Bị can Nguyễn Phương Hằng.
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 190-01/QĐ về việc khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 300-50/QĐ về việc Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam số 300-04/LB và Lệnh khám xét đối với Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, trú tại 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1 về hành vi nêu trên.
Ngay sau khi khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã áp giải bà đến tạm giam tại trại T30 của Công an thành phố Hồ Chí Minh đóng ở huyện Củ Chi. Bà Hằng bị tạm giam 3 tháng để phục vụ công tác điều tra về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Hiện, Công an thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này, người bị tạm giam bị cách ly khỏi xã hội một thời gian nhất định, bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do thân thể, cư trú, đi lại… Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty luật TGS cho rằng: “Tất cả mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, thể hiện các ý kiến, quan điểm của mình trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải thích nói gì thì nói, hay phát ngôn như thế nào cũng được mà đó phải là sự phát ngôn chuẩn mực, có văn hóa và đúng pháp luật, không được phép xuyên tạc, vu khống, xúc phạm trái pháp luật đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác, đó đều là các hành vi trái pháp luật và sẽ phải chịu các tài xử lý theo quy định của pháp luật".
Thời hạn tạm giam để điều tra được quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, bà Hằng bị tạm giam 3 tháng để phục vụ công tác điều tra về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. |
Tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là 07 năm tù, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng nên thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 03 tháng.
Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện Kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
- Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện Kiểm sát:
- Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
- Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thụ lý điều tra thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát quân sự trung ương.
Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng. Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam quy định tại khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 01 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp đặc biệt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mà không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
Trường hợp cần thiết đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 04 tháng; trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện Kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Luật sư Hùng chia sẻ thêm, vụ việc này cũng là bài học quý giá cho tất cả chúng ta trong việc sử dụng mạng xã hội nói chung, cũng như phát ngôn trên mạng xã hội nói riêng, khi một người đã phát ngôn công khai trên không gian mạng, công khai trước công chúng thì người đó sẽ phải chịu các trách nhiệm xã hội và các trách nhiệm pháp lý đối với các phát ngôn của mình.
DUY ANH
Những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở