/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư

Trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư

24/10/2021 17:51 |

(LSVN) - Nghề Luật sư có nhiều đặc thù và được điều chỉnh bằng những quy định của pháp luật và quy tắc nội bộ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư. Ở các nước trên thế giới pháp luật đều quy định về việc quản lý nhà nước và tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư. Quản lý nhà nước đối với Luật sư và hành nghề Luật sư không có ý kiến khác nhau nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, đối với tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư thì còn có nhận thức khác nhau về vấn đề này. Bài viết đề cập đến một số vấn đề mang tính lý luận về tổ chức xã hội - nghề nghiệp nói chung và đi sâu phân tích, làm rõ trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư nói riêng.

Luật sư trao đổi nghiệp vụ.

Những vấn đề lý luận về tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Khái niệm và đặc điểm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng như các tổ chức xã hội khác ra đời do yêu cầu khách quan của sự tồn tại và phát triển của chính con người và xã hội. Ở Việt Nam, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp không phải là những tổ chức tự phát, mà được hình thành có tôn chỉ và mục đích rõ ràng, hoạt động theo nguyên tắc và điều lệ chặt chẽ trên cơ sở quy định của pháp luật. Đó là những tổ chức tập hợp tự nguyện những cá nhân, nhóm, cộng đồng có cùng nhu cầu với mục đích giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các thành viên. Trong mối quan hệ với xã hội và Nhà nước, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp được đặt trong mối tương tác với cộng đồng xã hội và các cơ quan nhà nước. Để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp là nơi tập hợp các nhu cầu của các thành viên, biểu đạt ý chí, nguyện vọng của tổ chức với Nhà nước để hình thành chính sách, pháp luật.

Tổ chức xã hội là hình thức tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có chung mục đích tập hợp, hoạt động theo pháp luật và theo điều lệ, không vì lợi nhuận đáp ứng lợi ích chính đáng của các tổ chức thành viên và tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội (1). Tổ chức xã hội nói chung, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nói riêng là những bộ phận cấu thành của xã hội và hệ thống chính trị nước ta. Mỗi tổ chức có những đặc điểm riêng về cơ cấu tổ chức, về quản lý và hoạt động, phản ánh vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó trong xã hội và trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, những tổ chức này có những đặc điểm để phân biệt với các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế.

Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có những đặc điểm sau đây:

(1) Được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện của các thành viên cùng chung lợi ích hay cùng chung giai cấp, cùng nghề nghiệp, sở thích…

(2) Nhân danh chính tổ chức mình để tham gia hoạt động quản lý nhà nước, chỉ trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định, tổ chức xã hội - nghề nghiệp mới hoạt động nhân danh Nhà nước.

(3) Hoạt động tự quản theo quy định của pháp luật và theo điều lệ do các thành viên trong tổ chức xây dựng.

(4) Hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận mà nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Đặc điểm này phân biệt tổ chức xã hội với tổ chức kinh tế.

Địa vị pháp lý của tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Ðịa vị pháp lý của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp được quy định trong Hiến pháp, các luật, những văn bản dưới luật. Những vấn đề cơ bản được pháp luật điều chỉnh gồm việc thành lập, giải thể, mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và Nhà nước..., nhưng pháp luật không điều chỉnh mọi hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp mà do điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp quy định.

Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức này tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, xác định địa vị pháp lý cũng như năng lực để các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thể tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội. Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp được pháp luật quy định khác với nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp xác định mối quan hệ giữa các thành viên, giữa các bộ phận của tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Những quy định này mang tính nội bộ, không mang tính pháp lý. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong suốt quá trình hình thành, hoạt động và giải thể. Điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nhà nước Việt nam luôn tạo điều kiện để các tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động và phát triển. Đối với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đặc thù được cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao, bảo đảm kinh phí để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao và hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động, được tạo điều kiện tham gia thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, các dịch vụ công, thực hiện tư vấn, phản biện xã hội.

Sự điều chỉnh của pháp luật đối với hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp không giới hạn ở việc quy định các quyền và nghĩa vụ, mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức này phát huy được tính tích cực chính trị tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhà nước quy định trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, người có chức vụ, nếu có những hành vi cản trở các tổ chức xã hội và thành viên các tổ chức đó thực hiện nhiệm vụ theo điều lệ của họ.

Quy định của pháp luật về trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư

Theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987

Theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987, đoàn Luật sư là tổ chức nghề nghiệp của các Luật sư được thành lập ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn Luật sư là một tổ chức nghề nghiệp nhưng các quy định về thủ tục kết nạp, quy chế thành viên, cơ cấu và tổ chức Đoàn Luật sư lại thể hiện tính chất của hội và đồng thời Đoàn Luật sư cũng là nơi hành nghề của Luật sư.

Đoàn Luật sư là tổ chức mang tính chất xã hội và nghề nghiệp, là nơi hành nghề của Luật sư (như là một Văn phòng Luật sư). Hình thức tổ chức này không phù hợp với tính chất xã hội và tính chất nghề nghiệp của Luật sư, chưa phát huy được tính năng động, tự chủ của Luật sư và chưa đề cao trách nhiệm của cá nhân Luật sư.

Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987 quy định Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các Đoàn Luật sư; HĐND, UBND, UBMTTQ cấp tỉnh giám sát hoạt động của Đoàn Luật sư tại địa phương. Những quy định này còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa có sự phân công rõ ràng, nội dung và cả phương thức quản lý luật sư còn chưa phù hợp với tính chất của nghề Luật sư, chưa phát huy tính tự chủ, tự quản của các Luật sư thông qua tổ chức xã hội - nghề nghiệp của họ và tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với đội ngũ Luật sư.

Theo quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 2001

Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã quy định rõ Đoàn Luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Luật sư được thành lập tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có từ 03 Luật sư trở lên. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định cho phép thành lập Đoàn Luật sư sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đoàn Luật sư có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và các nguồn thu hợp pháp khác (Điều 32).

Pháp lệnh Luật sư năm 2001 chỉ điều chỉnh những quy định cơ bản về tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư. Căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành, Đoàn Luật sư ban hành điều lệ để điều chỉnh quan hệ nội bộ của đoàn.

Cùng với việc nâng cao vai trò tự quản của tổ chức luật sư, để khuyến khích phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam cần đổi mới và tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hành nghề Luật sư. Pháp lệnh Luật sư đã quy định rõ nội dung quản lý nhà nước, thẩm quyền quản lý và phân định rõ quản lý nhà nước với tự quản của các Đoàn Luật sư và phát huy vai trò tự quản của các Đoàn Luật sư. Pháp lệnh Luật sư đã thể hiện theo hướng vừa bảo đảm sự quản lý của nhà nước đối với tổ chức Luật sư và hành nghề Luật sư, vừa phát huy tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của các Đoàn Luật sư.

Để bảo đảm và nâng cao chất lượng công tác quản lý của đoàn luật sư đối với các Luật sư, Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã tăng cường đáng kể quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn Luật sư. Ngoài việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của các Luật sư, Đoàn Luật sư có vai trò rất quan trọng trong quản lý hoạt động nghề nghiệp của các Luật sư. Theo quy định của Pháp lệnh Luật sư thì Đoàn Luật sư có trách nhiệm theo dõi nắm tình hình hành nghề của các Luật sư trong Đoàn. Các Luật sư phải báo cáo Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư về việc thành lập Văn phòng Luật sư hoặc Công ty Luật của mình hoặc nơi làm việc theo hợp đồng và hoạt động nghề nghiệp của mình. Đoàn Luật sư ban hành và giám sát các Luật sư trong việc tuân theo quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức đối với việc Luật sư vi phạm quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp; xem xét và xử lý kỷ luật đối với Luật sư vi phạm. Đoàn Luật sư còn có thẩm quyền hòa giải các tranh chấp có liên quan đến hành nghề giữa Luật sư hoặc người tập sự hành nghề Luật sư với Văn phòng Luật sư, Công ty luật; giữa các Văn phòng Luật sư, Công ty Luật với nhau; giữa khách hàng với Luật sư, Văn phòng Luật sư, Công ty Luật.

Một mảng công việc quan trọng nữa của Đoàn Luật sư là tổ chức tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho các Luật sư; tổ chức lấy ý kiến và tập hợp ý kiến đóng góp, kiến nghị của Luật sư trong việc xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đoàn Luật sư có thẩm quyền xem xét quyết định hoặc đề nghị Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng đối với Luật sư.

Theo quy định của Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012

Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 (Luật Luật sư) chỉ quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, không quy định quá cụ thể, chi tiết những vấn đề thuộc nội bộ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư.

Điều 7 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định: “Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư là Đoàn Luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Liên đoàn Luật sư Việt Nam”. Như vậy, Luật Luật sư đã xác định rõ hơn mô hình tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư có ở cấp tỉnh và toàn quốc.

Luật Luật sư quy định rõ hơn về vai trò tự quản của Đoàn Luật sư, tăng cường trách nhiệm của Đoàn Luật sư đối với Luật sư. Nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn Luật sư được bổ sung và quy định cụ thể hơn. Đoàn Luật sư theo quy định của Luật Luật sư được xác định là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Điều 60 Luật Luật sư quy định rõ hơn về địa vị pháp lý của Đoàn Luật sư.

Đoàn Luật sư có nhiệm vụ và quyền hạn giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp không chỉ đối với Luật sư là thành viên mà còn phối hợp với Đoàn Luật sư ở địa phương khác giám sát Luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề Luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư tại địa phương mình.

Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của Luật sư được quy định tại Mục 2 Chương V, từ Điều 64 đến Điều 67 Luật Luật sư. Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư trong phạm vi cả nước, đại diện cho Luật sư, các Đoàn Luật sư, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và nguồn thu hợp pháp khác. Thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là các Đoàn Luật sư và các Luật sư. Các Luật sư tham gia Liên đoàn Luật sư Việt Nam thông qua Đoàn Luật sư nơi mình gia nhập.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được quy định tại Điều 65 Luật Luật sư. Việc ban hành Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư thuộc thẩm quyền của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Quy định như vậy tạo sự thống nhất trong việc áp dụng các chuẩn mực chung trong hoạt động nghề nghiệp của tất cả các Luật sư mà không phụ thuộc vào Đoàn Luật sư nơi họ là thành viên.

Điều 84 Luật Luật sư xác định tương đối rõ địa pháp lý và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, cụ thể như sau:

“Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư thực hiện tự quản Luật sư và hành nghề Luật sư theo quy định của Luật này và điều lệ của mình.

Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc quản lý Luật sư và hành nghề Luật sư”.

Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư

Đoàn Luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Luật sư. Chức năng cơ bản của Đoàn Luật sư là đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Luật sư, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ Luật sư, giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, thực hiện quản lý hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật về Luật sư.

Đoàn Luật sư là một đối tượng vừa chịu sự quản lý của Nhà nước, vừa là một tổ chức thực hiện chế độ tự quản nên Đoàn Luật sư khi ban hành các văn bản thực hiện chế độ tự quản cần chú ý để không lẫn lộn hoặc lấn sân sang chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tổ chức Luật sư toàn quốc có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với việc quản lý Luật sư từ góc độ nghề nghiệp. Tổ chức Luật sư toàn quốc thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng được Nhà nước chuyển giao, thể hiện chức năng tự quản của Luật sư.

Trong các bài viết về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, các tác giả đều thống nhất cho rằng, tổ chức xã hội nói chung và tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư nói riêng thực hiện chức năng tự quản trên cơ sở các quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức mình. Tuy nhiên, các tác giả lại chưa chỉ ra được những nhiệm vụ, công việc nào là nhiệm vụ, công việc mang tính nội bộ, thuộc chức năng tự quản; những nhiệm vụ nào tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Nhà nước giao quản lý và giao bằng cách nào (bằng quy định của pháp luật hay bằng việc phê duyệt điều lệ...); những nhiệm vụ nào cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Luật Luật sư có một chương riêng quy định về xử lý vi phạm của Luật sư, trong đó có quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với Luật sư. Điều 89 Luật Luật sư quy định về xử lý vi phạm đối với Luật sư như sau: “Luật sư vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, ngoài việc bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, luật sư còn bị xử lý hành chính theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Điều 85 Luật Luật sư có thể hiểu rằng, ban chủ nhiệm có thể áp dụng các hình thức kỷ luật Luật sư trong trường hợp Luật sư vi phạm không chỉ các quy định của Đoàn Luật sư mà cả các quy định của Luật Luật sư. Như vậy, việc giao cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư xử lý hành vi vi phạm pháp luật của Luật sư đã đúng chưa, hay là việc xử lý đó phải thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước?

Còn theo quy định tại Điều 89 Luật Luật sư có thể hiểu rằng, trong trường hợp Luật sư vi phạm quy định của Luật Luật sư thì trước hết phải bị xử lý kỷ luật, sau đó tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, quyết định xử lý kỷ luật liệu có phải là căn cứ để xử lý hành chính không? Một vấn đề đặt ra ở đây là tại sao cơ quan nhà nước không xử lý về hành chính trước rồi sau đó ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư mới xử lý kỷ luật sau hay là ai phát hiện vi phạm trước thì xử lý trước. Giữa quyết định xử lý kỷ luật và quyết định xử lý hành chính có mối quan hệ gì, quyết định xử lý kỷ luật có phải là căn cứ để quyết định xử lý hành chính hoặc ngược lại? Trong Luật Luật sư mặc dù đã có quy định cụ thể về hành vi vi phạm của Luật sư, nhưng lại không quy định tương ứng với hành vi vi phạm đó là hình thức xử lý gì, xử lý kỷ luật hay xử lý hành chính?

Luật Luật sư quy định nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư. Tuy nhiên, cần có sự phân biệt rõ giữa quản lý nhà nước và vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, cái gì thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước, cái gì thuộc thẩm quyền của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư. Nếu hiểu gia nhập Đoàn Luật sư là để giúp cơ quan nhà nước quản lý Luật sư là đã biến Đoàn Luật sư thành cơ quan quản lý nhà nước, khoác cho nó chức năng vốn không phải của nó và làm mất đi tính chất xã hội của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Mục đích của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư thành lập ra không phải chỉ để quản lý Luật sư mà để đại diện, bảo vệ quyền lợi cho các Luật sư, giám sát hoạt động nghề nghiệp của Luật sư. Tôn chỉ mục đích của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư cũng phải tương tự tôn chỉ mục đích của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các nghề khác trong xã hội. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư được thành lập không phải để chia sẻ chức năng quản lý của Nhà nước đối với Luật sư. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của Luật sư và Đoàn Luật sư cũng vậy, không có quyền can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của Luật sư. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư có thể tham gia quản lý nhà nước đối với Luật sư và hành nghề Luật sư với sự ủy quyền của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực xử lý vi phạm cần quy định cụ thể những hành vi vi phạm nào thuộc thẩm quyền xử lý của Đoàn Luật sư và những hành vi vi phạm nào thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan nhà nước. Đôi khi việc xử lý kỷ luật Luật sư thuộc thẩm quyền của Đoàn Luật sư như xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư, nhưng lại làm mất đi quyền hành nghề của Luật sư vì một trong điều kiện hành nghề Luật sư phải gia nhập một Đoàn Luật sư (Điều 11 Luật Luật sư). Trong trường hợp luật sư bị xóa tên khỏi danh sách Luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phải đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề (Điều 85 Luật Luật sư). Trong trường hợp Bộ Tư pháp đồng ý với đề nghị của Đoàn Luật sư thì sẽ ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư. Trong trường hợp Bộ Tư pháp không đồng ý với đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư hay nói cách khác là không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật của Đoàn Luật sư, thì Bộ Tư pháp có quyền hạn gì? Nếu Đoàn Luật sư xử lý sai, không thỏa đáng đối với hành vi vi phạm của luật sư thì cần có cơ chế bảo đảm cho Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình theo thủ tục phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của Luật sư. Theo chúng tôi, trong trường hợp này cần quy định cơ quan quản lý nhà nước về Luật sư mà cụ thể là Bộ Tư pháp có quyền hủy bỏ quyết định kỷ luật Luật sư hoặc giải quyết bằng con đường tư pháp.

Một vấn đề được đặt ra là có nên giao cho Đoàn Luật sư thẩm quyền áp dụng chế tài liên quan đến việc tước quyền hành nghề đối với Luật sư. Đoàn Luật sư chỉ có quyền áp dụng những hình thức kỷ luật đúng với tính chất của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nhà nước có thẩm quyền công nhận một người đủ tiêu chuẩn hành nghề Luật sư thì Nhà nước cũng có thẩm quyền áp dụng chế tài hạn chế hoặc tước quyền hành nghề của Luật sư.

Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần nghiên cứu để làm rõ trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm pháp lý của Luật sư, phân định rõ giữa xử lý kỷ luật và xử phạt hành chính đối với Luật sư, cụ thể như sau:

(1) Về hành vi vi phạm trong hành nghề của Luật sư, cũng như hình thức xử lý đối với các hành vi đó: Luật sư vi phạm pháp luật thì tùy theo mức độ mà bị xử lý hành chính. Không thể xử lý kỷ luật Luật sư nếu Luật sư vi phạm Luật Luật sư. Luật sư chỉ bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, điều lệ và các quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư.

(2) Về thẩm quyền (của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư) và thủ tục xử lý vi phạm đối với Luật sư: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật của Luật sư theo thủ tục đã được pháp luật quy định. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư có thẩm quyền xử lý kỷ luật Luật sư theo thủ tục do tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư quy định.

(3) Về biện pháp bảo đảm cho Luật sư được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp bị xử lý vi phạm: Cần quy định rõ thủ tục khiếu nại đối với các quyết định xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính đối với Luật sư. Trong trường hợp Luật sư không đồng ý với quyết định của cơ quan (người) có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại có thể kiện ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

(4) Về trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, cần cân bằng hợp lý giữa quản lý về công tác Luật sư với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong từng thời kỳ. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì việc thực hiện chế độ tự quản không thể theo chuẩn mực của các nước phát triển. Nói cách khác, vai trò của Nhà nước, của quản lý nhà nước vẫn phải là chủ yếu, phải được coi trọng hơn chế độ tự quản. Cần phân định rõ giới hạn trách nhiệm, nội dung quản lý nhà nước và quyền tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm quản lý của các Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với thành viên của mình, tránh tình trạng lạm quyền hoặc bỏ sót, bỏ trống nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, phải bảo đảm mối quan hệ hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tuyệt đối không được tách rời, thậm chí đối lập nhau (2).

(1) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hành chính Việt nam, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2015.

(2) Nguyễn Phước Thọ, “Tác động của cải cách tư pháp, cải cách hành chính đối với việc đổi mới mô hình quản lý luật sư trong giai đoạn mới”, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Tài liệu Hội thảo Đổi mới, hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động Luật sư, công chứng, giám định đến năm 2030, Hà Nội, 2019.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN TUÂN

Một số vấn đề về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Lê Minh Hoàng