(LSO) - Sau mỗi lần tham gia vụ án bạo hành trẻ em, tôi đã phải bật khóc vì các em còn quá nhỏ đã phải chịu những nỗi đau nặng nề.
Ngày 19/8, TAND quận 12 xét xử bị cáo H. Q. V. (37 tuổi, ngụ quận 2), HĐXX tuyên phạt bị cáo 8 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị hại trong vụ án là bé C. (6 tuổi), con riêng của chị D. - người chung sống như vợ chồng với H. Q. V.
Lấy lý do bé C. tè bậy ra nệm, không nghe lời, mà bị cáo V. đã bắt bé quỳ, dùng cây gỗ đánh, dùng điếu thuốc đang cháy châm vào người bé C. Để nguỵ biện cho hành động này, bị cáo cho biết do bản thân nghiện ma tuý nên đã không làm chủ được bản thân.
Những hành động bạo hành của V. đã khiến bé C. trên người có nhiều vết bầm, lỗ tai và môi chảy máu, trên người có nhiều vế bỏng hình tròn,…; giám định tỉ lệ thương tật 47%.
Tôi làm rất nhiều vụ án về trẻ em nhưng khi tham gia bảo vệ trong vụ án này, trong phiên tranh luận tôi đã không khỏi bức xúc khi nghe những lời khai của bị cáo. Trẻ em là để yêu thương, hưởng những điều tốt đẹp, nhưng bị cáo V. lại đánh đập, hành hạ. Lúc tiếp cận hồ sơ, nhìn những vết thương trên thân thể bé C. tôi đã không cầm được nước mắt.
Tương tự, ngày 29/8, TAND quận 9 xét xử sơ thẩm bị cáo Châu Minh Tiến (24 tuổi, ngụ quận 9) về tội "Cố ý gây thương tích". HĐXX tuyên phạt Tiến 6 năm 6 tháng tù. Bị hại là con ruột của Tiến, bé C. M. K. chỉ 4 tháng 11 ngày tuổi.
Năm 2016, Tiến chung sống với chị T. như vợ chồng. Cả hai có 2 con chung, bé K. là con thứ 2 sinh ngày 22/9/2019. Trong thời gian chung sống, cả hai cãi vã, chị T. ẵm bé K. về nhà mẹ ruột ở. Đến ngày 03/02/2020, bà ngoại T. bồng bé K. sang cho Tiến, nói rằng chị T. bỏ nhà đi, không chăm con.
Tiến nhận con, sau đó bế vào phòng trọ ru ngủ, nhưng bé K. vẫn quấy khóc. Trong cơn giận vì con khóc, vợ bỏ đi, Tiến tát mạnh vào má, mông con nhiều lần. Tuy nhiên bé K. vẫn khóc, Tiến dùng tay đưa võng thật mạnh rồi giật ngược lại đột ngột làm bé bị té xuống đất. Tiến bế bé K. lên thấy con thở nấc, người tím tái, nên bế sang nhà cha ruột đưa đi cấp cứu. Theo kết quả giám định bé K. bị thương tật 37%.
Sau phiên xét xử, bị cáo đã lĩnh án thích đáng, nhưng điều còn lại vẫn là sự tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần của các em. Các bị cáo lãnh án tù, nhưng mẹ của các bé đã bỏ đi biệt tăm, không chăm lo. Điều tôi luôn trăn trở là phải hỗ trợ, giúp đỡ, để các bé có được một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, khoả lấp đi những ngày u ám trong quá khứ.
Đối với bé C., sau khi bị cáo Việt lãnh án 8 năm tù, mẹ cháu cũng bỏ đi. Lúc đó, bé C. được ông H., (cha dượng chị D.) chăm sóc. Xét về hoàn cảnh bé C., mẹ và bà ngoại đều bỏ đi, chối bỏ trách nhiệm không nuôi dưỡng. Ông H. đi làm bảo vệ, lương chưa tới 4 triệu/tháng. Mặt khác, ông H. cũng không cùng huyết thống với bé C. Vì vậy, tôi cùng Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP. HCM đã tạo điều kiện cho bé C. được đến ở trong Nhịp cầu hạnh phúc.
Tại đây, bé C. sẽ được học tập, sống trong môi trường không có sự bạo hành hay xâm hại. Ngoài ra, bé sẽ được điều trị tâm lý, để quên đi những tổn thương trước đây.
Còn về bé K. bị cha ruột bạo hành, sau khi phiên toà kết thúc, bé K. được về ở cùng với bà ngoại bé ở phòng trọ ở quận 9, TP. HCM. Cha ruột đi tù, mẹ ruột cũng bỏ đi biệt tăm. Bà ngoại bé phải lo cho bé, rồi lo luôn cho đứa con lớn của T., năm nay 3 tuổi. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do bà ngoại bé K. phải đi phụ hồ, vác gạch thuê cho hàng xóm để gồng gánh. Phía Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP. HCM cũng đã tiến hành hỗ trợ, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền tã, sữa hàng tháng cho hai cháu bé.
Luật sư, ThS. TRẦN THỊ NGỌC NỮ
Chi hội trưởng, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM