/ Góc nhìn
/ Trao quyền nhiều hơn cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Trao quyền nhiều hơn cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị

28/03/2022 23:16 |

(LSVN) - Theo cơ chế hiện hành thì người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước có quyền quyết định đối với mọi hoạt động quản lý, điều hành của đơn vị hay còn gọi là cơ chế thủ trưởng hoặc thủ trưởng chế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số khó khăn, bất cập, ràng buộc, cản trở làm cho việc quản lý, điều hành trong một số trường hợp chưa được kịp thời, hiệu quả, thậm chí có thể coi như là “trói tay” người đứng đầu.

  Ảnh minh họa. 

Một số quy định hiện hành chưa phù hợp, chồng chéo, trùng lắp đã phần nào ảnh hưởng đến quyền quyết định, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều vấn đề không mấy quan trọng nhưng cấp thiết để đảm bảo hoạt động bình thường, liên tục của cơ quan, đơn vị nhưng vẫn chưa được giao quyền như công tác cán bộ, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động...

Trong khi đó, họ lại phải chịu toàn bộ hoạt động của cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu, phụ trách. Nhiều người ví việc giao quyền quản lý, điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay còn bất cập theo kiểu: yêu cầu người đầu bếp phải chế biến món ăn nào đó đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ nhưng nguyên liệu chế biến món ăn đó thì họ lại không được quyền lựa chọn. Những bất hợp lý thể hiện rõ ở các khía cạnh sau đây:

Trước hết, đó là công tác tổ chức cán bộ. Hiện nay, người đứng đầu thường  kế thừa hoặc tiếp nhận tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ đã có sẵn từ trước đó. Trường hợp cần sắp xếp, thay đổi thì vẫn rất khó, vì đụng chạm đến 'con cháu ai đó', văn hóa 'sống lâu lên lão làng'... hoặc quyền lợi của nhiều người nên, nếu không khéo dẫn đến mất đoàn kết, phá hoại, trả thù lẫn nhau. Do thực chất có khá ít quyền trong việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí bộ máy nên người đứng đầu cơ quan hành chính đôi khi không có được những người 'tâm đầu ý hợp', ê-kíp để triển khai công việc hiệu quả. Thậm chí đôi khi quan điểm, lập trường đối với công việc trái ngược nhau gây khó khăn trong việc quản lý, điều hành công việc...

Thứ hai, nhiều quy định mang tính ràng buộc đôi khi quá mức cần thiết, nhất là phải tuân thủ một số quy định, quy chế làm việc, phối hợp với các cơ quan liên quan. Trong đó, việc phải 'xin' ý kiến về chủ trương của các cấp có thẩm quyền đôi khi làm cho hoạt động quản lý, điều hành trong các công việc thường nhật bị tắc nghẽn, chậm trễ. Lý do là phải chờ họp hoặc xin ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền liên quan, vì khi chưa có thì không thể triển khai hoặc nếu đã qua các khâu, các bước chuẩn bị chu đáo, hoàn thiện nhưng chưa được chấp thuận cũng gây khó khăn, cản trở hoạt động quản lý điều hành...

Thứ ba, việc không trao quyền quyết định nhiều hơn cho người đứng đầu phần nào làm giảm hiệu quả công việc, hoạt động quản lý, điều hành chung của cả hệ thống. Đặc biệt đây là 'mảnh đất', cơ hội cho một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết đoán, quyết tâm trong giải quyết công việc, nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Ngoài ra, không giao toàn quyền trong hoạt động quản lý, điều hành dẫn đến hạn chế, khó khăn trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra chậm trễ, sai sót, vi phạm. Bởi khi đó, trách nhiệm sẽ bị đùn đẩy, né tránh, thậm chí trong một số trường hợp cấp thẩm quyền không thể mạnh tay xử lý vì 'lỡ' cho ý kiến, mức độ nào đó đã 'tiếp tay' cho hành vi vi phạm!

Vì vậy, để cơ quan hành chính nhà nước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thì việc trao quyền mạnh mẽ hơn nữa đối với người đứng đầu là rất cần thiết, cấp bách. Theo đó, cho phép người đứng đầu có toàn bộ quyền quyết định liên quan đến thẩm quyền, phạm vi chức năng, quyền hạn của cơ quan, đơn vị. Trong đó quan trọng nhất là công tác cán bộ, đặc biệt nên cho phép người đứng đầu có quyền lựa chọn, bổ nhiệm cấp phó của mình và chịu trách nhiệm về việc đề bạt, bổ nhiệm này.

Điều này không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị mà còn có điều kiện kiểm chứng, lựa chọn được những người lãnh đạo, đứng đầu thực sự có tâm, có tài và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, thịnh vượng của đất nước.

                                         Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

                                                   Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Cần sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh

Lê Minh Hoàng