(LSO) - Vụ giả danh cánbộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để thực hiện một vụ cướp xảy ra vừa mới đây làm dấy lên những nghi ngại không nhỏ trong dư luận xã hội.
Đáng chú ý là bọn cướp thực hiện hành vi một cách trắng trợn nhưng bài bản, có sự chuẩn bị kỹ càng. Chúng dùng xe gắn biển số xanh (giả), mặc sắc phục Công an như thật, có lệnh bắt người và khám xét nhà, điều bất thường là chúng thực hiện việc này vào ban đêm, gây sự nghi ngờ cho chủ nhà và họ đã kịp thời bình tĩnh báo Công an và bọn cướp đã bị bắt quả tang khi thực hiện hành vi phạm tội.
Vụ việc này khiến người ta liên tưởng đến một loạt các vụ việc tương tự, giả danh Công an để thực hiện hành vi lừa đảo. Phổ biến nhất là gọi điện thoại, xưng là Cảnh sát hình sự, đang điều tra vụ án nghiêm trọng có liên quan đến người mà chúng nhắm tới, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân và phải chuyển tiền là "tang vật vụ án" cho bọn chúng. Đã có người mất hàng tỷ đồng cho sự lừa đảo trắng trợn và tinh vi này.
Các vụ giả danh Cảnh sát hình sự để cướp giật trên đường cũng không phải hy hữu, nhiều người đã trở thành nạn nhân của bọn giả danh này. Có cả những vụ lẻ tẻ giả danh Công an để chiếm đoạt tình và tiền của các phụ nữ nhẹ dạ, cưỡng đoạt tài sản của gái bán dâm,... cũng đã xảy ra và cũng không phải là hiếm.
Gần đây nhất, Công an TP. Hồ Chí Minh vừa ra thông báo tìm người bị hại, chủ sở hữu xe máy trong vụ án cướp tài sản của một nhóm người giả danh Cảnh sát hình sự, trang bị công cụ hỗ trợ (súng, còng số 8, bộ đàm, dụng cụ phóng điện) đi kiểm tra, bắt giữ người và chiếm đoạt xe máy của những người rao bán xe không chính chủ, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Chúng đã thực hiện chiếm đoạt trót lọt 18 chiếc xe máy mà tới nay chưa có một bị hại nào trình báo, Công an đã bắt giữ bọn cướp ở "Đội cảnh sát hình sự" rởm này với hành vi gây ra hơn 20 vụ cướp táo tợn trên các địa bàn TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Ngoài ra, liên tục các vụ giả danh Công an bị bắt giữ như vụ giả danh Cảnh sát hình sự đòi 200 triệu chạy án xảy ra ở Nha Trang, vụ giả cảnh sát xông vào sòng bạc cướp tiền tại Đồng Tháp, hoặc 2 thanh niên Cà Mau giả danh Cảnh sát mang dùi cui lừa một người dân về đồn, gặp phải Cảnh sát 113 và chính những tên này bị bắt về đồn. Rồi các vụ giả Cảnh sát cơ động chặn xe người đi đường, giả Trung tá Công an lừa tình, lừa tiền phụ nữ đã bị khởi tố, bắt giam,...
Bọn giả danh Công an có cơ hội lộng hành bởi người dân còn thiếu am hiểu pháp luật, không hiểu trình tự, thủ tục của việc bắt giữ, kiểm tra, điều tra vụ án, "sợ bóng, sợ gió", nên nhất nhất làm theo mà không nghi ngờ gì cả. Để xảy ra tình trạng này rõ ràng là việc thực thi pháp luật của chúng ta còn lỗ hổng, thiếu đồng bộ và quan trọng nhất quyền nhân thân chưa được tôn trọng theo quy định của pháp luật. Ở các nước thực thi pháp luật chặt chẽ, những trường hợp tương tự thế này người bị bắt giữ, kiểm tra thường yêu cầu sự có mặt của Luật sư.
Nước ta cũng cần như thế!
NHỊ NGỌC