SÁNG
1. Trường hợp nào không đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư?
(LSVN) – Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp nào không đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư?
Căn cứ Điều 15 Thông tư số 10/2021/TT-BTP do Bộ Tư pháp vừa ban hành hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư. Theo đó, những người sau đây không đủ điều kiện tham dự kiểm tra:
- Người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này mà vẫn đăng ký tập sự. Khoản 1 Điều 3 của Thông tư quy định, người đáp ứng các điều kiện sau đây thì được đăng ký tập sự hành nghề Luật sư: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; Có Bằng cử nhân luật hoặc Bằng thạc sỹ luật; Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư tại Việt Nam hoặc Quyết định công nhận đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài hoặc giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề Luật sư nhưng thuộc trường hợp phải tập sự hành nghề Luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Luật sư.
- Người có hành vi khai gian dối trong hồ sơ tham dự kiểm tra.
- Người đăng ký tập sự lại khi chưa hết 01 năm, kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ việc tập sự hành nghề Luật sư từ 03 tháng đến 06 tháng có hiệu lực hoặc chưa hết 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lý kỹ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn Luật sư có hiệu lực.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư bao gồm:
- Người hoàn thành thời gian tập sự theo quy định của Luật Luật sư và Thông tư này;
- Người không đạt yêu cầu kiểm tra trong các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư trước đó;
- Người có Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư hết hiệu lực.
Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi đăng ký tập sự lập danh sách, đề nghị cho tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư đối với những trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
Người đạt yêu cầu kiểm tra được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư. Giấy chứng nhận có hiệu lực trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp. Sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận, người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư thì phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư theo quy định của Thông tư này.
Người không đạt yêu cầu trong 03 kỳ kiểm tra kết quả tập sự thì không được tham dự kiểm tra và phải đăng ký tập sự lại theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
Nguyên tắc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
- Nghiêm túc, công khai, công bằng, khách quan, trung thực và hiệu quả.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/01/ 2022 và thay thế Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư.
TIẾN HƯNG
Trường hợp nào phải cách ly y tế, xét nghiệm Covid-19?
2.Quy định mới về thủ tục ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản từ 01/3/2022
(LSVN) – Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác không được từ chối thực hiện quyết định ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản, trừ trường hợp quyết định ủy thác có sự nhầm lẫn, sai sót về nội dung hoặc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác.
Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 11/01/2022.
Trong đó, tại Điều 9 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: Làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” (điểm b, khoản 1, Điều 55) trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản (khoản 2, Điều 55; khoản 2, Điều 57).
Về thủ tục ủy thác thi hành án được quy định sửa đổi, bổ sung như sau:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định ủy thác. Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì ra quyết định ủy thác trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi có căn cứ ủy thác. Trường hợp đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án.
Hồ sơ ủy thác thi hành án bao gồm quyết định ủy thác thi hành án; bản án, quyết định hoặc bản sao bản án, quyết định trong trường hợp ủy thác cho nhiều nơi, ủy thác theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 55 của Luật này; bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản và các tài liệu khác có liên quan, nếu có.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác ra quyết định thi hành án và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác. Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải ra ngay quyết định thi hành án.
Thủ tục ủy thác xử lý tài sản được quy định như sau:
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định ủy thác xử lý tài sản.
Hồ sơ ủy thác xử lý tài sản bao gồm quyết định ủy thác xử lý tài sản; bản sao bản án, quyết định; quyết định thi hành án và các tài liệu khác có liên quan, nếu có.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác xử lý tài sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác ra quyết định xử lý tài sản ủy thác, phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác.
Chấp hành viên căn cứ quyết định thi hành án, kết quả tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác và quyết định xử lý tài sản ủy thác để tiếp tục thực hiện trình tự, thủ tục xử lý tài sản theo quy định của Luật này.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá hoặc người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác xử lý tài sản chuyển số tiền thu được cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác để thanh toán theo quy định tại Điều 47 của Luật này, sau khi trừ chi phí thi hành án, đồng thời, thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác.
- Cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác xử lý tài sản chịu trách nhiệm toàn bộ về quá trình tổ chức thi hành vụ việc, trừ việc xử lý tài sản của cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác.
Trường hợp xác định kết quả thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đủ để thanh toán nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí liên quan hoặc có quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án thì thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác để tạm dừng việc xử lý các tài sản còn lại. Việc tiếp tục xử lý tài sản ủy thác được thực hiện theo thông báo của cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác.
Trường hợp đã thu đủ số tiền thi hành án và các chi phí liên quan hoặc có quyết định đình chỉ thi hành án thì thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác để chấm dứt việc xử lý các tài sản còn lại, giải tỏa kê biên tài sản theo quy định của Luật này. Cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác phải thanh toán các chi phí thi hành án phát sinh trước thời điểm chấm dứt việc xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 73 của Luật này.
- Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác xử lý tài sản chịu trách nhiệm thực hiện các quy định liên quan đến việc xử lý tài sản ủy thác; thông báo ngay bằng văn bản kết quả thẩm định giá, thời điểm bán đấu giá, kết quả xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác; tạm dừng hoặc chấm dứt xử lý tài sản theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác.
Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác không được từ chối thực hiện quyết định ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản, trừ trường hợp quyết định ủy thác có sự nhầm lẫn, sai sót về nội dung hoặc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác.
HỒNG HẠNH
Nghiêm cấm đảng viên chiếm hữu, định đoạt, sử dụng trái phép tài sản công
3. Quy định mới nhất về dỡ bỏ cách ly cho F0 điều trị tại nhà của Bộ Y tế
(LSVN) - Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế mới ban hành, các F0 điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly khi đã cách ly, điều trị đủ 7 ngày, thay vì 10 ngày như trước và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 250/QĐ-BYT về việc "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19", thay thế cho hướng dẫn ban hành trước đó tại Quyết định 4689 ngày 06/10/2021 và Quyết định số 5666/QĐ-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT.
Tại Hướng dẫn mới nhất này, Bộ Y tế đã bổ sung tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà. Cụ thể, người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà theo quy định khi:
- Cách ly, điều trị đủ 07 ngày và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
- Trong trường hợp sau 07 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine.
Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
Cũng theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế có 5 mức phân loại bệnh đối với người mắc Covid-19, trong đó Bộ Y tế đã đưa nhóm F0 không triệu chứng vào mức đầu tiên.
Theo đó, F0 được xếp vào nhóm này nếu không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.
Hướng dẫn cũng xác định các trường hợp bệnh nghi ngờ:
- Là người tiếp xúc gần hoặc là người có yếu tố dịch tễ và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng sau đây: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.
- Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Trừ trường hợp người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính; người có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính; người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp với vi rút SARS-CoV-2.
MINH HIỀN
Trường hợp nào phải cách ly y tế, xét nghiệm Covid-19?
4. Bình luận án lệ hình sự năm 2021
(LSVN) - Tại Quyết định số 594/2021/QĐ-CA ngày 31/12/2021 Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành 09 án lệ, trong đó có 04 án lệ về hình sự. Việc ban hành các án lệ là căn cứ quan trọng tạo điều kiện cho việc giải quyết các vụ án hình sự trong thực tiễn.
Ảnh minh họa.
1. Án lệ số 45/2021/AL về xác định bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt”
- Tình huống án lệ:
Bị cáo cố ý thực hiện hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của bị hại, bị hại bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ là 100%.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định là hậu quả chết người chưa xảy ra, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt”.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Điều 15, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nội dung án lệ: [4] Vụ án có đồng phạm, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm; Nguyễn Bá T cho rằng bị hại cướp người yêu của mình nên đã rủ các đối tượng khác đến nhà anh Hồng Quốc A trả thù và nói rõ mục đích tìm bị hại để “tiêu diệt nó”. Phạm Quang V, Nguyễn Đinh An K và Phạm Hoàng T1 không có mâu thuẫn với bị hại nhưng vẫn thống nhất ý chí cùng thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bá T. Các bị cáo nhận thức được tính chất nguy hiểm và hậu quả của việc nhiều người đánh một người, cùng tác động vào những vị trí trọng yếu trên cơ thể, có khả năng làm người bị hại tử vong nhưng vẫn thực hiện. Hành vi liên tục tấn công, dùng chân tay, đánh, đấm vào người, vào mặt; dùng thanh gỗ đập vào đầu bị hại cho đến khi người bị hại nằm bất động; trước khi bỏ đi còn hỏi “mày giết nó à?”, “mày chết chưa?...” thể hiện rõ tính chất côn đồ và ý thức chủ quan của các bị cáo là cùng cố ý tước đoạt tính mạng của bị hại. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử Nguyễn Bá T, Phạm Quang V, Phạm Hoàng T1, Nguyễn Đinh Anh K về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
[5] Theo Kết luận giám định pháp y thương tích số 68/TTPY ngày 16/01/2019 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế H: “Anh Hồng Quốc A bị chấn thương sọ não, hiện sống thực vật... Tỷ lệ tổn hại sức khoẻ là 100%”. Như vậy, trong vụ án này, các bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi nhằm tước đoạt đoạt tính mạng của bị hại nhưng hậu quả chết người không xảy ra, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự".
Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Để xác định một vụ án đồng phạm thì việc xác định mục đích thực hiện tội phạm là yếu tố quan trọng, đối với tội giết người thì cho dù các bị cáo không có mâu thuẫn với bị hại nhưng khi được rủ rê đã cùng nhau thực hiện mục đích giết người. Án lệ 45/2021/AL khi có hiệu lực pháp luật có thể áp dụng đối với các hành vi phạm tội có yếu tố đồng phạm trong đó các đồng phạm nếu có sự thống nhất ý chí để thực hiện mục đích là giết người thì đồng phạm về tội giết người.
Án lệ 45/2021/AL đã giải thích về tình tiết có tính chất côn đồ xác định các vấn đề bao gồm: Ý thức của người phạm tội; công cụ, phương tiện phạm tội, mức độ tấn công, cường độ tấn công và tính chất của hành vi; Nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội.
Đồng thời, Án lệ 45/2021/AL xác định rằng để thỏa mãn tội danh giết người thì phải có hậu quả chết người xảy ra còn bị hại không chết mặc dù có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 100% thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
2. Án lệ số 46/2021/AL1 về việc xác định tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” trong tội “Dâm ô đối với trẻ em”
Khái quát nội dung án lệ:
- Tình huống án lệ: Bị cáo là giáo viên nơi bị hại là trẻ em theo học, không trực tiếp giảng dạy bị hại, có hành vi dâm ô đối với bị hại.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo phạm tội “Dâm ô đối với trẻ em” theo điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 với tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” (tương ứng điểm d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” với tình tiết định khung hình phạt “Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục”).
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
- Điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “Dâm ô đối với trẻ em” (tương ứng với khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”);
- Điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Nội dung án lệ: Đinh Quang D là giáo viên dạy môn địa lý của Trường trung học phổ thông L. Ngày 26/3/2017, D xuống khu học sinh dân tộc nội trú nhờ học sinh nam chặt chuối giúp ở phía sau khu tập thể của D, gặp T chơi ở phòng các học sinh nữ và biết T đang học lớp 10. Từ đó D và T thường hay nhắn tin cho nhau. Ngày 02/4/2017, T nhắn tin đến phòng D chơi và D có hành vi dâm ô đối với T. Do đó, D biết T được khoảng 1 tuần và biết T là học sinh của Trường trung học phổ thông L. [4] Theo quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Điều lệ trường Trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì nhiệm vụ của giáo viên bộ môn là phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác trong việc dạy học và giáo dục học sinh. Do đó, với tư cách là giáo viên của nhà trường, D phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường, trong đó có cháu Nguyễn Thị T. Do đó, D phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 mới đúng pháp luật.”
Đối với án lệ 46/2021/AL1 có hiệu lực thì khi xác định chủ thể phạm tội để áp dụng tình tiết “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “Dâm ô đối với trẻ em” (tương ứng với khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”) xác định chủ thể có trách nhiệm giáo dục là giáo viên nhà trường mà không phân biệt là giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm…. giáo viên phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường mà không xác định có trực tiếp giảng dạy hay không.
3. Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại.
Khái quát nội dung án lệ:
- Tình huống án lệ:
Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
- Điều 18; điểm a, n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với Điều 15; điểm a, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Nội dung án lệ: “Mặc dù giữa Nguyễn Đình Đ và anh Cao Văn C không có mâu thuẫn trước đó, nhưng từ lời nói của anh C “Tao thích đánh nhau, thích đổ thêm dầu vào lửa đấy. Mày là thằng nào mà đến đây hổ báo”, Đ cầm dao (loại dao dùng làm hàng mây tre đan, chuôi gỗ dài 11cm, lưỡi bằng sắt dài 13,5cm, đầu mũi dao nhọn hơi cong, bản dao nơi rộng nhất 2,5cm) chỉ vào mặt anh C nói “Mày thích đánh nhau à” rồi dùng dao đâm một nhát vào bụng anh C làm anh C bỏ chạy.
Như vậy, chỉ vì lời nói của anh C có tính chất thách thức, kích động mà Đ đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng (mạn sườn bên trái) của anh C là vùng trọng yếu trên cơ thể con người. Theo kết luận giám định thì anh C bị thương tích 05%, và đây là thương tích ở thời điểm giám định (sau gần 05 tháng vụ án xảy ra), không phải thương tích ở thời điểm xảy ra vụ án, nên không phản ánh đúng thương tích của anh C và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Việc anh C không chết là ngoài ý muốn chủ quan của Đ.
Do đó, hành vi nêu trên của Đ đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và có tính chất côn đồ.”
Trong thực tiễn việc phân biệt giữa hành vi giết người vầ cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau, ngoài việc phân biệt các yếu tố như cường độ tấn công, mức độ tấn công, sử dụng hung khí, mục đích… thì việc xác định vùng trọng yếu trên cơ thể của hành vi là một yếu tố để phân biệt hai hành vi này.
Vùng trọng yếu cơ cơ thể con người là những vùng quan trọng mà nếu tác động vào có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người, đây là những vùng chứa đựng các cơ quan quan trọng quyết định sự sống cơ thể con người. Vùng trọng yếu trên cơ thể con người có thể bao gồm vùng bụng, vùng lưng và vùng đầu. Việc sử dụng hung khí tấn công vào các vùng trọng yếu này đến dẫn đến hậu quả chết người và việc xác định tội danh giết người là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, việc xem xét vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân và mức độ nghiêm trọng của thương tích cũng chỉ mang tính tương đối và trong từng trường hợp cụ thể cần phải được xem xét một cách toàn diện cùng các yếu tố khác mới có thể đánh giá đúng ý thức chủ quan của người phạm tội. Trong những điều kiện đặc biệt như sự việc xảy ra trong đêm tối, người phạm tội bị nhiều người tấn công hoặc trong lúc đang giằng co, vật lộn với nhau, người phạm tội không hoàn toàn làm chủ được hành vi của mình mà đâm chém bừa thì nên xem xét thận trọng, toàn diện để định tội danh cho phù hợp.
Như vậy, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 02 án lệ để phân biệt giữa hành vi hành vi giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người và là án lệ thứ 3 xác định áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ, các nội dung như đã giải thích tại Án lệ 45/2021.
Tại Án lệ 17/2018/AL xác định mục đích thực hiện hành vi phạm tội còn Án lệ 47/2021/AL là xác định vùng trọng yếu trên cơ thể người, còn đối với tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ ở 03 án lệ đều được xác định giống nhau.
4. Án lệ số 48/2021/AL về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “nộp lại tiền thu lợi bất chính”
Khái quát nội dung án lệ:
-Tình huống án lệ: Bị can, bị cáo nộp lại tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
- Khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Điểm c mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nội dung án lệ: “Khi xét xử vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo trên là không chính xác, vì việc nộp lại tiền thu lợi bất chính không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự mà là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự...”
Điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thuộc điểm b khoản 1 Điều 51.
Một người phạm tội muốn tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả thì hạnh vi phạm tội phải gây ra hậu quả là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và phải có đối tượng để sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là cá nhân hoặc tổ chức cụ thể. Nhưng hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc xâm phạm khách thể là trật tự công cộng, hậu quả là ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc duy trì sự ổn định, tính có kỷ luật, tính có tổ chức trong trật tự tức là hậu quả ở đây là yếu tố phi vật chất, không định hình và không có giá trị vật chất và không xác định được đối tượng bị thiệt hại. Chính vì không xác định được hậu quả và đối tượng cụ thể của hành vi phạm tội nên trong trong tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc không thể sửa chữa, bồi thường, khắc phục hậu quả được mà phải chịu trách nhiệm hình sự về chính hành vi phạm tội của mình.
Về tiền thu lợi bất chính trong tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc chính là tiền có được do hành vi phạm tội gây ra, tiền này do Nhà nước truy thu bị cáo tự nguyện nộp lại cho Nhà nước hoàn toàn không thuộc trường hợp “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”.
Như vậy từ Án lệ số 48/2021/AL có thể nhận thấy vật, tiền, tài sản…mà bị cáo tự nguyện dùng để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là vật, tiền, tài sản…phải hợp pháp và đúng quy định của pháp luật mới thỏa mãn điều kiện để áp dụng tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”.
Khi Án lệ 48/2021/AL có hiệu lực thì có thể xác định đối với những vụ án mà có vật, tiền, tài sản do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản tiền thu lợi bất chính từ việc phạm tội nếu bị cáo tự nguyện nộp lại thì thuộc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
TRẦN VĂN HÙNG
TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC QUÂN KHU 4
5. Thủ tướng Chính phủ đôn đốc bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ phục vụ Nhân dân đón Tết
(LSVN) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện 774/CĐ-VPCP ngày 30/01/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, để chuẩn bị chu đáo và bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ Nhân dân đón mừng năm mới 2022 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó chú trọng thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương không được tự đặt ra yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch trái với quy định của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế. Yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm chế độ trực Tết; bảo đảm đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị và lực lượng cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khám, chữa bệnh cho người dân trong dịp Tết.
Tập trung chỉ đạo chăm lo đời sống, bảo đảm mọi người dân, mọi gia đình đều được vui Xuân, đón Tết; thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn đúng đối tượng, chế độ quy định.
Quản lý tốt thị trường, giá cả và chủ động chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết của Nhân dân trên địa bàn; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, niêm yết giá, không để xảy ra việc lợi dụng dịp Tết để tăng giá, tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ các hoạt động vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp Tết; chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc đưa đón, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, cho công nhân, người lao động về quê ăn Tết và quay trở lại nơi làm việc; không được "ngăn sông, cấm chợ" và bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao mừng Xuân, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hoá và thuần phong, mỹ tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc gắn với thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Chú trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết; thực hiện nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực sẵn sàng chiến đấu; phối hợp chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, nhất là các tuyến biên giới và tại các địa bàn trọng điểm; kịp thời có phương án xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh, không để bị động bất ngờ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng; tăng cường phòng, chống cháy nổ, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Cơ quan khí tượng, thủy văn tập trung làm tốt công tác dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn để góp phần tạo thuận lợi cho người dân vui Xuân, đón Tết và phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau Tết.
Yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực Tết và các chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; xử lý kịp thời các công việc, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần tập trung cao, quyết liệt, hiệu quả.
PHƯƠNG HOA
07 biểu mẫu trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ nhà báo
6. Về quê
(LSVN) - Trong hành trình nghề nghiệp, bất chợt giữa đời thường sau những giờ tranh tụng, nhiều Luật sư đã đến với thơ như là nơi chia sẻ cảm xúc. Chào Xuân Nhâm Dần, Tạp chí Luật sư Việt Nam giới thiệu đến bạn đọc chùm thơ của Luật sư Nguyễn Minh Tâm.
Nhấm bao chua chát thị thành
Tóc sương mới thấm ngọt lành chân quê
Thì xin năm tháng quay về
Thả hồn trôi dưới bóng tre mái đình
Bờ đê cỏ vẫn thầm xanh
Bên sông đò nhỏ khum mình nước sa
Lối mòn vẹt dấu chân xa
Ngẩn tìm quán nước cây đa đâu rồi?
Ngỡ ngàng em, ngỡ ngàng tôi
Hoa xoan rụng, tím những lời ngày xưa
Run run sợi gió đầu mùa
Giọng em lạc những được thua một thời...
Cụng ly rượu đắng vào môi
Bạn bè tóc bạc da mồi trong nhau
Bao nhiêu là chuyện xưa sau
Rồi ra nào biết vàng thau thế nào...
Khói nhang sợi thấp sợi cao
Chút lòng hiếu thảo gửi vào thinh không
Tàn nhang kết uốn thành vòng
Hình như liệt tổ liệt tông đang về...
LUẬT SƯ NGUYỄN MINH TÂM
Một số vấn đề về phục hồi vụ án hình sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm
7. Quy định về bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
(LSVN) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, quy định rõ về bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Cụ thể, tại Điều 3 Thông tư quy định các trường hợp được bồi thường:
- Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.
- Người lao động bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác (không bao gồm các trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp do làm các nghề, công việc cho người sử dụng lao động khác gây nên).
Nguyên tắc bồi thường
Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
Việc bồi thường đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định sau:
- Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu;
- Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.
Mức bồi thường
Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này được tính như sau:
- Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này:
Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}
Trong đó:
- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
- 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
- a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.
Ví dụ: Ông A bị bệnh nghề nghiệp, giám định sức khỏe lần thứ nhất xác định mức suy giảm khả năng lao động là 15%. Mức bồi thường lần thứ nhất cho ông A tính như sau:
Tbt = 1,5 + {(15 - 10) x 0,4} = 3,5 (tháng tiền lương).
Định kỳ, ông A giám định sức khỏe lần thứ hai thì mức suy giảm khả năng lao động được xác định là 35% (mức suy giảm khả năng lao động đã tăng hơn so với lần thứ nhất là 20%). Mức bồi thường lần thứ hai cho ông A là:
Tbt = 20 x 0,4 = 8,0 (tháng tiền lương).
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2022.
HỒNG HẠNH
Những luật đã có hiệu lực trong năm 2021
8.