Trục lợi Covid-19: Điểm bất cập chưa thể xóa bỏ

03/08/2021 02:18 | 3 năm trước

(LSVN) - Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo theo đó là hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội. Cả đất nước cùng cố gắng, vừa chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa hướng mình về miền nam ruột thịt. Rất nhiều hành động đẹp được tôn vinh, nhưng bên cạnh đó cũng không ít lỗ hổng cho nhiều kẻ "trục lợi".

Ảnh minh họa.

Thời điểm TP. Hồ Chí Minh siết chặt việc thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Nhiều người dân lo ngại trước tình trạng thiếu lương thực dẫn đến việc đổ xô đi mua lượng lớn hàng hóa, thực phẩm nhằm tích trữ. Tuy nhiên, một số tiểu thương đã lợi dụng thời điểm này mà đẩy giá tăng vọt so với những ngày thường.

Rất nhiều tin tức được báo chí đăng tải, các thông tin, hình ảnh được chia sẻ trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, việc lợi dụng nỗi lo về nhu cầu thiết yếu của người dân trong tình hình dịch bệnh căng thẳng dường như là một “mỏ vàng” lớn để trục lợi và kiếm tiền.

“Bình cũ rượu mới” tình trạng trên trước đây đã xảy ra không ít lần, tuy nhiên không những chưa thể khắc phục mà những loại hình lừa đảo hiện nay còn tinh vi, mới mẻ hơn, tiếp tục những chiêu trò lợi dụng lòng tin của người dân nhằm trục lợi kiếm tiền cho cá nhân. Đây là điểm bất cập đáng lo ngại vẫn chưa thể bị xóa bỏ.

Điển hình như việc một số cá nhân nắm bắt được tâm lý người dân trước đại dịch diễn biến phức tạp, mà gom mua lương thực, thực phẩm thiết yếu… tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, chợ đầu mối. Sau khi gom hàng, đem bán lại với giá thành cao, làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn thành phố, gây bức xúc trong nhân dân.

Các chợ truyền thống thời điểm căng thẳng của dịch bệnh đa phần đã tạm ngưng, chỉ còn lại hệ thống siêu thị hoạt động. Các tỉnh, thành hiện nay cũng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19 nên việc vận chuyển hàng hóa vào thành phố đang gặp nhiều khó khăn.

Điều này dẫn đến việc một số mặt hàng khan hiếm, giá cả biến động mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn cung cũng như bình ổn giá.

Bên cạnh đó, một số người đã lợi dụng tình trạng trên, xếp hàng trong siêu thị để mua nhiều mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm với giá thấp, sau đó mang ra ngoài bán với giá cao hơn nhằm trục lợi, làm “loạn giá” thị trường chung.

Đối diện trước thực tiễn, nhiều chuyên gia pháp lý và Luật sư đã nhận định, nếu cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thuốc, các sản phẩm y tế... bất hợp lý có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Tình trạng này được xem như là hành vi đầu cơ hàng hóa và đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định rõ về hành vi “Đầu cơ”. Cụ thể, đối với hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng và thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Đối tượng nào Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Các đối tượng có hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Về các pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này149, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm150 hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Pháp luật đã quy định rõ, nhưng thực hiện hay không lại nằm ở ý thức của mỗi người dân, rất nhiều đối tượng đã bị xử lý nhằm nêu gương, tuy nhiên, vẫn còn đó những kẻ lợi dụng cái “khó” chung để lấy làm “lợi ích” riêng cho cá nhân mình.

Thiết nghĩ, đối mặt trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp thì mỗi chúng ta trước hết nên tự ý thức trách nhiệm của mình, đừng vì một “vết mực” nhỏ mà gây ảnh hưởng đến “bức tranh” toàn cảnh lớn, hãy sử dụng quyền tự do của mình hành động, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng leo thang căng thẳng như hiện nay.

TRẦN MINH  

Chưa có nơi nào tình nghĩa đồng bào ấm áp như ở Việt Nam