Tội 'Trốn thuế' trong giao dịch bất động sản

06/10/2024 11:24 | 1 ngày trước

(LSVN) - Thuế là một khoản nộp ngân sách Nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của luật thuế. Các khoản thu về thuế là nguồn tài chính quan trọng để thực hiện các mục tiêu, chính sách và các định hướng của Nhà nước. Trên thực tế, các hành vi vi phạm pháp luật thuế rất đa dạng trong đó trốn thuế là một hình thức vi phạm phổ biến, nhất là trong việc thực hiện giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Hành vi trốn thuế xâm phạm chính sách thuế của Nhà nước, làm thất thu ngân sách Nhà nước. Việc quy định tội trốn thuế là biện pháp cần thiết để góp phần ngăn chặn hành vi này.

Ảnh minh họa.

Tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản là gì?

Khi thực hiện việc chuyển nhượng bất động sản, các chủ thể của giao dịch phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và tiền thuế phải nộp bằng giá trị chuyển nhượng nhân với thuế suất. Việc nộp thuế khi chuyển nhượng bất động sản là nghĩa vụ bắt buộc đối với các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên trên thực tế, bởi tiền thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản tương đối lớn, các cá nhân, tổ chức không muốn thực hiện nghĩa vụ này đối với Nhà nước vì vậy đã thực hiện nhiều hành vi khác nhau nhằm không nộp hoặc giảm số tiền thuế phải nộp. Các hành vi này có thể được gọi chung là hành vi trốn thuế. Hành vi trốn thuế chỉ trở thành tội phạm trốn thuế khi hành vi trốn thuế gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước và xã hội thông qua việc vi phạm các quy định, các chính sách về thu nộp thuế. Đồng thời, hành vi trốn thuế đó phải thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu pháp lý được quy định trong BLHS, đó là: hành vi đó phải gây nguy hiểm cho xã hội; do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý.

Từ những nội dung trên có thể rút ra, tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bằng việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định của pháp luật khi thực hiện giao dịch bất động sản, do người có năng lực trách nhiệm hình sự đạt độ tuổi nhất định hoặc pháp nhân thương mại thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước.

Dấu hiệu pháp lí của Tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản

Tội "Trốn thuế" được quy định tại Điều 200 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo quy định này, tội "Trốn thuế" nói chung và tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản nói riêng có các dấu hiệu pháp lý cụ thể như sau:

Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi trốn thuế được quy định trong điều 200 BLHS có thể là một trong các dạng hành vi vụ thể sau:

– Không nộp hồ sơ đăng kí thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc thời hạn gia hạn nộp hồ sơ nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

– Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

– Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

– Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

– Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

– Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của BLHS;

– Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của BLHS;

– Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của BLHS;

– Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

Hành vi của tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản chủ yếu là các hành vi không nộp hồ sơ đăng kí thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc thời hạn gia hạn nộp hồ sơ nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật; sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.

Hành vi trốn thuế được xác định cụ thể trên đây chỉ bị coi là tội phạm nếu số tiền trốn thuế là từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Hành vi trốn thuế được thực hiện qua hai dạng hành vi là hành động phạm tội hoặc có thể không hành động phạm tội.

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Về lý trí, chủ thể của tội phạm thực hiện các hành vi trốn thuế nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật. Tùy mức độ khác nhau, các chủ thể này thấy được một phần hoặc toàn bộ hậu quả nguy hiểm của hành vi trốn thuế cho xã hội nói chung và trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước nói riêng, tuy nhiên, họ vẫn cố ý thực hiện cách xử sự trái với quy định của pháp luật. Cùng với đó, động cơ và mục đích của chủ thể phạm Tội "Trốn thuế" phản ánh sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, nhưng cơ bản đều vì mục đích “vụ lợi”.

Dấu hiệu khách thể của tội phạm

Khách thể của Tội "Trốn thuế" là trật tự quản lý nền kinh tế mà cụ thể là ngân sách Nhà nước bị thất thu, thiệt hại do không thu được hoặc không thu đủ thuế. Đối tượng phạm tội "Trốn thuế" tác động vào số tiền thuế bằng cách trốn tránh nghĩa vụ phải nộp thuế theo quy định pháp luật. Khách thể trực tiếp của tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản xâm hại đến là các quy định của Nhà nước về trách nhiệm phải đóng thuế nộp vào ngân sách Nhà nước khi tham gia giao dịch chuyển nhượng bất động sản.

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội "Trốn thuế" là người thực hiện hành vi được luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội phạm này không chỉ là cá nhân mà còn có thể là pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại phạm tội "Trốn thuế" là khi một cá nhân vì lợi ích hoặc nhân danh pháp nhân và/hoặc do người dại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại chỉ đạo một cá nhân thực hiện hành vi phạm tội có đầy đủ điều kiện để cấu thành tội "Trốn thuế". Tuy nhiên không phải bất kỳ chủ thể nào cũng có thể trở thành tội phạm của tội "Trốn thuế", chỉ những cá nhân, pháp nhân thương mại mà theo quy định của pháp luật có nghĩa vụ nộp thuế thì mới xác định là chủ thể của tội phạm. Cụ thể là những tổ chức, cá nhân đó đủ điều kiện phải nộp một hoặc nhiều các loại thuế nhất định theo luật định.

Hình phạt của tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản

Điều luật quy định 03 khung hình phạt chính, 01 khung hình phạt bổ sung và 01 khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

– Phạm tội có tổ chức;

– Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 01 tỉ đồng;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Tái phạm nguy hiểm.

Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tiền từ 1,5 tỉ đồng đến 4,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm được quy định cho trường hợp trốn thuế với số tiền từ 01 tỉ đồng trở lên.

Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định:

– Nếu hành vi phạm tội thuộc điểm a khoản 5 thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 01 tỉ đồng;

– Nếu hành vi phạm tội thuộc khoản 2 (các điểm a, b, d và đ) thì bị phạt tiền từ 01 tỉ đồng đến 03 tỉ đồng;

– Nếu hành vi phạm tội thuộc khoản 3 thì bị phạt tiền từ 03 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

– Nếu hành vi phạm tội thuộc trường hợp được quy định tại Điều 79 BLHS thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

– Hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Bản án về Tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản

Bản án minh họa cho tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản có thể kể đến là Bản án số 56/2021/HS-ST ngày 09/9/2021 của TAND huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Vụ án có các bị cáo là: Nguyễn Thanh B, Nguyễn Văn A, Thái Thị T, Nguyễn Hữu V và Mạc Thị C. Có nội dung như sau:

Nguyễn Thanh B, Nguyễn Hữu V, Nguyễn Văn A, Thái Thị T cùng ông Đào Thanh V3, sinh năm 1972, hộ khẩu thường trú: Số 174, ấp 3B, xã M, huyện C, tỉnh B Phước; ông Đào Xuân V4, sinh năm 1967, hộ khẩu thường trú: Tổ 6, ấp 3B, xã M, huyện C, tỉnh B Phước và ông Đinh Xuân H1, sinh năm 1978, hộ khẩu thường trú: Khu phố 1, thị trấn C, huyện CT, tỉnh B Phước có mối quan hệ quen biết với nhau. Mạc Thị C là vợ của Nguyễn Hữu V.

Thửa đất số 17, tờ bản đồ số 06, có diện tích 68.933m2, tọa lạc tại xã M, huyện D, tỉnh B Dương (gọi tắt là thửa đất số 17) do vợ chồng V và C cùng ông V3, ông V4 góp tiền nhận chuyển nhượng chung và thống nhất để V đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ). Sau đó, ông V4 giao cho ông H1 làm môi giới, tìm khách hàng để chuyển nhượng thửa đất này.

Do có nhu cầu nhận chuyển nhượng đất để đầu tư nên B, A và T cùng góp tiền để nhận chuyển nhượng đất và giao cho B tìm nguồn đất. Tháng 4/2019, qua tìm hiểu thì B biết thông tin ông H1 đang chào chuyển nhượng thửa đất số 17. B đã đến gặp ông H1 và hai bên thỏa thuận, thống nhất giá chuyển nhượng của thửa đất trên là 17.230.000.000 đồng. Khi B đồng ý nhận chuyển nhượng đất, ông H1 đã điện Tại cho ông V4 đến ký hợp đồng và nhận tiền đặt cọc, nhưng ông V4 đề nghị ông H1 đại diện ký hợp đồng và nhận tiền cọc thay ông V4. Ông H1 cũng nói cho B biết thửa đất trên là của ông V4, ông H1 chỉ là người môi giới.

Ngày 19/4/2019, ông H1 ký Hợp đồng đặt cọc với B về việc sang nhượng đất và tài sản gắn liền với đất đối với thửa đất số 17, theo nội dung hợp đồng thì giá chuyển nhượng của thửa đất số 17 là 17.230.000.000 đồng, hợp đồng được B và ông H1 ký tên, lăn tay xác nhận. B đã đưa ông H1 số tiền 800.000.000 đồng để đặt cọc. Đến ngày 22/4/2019, B tiếp tục đưa ông H1 số tiền 1.200.000.000 đồng thanh toán tiền nhận chuyển nhượng thửa đất số 17. Các lần đưa tiền được thể hiện tại Hợp đồng đặt cọc ngày 19/4/2019 có chữ ký xác nhận của B và ông H1. Sau khi nhận tiền, ông H1 đã đưa toàn bộ số tiền 2.000.000.000 đồng đã nhận cho ông V4 và ông H1 được ông V4 trả tiền phí môi giới 2% giá trị chuyển nhượng. Đến ngày 16/5/2019, B đến nhà ông V4 để thanh toán số tiền 6.600.000.000 đồng, việc giao nhận tiền được lập thành Hợp đồng nhận tiền đặt cọc đất lần 2.

Ngày 07/6/2019, vợ chồng V và C cùng với A, T và B đến Ủy ban nhân dân xã M, huyện D để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chính thức. Do B góp tiền ít hơn A và T nên cả ba người thống nhất để A và T đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng và đứng tên GCNQSDĐ, còn B có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục cấp GCNQSDĐ. Tại đây, B đã thỏa thuận với V và C là do bên mua chịu trách nhiệm nộp các loại thuế, lệ phí trước bạ nên yêu cầu ghi hạ thấp số tiền chuyển nhượng trên hợp đồng xuống để giảm tiền thuế, lệ phí trước bạ phải nộp cho Nhà nước, V và C đồng ý. Hai bên thống nhất ghi trong hợp đồng giá trị chuyển nhượng của thửa đất số 17 do vợ chồng V và C chuyển nhượng cho A và T là 700.000.000 đồng. Khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Vỹ, C, A và T đều được đọc lại nội dung hợp đồng. Sau đó, B đã đưa số tiền 12.000.000.000 đồng cho vợ chồng V và C để thanh toán, trong đó: thanh toán cho vợ chồng V số tiền nhận chuyển nhượng đất còn lại là 8.630.000.000 đồng và nhờ V đem trả nợ cho ông V4 số tiền 3.370.000.000 đồng do B đã vay của ông V4 trước đó.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, cụ thể: Do có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư nên B, A và T cùng góp tiền để nhận chuyển nhượng đất của vợ chồng ông V và bà T. Các bị cáo đã thống nhất ghi giảm trị giá thực của phần đất có diện tích 68.933m2, thuộc thửa đất số 17, tờ bản đồ số 06, tọa lạc tại xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương từ số tiền 15.165.000.000 đồng (tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 303.300.000 đồng) xuống còn 700.000.000 đồng nhưng Chi cục thuế Bến Cát xác định giá trị của thửa đất số 17 là 4.365.640.000 đồng để làm căn cứ xác định tiền thuế thu nhập cá nhân (tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 87.312.800 đồng) để được hưởng số tiền thuế chênh lệch là 215.987.200 đồng.

Như vậy, hành vi của các bị cáo tuy đơn giản nhưng đã xâm phạm trật tự quản lý về thuế do Nhà nước thống nhất quản lý, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Hành vi của các bị cáo là hành vi sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để xác định sai số tiền thuế phải nộp. Các bị cáo nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp hậu quả để thực hiện hành vi, đây là lỗi cố ý trực tiếp, và mục đích của việc phạm tội là để hưởng lợi tiền chênh lệch từ việc khai báo thuế không trung thực.

Bản án gần đây về tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản là bản án số 10/2022/HS-ST ngày 10/4/2022 của TAND huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, với nội dung cụ thể như sau: Vào ngày 12/01/2021, Huỳnh Thị Lệ C đã thỏa thuận chuyển nhượng cho Đặng Diệu H 05 thửa đất số 192, 193, 336, 435, 446 và các tài sản trên đất của cá nhân và của Công ty TNHH Đ Đắk Lắk, cùng địa chỉ tại xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, với tổng giá trị giao dịch là 32.350.000.000 đồng (ba mươi hai tỷ, ba trăm năm mươi triệu đồng). Trong đó, tổng giá trị chuyển nhượng 05 thửa đất là 22.935.000.000 đồng (hai mươi hai tỉ, chín trăm ba mươi lăm triệu đồng) còn lại là giá trị các tài sản khác của cá nhân và của Công ty TNHH Đ Đắk Lắk. Để giảm tiền thuế và lệ phí phải nộp cho Nhà nước, các bị cáo H và C đã thỏa thuận ký 05 hợp đồng giả tạo với giá trị mỗi hợp đồng là 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) và H đi kê khai nộp thuế. Sau khi tiếp nhận 05 hợp đồng không đúng thực tế trên, do giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá quy định của Nhà nước nên Chi cục Thuế khu vực Ea H’Leo – Krông Búk đã căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân trong giao dịch chuyển nhượng 05 thửa đất trên là 173.187.360 đồng (một trăm bảy mươi ba triệu, một trăm tám mươi bảy nghìn, ba trăm sáu mươi đồng) và bị cáo H đã nộp đủ số tiền thuế trên tại Kho bạc Nhà nước huyện Krông Búk. Tuy nhiên, tính theo giá trị chuyển nhượng 05 thửa đất là 22.935.000.000 đồng, khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân đã nộp trên thì các bị cáo C và H đã trốn thuế thu thập cá nhân với số tiền 285.512.640 đồng (hai trăm tám mươi lăm triệu, năm trăm mười hai nghìn, sáu trăm bốn mươi đồng). Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Trốn Thuế”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 200 BLHS.

Qua các phân tích về tội "Trốn thuế" trong giao dịch bất động sản có thể thấy tội phạm này là tội phạm nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng cho chế độ quản lý về thuế của Nhà nước và thất thu cho nguồn ngân sách Nhà nước, hành vi của tội phạm đa dạng, phức tạp và ngày càng trở nên tinh vi hơn. Vì vậy, việc rà soát và xử lý nghiêm loại tội phạm này vô cùng cần thiết trong thực tế hiện nay, khi mà các giao dịch bất động sản ngày càng nhiều và giá trị ngày càng cao.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN - THU VÂN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Không tăng mức phạt với hành vi liên quan mũ bảo hiểm