Cần sớm ban hành Luật Thi hành án hành chính
(LSVN) - Bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đây là nguyên tắc Hiến pháp đã các đạo luật tư pháp khẳng định, nhưng thực tiễn thi hành hành chính không nghiêm, chưa đảm bảo công bằng, công lý.
Ảnh minh họa.
Thực tiễn thi hành án hành chính không nghiêm minh
Hệ thống pháp luật về thi hành án hiện nay có Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể trình tự thủ tục thi hành án để đảm bảo nguyên tắc Hiến định “Bản án,quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức,cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành" . Riêng việc thi hành bản án hành chính cho đến nay vẫn chưa Luật Thi hành án hành chính.
Việc thi hành bản án hành chính được quy định tản mạn nhiều văn bản khác nhau, hiệu lực thi hành không cao, chẳng hạn việc thi hành án hành chính quy định rải rác một số điều Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Quá trình triển khai thực hiện tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế, điển hình là việc không ít các vụ kiện người đại diện không tham gia phiên Tòa theo triệu tập của Tòa án; số lượng bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành ngày càng tăng qua các năm. Nguyên nhân chủ yếu là do: ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa nghiêm; việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính và trong việc thi hành án hành chính chưa được thực hiện hiệu quả.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 26/CT-TTg về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Theo chỉ thị, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ và kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính;
- Khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý;
- Chấp hành nghiêm Điều 55, 60 và Điều 78 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định. Xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân;
- Thi hành, chỉ đạo thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật;
- Khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành. Đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành trước ngày 01/7/2016 (theo Phụ lục đính kèm), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/3/2020;
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính;
- Xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có vi phạm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ và pháp luật khác có liên quan;
- Nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện như đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm hành chính;
- Chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các sai phạm trong việc ban hành, thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, giải quyết dứt điểm những vướng mắc của công dân, tổ chức đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính nhà nước.
Chính phủ đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát đối với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính,…
Cần sớm ban hành Luật Thi hành án hành chính
Thực tiễn việc tổ chức thi hành án hành chính theo Nghị định và Chỉ thị của Chính phủ nêu trên đến nay mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính nhưng đến nay còn nhiều hạn chế bấp cập, dẫn đến những trường hợp bản án hành chính có hiệu lực không được chấp hành nghiêm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức,cá nhân ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước và cũng là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, khiếu nại kéo dài.
Thực tiễn số vụ án hành chính chưa thi hành vẫn tồn đọng. Phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành người phải thi hành án lại chính là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, dẫn đến việc Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành; cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án, nhưng thực tế chưa có trường hợp nào bị xử lý theo quy định.
Hầu hết các bản án, quyết định phải thi hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai -là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài nhiều năm.
Mới đây, trên cơ sở Báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án hành chính năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh có ý kiến chỉ đạo chỉ đạo công tác thi hành án hành chính. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả theo phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nêu trong Báo cáo số 244/BC-BTP ngày 11/11/ 2021 để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trực tiếp kiểm tra một số địa phương có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành, chậm thi hành; làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ và pháp luật khác có liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Đối với, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế (nhất là trong việc tổ chức thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật) để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính.
Cụ thể đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Kiên Giang, Bà Rịa -Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Phú Yên, Quảng Nam tập trung chỉ đạo, khẩn trương thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành trên địa bàn trong năm 2022; báo cáo kết quả gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bản án hành chính đã có hiệu lực từ năm 2020 trở về trước thuộc trách nhiệm thi hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đến nay chưa được thi hành xong (Phụ lục số 3,Báo cáo số 244/BC-BTP của Bộ Tư pháp) chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP Chính phủ, trừ trường hợp bản án bị hoãn, tạm đình chỉ thi hành; báo cáo kết quả gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động xét xử và thi hành các bản án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai là loại án mang tính chất đặc thù vì quan hệ giữa người khởi kiện với người bị kiện tuy bình đẳng về tố tụng trước Tòa án đó chỉ là lý thuyết, nhưng trong quan hệ hành chính, trong thực tiễn thì người bị kiện là người quản lý, còn người khởi kiện là người bị quản lý (người bị kiện trong vụ án hành chính thuộc lĩnh vực đất đai là người có chức vụ trong cơ quan quản lý nhà nước, nhiều trường hợp người bị kiện còn giữ chức vụ trong cơ quan Đảng như Thường vụ, Phó Bí thư huyện ủy, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân,...), hai chủ thể này trong từng vụ án mà có thể là người được thi hành án hay người phải thi hành án; ở mỗi vụ án cụ thể vai trò, vị trí của hai chủ thể này lại khác nhau. Đó là chưa nói đến trường hợp người phải thi hành án là Chủ tịch UBND nhưng lại là Trưởng ban chỉ đạo thi hành án ở địa phương dẫn đến việc Thi hành án dân sự, cụ thể là chấp hành viên làm sao cương quyết trong thi hành án hành chính?
Tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định ủy quyền tham gia tố tụng hành chính như sau: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, trong thực tiễn quy định này không được thực thi, về quy định về thi hành án hành chính lại không quy định cụ thể về đối tượng được ủy quyền.
Thực tế cho thấy, sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính, Chấp hành viên được phân công tiến hành làm việc với người phải thi hành án là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, có vụ nào Chấp hành viên làm được trực tiếp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hay phải thông qua các cơ quan chuyên môn thay mặt làm việc với Chấp hành viên? Luật tố tụng hành chính đã có quy định còn chưa thực hiện, huống chí là thi hành án hành chính chưa có Luật!
Trong tố tụng hành chính người dân đã gặp nhiều khó khăn trong tranh tụng để có phán quyết có hiệu lực đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhưng càng khó khăn hạn chế trong thủ tục thi hành án, dẫn đến việc bản án có hiệu lực trên,... Giấy! Người dân thắng kiện kêu trời không thấu!
Từ thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật hiện hành về thi hành án hành chính, Quốc hội cần nghiên cứu ban hành Luật Thi hành án hành chính, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ và hiệu quả cho công tác thi hành án hành chính để chấm dứt thực trạng án hiệu lực trên,... Giấy! Có Luật Thi hành án hành chính áp dụng thống nhất mới đảm bảo công bằng, công lý trong tố tụng án "Dân kiện Quan".
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa
Những hạn chế trong giải quyết vụ án hành chính
Pháp luật quy định như thế nào về việc cách ly trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện?
(LSVN) - Hiện nay việc cách ly trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện được quy định như thế nào? Bạn đọc N.M. hỏi.
Ảnh minh họa.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết tại Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định:
“1. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly;
2. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.”.
Đồng thời, tại Điều 11 Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ sở thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế cần phải đảm bảo các điều kiện như:
“a) Được thiết lập ở vị trí ít người qua lại. Trường hợp dùng để cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc một số bệnh thuộc nhóm B phải có phòng đệm trước khi vào phòng cách ly;
b) Cửa ra vào và cửa sổ phải bảo đảm đủ độ kín và chắc chắn để bảo đảm áp lực âm so với khu vực bên ngoài. Trường hợp không có phòng cách ly áp lực âm phải đặt phòng cách ly ở cuối chiều gió và mở hai cửa sổ để bảo đảm thông khí;
c) Có điện, nước sạch, khu vệ sinh độc lập và hệ thống xử lý chất thải trước khi thải vào nơi chứa chất thải.”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì việc cách ly y tế với người nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện phải đảm bảo các điều kiện như: được thiết lập ở vị trí ít người qua lại; cửa ra vào và cửa sổ phải bảo đảm đủ độ kín và chắc chắn để bảo đảm áp lực âm so với khu vực bên ngoài; có điện, nước sạch, khu vệ sinh độc lập và hệ thống xử lý chất thải trước khi thải vào nơi chứa chất thải,...
Luật sư Hùng cũng cho biết thêm, tại điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Hành vi “cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.”sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối tổ chức vi phạm thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nếu hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế mà làm lây lan dịch bệnh thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt tù từ 01 năm đến cao nhất là 12 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Do đó, các cơ sở y tế cũng cần phải thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật để tránh sai sót, đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
DUY ANH
Doanh nghiệp được nhập khẩu ô tô qua cảng Nghi Sơn từ ngày 24/01/2022
Thêm cửa khẩu được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ từ ngày 24/01/2022
(LSVN) - Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BCT quy định cửa khẩu nhập khẩu đối với ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi. Theo đó, từ ngày 24/01/2022, doanh nghiệp được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi về Việt Nam qua 6 cửa khẩu cảng biển thay vì 5 cửa khẩu cảng biển như hiện nay.
Cụ thể, ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Thanh Hóa (Nghi Sơn), Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ tục nhập khẩu thực hiện theo các quy định pháp luật có liên quan.
Ảnh minh họa.
Thông tư 21/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/01/2022; thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.
So với Thông tư số 06/2019/TT-BCT, danh sách các cửa khẩu cảng biển được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi theo Thông tư mới bổ sung cửa khẩu cảng biển Thanh Hóa (Nghi Sơn).
Thông tư 21/2021/TT-BCT không áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Nhập khẩu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhập khẩu phục vụ các mục đích cá biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Tạm nhập khẩu để trưng bày tại hội chợ, triển lãm và sau đó tái xuất khẩu; nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, thử nghiệm;
- Quá cảnh với các nước có chung đường biên giới và kinh doanh chuyển khẩu.
MINH HIỀN
Vốn ODA, vay ưu đãi sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên
(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chủ ý tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Ảnh minh họa.
Nghị định quy định các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Chương trình, dự án, phi dự án, hỗ trợ ngân sách. Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh; thích ứng với biến đối khí hậu; tăng trưởng xanh; đổi mới sáng tạo; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.
Nghị định nêu rõ nội dung quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho từng thời kỳ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; các giải pháp, chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này; theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra tình hình, kết quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trừ trường hợp phục vụ chuyển giao công nghệ, kỹ năng vận hành trang thiết bị, máy móc; tham quan khảo sát; nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay; mua sắm ô tô trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định; vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành trừ một số vật tư, thiết bị dự phòng đặc biệt được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí hoạt động của Ban Quản lý dự án.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Công bố thông tin về chính sách hợp tác, lĩnh vực ưu tiên của các nhà tài trợ nước ngoài trên Hệ thống Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn).
Phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật.
Phương thức xác định khoản mục chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước: Việc xác định các khoản mục chi đầu tư phát triển được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan.
DUY ANH
Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ODA theo quy định mới
(LSVN) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Ảnh minh họa.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ODA, Nghị định quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 17 của Luật Đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:
- Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, trừ chương trình, dự án quy định tại Khoản 1.
- Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong các trường hợp sau: Chương trình, dự án nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép;
- Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuấn bị dự án đầu tư.
Người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại nhóm C.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Cụ thể, đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương: Cấp phát toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách Trung ương.
Đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: Vay lại một phần hoặc toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài làm phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án đối tác công tư (PPP): Vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Đối với chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: Cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách Trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Đối với vốn ODA không hoàn lại, bao gồm cả vốn ODA không hoàn lại gắn với khoản vay, vốn ODA không hoàn lại cho dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật (độc lập, chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư), phi dự án: Áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ.
TIẾN HƯNG
Tính lãi đối với người vi phạm luật giao thông chậm nộp phạt
Bỗng dưng trở thành ‘con nợ’: Cần nâng cao chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm
(LSVN) – Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết được về việc bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ tài khoản ngân hàng để tránh trường hợp trở thành những bị hại trong những vụ việc lừa đảo.
Bỗng dưng trở thành “con nợ”
Trong thời gian vừa qua, nhiều người bỗng dưng trở thành “con nợ” khi dù mình không phải là người vay nhưng vẫn phải "cõng" theo 1 khoản nợ "từ đâu rơi xuống". Theo đó, họ thường nhận được tin nhắn đòi nợ từ số điện thoại lạ. Thậm chí, các đối tượng này thường gọi điện cho họ đọc “vanh vách” chính xác số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà, số điện thoại, số tiền vay nợ,... dùng những lời lẽ dọa nạt, nếu không trả nợ thì không yên với chúng.
Nhiều người bị mất CMND tự dưng biến thành con nợ của các app “tín dụng đen”.
Nhiều kẻ xấu cũng sử dụng các số chứng minh nhân dân nhặt được hoặc mua lại được, sau đó thay hình để đi vay. Khi đó người bị mất chứng minh nhân dân sẽ phát sinh dư nợ vay. Đối với các tổ chức cho vay lãi suất cao hay còn gọi là app “đen”, thủ tục cho vay nhanh, thủ tục đơn giản, lại càng khiến cho kẻ xấu lợi dụng điều này để thực hiện việc làm phạm pháp, vô tình kéo nhiều người vào vòng xoáy nợ “đen” và phải đương đầu với tình trạng khủng bố vì bị đòi nợ.
Nếu dính vào trường hợp này, người vô tội bỗng dưng trở thành người thiệt hại nhiều nhất. Lẽ bởi, dù không nhận được khoản tiền vay, cũng trở thành con nợ và khi phản kháng thì phải đối mặt với tình trạng khủng bố của các chủ nợ. Điều đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh phức tạp về an ninh trật tự.
Đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải trả nợ sẽ bị xử lý hình sự
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá đây là một trong những chiêu trò của nhóm đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động trên không gian mạng. Mục đích của nhóm đối tượng là muốn gia tăng số lượng người vay tiền để tính lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người nên các đối tượng có thể dễ dàng chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Theo quy định của pháp luật thì vay tiền là quan hệ dân sự, là hợp đồng vay tài sản, theo đó hai bên có thể tự nguyện thỏa thuận về khoản tiền vay, về lãi suất phải về biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, về thời hạn trả nợ. Theo đó pháp luật chỉ giới hạn mức lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 20% một năm. Trường hợp thỏa thuận mức lãi suất vượt quá mức lãi suất nhà nước quy định thì pháp luật không thừa nhận mức lãi suất vượt quá đó.
Trường hợp lãi suất vượt quá năm lần mức lãi suất nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì bên cho vay sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Pháp luật quy định bên cho vay có quyền đòi nợ, tuy nhiên không được phép xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người vay hoặc những người thân, gia đình của họ. Trường hợp người vay nợ không trả nợ đúng hẹn thì người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người vay tiền để buộc phải trả nợ là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải trả nợ sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Luật sư Cường nêu rõ, pháp luật đã có quy định rất cụ thể về các trường hợp cho vay nặng lãi, đòi nợ trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào. Tuy nhiên lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người, lợi dụng sự khó khăn của nhiều người và thiếu hiểu biết pháp luật nên nhiều đối tượng vẫn thực hiện hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ theo kiểu xã hội đen để chiếm đoạt tài sản của người vay hoạt động tín dụng như vậy được gọi là tín dụng đen, trong thời gian vừa qua hoạt động này đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Để mở rộng thị trường, mở rộng người vay tiền thì các đối tượng còn chủ động chuyển tiền vào tài khoản của người khác rồi liên hệ để xác nhận khoản nợ, đồng thời tính lãi xuất cao, nếu người đó không trả nợ thì sẽ dùng nhiều biện pháp để đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhầm chiếm đoạt tài sản. Nhiều người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật cũng đã trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng sử dụng thủ đoạn như thế này.
Trước khi chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân thì các đối tượng này thường đã có tương đối đầy đủ thông tin về nạn nhân như thông tin về chứng minh thư, địa chỉ, số tài khoản, số điện thoại và rất nhiều thông tin khác về nhân thân của nạn nhân. Khi chúng chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân, đồng thời sẽ giả danh cán bộ tín dụng hoặc các tổ chức tài chính để thông báo về khoản vay, đồng thời bắt đầu tính lãi suất và yêu cầu nạn nhân phải trả lời theo mức lãi suất mà bọn chúng đưa ra. Trong trường hợp người nhận được tiền đã cho chi tiêu số tiền đó hoặc không có phản hồi thì sau một thời gian bọn chúng sẽ tìm cách đòi nợ, đe dọa, uy hiếp tinh thần để buộc nạn nhân phải thanh toán số tiền với lãi suất cao.
Nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã sử dụng thủ đoạn là chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác rồi yêu cầu họ chuyển lại tiền vào một số tài khoản khác để trả lại, sau đó bắt đền nạn nhân hoặc lợi dụng quá trình chuyển tiền đó để xâm nhập trái phép vào tài khoản của nạn nhân, chuyển toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản của nạn nhân sang tài khoản của bọn chúng để chiếm đoạt tài sản.
Bởi vậy, trong tài khoản đột nhiên có số tiền chuyển đến mà không rõ là tiền của ai chuyển thì người dân cần phải thông báo ngay thông tin đó cho ngân hàng nơi mở tài khoản để được hướng dẫn thủ tục. Nếu nộp tiền trả lại thì sẽ trả cho ngân hàng chứ không trả cho những người khác. Thông thường số tài khoản và số điện thoại là khác nhau, chỉ có các tổ chức tín dụng mới có các thông tin này. Bởi vậy nếu bình thường một người chuyển tiền nhầm thì sẽ không thể có số điện thoại của người nhận tiền qua tài khoản. Nếu đối tượng giả danh là cán bộ tín dụng thì sẽ không làm việc qua điện thoại, tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web mà đối tượng gửi kèm, không cung cấp mã OTP. Để giải quyết đối với khoản tiền này thì cần phải làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng, tại trụ sở của ngân hàng nơi mở tài khoản.
Ngoài ra, nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo thì cần phải lưu lại các thông tin để trình báo với cơ quan điều tra. Trường hợp các đối tượng chuyển nhầm tiền vào tài khoản rồi đòi tiền theo kiểu xã hội đen, đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để buộc phải giao tài sản thì cần phải lưu lại chứng cứ và trình báo cho cơ quan điều tra phải tuyệt đối không tự ý chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Luật sư Cường cũng lưu ý qua sự việc này thì cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết được về việc bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ tài khoản ngân hàng để tránh trường hợp trở thành những bị hại trong những vụ việc lừa đảo.
HỒNG HẠNH
Bộ Công thương đề xuất thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp không xuất khẩu gạo