(LSO) - Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo quy định của Luật Đầu tư công.
Vốn đầu tư công là gì?
Vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019 bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Điều 2 Thông tư 82/2017/TT-BTC quy định về nguồn vốn đầu tư công bao gồm:
1. Nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, trong đó:
a) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn trong nước, bao gồm cả vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết và các nguồn vốn khác thuộc ngân sách nhà nước (nếu có).
b) Vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương.
c) Vốn trái phiếu Chính phủ.
d) Vốn công trái quốc gia.
e) Vốn hỗ trợ chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
2. Vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.
3. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước do Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay để đầu tư các dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách xã hội.
Quy trình quản lý và sử dụng vốn đầu tư công
Các quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước được quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 52/2018/TT-BTC).
Theo đó, nước ta tổ chức quản lý về vốn đầu tư công theo con đường phân cấp quản lý. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền trong hệ thống quản lý lại phụ thuộc vào cả cơ cấu của dự án và mức độ phân cấp trong địa bàn của dự án.
Quy trình về quản lý vốn đầu tư công bao gồm các bước:
- Thẩm định nguồn vốn và thẩm tra phân bổ vốn đầu tư;
- Thanh toán vốn đầu tư;
- Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư;
- Báo cáo, kiểm tra và quyết toán.
Thông tư này cũng quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các bên có liên quan.
Trường hợp phải trả lại vốn đầu tư công
Khoản 8 Điều 65 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 có quy định:
“8. …những khoản chi ngân sách nhà nước không đúng với quy định của pháp luật phải được thu hồi đủ cho ngân sách.”
Vốn đầu tư công cũng được coi là một khoản chi từ ngân sách nhà nước. Do đó, trong trường hợp vốn đầu tư công không được sử đụng đúng mục đích và đúng theo pháp luật sẽ phải được thu hồi đủ cho ngân sách.
Liên quan đến việc 18 đơn vị xin trả lại 6.338 tỉ đồng vốn đầu tư công. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa qua có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên có tình trạng nhiều đơn vị đồng loạt xin trả lại vốn đầu tư công và con số cũng không hề nhỏ. Hiện tại, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về vấn đề này.
Trong vụ việc lần này, nhìn vào mặt tích cực, việc các bộ, cơ quan và các đơn vị xin được trả lại vốn đầu tư công là do không thấy được sự khả quan trong thực hiện các dự án công. Điều này cũng phần nào phản ánh được thực tế của việc siết chặt Luật Đầu tư công, quá trình chống tham ô lãng phí, chống tham nhũng đang được đẩy mạnh.
Ngoài ra, trách nhiệm của người đứng đầu đối với quản lý các dự án đầu tư công bị chậm trễ, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí tài sản cũng nặng nề hơn. Thay vì cố để giải ngân nhưng không mang lại hiệu quả thực chất thì chuyển vốn hoặc xin trả lại vốn là một phương án tốt hơn. Thực tế này cũng sẽ dẫn tới việc thẩm định, kiểm tra, cấp vốn cho các dự án sau này được tỉ mỉ và cẩn thận hơn.
Tuy nhiên, việc không triển khai vốn đã phân bổ không chỉ gây lãng phí về thời gian mà còn cả nguồn lực do mình không tận dụng được hết cơ hội cuối cùng sử dụng vốn; gây xáo trộn các kế hoạch và chương trình đầu tư của Nhà nước.
Bên cạnh đó, với tình hình dịch bệnh Covid-19, các dự án đầu tư của xã hội bị đình trệ, gây ảnh hưởng lớn đến tăng trường kinh tế, việc các bộ ban ngành trả lại vốn đầu tư công thay vì giải ngân cũng là một vấn đề cần xem xét, chúng ta đang rất cần đầu tư công để phát triển kinh tế.
Trách nhiệm đối với các địa phương được giao vốn đầu tư công nhưng không thực hiện đúng theo yêu cầu
Khoản 4 Điều 44 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công quy định:
Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trường hợp đến ngày 31 tháng 01 năm sau năm kế hoạch, bộ, cơ quan trung ương và địa phương không giải ngân hết kế hoạch đầu tư công được giao hằng năm, không có các trường hợp bất khả kháng được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân theo quy định tại Nghị định về đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tương ứng với số vốn không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đây được coi là một quy định mang tính tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ luật đầu tư công và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập kế hoạch đầu tư công chính xác, sát với thực tế hơn.
Thiết nghĩ, cần kiểm tra lại thông tin cụ thể. Trong trường hợp không giải trình được nguyên nhân xác đáng, chứng tỏ công tác xây dựng kế hoạch vốn 2020 và năng lực thực hiện có vấn đề. Cũng không loại trừ trường hợp sợ trách nhiệm, không quyết liệt làm để cho an toàn.
Luật sư NGUYỄN THANH HÀ Chủ tịch Công ty Luật SB Law |