(LSO) - Mặc dù sau khi gây ra án mạng, hung thủ đã tự sát nhưng việc khởi tố vụ án vẫn là cần thiết, nhằm điều tra các vấn đề liên quan như nguyên nhân dẫn tới vụ việc, xác định có đồng phạm hay không...?.
Vụ việc đối tượng Sùng A Chu tại bản Huổi Chá, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên giết người sau đó tự sát do mâu thuẫn cá nhân vào ngày 28/5 vừa qua đã thu hút sự chú ý của dư luận. Trong đó, việc kẻ thủ ác đã xuống tay với hàng xóm tước đoạt đi mạng sống của hai người sau đó tự sát đã đặt ra hàng loạt các tình huống pháp lý liên quan sẽ xảy ra.
Trường hợp hung thủ giết người sau đó tự sát thì vụ việc có được điều tra, khởi tố theo quy định pháp luật không?
Luật sư Hà Kim Tâm, Chủ tịch Công ty Luật Onekey & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khi nhận được tố giác hay tin báo về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra nhằm xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm. Qua xác minh, phân tích, đánh giá để đưa ra kết luận khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Trong sự việc này, sau khi xác định có dấu hiệu phạm tội "Giết người" quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS), cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên sẽ căn cứ vào các Điều 100, 103, 110 của Bộ luật Tố tụng hình sự có thể sẽ ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra, xử lý.
Mặc dù trường hợp này Sùng A Chu và cả nạn nhân đều đã chết. Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án vẫn là cần thiết, nhằm điều tra các vấn đề liên quan như nguyên nhân dẫn tới vụ việc, xác định có đồng phạm hay không. Qua quá trình điều tra, xác minh, nếu không phát hiện ra đồng phạm và cũng không phát hiện ra người phạm tội khác thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra – căn cứ theo quy định tại Điều 107 và Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự. Còn nếu phát hiện ra đồng phạm hoặc người phạm tội khác thì cơ quan điều tra sẽ căn cứ theo Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự, ra quyết định khởi tố bị can đối với người đó để điều tra, xử lý.
Bên cạnh việc điều tra xử lý, trách nhiệm đền bù cho bị hại cũng được xác định là hết sức cần thiết trong trường hợp cả hai vợ chồng đều bị hung thủ giết hại. Theo Luật sư Tâm, mặc dù sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Sùng A Chu đã tự sát. Tuy nhiên, qua công tác điều tra, đã xác minh được hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xâm phạm quyền dân sự của bị hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, căn cứ khoản 5 Điều 11, Điều 13, khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
Khi Sùng A Chu chết sẽ phát sinh quyền thừa kế cho những người hưởng thừa kế và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản (bồi thường thiệt hại) trong phạm vi tài sản do Sùng A Chu để lại sẽ thuộc về những người hưởng thừa kế (vợ, con, cha, mẹ..), căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp, nếu vụ án bị đình chỉ và không phát hiện ra đồng phạm thì vấn đề bồi thường dân sự sẽ không được giải quyết bởi cơ quan CSĐT. Trong trường hợp này, người thân của bị hại có thể thỏa thuận hoặc làm đơn khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại từ những người thừa kế của Sùng A Chu.
Theo thông tin được biết, vì mâu thuẫn cá nhân xuất phát từ việc Sùng A Chu được cho là có quan hệ với con nuôi của vợ chồng bị hại dẫn tới có thai. Nếu trường hợp này là có thật, thì hành vi cũng như trách nhiệm pháp lý của Chu liên quan tới sự việc này sẽ được giải quyết ra sao?
Luật sư Tâm cho rằng, căn cứ quá trình điều tra, xác minh nếu xác định Sùng A Chu là đối tượng duy nhất có hành vi xâm hại con nuôi bị hại dẫn đến có thai trong khi đối tượng đã tử vong thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra, căn cứ theo quy định tại Điều 107 và Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, vấn đề trách nhiệm hình sự đối với Sùng A Chu sẽ không được đặt ra.
Trường hợp xác định Sùng A Chu là cha của đứa trẻ do con nuôi bị hại mang thai thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
LÊ MINH