(LSVN) – Hành vi để con nhỏ cầm vô lăng, điều khiển xe ô tô là hành vi gây nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng của chính người điều khiển phương tiện giao thông và những người đang tham gia giao thông trên đường.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Tiền Giang, cơ quan này đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông xác minh vụ bé gái ôm vô lăng lái chiếc ô tô 4 chỗ chạy trên đường ở TP. Mỹ Tho.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video dài hơn 20 giây do anh N.H.Đ. đăng tải. Cụ thể, khi anh Đ. đang đi qua đoạn đường Rạch Gầm hướng ra ngã tư đường Lê Lợi thuộc phường 1, TP. Mỹ Tho thì bất ngờ chứng kiến cảnh tài xế xe ô tô (loại 4 chỗ ngồi) mang biển số 51F-231.xx để 1 bé gái (khoảng 4-5 tuổi) ngồi cùng ghế lái, bé gái ôm vô lăng lái xe.
Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định được ai là người có lỗi trong vụ việc trên, bởi cơ quan chức năng vẫn đang xác minh các thông tin liên quan, tất cả những suy đoán đều chỉ dựa trên một nguồn thông tin duy nhất là đoạn clip được đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, hành vi để con nhỏ cầm vô lăng, điều khiển xe ô tô là hành vi gây nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng của chính người điều khiển phương tiện giao thông và những người đang tham gia giao thông trên đường.
Luật sư cho biết, hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ như: độ tuổi, sức khoẻ, giấy phép lái xe hợp lệ có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ điểm h, khoản 8, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người này có thể bị phạt tiền với mức phạt từ 04 - 06 triệu đồng. Trường hợp có dấu hiệu hình sự, người này có thể bị truy tố về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; nặng hơn còn có thể bị phạt tù lên đến 07 năm.
Như vậy, trong vụ việc trên, nếu cơ quan chức năng xác minh được việc người cha trong clip để cho con nhỏ cầm vô lăng lái xe lưu thông trên đường là đúng, thì người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 6 triệu đồng. Hành vi này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, tính mạng con người hay gây thiệt hại về tài sản nên trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra đối với người cha trong vụ việc này.
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm, trên thực tế, có rất nhiều bậc cha mẹ để trẻ nhỏ ngồi vào lòng khi đang điều khiển xe ô tô, mà không lường trước được việc họ đang đặt đứa trẻ trước những tình huống nguy hiểm chết người. Còn trong vụ việc trên, mặc dù thông tin chưa được xác thực, nhưng việc giao xe cho một đứa trẻ mới chỉ 4 - 5 tuổi là hết sức nguy hiểm, thể hiện thái độ coi thường sức khoẻ, tính mạng của chính bản thân, cho trẻ em và cho cả những người đang tham gia giao thông. Đây không còn là hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông, mà nghiêm trọng hơn là giao xe cho người không có năng lực hành vi dân sự. Hành động này khác hoàn toàn với trường hợp giao cho người chưa đủ điều kiện, thường là người trưởng thành chưa có giấy phép lái xe hoặc chỉ thiếu một vài tuổi để được điều khiển xe, nếu là xe dưới 50cm3…
Luật sư Tiền khuyến cáo, trước hiện tượng nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan, cho con điều khiển ô tô, xe máy để vui đùa, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng này. Bên cạnh đó, do mức chế tài xử lý hiện nay còn chưa đủ sức răn đe nên nhiều người có tâm lý coi thường, cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành động nguy hiểm, bất chấp quy định của pháp luật.
Vì vậy, cần thiết xem xét tăng mức chế tài xử phạt vi phạm hành chính cũng như tăng nặng trách nhiệm hình sự; đồng thời thêm quy định về các hình thức xử phạt bổ sung. Ví dụ như tước bằng lái một thời gian dài, hoặc tước giấy phép lái xe vĩnh viễn nếu gây hậu quả nghiêm trọng, nhằm tạo tính răn đe, phòng ngừa chung. Việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm không chỉ nhằm chấn chỉnh ý thức tham gia giao thông của người dân, mà còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đáng tiếc.
Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất vẫn là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung, và pháp luật giao thông đường bộ nói riêng của người dân khi tham gia giao thông, nhất là những bậc cha mẹ có trẻ nhỏ. Các ông bố, bà mẹ và những người thân của trẻ em không nên quá nuông chiều, đáp ứng ý thích của trẻ nhỏ, hay đơn giản là muốn tạo khoảnh khắc độc, lạ mà chủ quan, coi thường sức khỏe, tính mạng của chính mình và người khác. Chỉ khi mỗi người dân có ý thức bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của bản thân mình và những người thân trong gia đình, thì khi đó mới đảm bảo được sự an toàn trên các tuyến đường giao thông; đồng thời nguy cơ tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản cũng không phải là điều quá lo ngại.
PV