Thuật ngữ “người bị buộc tội” lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013 thông qua quy định tại Điều 31[1]. Để cụ thể hóa quy định về người bị buộc tội trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật TTHS năm 2015 đã có nhiều quy định cụ thể liên quan trực tiếp đến người bị buộc tội, trong đó có việc giải thích thuật ngữ “người bị buộc tội” và xác định các quyền, nghĩa vụ của người bị buộc tội.
Trên cơ sở các quy định về người bị buộc tội trong Bộ luật TTHS năm 2015, tác giả trao đổi và kiến nghị một số vấn đề cụ thể sau:
1. Khái niệm người bị buộc tội
Điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015 đã đưa ra giải thích (khái niệm) về người bị buộc tội như sau: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”. Có thể thấy, nội hàm của khái niệm người bị buộc tội mới chỉ dừng lại ở hình thức liệt kê với tư cách là các chủ thể tham gia TTHS mà chưa làm rõ được một cách khái quát nội dung về các thành tố tạo nên chủ thể đó[2]. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu và tìm ra một khái niệm thống nhất về người bị buộc tội để có cơ sở xác định chính xác địa vị pháp lý của họ.
Trước hết, phải khẳng định người bị buộc tội là người hoặc pháp nhân thương mại bị tình nghi thực hiện tội phạm[3]. Tuy nhiên, họ không phải bị tình nghi thực hiện tội phạm một cách thiếu căn cứ, mà sự tình nghi này phải được đặt trong một tiến trình TTHS theo luật định. Việc tình nghi trong TTHS khác hẳn với sự ngờ vực hay suy đoán mang tính chủ quan, cảm tính của cá nhân con người với con người trong đời sống xã hội. Trong trường hợp này, người hoặc pháp nhân thương mại bị tình nghi thực hiện tội phạm được đặt trong hoàn cảnh họ bị cơ quan, người có thẩm quyền dựa vào các căn cứ trên thực tế để xác định rằng họ là chủ thể đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội được Bộ luật hình sự quy định. Không chỉ dừng lại ở đó, người bị buộc tội phải là người hoặc pháp nhân thương mại đã bị cơ quan, người có thẩm quyền đưa ra một quyết định tố tụng cụ thể như: Lệnh bắt; quyết định tạm giữ; quyết định khởi tố bị can; quyết định truy tố; quyết định đưa vụ án ra xét xử… Các quyết định này dù là để thể hiện việc áp dụng một biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế hay là một quyết định tố tụng được luật định theo các giai đoạn tố tụng khác nhau thì đều gắn với chủ thể bị buộc tội và họ có các quyền, nghĩa vụ, họ trở thành người tham gia tố tụng.
Trở lại cách giải thích thuật ngữ “người bị buộc tội” tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015, có thể thấy người bị buộc tội chỉ bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tác giả cho rằng, phạm vi những người được xác định là người bị buộc tội như vậy là chưa đầy đủ; theo đó, cần bổ sung thêm cả người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cũng là người bị buộc tội. Bởi lẽ:
Thứ nhất, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, dù với tối đa là 12 giờ[4], nhưng theo các trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2015[5], thì người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội được Bộ luật hình sự quy định.
Thứ hai, Điều 58 Bộ luật TTHS năm 2015 có quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt[6] là như nhau. Trong đó, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”[7]; quyền “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa”[8]. Qua nghiên cứu cho thấy, đây đều là những quyền rất cơ bản của người bị buộc tội[9]. Hơn nữa, theo khoản 1 Điều 72 Bộ luật TTHS năm 2015: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”. Rõ ràng, nếu người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp không phải là người bị buộc tội thì quy định về quyền “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa” mâu thuẫn với quy định về người bào chữa nêu trên.
Do đó, tác giả cho rằng, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cũng là người bị buộc tội. Tóm lại với sự phân tích nêu trên, có thể hiểu khái niệm người bị buộc tội như sau: Người bị buộc tội là người hoặc pháp nhân thương mại mà cơ quan, người có thẩm quyền, bằng quyết định tố tụng, xác lập tư cách của họ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự khi có căn cứ cho rằng họ đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội.
2. Quyền và nghĩa vụ pháp lý của người bị buộc tội
2.1. Những hạn chế, bất cập
Với cách tiếp cận và quan niệm về người bị buộc tội nêu trên thì quyền và nghĩa vụ pháp lý của người bị buộc tội được thể hiện thông qua quyền và nghĩa vụ pháp lý của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Qua nghiên cứu các quyền và nghĩa vụ này cho thấy một số hạn chế, bất cập như sau:
Thứ nhất, về quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ.
Đây là quyền được quy định chung đối với tất cả người bị buộc tội bao gồm quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Về thời điểm thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ đối với từng loại người bị buộc tội được quy định như sau:
- Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, khoản 3 Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “Việc thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật này” và theo khoản 2, Điều 113 Bộ luật TTHS năm 2015 thì: “Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt”. Từ các quy định trên có thể thấy, Bộ luật TTHS năm 2015 mới chỉ quy định về việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp[10] mà không quy định việc thông báo quyền và nghĩa vụ của họ.
- Đối với người bị tạm giữ, họ được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ khi cơ quan, người có thẩm quyền thi hành quyết định tạm giữ[11].
- Đối với bị can, khoản 5, Điều 179 Bộ luật TTHS năm 2015[12] chỉ quy định về thời điểm giải thích quyền và nghĩa vụ đối với họ là khi cơ quan, người có thẩm quyền giao cho họ quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can mà không quy định về việc thông báo quyền và nghĩa vụ cho bị can.
- Đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã thì pháp luật TTHS lại không quy định trực tiếp về thời điểm thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ. Chẳng hạn, đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, Khoản 1 Điều 114 Bộ luật TTHS năm 2015[13] chỉ quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và sau đó phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt mà không đề cập đến việc thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị bắt. Tương tự đối với người bị bắt theo quyết định truy nã, khoản 2 Điều 114 Bộ luật TTHS năm 2015[14] cũng chỉ quy định sau khi lấy lời khai người bị bắt, Cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt mà không đề cập đến việc thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị bắt.
- Đối với bị cáo, pháp luật TTHS hiện hành không quy định bị cáo được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của họ khi được giao quyết định đưa vụ án ra xét xử[15], mà họ chỉ được biết quyền này ở phần thủ tục khai mạc phiên tòa[16]. Quy định này dẫn đến tình trạng bị cáo không hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình trước khi mở phiên tòa; đến khi khai mạc phiên tòa mới hiểu và đưa ra các yêu cầu thì nhiều trường hợp không được xem xét giải quyết.
Thứ hai, về quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa.
Theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, tất cả người bị buộc tội đều có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa[17]. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 76 Bộ luật TTHS năm 2015 có quy định về việc chỉ định người bào chữa:
“Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi”.
Với quy định này có thể thấy, ngoài quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa thì người bị buộc tội còn có quyền được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa cho họ trong những trường hợp luật định.
Thứ ba, về quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ.
Theo điểm h khoản 1 Điều 58 Bộ luật TTHS năm 2015 thì người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền: “Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người, bắt người”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2015, những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, ngoài những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn có cả người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng. Ngoài ra đối với việc bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã, có rất nhiều chủ thể tham gia vào việc bắt người như: Người bắt giữ[18]; cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất[19]; Cơ quan điều tra nhận người bị bắt… Như vậy, nếu quy định người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã chỉ có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc bắt người là chưa đầy đủ.
Tương tự như vậy, việc quy định người bị tạm giữ có quyền “Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ”[20]là chưa đầy đủ bởi lẽ theo quy định tại khoản 2, Điều 117 Bộ luật TTHS năm 2015[21] thì những người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, ngoài những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn có có cả người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng.
Thứ tư, về quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Theo các quy định về người bị buộc tội trong Bộ luật TTHS năm 2015 (từ Điều 58 đến Điều 61), bị can, bị cáo đều có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng[22], còn người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và người bị tạm giữ không có quyền này. Tuy nhiên, theo Điều 50 Bộ luật TTHS năm 2015 thì người bị tạm giữ cũng có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng[23]. Như vậy, có thể thấy sự thiếu thống nhất trong quy định của pháp luật TTHS về vấn đề này.
2.2. Một số kiến nghị
Trên cơ sở những hạn chế, bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ.
Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, cần bổ sung việc thông báo quyền và nghĩa vụ của họ. Theo đó, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 113 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:
“Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt”[24].
Tương tự như vậy, đối với bị can, cũng cần bổ sung việc thông báo quyền và nghĩa vụ của họ; theo đó cần sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 179 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:
“Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và thông báo, giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can”.
Đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã, cần bổ sung việc thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của họ. Theo đó, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 Điều 114 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:
“1. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp,bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt, trước khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 58 của Bộ luật này.
2. Sau khi thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị bắt theo quyết định truy nã và lấy lời khai của họ thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt...”[25].
Đối với bị cáo, để bảo đảm cho bị cáo biết và hiểu rõ về các quyền và nghĩa vụ của mình cần quy định việc thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo khi giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo. Nói cách khác, khoản 1 Điều 286 Bộ luật TTHS năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa. Khi giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật này…”.
Thứ hai, đối với quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa.
Để đảm bảo tính thống nhất, cần bổ sung quyền được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội trong những trường hợp luật định trong quy định về quyền của họ. Theo đó, điểm g khoản 1 Điều 58; điểm d khoản 2 Điều 59; điểm h khoản 2 Điều 60; điểm g khoản 2 Điều 61 Bộ luật TTHS năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Tự bào chữa, nhờ người bào chữa hoặc được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa cho họ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”.
Thứ ba, đối với quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ.
Như đã phân tích, để đảm bảo tính đầy đủ, cần bổ sung quy định quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ trong việc khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền nói chung trong việc giữ người, bắt người, tạm giữ. Theo đó, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 1 Điều 58 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau: “Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giữ người, bắt người”. Tương tự, cần sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 59 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau: “Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền về việc tạm giữ”.Thứ tư, đối với quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Để đảm bảo sự thống nhất với quy định tại Điều 50 Bộ luật TTHS năm 2015 về quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của người bị tạm giữ, cần bổ sung quyền “đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” đối với người bị tạm giữ trong khoản 2 Điều 59 Bộ luật TTHS năm 2015./.
[1] “Điều 31. 1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 2. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai…”. [2] Khái niệm về một số người tham gia tố tụng trong Bộ luật TTHS năm 2015 đã khái quát được nội dung của các thành tố cấu tạo nên chủ thể đó như: “Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự” (Khoản 1 Điều 60); “Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử” (Khoản 1 Điều 61); “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra” (Khoản 1 Điều 62); “Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng” (Khoản 1 Điều 66); “Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này” (Khoản 1 Điều 67);… [3] Việc xác định cụ thể người bị buộc tội là người hoặc pháp nhân thương mại còn tùy thuộc vào tư cách tham gia tố tụng cụ thể của họ trong vụ án. Theo đó, người bị bắt không thể là pháp nhân thương mại vì biện pháp ngăn chặn không áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ quy định biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại mà không quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn). Cũng tương tự, người bị tạm giữ, theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Bộ luật TTHS năm 2015, là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ. Cho nên người bị tạm giữ cũng không thể là pháp nhân thương mại vì không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với pháp nhân thương mại. Còn bị can có thể là người hoặc pháp nhân thương mại (Xem khoản 1 Điều 60 Bộ luật TTHS năm 2015), bị cáo cũng có thể là người hoặc pháp nhân thương mại (Xem khoản 1 Điều 61 Bộ luật TTHS năm 2015); bởi lẽ, bị can và bị cáo có thể bị áp dụng hoặc không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. [4] Xem khoản 4, Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2015 [5] “Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người: a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”. [6] Người bị bắt là người bị buộc tội. [7] Xem điểm d khoản 1 Điều 58 Bộ luật TTHS năm 2015. [8] Xem điểm g khoản 1 Điều 58 Bộ luật TTHS năm 2015. [9] Những người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) đều có các quyền này. Qua nghiên cứu các quy định khác của Bộ luật TTHS năm 2015, ngoài người bị buộc tội thì chỉ có người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mới có những quyền này. [10] Thời điểm giải thích quyền và nghĩa vụ là khi cơ quan, người có thẩm quyền thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. [11] Khoản 3 Điều 117 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này”. [12] “Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can”. [13] “Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp,bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”. [14] “Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt…”. [15] Khoản 1 Điều 286 Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ quy định: “Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa…” mà không đề cập đến việc thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của bị cáo. [16] Khoản 3 Điều 301 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án và kiểm tra lý lịch, phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ”. [17] Xem các điểm g khoản 1, Điều 58; điểm d khoản 2 Điều 59; điểm h khoản 2 Điều 60; điểm g khoản 2 Điều 61 Bộ luật TTHS năm 2015. [18] Theo khoản 1 Điều 111 và khoản 1 Điều 112 Bộ luật TTHS năm 2015 thì bất kỳ ai cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang và người đang bị truy nã. [19] Theo khoản 1 các điều 111, 112 Bộ luật TTHS năm 2015, các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. [20] Xem điểm g khoản 2 Điều 59 Bộ luật TTHS năm 2015. [21] “Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ…”. [22] Xem điểm g khoản 2 Điều 60; điểm d khoản 2 Điều 61 Bộ luật TTHS năm 2015. [23] “Điều 50. Người có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng 1. Kiểm sát viên. 2. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ. 3. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự”. [24] Việc sửa đổi, bổ sung này đồng thời cũng đảm bảo quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của người bị bắt là bị can, bị cáo. [25] Có một số ý kiến cho rằng cần phải hiểu việc thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã được thực hiện khi lấy lời khai đối với họ. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS năm 2015 không quy định về trình tự, thủ tục lấy lời khai đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã nên không có cơ sở pháp lý để khẳng định nhận định trên. |
TS. NGÔ VĂN VỊNH, Học viện Chính trị công an nhân dân,
HỒ VIỆT PHƯƠNG, Trưởng Công an xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội
(Theo Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp)
Hỗ trợ phí cách ly y tế với công dân Việt Nam về nước bằng đường bộ
Chi bộ 9 - Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh: Về nguồn chiến khu Đ Đồng Nai
(LSVN) - Nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), vào ngày 25/4/2021, Chi bộ 9 - Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Đoàn về nguồn ở Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ, thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai để viếng các anh hùng, liệt sĩ và ôn lại truyền thống lịch sử của đất nước. Tham gia Đoàn về nguồn gồm có các đảng viên là Luật sư của Chi bộ 9, cựu Bí thư Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh - đồng chí Trần Mỹ Thoa, Ủy viên Ban Chủ nhiệm - Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, các quần chúng là Luật sư trẻ, cảm tình Đảng mà Chi bộ 9 đang kết nối, Luật sư Lê Hà Thúy Lan, Luật sư Nguyễn Đức thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai…
Tại Đài tưởng niệm ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (thời kỳ 1961-1962), Đoàn về nguồn đã dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ và nghe thuyết trình về lịch sử nơi đây. Tuy Trung ương Cục miền Nam ở chiến khu Đ một thời gian ngắn nhưng đã trở thành biểu tượng cho lý tưởng, quyết tâm giải phóng dân tộc của Đảng bộ và quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại Căn cứ này, Trung ương Cục đã xây dựng và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, các cơ quan tham mưu, xây dựng quân Giải phóng miền Nam, đón tiếp các cán bộ tập kết và chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho miền Nam, xây dựng hậu cần, tích lũy lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Tại nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà, Đoàn về nguồn đã đến các ngôi mộ anh hùng liệt sĩ để thắp hương tưởng nhớ hơn 450 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh nơi đây.
Sau đó, Đoàn về nguồn đến di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (1961-1967), cũng thuộc Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ để ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Căn cứ. Di tích này có các bộ phận chính: Hệ thống giao thông hào phân thành ba tuyến (tuyến phòng thủ vòng ngoài, vòng trong và tuyến nội bộ phục vụ hoạt động, chiến đấu); hệ thống địa đạo liên hoàn; hệ thống hầm trú ẩn, làm việc của lãnh đạo Khu ủy và các cơ quan trực thuộc: Văn phòng, cơ yếu, phục vụ, vệ binh, nhà y tế... Từ Căn cứ địa này, trong giai đoạn lúc đó, Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Bộ tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang của Khu phối hợp với quân chủ lực Miền làm nên những chiến thắng vang dội: Tiêu diệt một loạt đồn bót địch như đồn Bàu Cá Trê, chi khu Hiếu Liêm, đồn Cây Gáo, đồng Trị An, mở chiến dịch Bình Giã, chiến dịch Đồng Xoài diệt nhiều sinh lực địch.
Đồng chí Bí thư Chi bộ 9 Nguyễn Thị Anh Đào cho biết chuyến đi về nguồn lần này là sự đổi mới về công tác giáo dục, sinh hoạt chính trị tư tưởng của Chi bộ và là một hướng phát triển mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt Chi bộ, tạo thêm điều kiện cho các đảng viên quan tâm, gắn bó với nhau hơn. Bên cạnh đó, đây còn là một cách để các đảng viên của Chi bộ 9 tiếp cận, giáo dục chính trị tư tưởng, sinh hoạt với các quần chúng cảm tình Đảng mà Chi bộ đang kết nối cho sâu sát hơn, cũng như các quần chúng cảm tình Đảng có điều kiện hiểu nhiều hơn về tổ chức đảng và các đảng viên. Sau chuyến đi này, Chi bộ 9 sẽ tiếp tục tổ chức mạn đàm về chuyến đi thăm Chiến khu Đ.
Cuối chuyến đi, Đoàn còn ghé đến Đảo Ó tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu để tham quan và giao lưu.
Kết thúc chuyến đi, các thành viên trong Đoàn về nguồn cho biết chuyến đi này thật nhiều ý nghĩa, là dịp để nhìn lại những chứng tích lịch sử hào hùng của đất nước và con người Việt Nam đã, đang được bảo tồn, gìn giữ để trường tồn theo thời gian và làm ấm áp thêm tình đồng chí, đồng nghiệp.
Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Luật sư Châu Huy Quang được vinh danh vào Top 50 Siêu Luật sư Châu Á