/ Pháp luật - Đời sống
/ Trách nhiệm pháp lý trong vụ án mạng vì cho rằng 'nhìn đểu' tại Hà Nội

Trách nhiệm pháp lý trong vụ án mạng vì cho rằng 'nhìn đểu' tại Hà Nội

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) -  Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Giết người”, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà các đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt là từ 07 năm tù đến cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Người chuẩn bị phạm tội này cũng sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Đơn kêu cứu và tố giác tội phạm của gia đình nạn nhân Trịnh Quang Trung. 

Đâm chết người vì cho rằng "nhìn đểu"

Liên quan đến vụ án đâm chết người vì cho rằng "nhìn đểu" xảy ra tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, theo thông tin ban đầu thì khoảng 22h ngày 19/12/2021, sau khi đi ăn liên hoan với nhóm bạn Nguyễn Quang Hà (SN 2000, trú tại xã Đông La, huyện Hoài Đức) về phòng trọ ở phường Dương Nội, quận Hà Đông thì xảy ra va chạm với hai thanh niên là Trịnh Quang Trung (SN 1994) và Nguyễn Văn Tuấn (SN 1999).

Vì Hà cho rằng Trung "nhìn đểu", nên hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát.

Cay cú vì bị đánh, Hà đã về phòng trọ lấy dao phóng lợn và cùng một số thanh niên uống rượu lúc trước, gồm: Cấn Văn Vỹ (SN 1998, quê Thạch Thất, Hà Nội); Nguyễn Phú Thắng (SN 1998); Trịnh Quang Thức (SN 2000); Bùi Văn Tiến (SN 1994); Nguyễn Danh Quyết (SN 1990); Nguyễn Phương Nam (SN 1996) mang hung khí là dao, kiếm sang tìm anh Trung và Tuấn. Khi giáp mặt, Hà cầm dao phóng Lợn, Tiến Dùng dao mèo cùng một số đối tượng xông vào đuổi đánh.

Anh Tuấn chạy thoát, còn anh Trung bị Hà dùng dao đâm vào vùng ngực, lưng, hai đối tượng khác đánh khiến anh Trung gục tại chỗ, được đưa vào Bệnh viện 103 cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó anh Trung đã tử vong.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng.

Trách nhiệm pháp lý có thể phải đối diện

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thì hành vi nêu trên của các đối tượng đã có dấu hiệu của tội “Giết người” được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà các đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt là từ 07 năm tù đến cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Người chuẩn bị phạm tội này cũng sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Về trách nhiệm dân sự, theo quy định của pháp luật thì nếu bị Tòa án tuyên là có tội thì ngoài trách nhiệm hình sự thì các đối tượng sẽ phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân.

Trước hết, các bên có quyền thỏa thuận, thống nhất với nhau về mức, cách thức và phương thức bồi thường thiệt hại. Nếu các bên không thỏa thuận, thống nhất được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (chi phí hợp lý cho việc cứu chữa người bị thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị...); chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; và các thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra các thiệt hại nêu trên thì người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

“Giờ đây gia đình nạn nhân phải sống trong cảnh vợ mất chồng, con mất cha, cha mẹ mất con, người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Không một câu từ nào có thể diễn tả hết nỗi đau, mất mát của những người thân nạn nhân vào lúc này, hậu quả để lại là hết sức nặng nề”, Luật sư Hùng nói.

Ngoài ra, Luật sư Hùng cũng đưa ra một số kiến nghị, biện pháp nhằm ngăn ngừa tội phạm. Theo đó, các đối tượng mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng thực hiện hành vi phạm tội hiết sức manh động, ra tay tàn ác, coi thường sức khỏe, tính mạng con người. Nguyên nhân tội phạm ngày càng trẻ hóa là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận giới trẻ hiện nay còn thấp, thường dễ bị kích động, không kiểm soát dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên.

Do đó, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm, để tăng cường tính răn đe và phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh đó, cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật, xây dựng lối sống lành mạnh, kỹ năng ứng xử văn minh, chuẩn mực cho đối tượng thanh, thiếu niên phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, để giúp các em có thể chủ động phòng tránh được việc thực hiện các hành vi trái pháp luật, gây ra những hậu quả đáng tiếc như trong vụ án này.  

PV

Vụ cướp ngân hàng ở Hải Phòng: Chiếc xe máy sẽ xử lý như thế nào?

Lê Minh Hoàng