Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ
Theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Ở đây, khái niệm này không định nghĩa thế nào là “nguồn nguy hiểm cao độ” mà chỉ liệt kê các đối tượng được xem là “nguồn nguy hiểm cao độ”. Tuy nhiên, để xác định đâu là nguồn nguy hiểm cao độ thì ngoài căn cứ theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 còn phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm hiểm cao độ gây ra phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
(1) Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
(2) Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;
(3) Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;
(4) Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
(5) Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Phải có thiệt hại xảy ra
Thiệt hại được hiểu là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trong trường hợp có thiệt hại xảy ra do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì thiệt hại này không bao gồm thiệt hại do danh dự, nhân phẩm. Bởi vì, nguồn nguy hiểm cao độ là những phương tiện, máy móc, thiết bị nên khi gây thiệt hại thì chủ yếu là thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng chứ không gây ra thiệt hại về danh dự, nhân phẩm được.
Ngoài ra, do đây là nguồn nguy hiểm “cao độ” nên có thể gây ra thiệt hại cho bất cứ ai, kể cả chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng, quản lý, thậm chí là những người không có liên quan đến những nguồn nguy hiểm cao độ này. Vì vậy, pháp luật đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ khi chúng gây thiệt hại cho những “người xung quanh”, bất kể những người này không có quan hệ với nguồn nguy hiểm cao độ đó.
Thiệt hại phải do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Vì đối tượng được xác định ở đây là nguồn nguy hiểm cao độ nên cần phải làm rõ vấn đề: Thiệt hại xảy ra có phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay không?.
Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ đối với các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp thì phải đang trong trạng thái hoạt động. Nếu những đối tượng này đang ở trạng thái “tĩnh” thì không thể xem là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Như vậy, khi các nguồn nguy hiểm cao độ được liệt kê tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 “đang hoạt động” mà gây thiệt hại thì sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra
Đối với chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, về nguyên tắc, hành vi trái pháp luật phải được coi là nguyên nhân trực tiếp và thiệt hại được coi là hậu quả kéo theo. Như vậy, có thể thấy rằng hành vi trái pháp luật phải xảy ra trước và thiệt hại xảy ra sau. Chính vì thế, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ chỉ phát sinh khi sự “tự thân hoạt động” của nguồn nguy hiểm cao độ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại xảy ra.
Lỗi
Theo quy định tại khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì: "chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Như vậy, có thể thấy rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh ngay cả khi không tồn tại yếu tố lỗi của chủ sở hữu. Điều này chứng tỏ rằng, hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người hoặc cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, điều khiển. Tuy nhiên, lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với thiệt hại. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi, do hành vi của người điều khiển, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này.
Xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường
Căn cứ theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 các chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể là: (1) chủ sở hữu; (2) người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng.
Đối với chủ sở hữu
Pháp luật dân sự quy định buộc chủ sở hữu phải có trách nhiệm bồi thường khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật”. Chủ sở hữu là người được thực hiện toàn bộ các quyền dân sự như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, trong đó có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Vì vậy, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường khi đang chiếm hữu, sử dụng ngay cả khi mình có lỗi hay không có lỗi.
Ngoài ra, trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng mà người này gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Và những thỏa thuận khác này không vi phạm điều cấm của luật, không vi phạm đạo đức xã hội.
Đối với người chiếm hữu, sử dụng
Khi chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải có trách nhiệm bồi thường khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp chủ chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, khi thuộc một trong các trường hợp sau thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Phân tích một vụ việc cụ thể
Vào khoảng 20 giờ, ngày 12/8/2017 anh Hoàng Xuân Th. điều khiển xe chuyển hướng không nhường đường cho anh Phạm Tuấn M. nên xảy ra tai nạn. Tại kết luận điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông của Công an thành phố B. xác định nguyên nhân vụ tai nạn là do anh Th. điều khiển xe chuyển hướng không nhường đường cho xe anh M. đi theo hướng ngược chiều nên gây tai nạn giao thông. Tai nạn xảy ra gây thiệt hại như sau:
Anh M. bị thương “vết thương bàn tay (T), chấn thương đầu mặt” tỉ lệ là 10%; hư hỏng xe mô tô biển số 47B2-2004 thiệt hại là 7.891.000 đồng.
Gia đình anh M. đã chi phí cứu chữa, điều trị vết thương, làm lại răng cho anh M. hết tổng số tiền là 5.093.000 đồng; chi phí sửa xe mô tô là 8.602.000 đồng.
Sau khi xảy ra tai nạn, anh Th. và bà Nguyễn Thị C. là chủ xe mô tô gây tai nạn không đồng ý bồi thường nên anh M. khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà C. và anh Th. phải liên đới bồi thường thiệt hại cho anh M. các khoản tiền cụ thể sau: Chi phí cứu chữa, điều trị vết thương, làm răng: 5.093.000 đồng; tiền bồi dưỡng sức khỏe: 1.000.000 đồng; tổn thất tinh thần: 5 tháng lương cơ sở x 1.300.000 đồng = 6.500.000 đồng; chi phí sửa xe mô tô: 8.602.000 đồng; tổng số tiền là: 21.195.000 đồng.
Tại bản án sơ thẩm số 32/2018/DS-ST, Tòa án nhân dân thành phố B. đã tuyên “chấp nhận một phần đơn khởi kiện của anh Phạm Tuấn M. Buộc bà C. và anh Th. phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho anh M. số tiền 20.114.000 đồng. Bác một phần yêu cầu khởi kiện của anh M. yêu cầu bà C. và anh Th. bồi thường số tiền 1.081.000 đồng về tiền xe cấp cứu và chi phí sửa xe (do không có chứng từ chứng minh và kết luận định giá xác định thấp hơn).
Theo quan điểm của tác giả, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà C. cùng liên đới với anh Th. bồi thường cho anh M. số tiền 20.114.000 đồng là chưa phù hợp với quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Bởi lẽ, trong hồ sơ vụ án cho thấy khi bà C. vắng nhà, anh Th. đã tự ý lấy xe đi mà không hỏi ý kiến của bà C. Có thể thấy rằng, việc anh Th. tự ý lấy xe đi mà không hỏi ý kiến của bà C. chứng tỏ chưa có sự chuyển giao nào từ chủ sở hữu của chiếc xe là bà C. cho anh Th. Việc anh Th. tự ý điều khiển xe khi chưa có sự chuyển giao từ chủ sở hữu là hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nên phải bồi thường khi gây ra thiệt hại. Vì vậy, trong trường hợp này, bà C. không có lỗi nên không phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh M.
NGUYỄN MINH TRÍ
Công ty Luật Hợp danh Minh Duy
Những điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính về các biện pháp xử lý hành chính