nay ông Chính, bà Trung đã bỏ đi từ giữa năm 2012 không để lại tin tức và không trả nợ cho Ngân hàng, do điều kiện gia đình rất khó khăn không thể trả nợ thay được, đề nghị Ngân hàng tạo điều kiện để gia đình có chỗ ở.
Ông Nguyễn Xuân Tùng và bà Nguyễn Thị Tuyết trình bày: Vợ chồng ông Tùng có cho ông Chính, bà Trung mượn sổ đỏ để làm thủ tục vay vốn Ngân hàng và có ký hợp đồng thế chấp nhà đất tại 34 ngõ 125 Thụy Khuê để đảm bảo cho khoản vay của Công ty Tân Nam. Tuy nhiên việc giải ngân giữa Ngân hàng Đại Á và Công ty Tân Nam như thế nào ông, bà không biết. Nay ông Tùng, bà Tuyết không có trách nhiệm phải trả nợ thay. Ông Tùng đề nghị tòa án xét xử phải có mặt ông Chính, bà Trung để làm rõ việc vay nợ này.
Bà Bùi Thị Cúc và chị Nguyễn Thị Hiền trình bày: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc vay mượn của ông Chính, bà Trung với Ngân hàng gia đình không biết. Đề nghị Ngân hàng xem xét, tạo điều kiện để gia đình có chỗ ở. Tại phiên toà sơ thẩm, đại diện theo uỷ quyền của Ngân hàng trình bày: Đối với giấy nhận nợ số 03: Nợ gốc: 3.900.000.000 đồng; Lãi trong hạn: 1.723.670.000 đồng; Lãi quá hạn: 8.670.921.854 đồng; Tổng cộng: 14.294.591.854 đồng.
Đối với giấy nhận nợ số 04: Nợ gốc: 1.100.000.000 đồng; Lãi trong hạn: 479.266.944 đồng; Lãi quá hạn: 2.456.454.317đồng; Tổng cộng: 4.035.721.261 đồng. Trường hợp Công ty Tân Nam không trả được nợ cho Ngân hàng, đề nghị người bảo lãnh phải trả nợ thay hoặc phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Công ty Tân Nam, ông Nguyễn Xuân Chính, bà Nguyễn Thị Vân Trung không đến Toà án, không có lời khai.
Đại diện theo uỷ quyền của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày: Đơn khởi kiện của nguyên đơn không đủ điều kiện để Tòa án thụ lý giải quyết vì Công ty Tân Nam hoạt động tại địa chỉ số 34 ngõ 125 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội từ lâu. Đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án vì nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ mới của bị đơn; Hợp đồng thế chấp ký sau hợp đồng tín dụng nên không có giá trị bảo lãnh; Việc thế chấp tài sản không đúng quy trình; Nội dung hợp đồng thế chấp trái pháp luật nên vô hiệu; Ngân hàng giải ngân quá hạn mức là trái quy định của pháp luật; Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 14/2019/KDTM-ST ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận Tây Hồ đã quyết định như sau:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP phát triển TP. HCM đối với công ty TNHH thương mại và dịch vụ sản xuất Tân Nam.
2. Buộc công ty công ty TNHH thương mại và dịch vụ sản xuất Tân Nam phải trả Ngân hàng TMCP phát triển TP. HCM số tiền nợ gốc và lãi theo hai giấy nhận nợ số 03-2011-HM11/2012/HB ngày 23/11/2011 và giấy nhận nợ số 04 2011-HM11/2012/HB ngày 27/11/2019 là: 18.424.330.635 đồng (Mười tám tỉ, bốn trăm hai mươi bốn triệu, ba trăm ba mươi nghìn, sáu trăm ba mươi lăm đồng). Trong đó: Nợ gốc là: 5.000.000.000 đồng; Nợ lãi trong hạn là: 2.202.936.946 đồng; Nợ lãi hạn là: 11.221.393.689 đồng.
Kể từ ngày kế tiếp sau ngày xét xử sơ thẩm, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ sản xuất Tân Nam tiếp tục chịu lãi suất đối với khoản nợ gốc theo mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng tương ứng với thời gian chậm trả, cho đến khi trả xong nợ gốc. (Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo Quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay).
Trường hợp công ty TNHH thương mại và dịch vụ sản xuất Tân Nam không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì Ngân hàng TMCP phát triển TP. HCM có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ gồm:
- Quyền sử dụng 50,14m2 đất thuộc thửa đất số 60b, tờ bản đồ 8G-III-42 và tài sản gắn liền với đất tại số 34 ngõ 125 phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 399379 do UBND quận Tây Hồ, Hà Nội cấp ngày 1/9/2005 mang tên ông Nguyễn Xuân Thanh và bà Đào Thị Lục tặng cho ông Nguyễn Xuân Chính ngày 20/3/2006 theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba số công chứng 001042.2011/CCHH/HĐTC, quyển số 04 TP/CC SCC/HĐGD ngày 16/5/2011.
- Quyền sử dụng 18,29 m2 đất thuộc thửa đất số 56, tờ bản đồ số 35 và tài sản gắn liền với đất tại số 34 ngõ 125 phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10103031075 do UBND TP. Hà Nội ngày 26/10/2000 mang tên ông Nguyễn Xuân Tùng và bà Nguyễn Thị Tuyết theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người thứ ba số công chứng 001071.2011/CCHH/HĐTC, quyển số 04 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/5/2011.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Đào Thị Lục, ông Nguyễn Xuân Tùng kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn trình bày: Ngân hàng giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ông Nguyễn Xuân Tùng,trình bày, tại Bút lục số 341 Ngân hàng khai Công ty Tân Nam đã trả đủ số số nợ gốc 5.000.000.000đ và số lãi vào ngày 09/5/2011 đối với khế ước nhận nợ số 01,02, do vậy trách nhiệm của bên thế chấp đã hết. Việc Ngân hàng cho Công ty Tân Nam vay theo khế ước số 03,04 không thông báo cho bên thế chấp biết, khoản vay này là tín chấp, không có tài sản đảm bảo. Do vậy bên thế chấp không có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty Tân Nam.
Hợp đồng tín dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, ông Chính và bà Trung cấu kết với Ngân hàng vay tiền không thông báo cho bên thế chấp làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của bên thế chấp. Hợp đồng thế chấp ký sau Hợp đồng tín dụng, khi thế chấp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất không thế chấp tài sản trên đất, việc ký Hợp đồng thế chấp tại nhà nhưng lại ghi là ký ở Phòng công chứng, khi ký công chứng viên không phổ biến quyền và nghĩa vụ cho các bên, người đến ký Hợp đồng không phải là công chứng viên, do vậy Hợp đồng thế chấp vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp. Do vậy, đề nghị Huỷ Hợp đồng tín dụng, Huỷ Hợp đồng thế chấp bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, bà Nguyễn Thị Vân trình bày: Bà Vân là con gái ông Thanh, bà Lục và là em ông Tùng. Nhà, đất tại 34 ngõ 125 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội được UBND quận Tây Hồ cấp giấy chứng nhận ngày 01/9/2005 mang tên ông Nguyễn Xuân Thanh và bà Đào Thị Lục. Năm 1987, ông Thanh, bà Lục xây nhà 2 tầng, năm 1998 cải tạo thành nhà 3 tầng, sau khi xây ông Thanh bà Lục và ông Chính, ông Hiến ở tại nhà đất nêu trên. Ông Chính là con trai út của ông Thanh, bà Lục có vợ là Nguyễn Thị Vân Trung là giám đốc Công ty Tân Nam. Việc ông Thanh bà Lục sang tên nhà đất tại 34 ngõ 125 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội cho ông Chính như thế nào thì ông Tùng, bà Vân không biết. Việc Công ty Tân Nam vay vốn tại Ngân hàng như thế nào ông Tùng, bà Vân không biết. Nay ông Chính, bà Trung đã bỏ đi từ giữa năm 2012 không để lại tin tức và không trả nợ cho Ngân hàng, gia đình rất khó khăn không thể trả nợ thay Công ty Tân Nam, đề nghị Toà án không chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của Ngân hàng.
Cũng tại toà án sơ thẩm không đưa bà Lê thị Mai Thanh vào tham gia tố tụng là thiếu sót do vậy đề nghị huỷ án sơ thẩm. Tuy nhiên, tại Bản án Kinh doanh thương mại phúc thẩm số 200/2020/KDTM-PT ngày 3/11/2020, do Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử, không có nhiều thay đổi so với bản án Sơ thẩm.
Nhiều tình tiết pháp lý toàn phúc thẩm chưa xem xét
Liên quan đến Bản án phúc thẩm số 200/2020/KDTM-PT ngày 03/11/2020, Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh Toàn và Cộng sự nhận định, nhiều tình tiết pháp lý đã bị tòa bỏ qua trong quá trình xét xử. Luật sư Khánh Toàn cho biết, Hội đồng xét xử phúc thẩm cần bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Ngân hàng HDbank hủy cả 02 hợp đồng thế chấp tài sản của gia đình ông Nguyễn Xuân Chính và bà Nguyễn Thị Vân Trung và Hợp Đồng thế chấp tài sản của gia đình ông Nguyễn Xuân Tùng và bà Nguyễn Thị Tuyết với các căn cứ như sau:
Thứ 1: Nghĩa vụ bảo lãnh đã chấm dứt kể từ thời điểm công ty Tân Nam đã trả hết nợ đã vay trong hạn mức.Theo lời khai của ngân hàng Đại Á. Quá trình thực hiện 02 giấy nhận nợ số: 01,02. Công ty Tân Nam Đã trả cho ngân hàng 05 tỉ tiền gốc và toàn bộ tiền lãi theo hợp đồng đã ký kết. (BL số 341). Biên bản lấy lời khai (BL 158) quá trình thực hiên 2 giấy nhận nợ công ty Tân Nam Đã trả cho ngân hàng 5 tỉ tiền gốc và toàn bộ tiền lãi là: 599.832.799 đồng như vậy được hiểu rằng ngân hàng Đại Á và Công ty Tân Nam đã tất toán hợp đồng ngày 19/05/2011.số: 01- HM11/0012HB với số tiền là 3 tỉ 9 trăm triệu thời hạn vay đến ngày 19/11/2011 và hợp đồng ngày 24/5/2011 số: 02 - HM11/0012HB thời hạn vay đến ngày 24/11/2011. Ngân hàng đã xác nhận đến ngày 24/11/2011 Công ty Tân Nam đã trả xong gốc và lãi cho ngân hàng.
Theo quy định để được vay tiếp thì ngân hàng và Công ty Tân Nam phải làm thủ tục cho vay mới từ đầu. Ngân hàng tự ý ký cho Công ty Tân Nam vay bằng giấy nhận nợ 03, 04 bỏ qua tất cả các thủ tục là sai qui định. Đại diện của Ngân hàng trình bày (vì thời hạn của hợp đồng 01, 02 cho vay là chưa hết nên ngân hàng tiếp tục cho vay mà không cần làm lại thủ tục mới) là không thể chấp nhận được. Hợp đồng 03, 04 mặc nhiên chuyển thành cho vay tín chấp không có tài sản thế chấp giữa ngân hàng và Công ty Tân Nam. Hoàn toàn không liên quan đến các bên bảo lãnh cho khoản vay 03,04 vì bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ của mình từ ngày 24/11/2011. Đã tất toán hợp đồng 01,02. Bên bảo lãnh không liên quan đến đến 03, 04.
Thứ 2: Ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm đối với hành vi cố ý làm trái và hành vi gian dối của mình. Bởi trong đơn khởi kiện của nguyên đơn,trong các lời khai thể hiện tại nhiều bút lục đều thể hiện tại thời điểm cho vay trong giấy nhận nợ 3,4 thì Công ty Tân Nam đã trả hết nợ của lần 1,2. Tức là ngày 24/11/2011 mới hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng. Nhưng ngày 23/11/2011, Ngân hàng đã giải ngân tiếp 03 tỉ chín tức là trước 1 ngày Công ty Tân Nam trả hết nợ cũ như vậy đã chứng minh được ngân hàng đã làm trái quy định. Đã giải ngân khi Tân Nam vẫn đang nợ 1 tỉ 1 trăm, vượt hạn mức cho vay là 5 tỉ ngày 16/5/2011. Việc làm này của ngân hàng được hiểu rằng cho vay khoản mới để trả khoản cũ. Việc vay mượn này ông Tùng bà Tuyết không biết và ngân hàng không thông báo do vậy ông Tùng bà Tuyết không phải chịu trách nhiệm bảo lãnh cho khoản vay trái pháp luật này.
Tại thời điểm giải ngân ngày 23/11/2011 của Ngân hàng với Tân Nam chưa trả hết nợ được hiểu là ngân hàng đã cố tình làm sai quy định, cho vay khoản mới để trả nợ khoản cũ, vượt hạn mức tín dụng cho vay. Do đó trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử nên bác yêu cầu của Ngân hàng với nội dung trong đơn khởi kiện là: Trường hợp Tân Nam Không trả nợ được cho ngân hàng thì người bảo lãnh trả nợ thay hoặc phát mại tài sản để thu hồi nợ.
Thứ 3: Thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp sau thời điểm ký hợp đồng tín dụng nên không có giá trị bảo lãnh tài sản. Hợp đồng tín dụng số: HM11/0012/HB giữa ngân hàng với Tân Nam ký ngày 16/5/2011 tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng này ông Tùng và bà Tuyết chưa ký cam kết nhận nợ và cũng chưa ký hợp đồng thế chấp tài sản bảo lãnh cho khoản vay trong hợp đồng tín dụng. Ngày 18/5/2011, mới có hợp đồng thế chấp của ông Tùng bà Tuyết. Như vậy được hiểu là hợp đồng thế chấp được ký sau khi hợp đồng tín dụng 02 ngày như vậy là sai quy định không có giá trị bảo lãnh đẫn tới vô hiệu. Cam kết thế chấp ngày 16/5/2011 giữa vợ chồng chính,Trung với ngân hàng chỉ cam kết duy nhất 01 tài sản là: quyền sử dụng 50,14m2 của ông bà cho ngân hàng theo hợp đồng thế chấp số: HB110011/HĐBĐ (số CC: 010422011/CCHH/HĐTC, ngày 16/5/2011) không thế chấp tài sản trên đất.
Thứ 4: Việc thế chấp tài sản không thực hiện đúng trình tự thủ tục theo qui định đẫn đến hậu quả vô hiệu. Ông Tùng bà Tuyết ký hợp đồng thế chấp bảo lãnh duy nhất 01 lần và ký tại nhà riêng, không được phổ biến quyền và nghĩa vụ và hậu quả có thể xảy ra vì người hướng dẫn ký là nhân viên của văn phòng công chứng không phải là công chứng viên không cho thời gian để tìm hiểu nội dung trước khi ký. Đối chiếu quy định của công chứng thì khi thực hiện công chứng phải là công chứng viên mới được phép thực hiện công việc không cho phép nhân viên học việc thực hiện công việc công chứng vì không đủ trình độ chuyên môn đảm nhiệm đẫn đến vô hiệu của hợp đồng công chứng.
hợp đồng ký ngày 16/5/2011 nhưng phần biện pháp đảm bảo Điều 5 lại ghi: Tài sản được hai bên định giá là: 1.894.000.000 đồng được xác định theo biên bản định giá tài sản đảm bảo số: HB11/0013/BĐGTS ngày 18/5/2011. Như vậy, sau 02 mới có biên bản định giá tài sản công chứng đã công nhận biên bản định giá sẽ hình thành trong tương lai. Điều này càng khẳng định ông Tùng bà Tuyết không thể hiện ý chí của mình trong cam kết bảo lãnh số tiền vay của ngân hàng.
Thứ 5: Nội dung hợp đồng thế chấp trái pháp luật. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của người thứ 3 ngày 18/5/2011 tại Văn phòng công chứng Hồng Hà bên thế chấp ông Tùng bà Tuyết. Ngân hàng ghi nội dung phạm vi bảo lãnh là theo hợp đồng tín dụng số: HM11/0012/HB ký ngày 16/5/2011 hoặc và các hợp đồng cấp tín dụng, bảo lãnh sẽ được ký sau thời điểm ký hợp đồng thế chấp này. Đây là nội dung không có căn cứ và trái pháp luật. Vì theo quy định người bảo lãnh chỉ phải chịu trách nhiệm bảo lãnh đối với khoản vay do mình thể hiện ý chí chấp nhận trong hợp đồng tín dụng, chứ không phải chịu bảo lãnh đối với mọi khoản vay của Công ty Tân Nam trước và sau của hợp đồng này.
Việc ngân hàng lập hợp đồng này với nội dung nhứ thế là cố tình lừa dối, cưỡng ép người có tài sản thế chấp trước sau gì cũng mất tài sản vào tay ngân hàng, hoặc chính ngân hàng có thể thông đồng với bên được bảo lãnh để cho vay không đúng quy định sau đó phát mại tài sản để thu hồi nợ. Ngân hàng soạn thảo hợp đồng tín dụng như thế đã cố tình đưa người bảo lãnh tài sản vào thế bất lợi có nguy có dẫn đến mất hết nhà đất đẩy họ vào cảnh trắng tay vô gia cư. Ngân hàng biết rõ họ không được hưởng lợi gì từ đòng tiền cho vay của ngân hàng. Chỉ vì tình cảm gia đình họ mới thế chấp tài sản chư họ.
Thứ 6: Hợp đồng thế chấp tài sản của ông Chính và vợ bà Trung là vô hiệu. Bởi khi ông Thanh và bà Lục tặng cho con trai là ông Chính chỉ là quyền sử dụng đất. Không cho Tặng tài sản trên đất là ngôi nhà. Qua xác minh hiện trạng ngôi nhà đã có từ năm 1983, xây thêm tầng 2 năm 1988, xây tâng 3 và tung 2006. Tiền xây toàn bộ do ông Thanh và bà Lục bo ra để xây. Ngân hàng ký tài sản thế chấp cả đất và nhà với ông Chính là xâm phạm đến quyền lợi của ông Thanh và bà Lục. Ông Hiến là anh trai của ông Chính. Vì ngôi nhà không thuộc sở hữu của ông Chính. Điều này sẽ đẫn đến việc hợp đồng thế chấp là vô hiệu không có giá trị để thực hiện là tài sản đảm bảo cho vay. Ngân hàng không thể đề nghị phát mại tài sản để thu hồi nợ được.
ĐOÀN TÂN