/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự

12/01/2024 07:33 |

(LSVN) - Bồi thường thiệt hại là một trong những vấn đề quan trọng trong giải quyết vụ án hình sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của bị hại do tội phạm gây ra. Tuy nhiên, khi giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự còn có nhiều cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất.


Ảnh minh họa.

Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS): “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:

- Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác.

- Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần

- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Một số vướng mắc

Thứ nhất, trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại sẽ được xác định như thế nào khi có đồng phạm bỏ trốn?

Ví dụ: A. và B. trộm cắp chiếc xe máy của anh T. có giá trị 57 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thời gian tạm giam A bỏ trốn, cơ quan tiến hành tố tụng đã tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra và quyết định truy nã đối với A.

Tại phiên tòa sơ thẩm, anh T. yêu cầu B. phải bồi thường cho mình toàn bộ giá trị chiếc xe máy là 57 triệu đồng; nhưng B. chỉ chấp nhận bồi thường cho bị hại ½ giá trị chiếc xe là 28,5 triệu đồng.

Hiện có những quan điểm giải quyết chưa được thống nhất: 

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chấp nhận yêu cầu của anh T., buộc B. bồi thường cho anh T. 57 triệu đồng. Vì A. bỏ trốn, cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm đình chỉ vụ án đối với A., nên cần buộc B. phải bồi thường toàn bộ thiệt hại để đảm bảo quyền lợi cho anh T. Trách nhiệm hoàn trả của A. cho B., được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (khi bắt được A. và  có yêu cầu).

Quan điểm thứ hai cho rằng: Buộc B. bồi thường cho anh T. là 28,5 triệu đồng. Vì B. chỉ có trách nhiệm bồi thường ½ giá trị chiếc xe máy; phần còn lại là trách nhiệm của A. và cần xác minh tài sản của A., để buộc A. bồi thường (tuyên án vắng mặt A.).

Thứ hai, xác định lỗi của bị hại trong vụ án mà bị hại cũng có lỗi

Đối với các vụ án hình sự, tình tiết  "người bị hại cũng có lỗi" có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường dân sự. Điều 585 BLDS quy định: "Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại, thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra"

Như vậy đối với các vụ án mà bị hại cũng có lỗi cần phải xác định mức độ, tỷ lệ lỗi của bị hại để xác định mức bị cáo phải bồi thường tương ứng với tỷ lệ lỗi. Nhưng trên thực tế việc xác định mức độ lỗi, tỷ lệ lỗi nhiều vụ án chưa thật chính xác, còn tùy nghi trong việc vận dụng.

Thứ ba, chi phí hợp lý cho việc mai táng

Theo quy định của pháp luật thì chi phí hợp lý cho việc mai táng được hiểu là những khoản tiền không thể thiếu trong một đám tang bao gồm tiền: Mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ. 

Tuy nhiên, khi một người chết, người thân phải đi lại để dự lễ tang và liệu chi phí đi lại dự lễ tang có được bồi thường không? Trong một vụ tranh chấp mà một cá nhân có tính mạng bị xâm phạm và một số người thân đi dự lễ tang bằng máy bay, Hội đồng Thẩm phán đã xét rằng “chi phí hợp lý cho việc mai táng được chấp nhận, do đó chi phí cho việc dự lễ tang cần được xem xét nhưng chỉ chấp nhận đối với những người có quan hệ thân thích gần gũi với nạn nhân như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột, con đẻ đi bằng phương tiện máy bay để kịp dự tang lễ”. Như vậy, cần được cân nhắc khi xem xét bồi thường chi phí mai táng khi tính mạng bị xâm phạm. 

Kiến nghị đề xuất

Một là, khi xác định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại giữa các đồng phạm cần căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi người tương ứng với phần trách nhiệm mà họ gây ra. Mặt khác, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong cùng một vụ án theo quy định tại Điều 585, 587 BLDS.

Hai là, cần quy định rõ cách xác định lỗi của bị hại, người bị thiệt hại trong vụ án mà bị hại, người bị thiệt hại cũng có lỗi. Khi xác định chính xác vấn đề về lỗi của các bên, mới có thể đưa ra quyết định chính xác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, cần có quy định làm rõ hơn cách xác định lỗi của các bên, để Tòa án các cấp áp dụng thống nhất, tránh nhận định cảm tính. 

Ba là, đối với khoản chi phí mai táng hợp lý cần rà soát, xem xét chấp nhận nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người thân và bị hại. Từ đó, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật một cách thống nhất có hiệu quả trên thực tiễn.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

3. GS.TS. Đỗ Văn Đại – Lê Hà Huy Phát “Thiệt hại được bồi thường khi tính mạng bị xâm phạm trong pháp luật dân sự” Tạp chí Kiểm sát số 14/2023.

TRẦN VĂN MINH

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7

Đề xuất trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Bùi Thị Thanh Loan