CHIỀU
1. Kỷ luật đảng có thể chỉ là bước đầu của quy trình xử lý vi phạm đối với cán bộ
(LSVN) - Liên quan đến sai phạm của công ty Việt Á, cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam rất nhiều các cán bộ. Do đó, sau Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và quyết định thi hành kỉ luật của cơ quan đảng thì cơ quan điều tra cũng tiếp tục xem xét các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi vi phạm đến pháp luật thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố các bị can về các tội danh có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Ảnh minh họa.
Có thể thấy, những sai phạm của công ty Việt Á và một số cá nhân liên quan trong thời gian qua đã khiến dư luận bức xúc. Nếu không có sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay, giúp sức của một số tổ chức, cá nhân thì các bị can của công ty Việt Á không thể thực hiện được những vi phạm nghiêm trọng như vậy. Do đó, sau khi khởi tố lãnh đạo công ty này và một số thuộc cấp thì cơ quan điều tra cũng đã khởi tố một số cán bộ thuộc Học viện Quân y và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của một số địa phương.
Trong vụ án này Học viện Quân y và một số cán bộ y tế đã có vi phạm nghiêm trọng khi tiếp tay, giúp sức cho hành vi vi phạm pháp luật của công ty Việt Á. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những ai có liên quan để xem xét trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Vừa qua, Ban Bí thư đã họp để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Quân y.
Theo kết luận của Ban Bí thư, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số lãnh đạo chủ chốt của Học viện và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 và mua sắm vật tư y tế, kit xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.
Với những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của một số tổ chức, cá nhân trong Học viện Quân y và đặc biệt là Giám đốc và Phó Giám đốc Học viện thì việc tiến hành kỷ luật đối với các cán bộ lãnh đạo cao cấp này theo đúng quy trình, thủ tục kỷ luật đảng viên quy định tại Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam và hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.
Theo đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỉ luật Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Đây là câu chuyện rất đáng buồn và chưa từng xảy ra đối với Học viện này. Tuy nhiên đây cũng là động thái thể hiện việc xử lý cán bộ vi phạm rất nghiêm khắc, thể hiện sự quyết tâm của đảng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, duy trì kỷ luật kỷ cương đối với các cán bộ trung ương. Nếu cán bộ lãnh đạo Học viện Quân y thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm đối với công trình nghiên cứu này thì có lẽ công ty Việt Á không thể lợi dụng để trục lợi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả phòng chống dịch bệnh cũng như đến uy tín của đảng và nhà nước. Vì vậy, ngoài việc kỷ luật đảng thì các cán bộ có liên quan có thể sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.
Theo quy định số 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật đảng viên nêu rõ nguyên tắc: 'Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời".
Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Trong xử lý kỷ luật, phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để bảo đảm kết luận dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, chính xác. Cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm của đảng viên do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã được giáo dục, nhắc nhở, ngăn chặn nhưng vẫn làm trái; ý thức tự phê bình và phê bình kém, không tự giác nhận lỗi, không bồi hoàn vật chất đầy đủ, kịp thời; có hành vi đối phó, gây khó khăn, trở ngại cho việc kiểm tra; phân biệt đảng viên khởi xướng, tổ chức, quyết định với đảng viên bị xúi giục, lôi kéo, đồng tình làm sai.
Hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.
Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.
Đặc biệt quy định này nêu rõ, đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị Tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
Một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong thời điểm kiểm tra, xem xét xử lý vụ việc, nếu đảng viên có từ hai nội dung vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật; không tách riêng từng nội dung vi phạm của đảng viên để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.
Trong cùng một vụ việc có nhiều đảng viên vi phạm thì mỗi đảng viên đều phải bị xử lý kỷ luật về nội dung vi phạm của mình. Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.
Liên quan đến sai phạm của công ty Việt Á, cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam rất nhiều các cán bộ. Do đó, sau Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và quyết định thi hành kỉ luật của cơ quan đảng thì cơ quan điều tra cũng tiếp tục xem xét các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi vi phạm đến pháp luật thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố các bị can về các tội danh có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp
Phân biệt tội danh quy định tại Điều 359 và Điều 341 Bộ luật Hình sự
2. Các căn cứ đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
(LSVN) - Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó, quy đỉnh rõ các căn cứ đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ảnh minh họa.
Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc); trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cụ thể, tại Điều 16 Pháp lệnh quy định về đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Người bị đề nghị không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy;
- Người bị đề nghị đã chết;
- Người bị đề nghị mất năng lực hành vi dân sự;
- Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rút đề nghị;
- Người bị đề nghị đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang chờ chấp hành hình phạt tù theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Người bị đề nghị đang chấp hành hoặc đang chờ chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đang chấp hành hoặc đang chờ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Người bị đề nghị đang mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.
Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Người bị đề nghị có hành vi vi phạm pháp luật đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng;
- Khi phát sinh tình tiết mới về tình trạng sức khỏe, tâm thần của người bị đề nghị và cần yêu cầu Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành trưng cầu giám định;
- Có sự kiện bất khả kháng không thể mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người bị đề nghị bị ốm nặng, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.
Khi lý do tạm đình chỉ quy định tại khoản 2 Điều này không còn thì Tòa án xem xét mở lại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh này.
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua (24/3/2022).
TIẾN HƯNG
Phân biệt tội danh quy định tại Điều 359 và Điều 341 Bộ luật Hình sự
3. Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể để chậm tiến độ thu phí không dừng
(LSVN) - Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội; có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2022.
Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội; có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2022.
VEC được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Trong 5 dự án nêu trên mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10/6/2020, các tuyến cao tốc khác vẫn triển khai thu phí theo hình thức một dừng. Trên cơ sở số lượng các làn, lưu lượng xe qua các trạm thu phí và năng lực khai thác của hệ thống thu phí không dừng so với hệ thống thu phí một dừng, VEC tính toán trước mắt phân kỳ đầu tư 140 làn thu phí không dừng sẽ bảo đảm các cao tốc thu phí theo hình thức thu phí ETC đồng bộ, đáp ứng yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, dán thẻ định danh toàn bộ các phương tiện ô tô thuộc phạm vi quản lý; vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động gương mẫu dán thẻ định danh đối với các phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, bảo đảm không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 01/6/2022; triển khai thí điểm chỉ thu phí ETC tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
DUY ANH
Phân biệt tội danh quy định tại Điều 359 và Điều 341 Bộ luật Hình sự
4. Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi siết chặt quy định về tiền điện tử
(LSVN) - Ngày 07/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi chính phủ tăng cường giám sát tiền điện tử, sau khi Tổng thống Joe Biden tháng trước “bật đèn xanh” cho việc phát triển đồng USD kỹ thuật số.
Ảnh: developers.rsk.co.
Phát biểu tại Đại học Mỹ ở Washington, bà Yellen cho rằng Mỹ cần có những quy định chặt chẽ hơn đối với các loại tài sản kỹ thuật số để giúp bảo vệ người dùng trong khi vẫn cho phép sự đổi mới, sáng tạo về lĩnh vực công nghệ.
Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh: “Khi các ngân hàng và những tổ chức tài chính truyền thống khác tham gia nhiều hơn các thị trường tài sản kỹ thuật số, các khuôn khổ pháp lý sẽ trở nên cần thiết để phản ánh đúng những rủi ro của các hoạt động mới này”. Bà Yellen cho rằng những kiểu trung gian mới như giao dịch tài sản kỹ thuật số cũng cần có những hình thức giám sát phù hợp.
Bộ trưởng Yellen cũng cho biết bộ này đang làm việc với Quốc hội để điều tiết stablecoin (đồng tiền kỹ thuật số này có giá trị ổn định, neo vào một tài sản ổn định khác như vàng hay tiền pháp định để quản lý nguồn cung). Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ đưa ra các khuyến nghị chính sách, trong đó có đánh giá về những sửa đổi luật và hành động pháp lý tiềm năng.
Ngày 09/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, trong đó yêu cầu chính phủ đánh giá các rủi ro và lợi ích trong việc phát triển đồng USD kỹ thuật số cũng như các vấn đề khác của tiền điện tử. Động thái mới này đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới vào danh sách hơn 100 quốc gia đang triển khai kế hoạch thăm dò hoặc đưa ra các chương trình thử nghiệm với tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành, trong đó có đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc.
TTXVN
Phân biệt tội danh quy định tại Điều 359 và Điều 341 Bộ luật Hình sự
5. Yêu cầu và quy trình thực nghiệm sách giáo khoa từ ngày 05/5/2022
(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT.
Ảnh minh họa.
Theo đó, Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung về yêu cầu và quy trình thực nghiệm sách giáo khoa. Cụ thể, đối với mỗi bản mẫu sách giáo khoa, lựa chọn các bài học để tổ chức thực nghiệm mang tính đại diện về loại bài, thể hiện điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Các tổ chức thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 105 tiết/năm học trở lên, ít nhất 15% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 70 tiết/năm học đến dưới 105 tiết/năm học, ít nhất 20% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại.
Mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 02 (hai) lần, sau lần dạy thực nghiệm thứ nhất, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài học trước khi tổ chức dạy thực nghiệm lần thứ hai;
Cơ sở giáo dục phổ thông được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm bảo đảm tính đại diện vùng, miền; lớp học sinh được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm thuộc khối lớp có sách giáo khoa được thực nghiệm; việc dạy thực nghiệm được thực hiện đối với học sinh toàn lớp vào thời điểm phù hợp với năng lực của học sinh.
Giáo viên dạy học và giáo viên dự giờ dạy thực nghiệm là những người đang trực tiếp dạy học môn học có sách giáo khoa được thực nghiệm; mỗi tiết dạy thực nghiệm bảo đảm có ít nhất 03 (ba) giáo viên dự giờ và tham gia góp ý bài học thực nghiệm;
Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức đánh giá bài học thực nghiệm theo nội dung từng khoản (trừ những nội dung không thể hiện trong bài học) quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này (yêu cầu cụ thể theo Tiêu chí đánh giá sách giáo khoa kèm theo Thông tư này).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/5/2022.
MAI HUỆ
Những nước nào công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam?
SÁNG
1. Chồng có được nghỉ theo chế độ thai sản khi vợ sinh con?
(LSVN) - Vợ tôi sắp sinh, tôi đang đi làm, có đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Vậy theo quy định của pháp luật, tôi có được hưởng các chế độ liên quan đến thai sản và có được nghỉ chăm sóc vợ hay không? Bạn đọc N.L. hỏi.
Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp: Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi; Lao động nữ đặt vòng tránh thai, triệt sản; Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Ngoài ra người lao động cũng cần đáp ứng thêm điều kiện về thời gian tham gia để được hưởng chế độ thai sản:
- Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
Người lao động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ này.
Về thời gian hưởng chế độ khi vợ sinh con, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 5 ngày làm việc: Trường hợp thông thường.
- 7 ngày làm việc: Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
- 10 ngày làm việc: Vợ sinh đôi; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.
- 14 ngày làm việc: Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Thời gian nghỉ việc này không tính ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, lao động nam cũng được hưởng các chế độ thai sản và thời gian nghỉ chế độ căn cứ theo quy định trên.
HỒNG HẠNH
Người lao động được nghỉ thế nào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5?
2. Phương pháp, quy trình xác định điều kiện lao động
(LSVN) - Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021, quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động. Trong đó quy định rõ về phương pháp, quy trình xác định điều kiện lao động.
Thông tư này quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động. Trong đó, tại Điều 6 Thông tư quy định rõ phương pháp, quy trình xác định điều kiện lao động. Cụ thể, thực hiện việc đánh giá, xác định điều kiện lao động theo quy trình sau:
Thứ nhất, xác định tên nghề, công việc cần đánh giá, xác định điều kiện lao động.
Thứ hai, đánh giá điều kiện lao động theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động:
Bước 1: Xác định các yếu tố có tác động sinh học đến người lao động trong hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây gọi tắt là Phụ lục I).
Bước 2: Lựa chọn ít nhất 06 (sáu) yếu tố đặc trưng tương ứng với mỗi nghề, công việc. Các yếu tố này phải bảo đảm phản ánh đủ 3 nhóm yếu tố trong hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động quy định tại Phụ lục I.
Bước 3: Chọn 01 (một) chỉ tiêu đối với mỗi yếu tố đặc trưng đã chọn tại Bước 2 để tiến hành đánh giá và cho điểm, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
- Thang điểm để đánh giá mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của từng yếu tố là thang điểm 6 (sáu) quy định tại Phụ lục I. Mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm càng lớn thì điểm càng cao.
- Thời gian tiếp xúc của người lao động với các yếu tố dưới 50% thời gian của ca làm việc thì điểm số hạ xuống 01 (một) điểm. Đối với hóa chất độc, điện từ trường, rung, ồn, bức xạ ion hóa, thay đổi áp suất, yếu tố gây bệnh truyền nhiễm thì điểm xếp loại hạ xuống 01 (một) điểm khi thời gian tiếp xúc dưới 25% thời gian của ca làm việc.
- Đối với các yếu tố quy định thời gian tiếp xúc cho phép thì hạ xuống 01 (một) điểm nếu thời gian tiếp xúc thực tế khi làm việc dưới 50% thời gian tiếp xúc cho phép.
- Đối với những yếu tố có thể sử dụng nhiều chỉ tiêu (từ 02 chỉ tiêu trở lên) để đánh giá thì chỉ chọn 01 chỉ tiêu chính để đánh giá và cho điểm; có thể đánh giá các chỉ tiêu khác nhằm tham khảo, bổ sung thêm số liệu cho chỉ tiêu chính.
Bước 4: Tính điểm trung bình các yếu tố theo công thức:
Trong đó:
Điểm trung bình cộng của các yếu tố.
n: Số lượng yếu tố đã tiến hành đánh giá tại Bước 3 (n≥6)
X1, X2,...Xn: Điểm của yếu tố thứ nhất, thứ hai,...thứ n.
Bước 5: Tổng hợp kết quả vào phiếu theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và xác định điều kiện lao động theo điểm trung bình các yếu tố () như sau:
- ≤ 1,01: Điều kiện lao động loại I;
- 1,01 <≤ 2,22: Điều kiện lao động loại II;
- 2,22 <≤ 3,37: Điều kiện lao động loại III;
- 3,37 <≤ 4,56: Điều kiện lao động loại IV;
- 4,56 <≤ 5,32: Điều kiện lao động loại V;
- > 5,32: Điều kiện lao động loại VI.
Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH này có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.
HỒNG HẠNH
Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động
3. Dự thảo thay thế Nghị định 82 về khu công nghiệp có thực sự đã bước sang trang mới?
(LSVN) - Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, là cơ sở pháp lý hiện hành áp dụng cho các đối tượng liên quan đến hoạt động của KCN, một bước tiến mới trong tiến trình hoàn thiện các quy phạm pháp luật điều các chỉnh quan hệ pháp luật đặc biệt quan trọng này trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, sau hơn ba năm áp dụng, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, cụ thể hơn là thiếu tính đồng bộ và không thống nhất, xung đột đa chiều với các văn bản pháp luật chuyên ngành khác.
Ảnh minh họa.
Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội nhưng với mức tăng trưởng GDP ước đạt 2,9%, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới được xác định có mức tăng trưởng kinh tế dương. Dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 6,6% năm 2021 nếu chúng ta tiếp tục kiểm soát hiệu quả sự lây lan của virus Covid-19, đồng thời các ngành sản xuất theo hướng xuất khẩu hoạt động tốt và nhu cầu nội địa phục hồi mạnh mẽ.
Đạt được những kết quả đáng ghi nhận này có thể coi là một kỳ tích đánh dấu nỗ lực của nhiều cấp, ngành, lĩnh vực hoạt động của toàn bộ nền kinh tế trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, trong đó cần phải kể đến nguồn thu đáng kể phát sinh từ hoạt động của các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế (“KCN”) trên địa bàn cả nước. Nhận định này được chứng minh một cách trực quan là trung bình hàng năm, vốn đầu tư nước ngoài trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực công nghệ điện tử, chế tạo thì vốn đầu tư nước ngoài trong KCN chiếm khoảng 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.
Điển hình cụ thể hơn, trong những tháng cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tại các KCN thuộc tỉnh Bắc Ninh đạt 902 triệu USD, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 828.000 tỷ đồng; doanh thu đạt 925.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 24,4 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 7.335 tỷ đồng. Từ những con số này có thể thấy rằng, trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, việc phát triển KCN có tầm quan trọng mang tính chiến lược, mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.
Nhận thức được vai trò quan trọng của lĩnh vực này, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng xây dựng các chính sách pháp lý nhằm tạo ra một chế định cụ thể, dễ áp dụng và liên tục được hoàn thiện để phù hợp với bối cảnh, yêu cầu của từng thời kỳ, hướng tới mục tiêu tạo dựng môi trường pháp lý ổn định, ngày càng thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, tiến tới hội nhập và bắt kịp môi trường kinh tế toàn cầu.
Thời điểm mô hình KCN mới được hình thành và phát triển, nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo đường lối đổi mới đề ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho thành lập và hoạt động KCX, KCN như: Nghị định số 322/HĐBT ngày 18/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về Quy chế khu chế xuất; Nghị định số 192/CP ngày 28/12/1994 của Chính phủ về Quy chế khu công nghiệp. Đến thời điểm này, với sự chuyển biến đáng kể của các mô hình KCN phổ biến trên thế giới, để thích ứng với sự vận động không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về KCN, KCX, KKT.
Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP để thay thế các Nghị định nêu trên. Đây là cơ sở pháp lý hiện hành áp dụng cho các đối tượng liên quan đến hoạt động của KCN, một bước tiến mới trong tiến trình hoàn thiện các quy phạm pháp luật điều các chỉnh quan hệ pháp luật đặc biệt quan trọng này trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, sau hơn ba năm áp dụng, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, cụ thể hơn là thiếu tính đồng bộ và không thống nhất, xung đột đa chiều với các văn bản pháp luật chuyên ngành khác.
Những tồn tại đáng tiếc này đã tác động tiêu cực về mặt quản lý Nhà nước cũng như hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư. Cụ thể là những quy định cứng nhắc, không hiệu quả về mặt thực tiễn này đã gây khó khăn, lúng túng cho chính cơ quan Nhà nước trong việc kiểm soát, phối hợp và hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án. Như vậy, với nhiều bất cập trong chính sách hiện hành về KCN cũng như sự cồng kềnh thiếu tính phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước đã không chứng minh được một cách hiệu quả tinh thần “một cửa, tại chỗ” theo chủ trương đơn giản hoá thủ tục hành chính của Nhà nước. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức hút đầu tư, gây hoang mang cho các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia bởi những chính sách thiếu ổn định, thiếu tính khích lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Từ những tồn tại được phác hoạ trên đây, yêu cầu sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP đang là một đòi hỏi thiết thực nhằm mục đích hoàn thiện và tạo đà cho tiến trình xây dựng một hành lang pháp lý chuyên biệt liên quan đến mọi hoạt động của KCN. Yêu cầu này cần sớm được thực hiện để thích ứng với sự thay đổi ngày càng nhanh từ các hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cũng như xây dựng cơ chế điều chỉnh các mô hình KCN mới nhằm bắt kịp và tiến tới hội nhập với thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp thời đại 4.0.
Nắm bắt được tình hình này cùng với yêu cầu hết sức cấp bách về việc cải thiện quy phạm, giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình áp dụng quy định hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai chương trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý mới điều chỉnh các hoạt động liên quan đến KCN. Sau khi dự thảo được các Bộ, ngành thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai việc lấy ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định bằng văn bản và tổ chức họp trực tuyến với các ngành, các địa phương, doanh nghiệp trên toàn quốc để thống nhất ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ ban hành. Đây chính là cơ sở để tác giả bài viết có cơ hội tiếp cận nội dung dự thảo Nghị định và triển khai xây dựng bài viết này.
Trên tinh thần đóng góp một phần quan điểm pháp lý để xây dựng dự thảo, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến (i) những điểm mới mang yếu tố tích cực, (ii) các nội dung còn bất cập, khó áp dụng về mặt thực tế và (iii) đưa ra một số kiến nghị với mong muốn góp phần xây dựng dự thảo Nghị định trên cơ sở liên hệ hoạt động thực tiễn của hai đối tượng chính là chủ đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng và các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư tại các KCN trong thời gian qua.
Thứ nhất, những điểm tích cực:
Dự thảo Nghị định đã củng cố và giải quyết tương đối đầy đủ và có hệ thống một số vướng mắc điển hình liên quan đến quản lý, điều chỉnh quy hoạch; tháo gỡ khó khăn cho các dự án mới thành lập hoạt động theo hình thức doanh nghiệp chế xuất bị kéo dài thời gian thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư do phải phụ thuộc vào ý kiến của cơ quan hải quan về khả năng đáp ứng các điều kiện; xây dựng cơ chế pháp lý cụ thể hơn về KCN – Đô thị - Dịch vụ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tự đánh giá khả năng tài chính và năng lực nội tại để đáp ứng các điều kiện của mô hình KCN mới mẻ này; bổ sung mô hình KCN chuyên sâu, KCN công nghệ cao hướng tới đa dạng hoá các hình thức phát triển KCN theo định hướng chuyên môn hoá, tránh tình trạng phát triển KCN một cách rập khuôn theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và chủ yếu tập trung đáp ứng mục tiêu tăng diện tích lấp đầy. Ngoài ra, dự thảo Nghị định đã bổ sung một số điểm mới mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà đầu tư phát triển, kinh doanh và quản lý hạ tầng KCN. Cụ thể:
1. Khoản 1, điều 19 của dự thảo Nghị định quy định: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN được huy động tiền thuê lại đất ứng trước từ các nhà đầu tư có nhu cầu thuê lại đất trong KCN để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của KCN. Đây là một quy định mới khá linh hoạt tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai hạ tầng KCN đa dạng hóa hình thức huy động vốn. Thực tế, ngoài vốn chủ sở hữu phải đạt tỉ lệ tối thiểu từ 15 đến 20% tổng mức đầu tư của dự án, để đảm bảo dự án đủ khả năng thực hiện hiệu quả, mang lại lợi ích tiềm tàng thì chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN phải huy động nguồn vốn từ các kênh chính thống như phát hành trái phiếu, thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ hoặc thu xếp nguồn lực tài chính khác từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, không phải tổ chức nào cũng đủ năng lực và uy tín để đảm bảo có thể thoả mãn các điều kiện theo yêu cầu của các tổ chức cung ứng tiền tệ nhằm mục đích tăng cường nguồn lực tài chính. Do vậy, quy định về việc ứng trước tiền thuê từ các nhà đầu tư có nhu cầu thuê lại đất trong KCN là một hướng mở hết sức thiết thực dành cho đối tượng là chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
2. Dự thảo Nghị định ủy quyền/phân cấp việc xem xét, quyết định đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo một trong hai phương án: (i) Ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (ii) Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quy định này giảm thiểu thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn được thời gian hoàn thiện thủ tục, hạn chế được sự chồng chéo, rườm rà như những tồn tại phát sinh trong quá trình áp dụng Nghị định 82/NĐ-CP;
3. Dự thảo Nghị định quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc cho phép dự án đầu tư được triển khai trước khi hoàn thành các thủ tục về xây dựng, lao động, đất đai và các thủ tục khác có liên quan thuộc thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý khu công nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN thực hiện song song việc triển khai thực hiện dự án và hoàn thiện thủ tục hành chính của Dự án (khoản 5, điều 18).
Thứ hai, những điểm cần sửa đổi:
Bên cạnh những điểm tích cực nêu trên, trong quá trình rà soát và nghiên cứu nội dung các quy định của dự thảo Nghị định, tác giả bài viết cũng xác định được những điểm còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế khách quan, dẫn tới tình trạng những vướng mắc từ Nghị định 82 vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để và toàn diện. Với mong muốn đóng góp một phần ý kiến để hoàn thiện và tạo dựng một môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch và phù hợp với thực tiễn, tác giả bài viết mạnh dạn đóng góp ý kiến với những điểm còn chưa phù hợp của dự thảo như sau:
1. Bất cập điển hình nhất của dự thảo Nghị định là cho phép nhà đầu tư có nhu cầu thuê lại đất trong khu công nghiệp được đề nghị Ban quản lý các KCN quyết định các biện pháp về giá khi giá cho thuê lại đất tăng trên 30% so với khung giá đất đã đăng ký. Điều này đi ngược lại với tính tự do thị trường, trái với nguyên tắc tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp. Biết rằng, “bàn tay hữu hình” là công cụ để Nhà nước điều tiết, vận hành kinh tế vĩ mô thông qua các cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, việc mở rộng quyền đối với nhà đầu tư thứ cấp có nhu cầu thuê lại đất trong KCN như nội dung dự thảo Nghị định đề cập theo chúng tôi là không phù hợp và thể hiện một cách rõ nét việc Nhà nước can thiệp, tác động quá sâu vào kế hoạch hoạt động và chính sách nội bộ của doanh nghiệp. Việc tăng, giảm giá là quyền của chủ đầu tư dựa trên cơ sở đánh giá các yếu tố khách quan như xu hướng thị trường, điều chỉnh giá tương ứng với mức tăng của chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí bảo trì cơ sở hạ tầng…. Chưa kể đến, việc điều chỉnh giá còn phụ thuộc vào các lợi ích hữu hình về vị trí, tiện ích lân cận hoặc chính sách bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng của khu này ưu việt hơn những khu khác. Do vậy, cần phải xem xét lại quy định về cơ chế tổ chức hiệp thương về giá theo đề nghị của nhà đầu tư thứ cấp. Từ phân tích trên đây, tác giả bài viết đề xuất giữ nguyên các điều khoản điều chỉnh về vấn đề này theo tinh thần khoản 2, điều 31, Nghị định 82/NĐ-CP và loại bỏ nội dung điểm b, khoản 3, điều 24 ra khỏi dự thảo Nghị định;
2. Một điểm mới rất tích cực của dự thảo Nghị định là chính sách phát triển KCN chuyên sâu, KCN khoa học công nghệ. Trên thực tế, mô hình phát triển các KCN của các nước trong khu vực đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hoá (điển hình là Hàn Quốc và Thái Lan) để tiệm cận với xu thế mới đang được vận hành theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, các KCN của Việt Nam vẫn phát triển theo hướng đa ngành và hầu hết là tập trung hoàn tất yếu tố lấp đầy diện tích, thực hiện mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững và chuyên môn hoá.
Do vậy, việc bổ sung các mô hình KCN chuyên sâu, KCN khoa học công nghệ là tín hiệu đáng mừng thể hiện một hướng tư duy mới hiệu quả, tiến tới bắt kịp xu thế chung về phát triển KCN của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, dự thảo chưa nêu rõ được tiêu chuẩn áp dụng, tiêu chuẩn thiết kế, tính đặc thù của những loại hình KCN mới này để nhà đầu tư có cơ sở tự đánh giá năng lực của mình có đáp ứng điều kiện cần có của mô hình KCN chuyên sâu, KCN Công nghệ hay không trước khi lựa chọn mô hình cụ thể để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ngoài những ưu đãi cho đối tượng là nhà đầu tư thứ cấp thì quy định vẫn mang tính chung chung chưa thực sự rõ ràng về lĩnh vực ngành nghề nào được ưu tiên hoặc phải có điều kiện gì mới được thực hiện dự án đầu tư tại KCN chuyên sâu này. Do vậy, tác giả bài viết cho rằng Ban soạn thảo cần rút kinh nghiệm đối với các vấn đề nêu trên từ việc đã quy định chung chung, không cụ thể mô hình KCN – Đô thị - Dịch vụ trong nghị định 82/NĐ-CP dẫn đến hậu quả là đến thời điểm này, dự thảo Nghị định đã phải sửa đổi, bổ sung cụ thể các quy định về điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương về đầu tư dự án đối với mô hình KCN – Đô thị - Dịch để phù hợp với yêu cầu thực tế.
3. Điểm a, khoản 2, điều 4, dự thảo Nghị định quy định về diện tích tối thiểu để phát triển một KCN là 75 ha là bất hợp lý, không hiệu quả và trái với nhu cầu thực tế, đặc biệt là không phù hợp với yêu cầu then chốt là phát triển KCN tập trung như định hướng tầm nhìn của các nghị quyết TW thời gian gần đây. Để làm rõ nhận định này, tác giả bài viết xin xác định cụ thể bốn yếu tố thể hiện sự bất hợp lý của mô hình KCN nhỏ này. Cụ thể:
- Tỷ lệ đất thương phẩm còn lại không đáng kể nếu thực hiện đúng cơ cấu sử dụng đất theo chỉ tiêu, tỷ lệ về xây dựng hạ tầng KCN;
- Quy trình triển khai các công đoạn thực hiện không có tính đặc thù như việc giảm thiểu thủ tục, các điều kiện ưu đãi so với quy trình thực hiện KCN có quy mô lớn hơn nhưng diện tích đất khai thác lại rất hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế trong quá trình hoạt động sẽ không cao;
- Thiếu tính hấp dẫn đối với những doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa ngành luôn có nhu cầu quy mô diện tích lớn để thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, công ty sản xuất sản phẩm phụ trợ nhằm giảm thiểu chi phí lưu thông hàng hoá để giảm giá thành các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào. Dẫn chứng cụ thể: Năm 2006, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP đã thu hút được hãng Canon (một tập đoàn điện tử nổi tiếng thế giới) vào đầu tư nhà máy sản xuất máy in lazer tại KCN Quế Võ (quy mô diện tích trên 300 ha). Sau hơn một năm kể từ thời điểm Canon triển khai xây dựng nhà máy, diện tích lấp đầy của KCN này đã phủ kín trên 50% tỷ lệ diện tích toàn khu vì đã thu hút thêm được các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất phụ kiện cho Công ty Canon. Điển hình là Mitac, Seiyo, Dragon Jet, VS (sản xuất cấu kiện nhựa cho máy in lazer), Sentec (sản xuất cấu kiện kim loại), Longtech (sản xuất ốc vít và hệ thống lò xo cho máy in). Như vậy, nếu diện tích KCN được xác định tối thiểu là 75 ha thì cơ hội thu hút các tập đoàn đa quốc gia, những doanh nghiệp hàng đầu thế giới là bất khả thi và không hiệu quả.
- Dự thảo chỉ đưa ra mức tỉ lệ diện tích mà không có nội dung thể hiện tính ưu việt hoặc lợi ích mang lại của mô hình KCN nhỏ này so với cơ chế hoạt động của cụm công nghiệp theo quy định hiện hành. Xét về diện tích thì không có cơ sở để phân định sự khác biệt so với cụm công nghiệp có quy mô diện tích tối đa.
- Vấn đề lưu trú trong KCN cũng là một vướng mắc tồn tại từ Nghị định 82 và chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả để giải quyết vấn đề một cách triệt để. Tuy nhiên, tại khoản 2, điều 22 của dự thảo Nghị định vẫn có quy định tương tự, sự khác biệt chỉ thể hiện ở trật tự sắp xếp nội dung điều khoản nhưng về bản chất thì không khắc phục được những bất cập của quy định cũ. Cụ thể: Điều luật cho phép địa phương chủ động quy định về số lượng và các trường hợp được lưu trú tại KCN mà không có hành lang chung để áp dụng các mức độ về số lượng người lao động tối đa được lưu trú trong KCN là bao nhiêu, tiêu chuẩn nhà lưu trú quy định thế nào. Điều này dễ dẫn đến tình trạng xét duyệt tràn lan, thiếu nhất quán, không đồng bộ giữa các địa phương. Theo tác giả, việc lưu trú trong KCN là vấn đề nhạy cảm, không quy định điều kiện, tiêu chuẩn của người lưu trú dễ vi phạm dẫn đến tình trạng vô hiệu hoá việc không cho phép cư dân sinh sống trong KCN theo quy định tại khoản 1, điều 22 của dự thảo Nghị định. Trên thực tế, một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nước ngoài sẽ hình thành khu vực cộng đồng sống và sinh hoạt trong KCN, KCX. Do vậy, tác giả bài viết đề xuất dự thảo Nghị định nên xây dựng thêm nội dung về các điều kiện, tiêu chí và đặc biệt là quy định về số lượng tối đa lao động được lưu trú trong KCN. Đồng thời, cần các bổ sung các chế tài mang tính răn đe mạnh mẽ với những chủ đầu tư sự án có động thái vi phạm về điều kiện lưu trú thay vì những quy định chung chung như quy định tại điều 22 của dự thảo Nghị định.
Thứ ba, những điểm cần bổ sung:
Để các hoạt động liên quan đến KCN thực sự mang lại hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn trên thế giới, người viết cho rằng, nên chăng các nhà hoạch định chính sách pháp lý cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật độc lập, cụ thể nhằm điều chỉnh trực tiếp và có hệ thống về chế định KCN, KKT, KCX, KCNC. Trước hết, khi chưa hội đủ những yếu tố cần thiết để ban hành một văn bản luật chuyên biệt điều chỉnh trực tiếp về KCN, tác giả bài viết xin đề xuất, ngoài việc tuân thủ luật chung trong lĩnh hoạt động của KCN là luật đầu tư hiện hành, dự thảo Nghị định cần xây dựng các nội dung mang tính độc lập tương đối, không bị chi phối, phụ thuộc quá nhiều từ các văn bản pháp luật chuyên ngành khác đối với hai vấn đề đáng quan tâm sau đây:
1. Với tính chất là văn bản chuyên ngành điều chỉnh trực tiếp về KCN, dự thảo cần xây dựng cơ chế riêng, độc lập với luật nhà ở và luật kinh doanh bất động sản để xây dựng nội dung điều chỉnh trực tiếp vấn đề quy hoạch, thủ tục hành chính đối với mô hình KCN – Đô thị - Dịch vụ nhằm thiết lập hành lang pháp lý đặc thù, riêng biệt đối với việc tạo lập nhà ở trong KCN. Cụ thể hơn là không áp dụng cơ chế đấu giá, đấu thầu khi triển khai hạng mục “Đô thị”, một hạng mục gắn liền mật thiết, không tách rời với mô hình KCN – Đô thị - Dịch vụ. Trường hợp không có cơ chế riêng, chuyên biệt đối với vấn đề này thì sẽ gây khó khăn một cách phi lý cho chủ đầu tư lựa chọn mô hình KCN – Đô thị - Dịch vụ để thực hiện dự án. Thực tế, đối với mô hình này thì cả ba hạng mục KCN, Đô thị và Dịch vụ phải được coi là một thể thống nhất, không tách rời, có các chức năng liên quan đến nhau. Trong đó, KCN sẽ là hạng mục có chức năng chính yếu (về mặt thủ tục thì trước khi triển khai, mô hình KCN tổng hợp này đã được chấp thuận và hoàn tất về việc lựa chọn chủ đầu tư), hạng mục Đô thị và dịch vụ chỉ có chức năng hỗ trợ, cung ứng các dịch vụ và tiện ích xã hội, tiện ích công cộng cho KCN. Tuy nhiên, khi triển khai hạng mục “Đô thị” thì chủ đầu tư lại phải tuân thủ các luật chuyên ngành khác trong đó có cơ chế đấu giá, đấu thầu và một số cơ chế liên quan khác thì mới đủ điều kiện pháp lý của người sử dụng đất nhằm tiếp tục thực hiện dự án. Điều này hoàn toàn không hợp lý và cần bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Ưu đãi đầu tư luôn là mối quan tâm hàng đầu của các đơn vị xây dựng và triển khai hạ tầng KCN cũng như điểm mấu chốt thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, có một tồn tại mà cho đến thời điểm này vấn đề ưu đãi đầu tư vẫn hoàn toàn chưa được cải thiện trong nội dung dự thảo. Cụ thể: Tại khoản 1 điều 18 của dự thảo quy định: “Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. Dự án đầu tư trong khu công nghiệp có địa điểm đầu tư tại địa bàn cấp huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư”. Quy định này tương đối nhất quán với quy định của luật đầu tư hiện hành. Cụ thể, điểm 2, phần III, danh mục A, Phụ lục II, Nghị định 31/2021/NĐ-CP: “Xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư”.Tại Mục 55, Phụ lục III, Nghị định 31/2021/NĐ-CP: “Khu CN, khu chế xuất, cụm công nghiệp được thành lập theo quy định của Chính phủ thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”. Tuy nhiên, khi xét ưu đãi cụ thể, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi phải đối chiếu, áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thuế, đất đai, tín dụng, kế toán và pháp luật có liên quan (khoản 3, điều 18 của dự thảo Nghị định). Bất cập là hiện nay hệ thống các quy định về ưu đãi đầu tư tại các văn bản chuyên ngành vẫn chưa có sự đồng bộ và tương thích với Nghị định về KCN và Luật Đầu tư đặc biệt là quy định của pháp luật về thuế. Điều này được chứng minh bởi hai dẫn chứng sau đây:
(i) Phân biệt địa bàn đối với ưu đãi thuế: Theo quy định tại Luật Thuế TNDN 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013 và Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật thuế TNDN thì có sự phân biệt địa bàn đối với các KCN: tại khoản 3 Điều 16, Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định rõ: “Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi)”. Bất ổn hơn, chỉ sau 9 tháng kể từ thời điểm Nghị định số 218/2013/NĐ-CP có hiệu lực thì đến thời điểm ngày 15/11/2014 Chính Phủ ban hành Nghị định số 91 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành luật TTNDN lại có quy định: “trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa” ( Khoản 6, điều 1, NĐ 91). Theo đó, một loạt địa bàn các KCN trong Quy hoạch Phát triển các KCN Việt Nam, nếu được thành lập và thuộc các địa bàn này cũng sẽ không được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Thực tế, hiện nay có tới 80% KCN là nằm ở các vùng kinh tế trọng điểm, nếu không ưu đãi đầu tư, thì không khuyến khích được nhà đầu tư chọn các KCN để xây dựng nhà máy. Hệ quả là, các KCN hiện nay, tuy có thuận lợi về vị trí, hạ tầng, nhưng chi phí đền bù, xây dựng hạ tầng cao, dẫn đến giá thuê lại đất trong KCN rất cao, chưa kể phải đóng thêm phí hạ tầng, các phí phục vụ hoạt động sản xuất khác, điều này giảm đáng kể việc thu hút và khuyến khích các DN đầu tư vào KCN.
(ii) Khoản 3, Điều 20 NĐ 31/2021/NĐ-CP quy định:
“3. Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Như vậy, đối chiếu với các quy định tại phụ lục II và III Nghị định nêu trên đây thì Dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN của chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN phải được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với Dự án đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và được hưởng ưu đãi về thuế suất. Tuy nhiên, tại Nghị định 218/2013/NĐ-CP chỉ ghi nhận chung chung “thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp” và trong điều khoản miễn giảm về thuế TNDN tại khoản 3, Điều 20, NĐ 218/2013/NĐ-CP mà không phân định rõ dự án hạ tầng và dự án của nhà đầu tư thứ cấp dẫn đến sự áp dụng tùy nghi của cơ quan nhà nước khi xét ưu đãi vì dự án hạ tầng và dự án của nhà đầu tư thứ cấp đều được coi là dự án đầu tư mới tại KCN.
Từ những lập luận đã trình bày trên đây, tác giả bài viết mong muốn các cơ quan ban hành chính sách cần hoàn thiện và duy trì sự ổn định của các quy định về ưu đãi đầu tư, đặc biệt là ưu đãi về thuế nhằm đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư trong KCN. Thực tế trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về ưu đãi đầu tư, đặc biệt là ưu đãi thuế liên tục có những thay đổi đột ngột đã ảnh hưởng tới quyền lợi của các đối tượng hoạt động trong KCN. Để giải quyết vấn đề này, theo tác giả, các luật chuyên ngành về thuế và đất đai chỉ nên xác định mức, tỉ lệ ưu đãi mà tránh xác định đối tượng (ví dụ KCN được xác định là đối ưu đãi theo luật đầu tư và NĐ 82 nhưng luật thuế lại phân định địa bàn KCN thuộc diện có vị trí thuận lợi thì không được hưởng ưu đãi điều này thể hiện rõ nét sự xung đột pháp luật giữa các văn bản pháp luật hiện hành. Trong khi đó, luật thuế chỉ nên dừng lại trong khuôn khổ xác định mức và luật đất đai chỉ được xác định về thời hạn nhưng rõ ràng trong trường hợp này luật thuế đã tác động đến cả đối tượng được hưởng ưu đãi).
Cuối cùng, thêm một lần nữa tác giả bài viết cho rằng cần phải xây dựng một văn bản quy phạm chuyên biệt, điều chỉnh một cách phổ quát các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động KCN, tránh tình trạng ban hành nhiều văn bản điều chỉnh nhưng thiếu đồng bộ, không thống nhất gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin vào tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Do đó, cần tạo một hành lang pháp lý rõ ràng, nhất quán, có tính ổn cao và hiệu lực lâu dài, đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp.
Luật sư LƯU VŨ HẢI
Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Hướng và Cộng sự
Chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về phát hành, bán trái phiếu trái quy định