Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Công an quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội), cơ quan này đang phối hợp với Công an quận Ba Đình xác minh làm rõ thông tin phản ánh về việc chị H. (sinh năm 1998) bị ông L.M.T (ở quận Hoàng Mai) cưỡng bức tình dục.
Trước đây, H. làm việc tại bệnh viện tư nhân mà ông T. làm Chủ tịch HĐQT. Bên cạnh đó, ông T. là Trưởng khoa của Đại học Luật Hà Nội. Quá trình làm việc, H. cho rằng đầu năm 2020, ông T. đã chuốc rượu rồi cưỡng ép cô trong một chuyến du lịch. Sau đó, ông T. đe dọa phát tán thông tin này để ép H. tiếp tục quan hệ tình dục và quay lại clip nóng nhằm khống chế.
Ngoài ra, H. cho rằng bị ông T. uy hiếp, buộc phải đi tiếp khách. Khi cô phản đối, người đàn ông này đã đánh, đe dọa và khủng bố tinh thần đối phương. Cuối tháng 1, H. đề nghị chấm dứt mối quan hệ thì bị ông T. dọa giết, đánh đập khiến cô bị thương.
Sau khi phát hiện sự việc, đầu tháng 3, gia đình chị H. đã viết đơn tố giác tội phạm gửi Công an nơi cô gái cư trú, đề nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ tính mạng, an toàn cho H. và người thân.
Cơ sở nào để xác định hành vi cưỡng bức?
Về vấn đề nêu trên, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, cơ sở để xác định hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm thể hiện ở ý chí và hành động của nạn nhân. Nếu nạn nhân đồng thuận thì hành vi không cấu thành tội phạm. Nếu nạn nhân không đồng thuận mà kịch liệt phản đối thì đó là hiếp dâm. Nếu nạn nhân không đồng thuận nhưng cũng không phản đối, tức không có hành vi phản kháng (đánh, chạy, kêu cứu…) nhưng cũng không hề mong muốn việc giao cấu diễn ra thì đó là cưỡng dâm.
Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm sẽ xác minh nội dung đơn. Từng vấn đề sẽ được làm rõ, như việc cô gái bị chuốc rượu say, cơ quan điều tra sẽ lấy lời khai của những người tham dự bữa tiệc tối hôm đó, sẽ trích xuất camera hành lang của khách sạn để ghi nhận hành vi và tình trạng thể chất của những người ra về sau bữa tiệc, sẽ kiểm tra tin nhắn điện thoại, tin nhắn trên mạng xã hội giữa nạn nhân với đối tượng để kiểm chứng tính xác thực của tin tố giác. Trên cơ sở dữ liệu thu được sẽ đưa ra kết luận cuối cùng.
Trong sự việc trên, theo lời cô gái, cô bị chuốc rượu say rồi bị ép quan hệ tình dục. Giả sử sự việc cô nói là đúng, trường hợp tại thời điểm say rượu cô không thể phản kháng hoặc kêu cứu, bỏ chạy nhưng sau khi sự việc xảy ra, cô đã không lên cơ quan Công an trình báo. Do sự việc đã diễn ra khá lâu, không thể thu thập mẫu tinh dịch trên người nạn nhân, cộng thêm việc nạn nhân không chủ động trình báo sau khi sự việc xảy ra nên hành vi của đối tượng khó có thể cấu thành tội “Hiếp dâm”.
Trường hợp giữa nạn nhân và hung thủ có mối quan hệ lệ thuộc (nhân viên, quan hệ nuôi dưỡng…) hoặc nạn nhân đang bị quẫn bách, bị đe doạ dẫn tới việc nạn nhân phải miễn cưỡng quan hệ tình dục với hung thủ thì hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng dâm” được quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Trường hợp này, cơ quan điều tra phải thu thập được các chứng cứ như video ghi hình nạn nhân đang quan hệ tình dục nằm trên điện thoại, máy tính của hung thủ; tin nhắn hung thủ đe doạ sẽ phát tán hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân nếu không đồng ý quan hệ tình dục. Khi đó, mới đủ căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.
Xử lý như thế nào?
Trường hợp, những nội dung cô gái tố giác là sự thật và hành vi đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng dâm” thì rất có thể, người phạm tội sẽ phải chịu mức phạt từ 03 đến 10 năm tù với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội hai lần trở lên”. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
PV