/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cửa hàng tiện lợi bán cho khách phạm vi dưới 500m: Hạn chế quyền tự do lựa chọn sản phẩm, quyền tự do kinh doanh

Cửa hàng tiện lợi bán cho khách phạm vi dưới 500m: Hạn chế quyền tự do lựa chọn sản phẩm, quyền tự do kinh doanh

15/07/2022 02:16 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, đề xuất về Cửa hàng tiện lợi có "đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m" tại Điều 5, Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại của Bộ Công thương là không rõ ràng, không hợp lý, không cần thiết, trái với Hiến pháp và các luật có liên quan.

Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là tiêu chí đối với cửa hàng tiện lợi. Được biết, đề xuất này hiện nay đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, Dự thảo Thông tư yêu cầu cửa hàng tiện lợi phải được đặt tại vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người. Diện tích kinh doanh từ 30m2 đến dưới 200m2. Hàng hoá chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh. Thời gian hoạt động được tối đa 24 tiếng/ngày.

Dự thảo cũng quy định những cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m.

Ngày 13/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có công văn gửi Bộ Công thương để góp ý cho dự thảo.

Theo đó, VCCI cho rằng dự thảo quy định cửa hàng tiện lợi có “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500m” là không khả thi đối với doanh nghiệp, bởi yếu tố này nằm ngoài khả năng tự quyết định của doanh nghiệp, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng của mình sinh sống tại đâu.

Theo đó, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

Đồng thời, VCCI cũng cho rằng dự thảo có nhiều quy định bất hợp lý can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết. Các chi phí này sẽ làm tăng giá cả hàng hoá và làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đề xuất về Cửa hàng tiện lợi có "đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m" tại Điều 5, Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại của Bộ Công thương là không rõ ràng, không hợp lý, không cần thiết, trái với Hiến pháp và các luật có liên quan.

Cụ thể, Luật sư cho biết, mặc dù Dự thảo dùng từ "chủ yếu", nghĩa là ngoài đối tượng khách hàng trong bán kính dưới 500m, cửa hàng tiện lợi vẫn được quyền phục vụ các khách hàng khác nhưng quy định này vẫn là không rõ ràng, có khả năng dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai rằng cửa hàng tiện lợi bị hạn chế đối tượng khách hàng trong phạm vi dưới 500m, còn nếu cửa hàng tiện lợi không bị giới hạn đối tượng khách hàng trong phạm vi dưới 500m, thì rõ ràng quy định này là thừa và không cần thiết.

Theo Luật sư, nếu tiêu chí này chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết, hoặc để thống kê, hoặc tham khảo khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại (không mang tính bắt buộc) thì nên quy định ở văn bản phù hợp khác. Bởi vì, khi Dự thảo Thông tư đã quy định đây là một tiêu chí xác định cửa hàng tiện lợi, thì các doanh nghiệp, chủ cửa hàng và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải tuân thủ, thực hiện theo quy định này.

Và nếu không tuân thủ tiêu chí này thì có thể sẽ bị xử lý, vì Điều 12, Dự thảo Thông tư đã quy định: “Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh có các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, trong đó có các vi phạm như: “2. Tổ chức/cá nhân kinh doanh hạ tầng thương mại không có đủ các tiêu chí theo quy định của Thông tư này mà vẫn đặt tên, treo biển hiệu là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet”; “3. Thương nhân kinh doanh hạ tầng thương mại không thực hiện phân loại, phân hạng, ghi biển hiệu không đúng theo quy định tại Điều 7, Thông tư này”; và “6. Các vi phạm khác theo quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan”.

Mặt khác, tiêu chí này nằm ngoài khả năng tự quyết định của doanh nghiệp, chủ cửa hàng và cũng nằm ngoài khả năng xác định của chính các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, quy định này sẽ không có tính khả thi, không thể được thực hiện chính xác và đầy đủ trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của ở đâu, của doanh nghiệp, cá nhân nào; hoặc bán hàng, cung cấp dịch vụ cho ai là quyền tự do quyết định của khách hàng và quyền tự do kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp, đã được ghi nhận tại Điều 33, Hiến pháp năm 2013; Điều 7, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, quy định này cũng đã hạn chế quyền tự do lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của khách hàng và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân.

"Vì vậy, theo tôi thì Bộ Công thương cần nghiên cứu, lắng nghe các ý kiến phản biện, để bỏ quy định này", Luật sư cho biết.

Cũng theo Luật sư Hùng, các quy định của pháp luật khi được ban hành và thi hành trên thực tế sẽ có tác động rất lớn đến các quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh, cũng như các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, thực tế vẫn có rất nhiều các quy định xa rời thực tế, thiếu tính khoa học... Tình trạng này đã ảnh hưởng không tốt đến uy tín của các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền đã ban hành các quy định đó. 

Luật sư cho rằng, để hạn chế tình trạng này thì các cơ quan cần phải có sự thận trọng và nghiêm túc, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong việc xây dựng pháp luật, phải có sự xem xét, nghiên cứu và đánh giá chính xác và toàn diện các vấn đề có liên quan, lắng nghe các ý kiến phản biện từ dư luận xã hội, đặc biệt là phải luôn bám sát thực tiễn, nội dung các quy định phải phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, cũng như phù hợp với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, để kịp thời phát hiện và xử lý các văn bản, quy định trái luật, không phù hợp với thực tiễn, để có thể kịp thời ngăn chặn và hạn chế các thiệt hại, tác động tiêu cực của chúng đến các hoạt đông kinh tế - xã hội.

HOÀNG DIỆU

 Nếu chỉ thu hồi tài sản và kỷ luật thì tình hình tham nhũng sẽ càng phức tạp

Lê Minh Hoàng