1. Sự điều chỉnh của pháp luật đối với thỏa thuận trọng tài
Trọng tài thương mại (trọng tài) không có thẩm quyền đương nhiên như tòa án quốc gia, mà chỉ có thẩm quyền khi các bên được quyền chọn và đã minh thị lựa chọn trọng tài. Chính các bên trong tranh chấp, bằng một thỏa thuận trọng tài, là những người trao quyền xét xử cho một hội đồng trọng tài cụ thể. Tuy nhiên, cũng giống như mọi thỏa thuận dân sự khác, thỏa thuận trọng tài chỉ phát sinh hậu quả pháp lý, tức là trao quyền xét xử cho trọng tài, khi thỏa thuận trọng tài đó hợp pháp. Và như vậy, câu hỏi tất yếu sẽ phải được đặt ra liên quan đến tính hợp pháp của thỏa thuận trọng tài, đó chính là thỏa thuận trọng tài phải phù hợp với pháp luật nước nào? Cần phân biệt ít nhất hai nhóm điều kiện liên quan đến năng lực chủ thể của các bên tham gia ký kết thỏa thuận trọng tài và nội dung của thỏa thuận trọng tài.
1.1. Năng lực ký kết thỏa thuận trọng tài
Một thỏa thuận chỉ hợp pháp khi các bên tham gia ký kết thỏa thuận đó có năng lực đầy đủ. Thực tiễn cho thấy, các bên thường thỏa thuận chọn luật để áp dụng đối với hợp đồng của mình. Tuy nhiên, luật mà các bên lựa chọn đó có điều chỉnh tất cả các khía cạnh của hợp đồng hay chỉ điều chỉnh nội dung của hợp đồng? Liệu các bên có thể thỏa thuận chọn pháp luật điều chỉnh năng lực của mình hay không? Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước không có quy định rõ ràng đối với vấn đề này. Cụ thể, đối với hợp đồng nói chung, pháp luật Việt Nam quy định, “các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng” (khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015). Quy định này không cho biết pháp luật mà các bên lựa chọn sẽ được áp dụng để điều chỉnh tất cả những gì liên quan đến hợp đồng, bao gồm cả năng lực chủ thể của các bên giao kết hợp đồng, hay chỉ điều chỉnh nội dung của hợp đồng.
Liên quan đến thỏa thuận trọng tài, dù là một điều khoản nằm trong hợp đồng hay một văn bản riêng rẽ, thì cũng đều mang bản chất hợp đồng, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 dường như mới chỉ quan tâm đến loại thỏa thuận trọng tài giữa các bên tranh chấp không có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, Điều 18 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu; theo đó, “người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” (khoản 2). Quy định này không cho biết “theo quy định của pháp luật nước nào” khi mà các bên tham gia thỏa thuận có quốc tịch/trụ sở ở các nước khác nhau. Sau đó, khoản 3 cũng quy định thỏa thuận trọng tài vô hiệu nếu “Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Như vậy, Luật Trọng tài thương mại đã không có quy định chuyên biệt về năng lực chủ thể mà quy dẫn đến các quy định chung của Bộ luật Dân sự (BLDS). Liên quan đến thỏa thuận trọng tài giữa các bên có quốc tịch/trụ sở khác nhau (tức là có yếu tố nước ngoài) thì sẽ làm phát sinh vấn đề xung đột pháp luật và khi đó sẽ phải được giải quyết theo Phần V, BLDS năm 2015, đặc biệt các Điều 673, 674 đối với cá nhân và Điều 675 đối với pháp nhân. Tuy nhiên, một vấn đề cần được đặt ra đó là liệu trọng tài có phải áp dụng quy phạm xung đột vốn dành cho tòa án hay không? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời.
Trong thực tiễn xét xử, một trung tâm trọng tài của Việt Nam đã áp dụng quy phạm xung đột của Việt Nam, trong một vụ tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán cá giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Tây Ban Nha. Trước Hội đồng trọng tài trong khuôn khổ Trung tâm trọng tài V, bị đơn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng hợp đồng vô hiệu do doanh nghiệp Tây Ban Nha không có đủ năng lực (và như vậy bản thân thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng cũng có thể bị vô hiệu). Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài V đã quyết định rằng vấn đề năng lực cần được xác định theo luật quốc tịch[1]. Cụ thể, Hội đồng trọng tài V cho rằng: “Thực ra, khoản 1 Điều 765 BLDS năm 2005 quy định… [trích nội dung Điều 765]. Do đó, việc xác định doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hay không cũng không nên được xác định theo pháp luật Việt Nam mà nên “theo pháp luật của nước nơi pháp nhân đó thành lập”[2]. Như vậy, trọng tài đã áp dụng quy phạm xung đột của Việt Nam để xác định luật điều chỉnh năng lực chủ thể.
Trên bình diện quốc tế, Công ước New York năm 1958 mà Việt Nam là thành viên có quy định một cách gián tiếp về pháp luật điều chỉnh năng lực của các bên tham gia thỏa thuận trọng tài tại Điều 5 nhằm phục vụ cho việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Cụ thể, việc công nhận và thi hành quyết định có thể bị từ chối khi chứng minh được rằng “các bên của thỏa thuận […], theo luật áp dụng đối với các bên, không có đủ năng lực, hoặc thoả thuận nói trên không có giá trị theo luật mà các bên chịu sự điều chỉnh, nếu không có chỉ dẫn về điều này, theo luật của Quốc gia nơi ra quyết định”[3]. Một nghiên cứu so sánh tư pháp quốc tế[4] cho thấy, đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay đều quy định năng lực chủ thể chịu sự điều chỉnh của luật quốc tịch/nơi cư trú.
Như vậy, có thể nói rằng, năng lực chủ thể với ý nghĩa là một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nói chung và của thỏa thuận trọng tài nói riêng phải luôn được xác định theo pháp luật của nước mà mỗi bên có quốc tịch hoặc có trụ sở. Năng lực chủ thể không thuộc lĩnh vực mà các bên được quyền chọn luật áp dụng để điều chỉnh. Khi đứng trước vấn đề về năng lực chủ thể ký kết thỏa thuận trọng tài, trọng tài sẽ phải dựa vào luật của nước mà các bên có quốc tịch hoặc trụ sở, chứ không dựa vào luật mà các bên lựa chọn áp dụng đối với hợp đồng.
1.2. Đối tượng của thỏa thuận trọng tài
Liên quan đến đối tượng của thỏa thuận trọng tài, tức là loại tranh chấp mà các bên muốn trọng tài xét xử, điều cần quan tâm đó chính là tranh chấp mà các bên dự kiến lựa chọn trọng tài để giải quyết có thuộc loại được pháp luật quy định thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với trọng tài hay không.
Điều 2 Luật Trọng tài thương mại (TTTM) quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài. Theo đó, trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết: “1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; 2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài”. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 18 Luật này quy định thỏa thuận trọng tài sẽ vô hiệu nếu “[…] vi phạm điều cấm của pháp luật”.
Các quy định trên không cho biết đó là pháp luật Việt Nam hay pháp luật nước ngoài. Nếu như tranh chấp giữa các bên không có yếu tố nước ngoài, thì đó hiển nhiên sẽ là pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, câu trả lời sẽ không đương nhiên khi đó là tranh chấp kinh doanh, thương mại quốc tế.
Một nghiên cứu so sánh luật học[5] cho thấy, các tranh chấp liên quan đến đối tượng tranh chấp có thể xét xử bằng phương thức trọng tài thường liên quan đến trật tự công và quy phạm mệnh lệnh[6]. Trong thực tiễn xét xử, trọng tài thường áp dụng luật của nước nơi có địa điểm trọng tài (lex loci arbitri) để xác định xem tranh chấp mà các bên muốn trọng tài giải quyết có thuộc loại tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài hay không. Bên cạnh luật của nước có địa điểm trọng tài, trọng tài còn có thể phải tính đến luật của nước nơi phán quyết sẽ phải được công nhận và thi hành, bởi Điều 5 Công ước New York quy định phán quyết trọng tài có thể bị từ chối công nhận và cho thi hành nếu “Đối tượng của vụ tranh chấp không thể giải quyết được bằng trọng tài theo luật pháp của nước đó [nước nơi yêu cầu công nhận và thi hành]”[7].
2. Lựa chon pháp luật đối với nội dung tranh chấp
Tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng kinh doanh, thương mại thường rất đa dạng. Đó có thể là tranh chấp liên quan đến năng lực chủ thể[8], đến quyền và nghĩa vụ của các bên, đến việc áp dụng các chế tài đối với hành vi vi phạm… Chính sự đa dạng của nội dung tranh chấp có thể dẫn tới sự đa dạng của các nguồn luật cần được áp dụng. Hiện nay, đa số các quốc gia cho phép các bên được quyền lựa chọn áp dụng đối với hợp đồng quốc tế. Ở Việt Nam, Điều 683 BLDS quy định rõ quyền này. Khi các bên thực hiện việc lựa chọn pháp luật một cách hợp pháp thì trọng tài sẽ phải áp dụng pháp luật đó. Tuy nhiên, ngay cả khi các bên đã lựa chọn pháp luật áp dụng thì không phải mọi vấn đề về luật áp dụng đều đã được giải quyết.
2.1. Luật mà các bên lựa chọn
Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là một quy định quan trọng về luật áp dụng giải quyết tranh chấp. Nhà làm luật đã phân chia ra hai trường hợp; theo đó, đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp (khoản 1). Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất (khoản 2). Trong phần tiếp theo đây, chúng tôi sẽ không bàn đến khoản 1 mà chỉ bàn đến một nội dung của khoản 2, tức là trường hợp các bên đã lựa chọn pháp luật nước ngoài (trường hợp các bên không lựa chọn sẽ được nghiên cứu trong phần sau).
Vì khoản 2 nhắc đến khái niệm “pháp luật” [mà các bên lựa chọn], nhưng không làm rõ khái niệm đó hàm chứa nội dung gì, có bao gồm luật quốc tế mà quốc gia đã ký kết, gia nhập không? Điều này sẽ đặt ra khó khăn khi các bên trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế lựa chọn, chẳng hạn pháp luật Việt Nam. Câu hỏi mà trọng tài cần phải giải quyết sẽ là pháp luật Việt Nam có bao gồm Công ước Viên 1980 (CISG) hay không? Khái niệm “pháp luật” như được quy định tại khoản 2 cũng không cho biết có bao gồm các nguyên tắc pháp luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi và các luật mẫu hay không? Khi đó sẽ khó khăn đối với trọng tài khi mà các bên lựa chọn, chẳng hạn Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng làm nguồn luật điều chỉnh của mình. Khảo sát pháp luật trọng tài ở một số nước cho thấy, một khái niệm rất rộng thường được sử dụng là “các quy tắc pháp luật”[9] (les règles de droit). Việc sử dụng khái niệm “các quy tắc pháp luật” cho phép trọng tài diễn giải bao gồm cả luật quốc gia, luật quốc tế, các nguồn luật mềm và các bộ nguyên tắc[10].
Một câu hỏi nữa mà chúng ta cần trả lời, đó là pháp luật quốc gia mà các bên lựa chọn có bao gồm quy phạm xung đột hay không, tức là có chấp nhận dẫn chiếu hay không? Nếu như tranh chấp được giải quyết bằng tòa án Việt Nam thì thẩm phán có thể dựa vào Điều 668 để không chấp nhận dẫn chiếu. Cụ thể, theo khoản 4 Điều này, pháp luật mà các bên lựa chọn chỉ bao gồm quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng. Tuy nhiên, trọng tài không có một hệ thống pháp luật để dựa vào như tòa án (lex fori). Theo chúng tôi, vấn đề này phải được giải quyết bởi chính luật của nước mà các bên lựa chọn. Nói cách khác, khi các bên đã lựa chọn pháp luật của nước A thì trọng tài sẽ phải căn cứ vào chính pháp luật của nước A đó để biết pháp luật nước A có chấp nhận dẫn chiếu hay không chấp nhận dẫn chiếu.
Một vấn đề cuối cùng mà trọng tài có thể phải giải quyết, đó là trường hợp các bên lựa chọn pháp luật của một nước, nhưng khi áp dụng pháp luật nước đó thì dẫn tới hậu quả là hợp đồng của các bên bị vô hiệu và bản thân thỏa thuận lựa chọn pháp luật nằm trong đó cũng vô hiệu theo[11]. Khi thoả thuận lựa chọn luật không có giá trị thì không thể áp dụng pháp luật của nước mà điều khoản đó chỉ định. Việc không áp dụng luật do các bên lựa chọn, rất có thể hợp đồng lại có hiệu lực theo pháp luật của một nước khác. Để tránh rơi vào nghịch lý này, pháp luật cần quy định thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng độc lập với hợp đồng. Nói cách khác, hiệu lực của thoả thuận lựa chọn pháp luật không phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng[12].
2.2. Luật do hội đồng trọng tài xác định
Trong thực tế có khả năng xảy ra tình huống các bên không biết mình có quyền, hoặc biết nhưng không thực hiện quyền lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng của mình. Do vậy, để giải quyết tranh chấp, trọng tài phải áp dụng luật (theo nghĩa rộng), trong trường hợp này, đó sẽ là luật nào?
Một nghiên cứu so sánh luật[13] cho biết, trên thế giới hiện nay tồn tại hai phương pháp, đó là phương pháp gián tiếp, thông qua việc sử dụng quy phạm tư pháp quốc tế và phương pháp trực tiếp trao quyền cho hội đồng trọng tài xác định luật áp dụng.
2.2.1. Phương pháp gián tiếp
Những nước sử dụng phương pháp gián tiếp lại có thể chia làm hai nhóm, đó là:a) nhóm những nước quy định cho phép trọng tài tự do xác định quy phạm tư pháp quốc tế cần áp dụng để xác định luật áp dụng; và b) nhóm những nước quy định nguyên tắc về loại quy phạm tư pháp quốc tế nào mà hội đồng trọng tài cần phải áp dụng để xác định luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp.
- Quy phạm tư pháp quốc tế mà trọng tài cho là phù hợp nhất
Theo cách thức này, trọng tài phải áp dụng quy phạm xung đột, nhưng có sự tự do lớn trong việc áp dụng quy phạm xung đột cụ thể nào để xác định luật áp dụng. Giải pháp này được quy định trong một số văn kiện quốc tế[14] cũng như trong một số quy tắc tố tụng của một số trung tâm trọng tài[15]. Khi đó vấn đề đặt ra là: thế nào quy phạm tư pháp quốc tế phù hợp nhất? Liệu có các phương pháp để xác định quy phạm đó không? Trước đây một số quốc gia quy định trọng tài áp dụng cách thức giải quyết xung đột trong pháp luật của nước nơi có trung tâm trọng tài[16]. Phương pháp này có nhược điểm lớn bởi nó buộc trọng tài phải áp dụng luật quốc gia nơi có địa điểm trọng tài, trong khi trong thực tế địa điểm trọng tài được lựa chọn không phải vì các bên muốn lựa chọn luật của nước đó mà chỉ bởi sự thuận tiện của các bên mà thôi[17]. Ngoài ra, bản chất của trọng tài quốc tế là không chịu sự ràng buộc của một hệ thống pháp luật của một quốc gia cụ thể nào. Nguyên tắc này thường chỉ được áp dụng trước những năm 1960. Tuy nhiên, hiện nay, lex loci arbitri vẫn tiếp tục được áp dụng tại ít nhất ba trung tâm trọng tài thuộc phòng thương mại Zürich, phòng thương mại Hunggary và Tòa trọng tài quốc tế Riga[18]. Quy định này cũng tồn tại tại trong một số luật quốc gia như Costa Rica, Cộng hòa Séc, Estonia, Malta và Yemen[19]. Ngoài ra, một số nước có quy định trọng tài phải áp dụng đồng thời các quy phạm xung đột của các quốc gia có liên quan, so sánh chúng với nhau để tìm ra một nguồn luật phù hợp nhất để áp dụng đối với nội dung tranh chấp. Đây là một quy định đòi hỏi sự cố gắng rất lớn đối với trọng tài và chỉ thực sự hiệu quả khi mà các quy phạm xung đột quy định giải pháp giống nhau[20].
- Buộc áp dụng quy phạm xung đột
Cách thức thứ hai này hạn chế sự tự do lựa chọn của trọng tài vì họ buộc phải sử dụng một quy phạm xung đột cụ thể. Đó là trường hợp luật trọng tài Croatia, Ai Cập, Đức, Nhật Bản, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ: Luật áp dụng là luật có mối quan hệ gắn bó nhất[21]. Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế thuộc phòng thương mại Milan, Viện trọng tài thương mại Đức và một số trung tâm trọng tài khác[22] cũng quy định tương tự. Mối quan hệ gắn bó nhất có thể là luật của nước nơi bên phải thực hiện nghĩa vụ chính cư trú, luật nơi giao kết hợp đồng, luật nơi thực hiện hợp đồng... Luật của Hoa Kỳ cũng quy định tương tự: luật áp dụng là luật gắn bó nhất[23]. Sau đó luật đưa ra một danh sách để giới hạn các trường hợp được cho là có mối quan hệ gắn bó nhất[24] mà trọng tài phải sử dụng để xác định luật áp dụng[25].
2.2.2. Phương pháp trực tiếp
Phương pháp này trao quyền cho hội đồng trọng tài xét xử vụ tranh chấp tự mình xác định luật hoặc các quy tắc pháp luật mà mình cho là phù hợp nhất mà không cần dựa vào quy phạm xung đột. Sự hợp lý này không nhất thiết phải được xác định dựa vào các hệ thuộc luật của tư pháp quốc tế (như luật quốc tịch, luật nơi giao kết, luật nơi thực hiện hành vi…) hay luật gắn bó nhất[26]. Pháp luật Pháp đi theo hướng này và trao quyền rất lớn cho trọng tài (Điều 1496 Bộ luật Tố tụng dân sự). Theo pháp luật Pháp, trọng tài không phải áp dụng các quy pham xung đột của nước nơi có trụ sở trọng tài, hay của nước nơi có địa điểm trọng tài. Trong thực tế, trọng tài có thể sử dụng quy phạm xung đột nào đó nhưng không có nghĩa vụ nêu căn cứ về việc sử dụng quy phạm xung đột đó để xác định luật áp dụng. Nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam cũng đi theo hướng này. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại, “nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất”. Luật không có quy định chi tiết hơn về căn cứ mà hội đồng trọng tài phải dựa vào để xác định sự phù hợp nhất của nguồn luật mà trọng tài lựa chọn áp dụng để giải quyết nội dung tranh chấp. Quy định này trao sự tự do rất lớn cho trọng tài, nhưng có nhược điểm là làm giảm tính khả đoán của các bên khi tham gia kinh doanh, thương mại, bởi họ sẽ không thể đoán định được đâu sẽ là nguồn luật mà hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất. Nếu so với phương pháp xung đột; trong đó các bên có khả năng dự báo được, thì rõ ràng đây là một nhược điểm. Tuy nhiên, vẫn phải thấy rằng phương pháp xung đột cũng không phù hợp với xu thế phát triển của pháp luật trọng tài hiện nay trên thế giới.
3. Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong tố tụng trọng tài
3.1. Chứng minh nội dung pháp luật cần áp dụng
Khi các bên, hoặc trọng tài đã xác định được một nguồn luật để điều chỉnh nội dung của quan hệ tranh chấp thì vấn đề đặt ra là ai, các bên hay trọng tài, có nghĩa vụ chứng minh nội dung của nguồn luật đó? Nếu như trong tố tụng tòa án, nghĩa vụ chứng minh pháp luật nước ngoài đã được quy định khá rõ ràng tại Điều 481 BLTTDS năm 2015 thì không phải như vậy đối với tố tụng trọng tài. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 không có quy định nào về vấn đề này. Thông thường, trong luật cũng như trong thực tiễn xét xử tại rất nhiều nước trên thế giới, khi các bên được quyền chọn và đã chọn luật áp dụng thì chính các bên có nghĩa vụ chứng minh nội dung của nguồn luật đó. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sẽ là không hợp lý khi buộc các bên chứng minh nội dung của nguồn luật áp dụng được xác định bởi hội đồng trọng tài.
3.2. Không áp dụng pháp luật mà các bên lựa chọn
Chúng ta biết rằng trong tố tụng tòa án, tòa án của một quốc gia có thể không áp dụng nguồn luật mà các bên lựa chọn hoặc được dẫn chiếu bởi quy phạm xung đột khi hậu quả của việc áp dụng pháp luật đó trái với trật tự công (hay các nguyên tắc cơ bản) của nước mình. Ở Việt Nam, khả năng loại trừ áp dụng pháp luật nước ngoài này được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 670 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, liệu trọng tài thương mại quốc tế có phải tính đến trật tự công hay không? Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam không có quy định về vấn đề này.
Thực tế cho thấy trong đa số các trường hợp trọng tài sẽ áp dụng luật mà các bên lựa chọn. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, liệu trọng tài có thể (và có nên quy định cho phép trọng tài) không áp dụng pháp luật mà các bên đã lựa chọn mà áp dụng một nguồn luật, hoặc một vài quy định trong nguồn luật của quốc gia khác, vì lý do tôn trọng trật tự công của quốc gia này không? Câu hỏi đáng được đặt ra khi mà pháp luật của các quốc gia có liên quan đến tranh chấp (đặc biệt nước nơi hợp đồng được thực hiện và nước nơi phán quyết có thể sẽ phải được xin công nhận và thi hành) có những quy định mệnh lệnh áp dụng bắt buộc. Đúng là trọng tài không có một hệ thống luật nội dung để dựa vào, hoặc để tuân thủ, trừ các quy định về tố tụng, và như vậy không phải tuân thủ các quy phạm mệnh lệnh về nội dung không nằm trong nguồn luật mà các bên đã lựa chọn. Tuy nhiên, trong thực tế, trọng tài thường xuyên phải tính đến các quy phạm mệnh lệnh bắt buộc của nước nơi phán quyết sẽ phải được xin công nhận và cho thi hành[27], để đảm bảo phán quyết sẽ không bị từ chối công nhận và thi hành theo điều V Công ước New York 1958. Tuy nhiên, luật không phải do các bên lựa chọn sẽ thường chỉ được áp dụng đối với một nội dung cụ thể nào đó của quan hệ dẫn tới tranh chấp. Nói cách khác, luật mà các bên lựa chọn không bị loại bỏ hoàn toàn[28].
Khi nhận thấy cần phải áp dụng một quy phạm mệnh lệnh (và như vậy không áp dụng toàn bộ luật mà các bên đã lựa chọn), trọng tài sẽ gặp một rủi ro liên quan đến công đoạn thi hành phán quyết. Cụ thể, trọng tài là do các bên lựa chọn và chỉ giải quyết những nội dung mà các bên yêu cầu. Nói cách khác, trọng tài phải tuân thủ sự lựa chọn của các bên, nhưng khi không áp dụng luật mà các bên lựa chọn thì cũng có nghĩa là trọng tài đã không tôn trọng sự lựa chọn của các bên và khi đó, trọng tài có nguy cơ bị coi là vi phạm tố tụng[29], một trong những căn cứ để phán quyết bị hủy hoặc không được công nhận theo Điều 5 Công ước New York. Mặc dù Điều V Công ước New York không quy định minh thị về sự không áp dụng luật mà các bên đã lựa chọn là căn cứ để không công nhận phán quyết, nhưng một bên có thể viện dẫn các quy định liên quan đến trường hợp hội đồng trọng tài vượt quá thẩm quyền hoặc vi phạm tố tụng[30]. Trong thực tiễn có thể xảy ra các trường hợp sau: các bên đã lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp của mình là luật nước X, nhưng trọng tài thấy nhất thiết phải áp dụng một số quy định của pháp luật nước Y và vì vậy trọng tài đã áp dụng pháp luật của nước Y. Khi đó việc áp dụng pháp luật nước Y có thể sẽ bị coi là lạm quyền hoặc vi phạm tố tụng. Trường hợp thứ hai, cũng với tình huống trên, trọng tài quyết định áp dụng pháp luật nước X như các bên đã lựa chọn (và như vậy tuân thủ hoàn toàn quyền tự quyết của các bên), và không áp dụng pháp luật của nước Y, mặc dù thấy cần phải áp dụng pháp luật nước Y. Khi đó, phán quyết của trọng tài có nguy cơ sẽ không được công nhận và cho thi hành vì lý do trái với trật tự công của nước Y.
Theo một nghiên cứu so sánh luật học, trong thực tiễn, khi rơi vào tình huống như vậy, nhiều hội đồng trọng tài vẫn sẽ áp dụng pháp luật của nước Y nhưng trước đó giải thích cho các bên về sự cần thiết áp dụng pháp luật của nước này và thường không vấp phải sự phản đối của các bên[31] (và khi đó sẽ không trở thành căn cứ để phán quyết không được công nhận và cho thi hành).
4. Kết luận và khuyến nghị
Pháp luật trọng tài thương mại của Việt Nam dường như mới chỉ quan tâm đến trọng tài trong nước, chưa dành sự chú ý thích đáng đối với trọng tài thương mại quốc tế. Trên cơ sở phân tích pháp luật trọng tài Việt Nam, đối sánh với một số văn kiện quốc tế, pháp luật trọng tài ở một số quốc gia, cũng như thực tiễn xét xử, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật trọng tài thương mại theo hướng hội nhập hơn, tính đến nhiều hơn tính chất quốc tế của trọng trọng tài thương mại. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với thỏa thuận trọng tài thương mại quốc tế, pháp luật Việt Nam nên có quy định rõ về nguồn luật điều chỉnh sự hợp pháp của thỏa thuận này. Cụ thể, luật điều chỉnh năng lực của các bên tham gia ký kết thỏa thuận trọng tài là luật quốc tịch, còn luật điều chỉnh đối tượng của thỏa thuận (loại tranh chấp có thể giải quyết được bằng phương thức trọng tài) là luật của nước nơi có địa điểm trọng tài.
Thứ hai, quy định rõ hơn nguồn luật áp dụng do trọng tài tự mình xác định trong trường hợp các bên đã không lựa chọn pháp luật áp dụng. Cụ thể, pháp luật Việt Nam nên có quy định về nguyên tắc xác định luật. Nguyên tắc đó chính là luật có mối quan hệ gắn bó nhất, bởi yêu cầu về sự gắn bó nhất của nguồn luật mà trọng tài sẽ áp dụng để giải quyết tranh chấp sẽ buộc trọng tài không áp dụng một nguồn luật bất kỳ theo sở thích của riêng mình. Tuy nhiên, trọng tài sẽ vẫn có toàn quyền xác định thế nào là nguồn luật có mối quan hệ gắn bó nhất với quan hệ gây tranh chấp. Đó có thể là luật nước người bán đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng cũng có thể là luật nước nơi hợp đồng được thực hiện. Quy định như vậy vẫn đảm bảo được tính mềm dẻo của trọng tài, nhưng vẫn thỏa mãn được nhu cầu của các bên về tính khả đoán về luật áp dụng.
Thứ ba, pháp luật trọng tài của Việt Nam nên có quy định về không áp dụng pháp luật của nước mà các bên lựa chọn khi hội đồng trọng tài xét xử tranh chấp nhận thấy cần áp dụng quy phạm mệnh lệnh của một nước khác, đặc biệt là quy phạm mệnh lệnh của nước nơi phán quyết cần được công nhận và thi hành. Trong trường hợp như vậy, việc không áp dụng pháp luật nước ngoài mà các bên đã lựa chọn không trở thành căn cứ để hủy, hoặc không công nhận phán quyết trọng tài./.
[1] Phán quyết trọng tài được trích từ Đỗ Văn Đại (chủ biên), Giải quyết tranh chấp hợp đồng: Những điều doanh nhân cần biết, Nxb. Tri thức, 2015, Chủ đề 10, tr. 52 và tiếp theo. [2] Đỗ Văn Đại, tlđd. [3] Đỗ Văn Đại, tlđd. [4] Ngô Quốc Chiến (chủ biên), Luật Tư pháp quốc tế: Hướng đến xây dựng một mô hình lập pháp ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, ISBN: 978-604-62-9996-7. [5] Conférence de Lahaye de droit international privé, Étude de faisabilité sur le choix de la loi applicable dans les contrats interrnationaux – Le context de l’arbitrage international, Note établie par Ivana Radi, Document préliminaire no 22 C, mars, 2007. [6] Ví dụ các quy định về cạnh tranh không lành mành, về sở hữu trí tuệ, lệnh cấm xuất nhập khẩu. [7] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thu-tuc-to-tung/Cong-uoc-cong-nhan-va-thi-hanh-quyet-dinh-trong-tai-nuoc-ngoai-61437.aspx [8] Khi đó vấn đề luật áp dụng sẽ được giải quyết như đối với thỏa thuận trọng tài. [9] Ví dụ, Điều 15 Bộ luật trọng tài thống nhất OHADA quy định: “Trọng tài giải quyết nội dung tranh chấp theo các quy tắc pháp luât mà các bên lựa chọn […]”. [10] V. B. Goldman, “La lex mercatoria dans les contrats et l'arbitrage internationaux : réalité et perspectives”, JDI 1979, p. 475. [11] Pháp luật của Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước mới chỉ quy định về sự tồn tại độc lập của thỏa thuận trọng tài đối với hợp đồng, chứ chưa có quy định về sự tồn tại độc lập của thỏa thuận chọn luật. [12] Về vấn đề này, xem thêm: Ngô Quốc Chiến và Đinh Thị Tâm, 2018, “Điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận lựa chọn pháp luật và xung đột giữa các điều kiện giao dịch chung”, Tạp chí Luật học, ISSN: 0868-3522,số 6 (217) tháng 6/2018, tr. 3-13 và 71. [13] Conférence de Lahaye de droit international privé, Étude de faisabilité sur le choix de la loi applicable dans les contrats interrnationaux – Le context de l’arbitrage international, Note établie par Ivana Radi, Document préliminaire no 22 C, mars, 2007. [14] Điều VII(1) Công ước Genève ; Điều 42(1) Công ước ICSID. [15] Điều 33(1), Rules of Procedure of the Inter-American Arbitration Commission. [16] Điều 11. 1 Nghị quyết của Viện pháp luật quốc tế, Phiên họp Amsterdam năm 1957: “Các quy phạm xung đột hiện hành của Nước nơi có trung tâm trọng tài cần được phải áp dụng để xác định luật áp dụng đối với nội dung của tranh chấp”. [17] Xem: C. Croff, “The Applicable Law in an International Commercial Arbitration: Is it still a Conflict of Laws Problem?”, The International Lawyer, Vol. 16, No 1, 1982, p. 625-627. [18] Conférence de Lahaye de droit international privé, Étude de faisabilité sur le choix de la loi applicable dans les contrats interrnationaux – Le context de l’arbitrage international, Note établie par Ivana Radi, Document préliminaire no 22 C, mars, 2007, Phụ lục 4 [19] Conférence de Lahaye de droit international privé, Étude de faisabilité sur le choix de la loi applicable dans les contrats interrnationaux – Le context de l’arbitrage international, Note établie par Ivana Radi, Document préliminaire no 22 C, mars, 2007, Phụ lục 5. [20] J.G. Frick, Arbitration and Complex International Contracts, Kluwer Law International, 2001, p. 361. [21] Điều 187(1) Luật Tư pháp quốc tế liên bang Thụy Sỹ; Điều 1051(2) Bộ luật Tố tụng dân sự Đức; Điều 1445(2) Bộ luật Thương mại Mehico; Điều 834(3) Bộ luật Tố tụng dân sự Italy; Điều 39(2) Luật Trọng tài dân sự và thương mại Ai Cập. [22] Điều 3, Quy tắc tố tụng trọng tài thuộc Phòng thương mại Milan; Điều 23(2) Quy tắc tố tụng trọng tài của Viện trọng tài Đức (DIS). [23] Điều 188(1) Law of Contracts, Second Restatement. [24] Điều 188(2) Law of Contracts, Second Restatement. [25] J.G. Frick, Arbitration and Complex International Contracts, Kluwer Law International, 2001, p. 63. [26] J.G. Frick, Arbitration and Complex International Contracts, Kluwer Law International, 2001, p. 79. [27] G. Cordero Moss, «Can an Arbitral Tribunal disregard the Choice of Law made by the Parties? », Stockholm International Arbitration Review, Vol. 1, 2005, p. 15. [28] Conférence de Lahaye de droit international privé, Document préliminaire No 22 B, « Étude de Faisabilité sur la loi applicable dans les contrats internationaux – Aperçu et analyse des instruments existants » (partie III B 9, « Restrictions des clauses de choix de loi résultant du droit public », p. 13). [29] Art. V(2)b de la Convention des Nations Unies du 10 juin 1958 sur la reconnaissance et l'exécution des sentences arbitrales étrangères (Convention de New York) ; art. 36(2)b)(ii) de la Loi type CNUDCI ; N. Voser, supra note 12, p. 332-337. [30] J.G. Frick, Arbitration and Complex International Contracts, Kluwer Law International, 2001, p. 130-136. [31] Conférence de Lahaye de droit international privé, Étude de faisabilité sur le choix de la loi applicable dans les contrats interrnationaux – Le context de l’arbitrage international, Note établie par Ivana Radi, Document préliminaire no 22 C, mars, 2007. |
PGS.TS. NGÔ QUỐC CHIẾN, Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương,
NGUYỄN HOÀNG ANH, Giám đốc CTTNHH Du Lịch và Thương mại Anh Minh
(Theo Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp)
Hàng loạt quy định mới liên quan đến giáo dục mầm non bắt đầu có hiệu lực