/ Góc nhìn
/ Trói tay con, cháu nghi trộm tiền: Cần xử lý nghiêm hành vi 'giáo dục' nhưng thiếu giáo dục

Trói tay con, cháu nghi trộm tiền: Cần xử lý nghiêm hành vi 'giáo dục' nhưng thiếu giáo dục

05/01/2021 18:04 |

(LSO) - Việc gia đình em bé này trói tay, chửi bới xúc phạm em bé nơi công cộng do nghi ngờ ăn trộm tiền... đây là hành động nhằm mục đích giáo dục nhưng là một hành động rất thiếu giáo dục, phản giáo dục và có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho xã hội.

Chiều 29/5, nhiều người đi trên quốc lộ 1 đoạn qua thôn 10, xãLý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình phát hiện một bé gái bị trói hai tayvào thùng chiếc xe tải đậu ngay bên lề đường trong trạng thái sợ sệt và xấuhổ. Ngay cạnh vị trí bé gái bị trói là một tấm bảng bằng giấy bìa cứng có chữ"phạt trộm" ghi bằng bút mực khá lớn. 

Cạnh nơi bé gái bị trói có mẹ, ông ngoại, bà ngoại đang dùngnhiều lời lẽ dọa nạt cháu với nội dung nghi cháu lấy trộm tiền. Nhiều người điđường phản ứng mạnh với việc trói bé gái như trên. Sau đó, cháu bé được ngườinhà cởi trói cho vào nhà. Những hình ảnh về sự việc được đăng tải trên mạng xãhội khiến nhiều người phẫn nộ về hành động của ông ngoại và mẹ của cháu bé.

Công an xã Lý Trạch sau đó đã đến lập biên bản và bé gái đượcxác định 11 tuổi, học lớp 5, sống cùng với mẹ và ông ngoại nhiều năm tại địa chỉtrên.

Chiều 30/5, Công an huyện Bố Trạch đã vào cuộc xác minh vụ việc.

Bé gái bị trói tay vào phía sau thùng xe tải cạnh quốc lộ để bêu xấu vì nghi trộm tiền.

Có lẽ chứng kiến cảnh cháu bé bị trói ở sau xe tải bên đường, nơi nhiều người qua lại kèm theo tấm biển “phạt trộm” sẽ khiến nhiều người bức xúc bởi cách giáo dục đầy bạo lực của gia đình cháu bé và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì pháp luật ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền trẻ em. Mọi hành vi xâm hại đến thân thể, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 thì cha mẹ, người giám hộ của trẻ em có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nghiêm cấm hành vi bạo lực, bạo hành trẻ em.

Với hành vi bắt, trói, mắng chửi cháu bé nơi công cộng làm cháu bé sợ hãi, tổn thương như vậy đã xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý, danh dự nhân phẩm của trẻ em, quyền tự do thân thể của trẻ em. Đây là hành vi bắt giữ người trái pháp luật và hành vi làm nhục người khác, hành hạ người khác. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy mẹ và ông bà ngoại của cháu bé thường xuyên đối xử tàn ác với cháu bé thì những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự. Còn hành vi bắt trói cháu bé vào xe nơi công cộng thì cũng có thể bị xem xét về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, nếu hậu quả được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm quyền tự do thân thể của cháu bé đến mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

Luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàucũng cho biết, hành vi trên của người mẹ và ông ngoại cháu bé là có dấu hiệu củatội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dựcủa người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Ngoài ra, những người nào thuộc các trường hợp phạm tội 2 lầntrở lên; đối với 2 người trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn...; gây rối loạntâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% thì sẽ nhận mức án phạt tù từ03 tháng đến 02 năm.

Tại Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định như sau:
“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, trong trường hợp hậu quả chưa được xác định là nghiêm trọng, chưa tổn thương nặng nề đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, chưa ảnh hưởng lớn đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân thì có thể không khởi tố hình sự đối với những người đã hành hạ, bạo lực đối với cháu bé nhưng những người này sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi xâm hại trẻ em.

“Việc này cơ quan chức năng cần phải can thiệp kịp thời, cho cháu bé đi thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Nếu cháu bé bị tổn thương về tâm lý, sức khỏe thì cần phải điều trị kịp thời để cháu dần ổn định trở lại. Đồng thời xem xét làm rõ hành vi của những người thân trong gia đình cháu bé để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Dù cháu bé có thực sự trộm tiền của ông bà, của mẹ thì hành vi này cũng không thể trừng phạt, giáo dục theo kiểu như thế này. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng bạo lực, hành hạ trẻ em để giáo dục. Việc gia đình em bé này trói tay, chửi bới xúc phạm nơi công cộng do nghi ngờ em bé ăn trộm tiền... đây là hành động nhằm mục đích giáo dục nhưng là một hành động rất thiếu giáo dục, phản giáo dục và có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho xã hội”, Luật sư Cường đánh giá.

Vị Luật sư này cũng cho rằng, ở tuổi này các em đã ý thức được về danh dự, nhân phẩm của bản thân, những hành động xúc phạm, uy hiếp tinh thần của cháu bé có thể làm tổn thương nặng nề đến tâm lý khiến cháu bé bị trầm cảm hoặc có thể sẽ xảy ra những phản ứng tiêu cực như tự tử, bỏ nhà đi... Bởi vậy, phải đồng thời với việc can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ cháu bé theo quy định của Luật Trẻ em và các văn bản có liên quan thì cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi để xử lý những người lớn này theo quy định pháp luật, đồng thời có hình thức răn đe, tuyên truyền, phổ biến để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra, bảo vệ quyền trẻ em theo quy định pháp luật. 

LÂM HOÀNG

/su-ich-ky-cua-nguoi-lon-day-con-tre-tro-thanh-nan-nhan-cua-mang-xa-hoi.html