/ Góc nhìn
/ Trọng liêm sỷ

Trọng liêm sỷ

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) - Không ít lần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở cán bộ, công chức phải biết giữ gìn liêm sỷ, coi đó là một phẩm chất cần phải có của người đảng viên, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Liêm sỷ là việc giữ mình trong sạch, ngay thẳng, có lòng tự trọng, biết xấu hổ để sửa mình. Từ chức chính là một biểu hiện cao của người có liêm sỷ, ngược lại, tham quyền, cố vị thì ắt là kẻ vô liêm sỷ.

Nếu cán bộ, đảng viên có liêm sỷ thì đâu có hiện tượng chạy chức, chạy quyền trở thành một tệ nạn phải chống đỡ vất vả nơi chính trường. Người có liêm sỷ thì không dùng bằng giả và chui vào các "lò ấp tiến sĩ" và nếu phần lớn cán bộ của chúng ta có liêm sỷ thì đâu có thể xuất hiện "chợ bằng Đông Đô" và dứt khoát, bọn làm giả bằng cấp, chứng chỉ sẽ hết đất sống.

Và, ngay cả khi chuyện đã xảy ra, đã "tay trót nhúng chàm" rồi thì nếu có chút liêm sỷ còn sót lại cũng nên tự nhận và tự rút khỏi cái chức vị mà mình có được do "mua bằng".

Thời gian gần đây, dư luận bất bình về việc một số cán bộ bị kỷ luật, thậm chí có những vi phạm pháp luật hoặc có những biểu hiện sa sút phẩm chất đạo đức mà vẫn "thăng quan tiến chức", nắm giữ những vị trí trọng yếu tại địa phương, có trường hợp bị kỷ luật thì chuyển từ vị trí giám đốc sở này sang sở khác. Bản thân nhưng người đó có liêm sỷ không khi cứ ngang nhiên ngồi vào cái ghế được "tổ chức sắp xếp", được ca ngợi là những con người "ưu tú", có năng lực? Ai đó đã làm những chuyện này là đi ngược với giáo huấn của Tổng Bí thư đồng thời bấp chấp dư luận.

Một biểu hiện khác, thiếu liêm sỷ là cán bộ bị kỷ luật, bị dư luận phanh phui những sai phạm khủng khiếp mà vẫn kiên trì bám ghế hoặc lên các diễn đàn phát biểu về đạo đức, lối sống, dạy dỗ người khác,... Hiện tượng này khá phổ biến, từ các trường hợp bị kỷ luật rồ lên chức đến các vị đã về hưu, bị kỷ luật "quá khứ" mà vẫn đăng đàn nói về đạo đức sáng ngời của người cộng sản.

Người có liêm sỷ sống cuộc đời trong sạch, biết tôn trọng các giá trị đạo lý nên khắc chế được lòng tham, đề cao và coi trọng tính trung thực. Dó đó, cán bộ có liêm sỷ thì không tham nhũng, hành dân, ăn cắp của công, xây biệt phủ,... Những quan chức tiến thân bằng thủ đoạn "chạy chức, chạy quyền", mục đích và lẽ sống của họ là vinh thân, phì gia thì còn biết liêm sỷ là gì. Tổng Bí thư đã nói đúng và nói trúng, hết sức chính xác một vấn đề hệ trọng về đạo đức, cách sống, nhân cách, phẩm chất của một người cán bộ. Tiếc rằng, không ít người đã không nghe theo!

NHỊ NGỌC

/phi-ly.html