Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật
Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 và tiếp tục được quy định trong BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015.
Kể từ BLDS năm 1995 đến nay, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng trong trường hợp vượt quá giới phòng vệ chính đáng đều chỉ được quy định trong một điều luật duy nhất, với nội dung giống nhau xuyên suốt trong cả 03 BLDS[1]. Theo đó, pháp luật dân sự ghi nhận: “(1). Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. (2).Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại[2].”
Trong các quy định của BLDS hiện hành không có quy định giải thích về thế nào là phòng vệ chính đáng và thế nào là vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) thì phòng vệ chính đáng là một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và được quy định cụ thể như sau: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Đồng thời tại Khoản 2, Điều 22 BLHS năm 2015 có quy định giải thích rõ về hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.
Như vậy, theo quy định của BLHS năm 2015 thì phòng vệ chính đáng không không phải là tội phạm, vì vậy, người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu hành vi phòng vệ thực tế đã thực hiện vượt quá giới hạn được pháp luật quy định là phòng vệ chính đáng thì người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS năm 2015.
Tương tự như vậy, theo quy định tại Khoản 1, Điều 594 BLDS năm 2015, hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên mà gây ra thiệt hại thì không phải BTTH cho người bị thiệt hại. Hay nói cách khác, vì hành vi mà người thực hiện phòng vệ được xác định là chính đáng, không bị coi là vi phạm pháp luật dân sự nên họ không phải chịu trách nhiệm dân sự - hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể xác định phải gánh chịu khi vi phạm nghĩa vụ dân sự.
Tuy nhiên, nếu hành vi thực tế đã thực hiện vượt quá giới hạn được coi là phòng vệ chính đáng mà gây ra thiệt hại thì người thực hiện hành vi vượt quá phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Bởi vì, hành vi gây thiệt hại do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng bị coi là hành vi trái pháp luật và người thực hiện hành vi bị coi là có lỗi khi thực hiện hành vi đó.
Hiện nay, lý luận cũng như thực tiễn, khi xem xét hành vi phòng vệ có rõ ràng vượt quá mức cần thiết hay không, cần xem xét đến các yếu tố: (1) Tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại; (2) Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; (3) Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công; (4) Tính chất và mức độ của phương pháp, phương tiện hay công cụ mà đối tượng tấn công đã sử dụng, thời gian, địa điểm, tình hình trị an nơi xảy ra hành vi tấn công và phòng vệ; (5) Sức mạnh và khả năng phòng vệ; (6) Nhân thân của người tấn công và người phòng vệ; (7) Yếu tố tâm lý của người phòng vệ. Trên cơ sở xem xét toàn diện những tiêu chí trên, chủ thể áp dụng pháp luật có thể quyết định hành vi phòng vệ có rõ ràng vượt quá mức cần thiết hay không[3].
Vấn đề đặt ra và kiến nghị
Vấn đề đặt ra là khi người có hành vi được xác định vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng mà gây ra thiệt hại cho người khác thì họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại hay chỉ phải bồi thường phần thiệt hại được xác định do thực hiện hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng.
Khoản 2 Điều 594 BLDS năm 2015 quy định người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng lại không xác xác định mức bồi thường thiệt hại cụ thể mà người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng phải bồi thường là toàn bộ thiệt hại hay chỉ phải bồi thường đối với phần vượt quá. Vì vậy, trong thực tiễn áp dụng vẫn tồn tại 02 luồng quan điểm xác định mức bồi thường khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng chỉ phải bồi thường phần thiệt hại vượt quá giới hạn. Bởi vì, ở trong giới hạn phòng vệ chính đáng, hành vi của họ không bị coi là trái pháp luật dân sự. Mặt khác, đây là trường hợp BTTH khi người bị thiệt hại cũng có một phần lỗi nên về nguyên tắc, người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại do vượt quá giới hạn, nếu buộc họ bồi thường toàn bộ thiệt hại là gây bất lợi đối với họ.
Quan điểm thứ hai cho rằng: người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Bởi vì, việc xác định hành vi nằm trong giới hạn hay vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng phải dựa vào tính chất, mức độ của hành vi đã thực hiện. Trong khi đó, khi thực hiện hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng thì chỉ có một hành vi được thực hiện nên không thể xác định phần hành vi nào nằm trong giới hạn, phần hành vi nào vượt quá giới hạn.
Đồng thời những người theo quan điểm thứ hai còn lập luận rằng, căn cứ vào cách diễn giải của khoản 2 Điều 594 BLDS năm 2015 và đem đối chiếu với trường hợp bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết tại Điều 595 BLDS năm 2015 thì thấy rằng cùng là hành vi vượt quá nhưng tại Khoản 1 Điều 595 BLDS năm 2015 lại quy định rõ trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
Vì vậy, thông qua so sánh đối chiếu giữa các quy định trách nhiệm bồi thường ở 02 điều luật này thì thấy định hướng của nhà làm luật thể hiện trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng là trách nhiệm bồi thường toàn bộ.
Xuyên suốt từ khi thi hành BLDS năm 1995 đến nay, trong cả 03 Nghị quyết[4] của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn áp dụng một số quy định của các BLDS về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng đều không có hướng dẫn đối với trường hợp BTTH trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Từ thực tiễn nghiên cứu của tác giả đối với phần dân sự trong một số bản án[5] hình sự liên quan đến các tội như “tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, “tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hoặc các bản án dân sự về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng liên quan đến hành vi gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cho thấy: tùy theo loại thiệt hại xảy ra (tài sản, sức khỏe, tính mạng…) mà sẽ căn cứ vào các quy định chung của BLDS năm 2015 về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng từ Điều 584 – Điều 593 của BLDS năm 2015 để xác định trách nhiệm bồi thường cụ thể và buộc người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường hoặc ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận bồi thường nếu các bên thỏa thuận được với nhau về trách nhiệm BTTH. Trong quá trình xem xét về trách nhiệm BTTH của người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, Tòa án có xem xét đến yếu tố lỗi của người bị thiệt hại để cân nhắc xác định mức bồi thường cụ thể([6]).
Vì vậy, để khắc phục tình trạng tồn tại cách hiểu khác nhau về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như đã phân tích trên đây, kiến nghị HĐTP TANDTC cần có hướng dẫn đối với trường hợp này để thống nhất áp dụng pháp luật. Nội dung hướng dẫn xác định trách nhiệm BTTH của người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cần cân nhắc đến yếu tố phòng vệ chính đáng, yếu tố vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và yếu tố lỗi của người bị thiệt hại để đảm bảo sự công bằng trong xác định trách nhiệm BTTH và không làm bất lợi cho người gây ra thiệt hại do thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
- - - - [1] Điều 617 BLDS năm 1995; Điều 613 BLDS năm 2005; Điều 594 BLDS năm 2015. [2] Khoản 1, 2 Điều 594 BLDS năm 2015. [3] Xem tại: https://kiemsat.vn/mot-so-van-de-ve-phong-ve-chinh-dang-67638.html, truy cập ngày 23/4/2024. [4] Nghị quyết 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4/2004; Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006; Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022. [5] Xem tại: https://congbobanan.toaan.gov.vn/ [6] Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2020/DS-PT ngày 10/02/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc trăng V/v tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm, xem tại: https://congbobanan.toaan.gov.vn/3ta475718t1cvn/ |
Tài liệu tham khảo 1. Bộ luật Dân sự năm 1995; 2. Bộ luật Dân sự năm 2005; 3. Bộ luật Dân sự năm 2015; 4. Nghị quyết 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4/2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; 5. Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; 6. Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của HĐTP TANDTC hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015; 7. Các bản án trên Trang thông tin điện tử công bố bản án của Tòa án nhân dân tối cao tại địa chỉ: https://congbobanan.toaan.gov.vn/ 8. Bài viết: Một số vấn đề về phòng vệ chính đáng của tác giả Nguyễn Quang Trí, xem tại địa chỉ: https://kiemsat.vn/mot-so-van-de-ve-phong-ve-chinh-dang-67638.html |
Luật sư THIỀU HỮU MINH