/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em theo Công ước Actip và thực tiễn thực hiện tại Việt Nam

Tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em theo Công ước Actip và thực tiễn thực hiện tại Việt Nam

05/01/2021 17:55 |4 năm trước

LSVNO - Những năm gần đây, tội phạm mua bán người diễn biến tương đối phức tạp, trong đó xuất hiện nhiều vụ mua bán người thông qua di cư trái phép với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm này đã trực...

LSVNO - Những năm gần đây, tội phạm mua bán người diễn biến tương đối phức tạp, trong đó xuất hiện nhiều vụ mua bán người thông qua di cư trái phép với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm này đã trực tiếp xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em.

Theo báo cáo của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNOCD), trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người. Tổ chức WHO công bố mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người[1]. Riêng khu vực Đông Nam Á được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Chính vì thế, hợp tác phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em là vấn đề được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rất chú trọng. Bài viết này phân tích những nội dung cơ bản của Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và việc thực hiện tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Hình sự 2015 về vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em

Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) được các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết vào ngày 21/11/2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur - Malaysia, Công ước có hiệu lực khi có ít nhất 6 quốc gia phê chuẩn. Ngày 08/3/2017, Công ước này chính thức phát sinh hiệu lực khi Philippines là quốc gia thứ 6 phê chuẩn. Tính tới thời điểm hiện nay đã có 9 quốc gia thành viên ASEAN phê chuẩn ACTIP[2].

ACTIP là công ước ràng buộc tầm khu vực duy nhất về mua bán người bên ngoài châu Âu. Văn bản này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ và một quyết tâm chung chưa từng có của các quốc gia thành viên trong cuộc đấu tranh chống nạn mua bán người. Ngoài Lời nói đầu, Công ước ACTIP gồm 7 chương, 31 điều, quy định mục đích, phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, quyền tài phán, hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa, chống hành vi mua bán người, thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua hội đàm và thương lượng giữa các quốc gia thành viên thông qua kênh ngoại giao hoặc các biện pháp hòa bình khác nhằm đạt được thỏa thuận.

ACTIP là cơ sở pháp lý quan trọng, chuyên biệt về phòng, chống buôn bán người trong khu vực. Mục đích của việc ký kết Công ước là tạo cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các thành viên ASEAN trong phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán. Theo đó, nội dung Công ước tập trung điều chỉnh 06 vấn đề chính bao gồm: giải thích thuật ngữ; hình sự hóa; phòng ngừa buôn bán người; bảo vệ, hồi hương và tiếp nhận nạn nhân; thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế.

Đồng thời với việc ký kết ACTIP, ngày 21/11/2015 các nước thành viên ASEAN cũng đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Văn kiện này thể hiện quyết tâm giữa các quốc gia thành viên phối hợp hành động trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi buôn bán người và các hành vi vi phạm có liên quan khác. Mục đích của việc thông qua văn kiện nhằm củng cố nguyên tắc pháp chế và kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên ASEAN; tăng cường nỗ lực khởi tố các vụ án về buôn bán người và tăng cường hợp tác khu vực dựa trên trách nhiệm được chia sẻ nhằm giải quyết hiệu quả tội phạm buôn bán người thông qua các hành động cụ thể: phòng ngừa buôn bán người; bảo vệ nạn nhân bị buôn bán; thực thi pháp luật và truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm buôn bán người; hợp tác và điều phối khu vực và quốc tế về phòng chống buôn bán người.

Tại Việt Nam, ngày 13/12/2016, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2674/2016/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước ACTIP và Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 08/3/2017. Việc phê chuẩn Công ước góp phần thể hiện vai trò tích cực, chủ động và khẳng định cam kết của Việt Nam cũng như khu vực ASEAN trong nỗ lực tăng cường hợp tác phòng, chống hành vi mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; đồng thời góp phần vào việc triển khai Tuyên bố về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và Kế hoạch Hành động cộng đồng ASEAN giai đoạn 2015-2025. Việc chính thức trở thành thành viên Công ước ACTIP không chỉ có tác động tích cực đối với Việt Nam và khu vực ASEAN mà còn mang lại nhiều lợi ích, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tội phạm buôn bán người và buôn bán trẻ em theo quy định tại ACTIP

Theo quy định tại khoản a Điều 2 Công ước ACTIP, buôn bán người được hiểu là “việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa đảo, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hoặc lợi ích để đạt được sự đồng ý của người có quyền kiểm soát người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ở mức tối thiểu, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc việc lấy các bộ phận cơ thể”. Như vậy, theo quy định tại khoản a Điều 2 Công ước ACTIP, tội phạm buôn bán người được cấu thành bởi 3 yếu tố cơ bản sau:

- Hành vi: thực hiện một trong các hành vi tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận.

- Thủ đoạn: đe dọa, sử dụng bạo lực, ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương (lợi dụng điểm yếu của nạn nhân); cho hoặc nhận tiền hay lợi ích để đạt được sự đồng ý của người có quyền kiểm soát đối với người khác (bố, mẹ, ông, bà, anh, chị… nạn nhân).

- Mục đích: bóc lột nạn nhân (bóc lột có thể là khai thác sức lao động hoặc khai thác bản thân nạn nhân) bao gồm các hình thức bóc lột mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự như khổ sai hay lấy các bộ phận của cơ thể.

Việc buôn bán trẻ em được quy định tại khoản c Điều 2 Công ước, theo đó, “việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận trẻ em nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là buôn bán người ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ cách thức nào được quy định tại điểm (a) của Điều này.”

Như vậy, theo quy định tại ACTIP thì định nghĩa về buôn bán trẻ em có điểm khác biệt so với định nghĩa về buôn bán người. Cụ thể, buôn bán trẻ em chỉ cần thỏa mãn và chỉ ra “một hành động” trong số các hành động như tuyển mộ, mua và bán hay nhằm “mục đích” bóc lột là đủ. Nói cách khác, buôn bán trẻ em sẽ cấu thành tội phạm khi trẻ em là đối tượng của việc tuyển mộ hoặc vận chuyển nhằm mục đích bóc lột bởi lẽ chưa cần phải chỉ ra yếu tố ép buộc, lừa gạt hoặc bất kỳ biện pháp nào khác được sử dụng thì đã rất dễ dàng xác định tội phạm có nạn nhân là trẻ em bị buôn bán và đối tượng thực hiện hành vi này. Cụ thể, buôn bán trẻ em được cấu thành bởi 2 yếu tố cơ bản sau:

- Hành vi: thực hiện một trong các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận.

- Mục đích: bóc lột nạn nhân (bóc lột có thể là khai thác sức lao động hoặc khai thác bản thân nạn nhân) bao gồm các hình thức bóc lột mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự như khổ sai hay lấy các bộ phận của cơ thể (nạn nhân trẻ em theo quy định tại khoản d Điều 2 ACTIP là người dưới 18 tuổi). Đây là định nghĩa phù hợp với quy định tại Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước Liên hợp quốc về Phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Nghị định thư Palermo).

Bên cạnh việc đưa ra định nghĩa tội phạm, yêu cầu quốc gia thành viên có nghĩa vụ hình sự hóa các hành vi liên quan đến tội phạm như: hình sự hóa việc tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ chức (Điều 6); hình sự hóa hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có (Điều 7); hình sự hóa hành vi tham nhũng (Điều 8); hình sự hóa hành vi cản trở hoạt động tư pháp (Điều 9).

Thực tiễn thực hiện ACTIP của Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Hình sự 2015

Quy định của pháp luật Việt Nam về tội phạm mua bán người thực hiện ACTIP

Là thành viên của ASEAN, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện Công ước ACTIP năm 2015 về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữa và trẻ em. Một trong những nghĩa vụ đó là nội luật hóa tinh thần của ACTIP vào Bộ luật Hình sự, bảo đảm sự tương thích của Bộ luật Hình sự Việt Nam và ACTIP. Từ 1999 đến nay, Bộ luật Hình sự Việt Nam đã có những sửa đổi quan trọng liên quan đến tội phạm buôn người, đáp ứng yêu cầu trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Năm 1999, pháp luật hình sự Việt Nam không quy định tội buôn người, chỉ có tội mua bán phụ nữ (Điều 119 Bộ luật Hình sự 1999) và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 Bộ luật Hình sự 1999). Điều này không tương thích với Nghị định thư Palermo mà Việt Nam là thành viên, bên cạnh đó, quy định này bỏ lọt tội phạm mua bán nam giới, chính vì thế, trong lần sửa đổi năm 2009, tội mua bán phụ nữ được đổi thành tội mua bán người. Mục đích của tội phạm trước đó chỉ chú trọng vào mua bán vì mục đích mại dâm thì năm 2009 bổ sung thêm mục đích lấy bộ phận cơ thể nạn nhân vào khoản 2 Điều 119.

Năm 2015, tội mua bán người lại tiếp tục được hoàn thiện nhằm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước ACTIP mà ASEAN ký kết năm 2015 để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người khu vực. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em quy định tại Điều 120 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã được quy định thành ba tội danh khác nhau trong Bộ luật Hình sự 2015, phản ánh đúng bản chất hành vi của các tội phạm này. Đó là: tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152) và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153). Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ các yếu tố cấu thành tội phạm ngay trong điều luật chứ không còn quy định chung chung như năm 1999 và 2009. Lưu ý ở đây là Việt Nam dùng từ mua bán người trong Bộ luật Hình sự chứ không phải là buôn bán (trafficking in persons) như các điều ước quốc tế. Điều này được lý giải là điều ước quốc tế như ACTIP hay Nghị định thư Palermo có mục đích chủ yếu đấu tranh phòng chống nạn mua bán người có tổ chức, chuyên nghiệp, có tính chất xuyên quốc gia, xuyên biên giới… nên dùng từ “buôn bán người” để thể hiện quy mô, mức độ đó của tội phạm. Còn luật trong nước xử lý tất cả hành vi mua bán, nếu là hành vi chuyên nghiệp, có tổ chức thì quy định ở khung có mức độ chế tài cao hơn, nên dùng từ “mua bán” là hợp lý.

Như vậy, về cơ bản, luật hình sự Việt Nam đã khá tương thích với quy định tại ACTIP khi quy định về tội phạm buôn bán người và buôn bán trẻ em. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hình sự hóa đầy đủ các hành vi liên quan đến tội phạm buôn người ACTIP yêu cầu như hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có; hành vi tham nhũng; hành vi cản trở hoạt động tư pháp... Ví dụ: Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu (Điều 384 Bộ luật Hình sự 2015); nhóm tội phạm về tham nhũng được quy định tại mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015; tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323)...

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, một số nội dung của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu Công ước ACTIP, cần tiếp tục sửa đổi trong thời gian tới:

Thứ nhất, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi tại Điều 151 mà không phải là mua bán trẻ em như quy định tại ACTIP. Vì trẻ em theo quy định tại ACTIP là “bất kỳ người nào dưới 18 tuổi”[3]. Điều này cho thấy Bộ luật Hình sự Việt Nam đang có chính sách xử lý tội mua bán người từ 16 đến dưới 18 tuổi tại Điều 150. Điều này là không nhất quán với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thông lệ quốc tế: mua bán người dưới 18 tuổi là mua bán trẻ em và có chế tài xử lý nặng hơn thể hiện chính sách bảo vệ của cộng đồng quốc tế đối với đối tượng này. Vì lý do người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ thể chất và tinh thần, chưa có năng lực nhận thức đầy đủ, họ rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm. Đồng thời, xử lý tội mua bán trẻ em khác so với mua bán người thể hiện chính sách nhân đạo của cộng đồng quốc tế. Chính vì sự không tương thích của Bộ luật Hình sự Việt Nam với quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước ACTIP về vấn đề này, dẫn đến việc bảo vệ của pháp luật hình sự đối với đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi chưa được đúng mức. Chính vì thế, để bảo đảm thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên của Việt Nam với ACTIP và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng đầy đủ yêu cầu hợp tác quốc tế, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, bảo vệ tốt hơn các em ở độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, Bộ luật Hình sự Việt Nam nên sửa đổi theo hướng quy định tội mua bán người và mua bán trẻ em, trong đó quy định trẻ em là những người dưới 18 tuổi.

Thứ hai, theo quy định của ACTIP, “Buôn bán người là việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người nhằm...”. Như vậy, các hành vi được quy định trong ACTIP cấu thành tội buôn người như hành vi chuyển giao, tiếp nhận, tuyển dụng, vận chuyển, chứa chấp là độc lập với nhau. Khi thực hiện bất kỳ hành vi nào trong số đó có mục đích như Công ước quy định thì sẽ cấu thành tội buôn bán người. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự 2015 quy định hoàn toàn khác, đó là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi: chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác mới cấu thành tội buôn người. Quy định như vậy tại Bộ luật Hình sự 2015 vô tình làm hẹp đi phạm vi tội phạm theo quy định tại Công ước. Chính vì thế, Bộ luật Hình sự Việt Nam cần phải sửa đổi theo đúng tinh thần của Công ước, nhằm đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam.

Thứ ba, ACTIP yêu cầu các quốc gia thành viên “áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác khi thích hợp để những người có hành vi phạm tội phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn so với trường hợp phạm tội thông thường nếu có một trong các tình tiết tăng nặng sau:

Khi tội phạm gây tổn thương nghiêm trọng hoặc cái chết cho nạn nhân hay người khác, bao gồm trường hợp người đó chết do tự sát; Khi tội phạm liên quan đến nạn nhân là người đặc biệt dễ bị tổn thương như trẻ em hoặc người không có đủ khả năng tự chăm sóc hoặc bảo vệ bản thân vì khuyết tật hoặc điều kiện về thể chất hoặc tâm thần; Tội phạm làm cho nạn nhân nhiễm các bệnh nguy hiểm đến tính mạng, kể cả bệnh HIV/AIDS; Phạm tội với nhiều nạn nhân; Khi tội phạm được thực hiện là một phần hoạt động của nhóm tội phạm có tổ chức; Khi người phạm tội đã từng bị kết án về cùng tội danh hoặc tội phạm tương tự; Khi người phạm tội là công chức lạm dụng chức vụ hoặc quyền hạn để phạm tội”[4].

Tuy nhiên, trong cả Điều 150 và 151 Bộ luật Hình sự 2015 chưa áp dụng khung hình phạt tăng nặng đối với các tình tiết được yêu cầu tại Công ước, ví dụ: tình tiết khi tội phạm là công chức, tình tiết làm nạn nhân nhiễm các bệnh nguy hiểm, bao gồm cả HIV/AIDS… Bên cạnh đó, Điều 150 và Điều 151 quy định về các tình tiết tăng nặng không nhất quán, ví dụ Điều 51 có tình tiết “lợi dụng chức vụ quyền hạn”, nhưng Điều 150 lại không quy định. Vì thế, trong thời gian tới Bộ luật Hình sự cũng cần sửa đổi vấn đề này trên cơ sở ACTIP.

Tóm lại, tội phạm mua bán người là loại tội phạm ẩn, xuyên quốc gia và đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Vì vậy việc đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này cần sự chung tay của các quốc gia, nhất là các quốc gia trong khu vực ASEAN. Đối với Việt Nam, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự tương thích với ACTIP nhằm đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam là vấn đề cấp thiết.

ThS Vũ Ngọc Dương

[1] Theo website của Bộ lao động - Thương binh và xã hội, truy cập ngày 11/01/2019. Nguồn: http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=28228.

[2]ASEAN Legal Instruments, http://agreement.asean.org, truy cập ngày 22/3/2018.

[3]Điểm d Điều 2 ACTIP.

[4]Khoản 3 Điều 5 ACTIP