Ảnh minh họa.
Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những tổn thất về sức khỏe và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với phương châm xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”. Các địa phương cũng đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống, phương pháp xét nghiệm và thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp. Phần lớn người dân có ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định phòng chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đứng ngoài "luồng" vận hành khi tung tin sai sự thật, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh...
Mới đây, dư luận xã hội lên án về một người đàn ông tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đã tranh cãi với tổ tuần tra xử lý vi phạm hành chính phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Vì không hài lòng về việc tổ tuần tra lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hành vi ra đường không có lý do chính đáng của vợ, người này cầm biên bản đến xé ngay nơi tổ công tác đang làm việc. Hay trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, để né lực lượng kiểm tra, một số người dân thành phố chạy bộ, đạp xe từ lúc 3-4h sáng, vì tin rằng lúc này khó bị phát hiện và xử phạt. Đáng lên án hơn, vì lợi ích trước mắt, một số cá nhân đã tiếp tay cho một số nhóm người vượt biên trái phép. Một bộ phận người dùng mạng xã hội sẵn sàng đưa tin giả, gây sốc, "câu view" gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang dư luận.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong phòng chống dịch Covid-19 là ý thức và trách nhiệm công dân đối với bản thân và toàn xã hội. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thì ý thức và trách nhiệm, sự đồng lòng của mỗi công dân trong phòng, chống dịch bệnh là yếu tố then chốt đẩy lùi dịch bệnh.
Trong cơn đại dịch nguy cấp, tình người, sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau nhất là ở những hoàn cảnh khó khăn là những nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đó là hình ảnh cụ bà ở Quỳnh Lưu, Nghệ An đã 100 tuổi nhưng vẫn chống gậy đi ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19; là chiến sĩ cảnh sát giao thông ở TP. HCM tự bỏ tiền giúp đỡ người dân khó khăn về quê qua chốt kiểm soát; là những nhà hảo tâm, doanh nghiệp luôn đồng hành cùng Chính phủ trong suốt 4 đợt dịch vừa qua.
Hơn hết, là sự sẻ chia mạnh mẽ của cộng đồng, theo Kho bạc Nhà nước, số huy động vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 tính đến 17h ngày 28/7 là 8.345 tỉ đồng (bao gồm ngoại tệ quy đổi). Nếu tính cả số tiền một số đơn vị cam kết, đang làm thủ tục chuyển khoản, Quỹ sẽ có thêm 107 tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc các địa phương trong cả nước bắt đầu chi trả hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Nghị quyết 68/NQ-CP là thực sự cần thiết, giúp người dân vượt qua khó khăn.
Chính vì thế, mỗi cá nhân cần phải tin tưởng vào các quyết sách, biện pháp của Đảng, Nhà nước, và tự nguyện chấp hành một cách nghiêm túc. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định khai báo sức khỏe, khai thông tin liên quan một cách trung thực, chính xác, không gian dối hoặc cố tình che giấu thông tin. Đặc biệt là việc thực hiện nghiêm những biện pháp tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Không ai có thể riêng mình giữ mãi bình yên nếu cộng đồng còn chưa an toàn, chính vì vậy cần đề cao hơn bao giờ hết trách nhiệm của mỗi công dân, dẹp bỏ những hành vi thiếu trách nhiệm để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Ý NHƯ
Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh lịch xét tuyển đại học năm 2021