/ Trao đổi - Ý kiến
/ Tự tử để phản đối phán quyết của Tòa án: Hồi chuông cảnh báo

Tự tử để phản đối phán quyết của Tòa án: Hồi chuông cảnh báo

05/01/2021 18:09 |

(LSO) - Công lý, công bằng không đến từ việc gây sức ép nên cơ quan tiến hành tố tụng. Người có phản ứng thái quá không những không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn có thể phải gánh chịu các chế tài của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Gần đây xuất hiện một số vụ việc bị can, bị cáo, đương sự đã tự tử, thậm chí tự tử ngay tại chính trụ sở Tòa án để phản đối phán quyết của Tòa án. Mặc dù đây chỉ là hiện tượng thiểu số, cá biệt nhưng là hồi chuông cảnh báo không chỉ đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng mà còn đối với cả những người tham gia tố tụng trong đó có giới Luật sư.

Chưa đề cập đến tính đúng sai, công tâm, khách quan, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý hay không của phán quyết của Tòa án nhưng sau đó đã bị bị can, bị cáo, đương sự phản đối một cách cực đoan nhất là tự tử. Trước hết cần phải có sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia, động viên đối với người đã mất niềm tin và lựa chọn cách thức tự từ bỏ cuộc sống của mình để phản đối phán quyết của Tòa án.

Tòa án là nơi thể hiện công lý, Tòa án có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác. Đây không chỉ là chức năng, nhiệm vụ được ghi nhận trong Luật Tổ chức Tòa án mà còn phải là biểu tượng, tôn chỉ, mục đích trong tâm của mỗi người Thẩm phán, cán bộ Tòa án.

Sự thật thời gian vừa qua, hoạt động xét xử của Tòa án đã mang lại niềm tin lớn lao vào công lý, công bằng xã hội, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Số lượng vụ án, vụ việc được Tòa án các cấp giải quyết ngày càng tăng, chất lượng bản án, quyết định ngày càng cao. Nguyên tắc xét xử công khai, xét hỏi kết hợp tranh tụng được áp dụng trên thực tiễn. Mô hình phòng xét xử mới được đưa vào thực hiện với chỗ ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư trong vụ án Hình sự ngang bằng nhau. Bản án, quyết định của Tòa án được công khai trên trang thông tin điện tử. Nhiều bản án hành chính đã tuyên hủy Quyết định của cơ quan hành chính…

Với tư cách Luật sư, cùng một vụ việc nếu có thể lựa chọn giữa tố tụng tại Tòa án và thủ tục khiếu nại hành chính, cá nhân tôi luôn tư vấn, định hướng để người dân ưu tiên lựa chọn giải quyết vụ việc bằng con đường tố tụng.

Nhưng hiện nay, một số người dân, đương sự, bị cáo chưa thật sự tin tưởng vào hoạt động của Tòa án. Bản án, quyết định tuyên ra đôi khi vẫn bị tất cả các bên tham gia tố tụng không nhất trí và cùng kháng cáo, kháng nghị. Số lượng đơn thư vượt cấp, số lượng đơn thư đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọc với số lượng lớn chưa được giải quyết. Khó khăn trong việc thụ lý vụ án, vụ án bị kéo dài, việc thực thi nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng tại tòa còn nhiều vấn đề cần giải quyết cả về thực tế và lý luận…

Đặc biệt gần đây xuất hiện hiện tượng đáng báo động là việc tự tử, thậm chí là tự tự ngay tại chính trụ sở Tòa án để phản đối phán quyết của Hội đồng xét xử. Điều đó đòi hỏi không chỉ ngành Tòa án phải phân tích, đánh giá tìm ra nguyên nhân, giải pháp để ngăn ngừa. Nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận người dân chưa thật sự tin tưởng vào hoạt động tố tụng của Tòa án và có phản ứng thái quá, tiêu cực thì có nhiều nhưng có thể kể đến một số nguyên nhân sau.

Người dân chưa thật sự tin tưởng vào pháp luật, chưa thật sự tin tưởng vào hoạt động tố tụng của cán bộ Tòa án. Số ít người dân đến tòa và thậm chí trước khi đến tòa đã mang nặng tâm lý: “vô phúc đáo tụng đình”. Sự phức tạp, chồng chéo thậm chí là mâu thuẫn của các văn bản pháp luật dẫn đến việc có thể có các phán quyết, nhận định khác nhau, trái ngược nhau về cùng một vụ việc. Hạn chế trong nhận thức pháp luật dẫn tới việc người dân có thể dễ kích động, thiếu niềm tin và lựa chọn phản ứng tiêu cực… Đó là các nguyên nhân khách quan mà chỉ có thời gian cùng sự phát triển toàn diện của xã hội mới hạn chế và loại bỏ.

Nhưng sự thật đáng buồn rằng, có vụ việc sau khi người dân lựa chọn phản ứng tiêu cực để phản đối phán quyết của Tòa án. Bản án, quyết định đó đã được xem xét lại và được xác định là có sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng của người cầm cân, nẩy mực. Điều đó đã chỉ ra các nguyên nhân, hạn chế từ chính cán bộ Tòa án, hệ thống Tòa án chứ không phải chỉ từ người dân, đương sự, bị can, bị cáo hay từ các nguyên nhân, lý do khách quan ngoài Tòa án. Năng lực, trình độ chuyên môn của những người làm công tác xét xử; phẩm chất đạo đức của người cầm cân, nẩy mực. Bản lĩnh của những người cầm cân, nẩy mực trước cám dỗ vật chất, trước sức ép công việc…

Đặc biệt, kỹ năng ứng xử, tiếp xúc với bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, kỹ năng điều hành phiên tòa, tiến hành các hoạt động tố tụng khác là yếu tố trực tiếp tác động đến tâm lý của bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng. Đây có thể được xem là một trong nguyên nhân trực tiếp dẫn đến phản ứng cực đoan ngay, tức thời ngay tại trụ sở Tòa án. Thiết nghĩ, Tòa án Nhân dân Tối cao cần nhìn nhận và có đánh giá xác thực, khách quan, chân thành về nội dung này để từ đó có thể có các hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình xã hội hiện nay.

Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là nguyên tắc tối cao trong hoạt động xét xử được quy định không chỉ trong Luật tổ chức Tòa án. Thiết nghĩ, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật không đồng nghĩa việc chuyên quyền, độc đoán. Gần đây cũng xuất hiện một số trường hợp Luật sư khi tác nghiệp đã bị Hội đồng xét xử buộc phải dời khỏi phòng xử án, và sau đó là việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại… Chưa biết tính đúng sai nhưng rõ ràng đây cũng là hiện tượng mới diễn ra và không chỉ Luật sư, Thẩm phán cần nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm. Vì rằng, xét cho cùng, mọi hoạt động chốn công đường đều là biểu hiện của nền pháp chế.

Các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử, đây là quy định trong Luật Tổ chức Tòa án. Nhưng Tòa án được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử không có nghĩa là Tòa án tách biệt và không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan hữu quan đặc biệt là sự giám sát của nhân dân trong đó có chính cả sự giám sát của bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.

Về phía người dân, một vài vụ việc được Tòa án cấp trên xem xét lại không phải do phản ứng tiêu cực của bị can, bị cáo, đương sự trong vụ án đó. Vì vậy, không thể có tư tưởng gây sức ép, tạo sức ép để được giải quyết vụ án theo ý muốn chủ quan của bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia vụ án. Chưa được vạ thì má đã xưng, người dân, đương sự nếu có phản ứng thái quá, tiêu cực không những không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn có thể phải chịu các chế pháp lý khác theo quy định của pháp luật. Việc xử lý các đối tượng có hành vi quá khích, hành vi chống người thi hành công vụ, hành vi gây rối trật tự công cộng, gây rối trật tự phiên tòa… là cần thiết và luôn bị xử lý nghiêm khắc.

Trường hợp bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa tìm cách gây sức ép nên cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì chính Luật sư cũng đã bị sức ép. Thậm chí trường hợp Luật sư bị xúc phạm, đe dọa, bị tấn công ngay tại Tòa cũng đã diễn ra. Không có sự vui mừng, cổ súy của người Luật sư trước những phản ứng thái quá, tiêu cực của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa đối với cán bộ Tòa án, người tiến hành tố tụng. Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, trách nhiệm pháp lý không cho phép người Luật sư có tư tưởng, hành vi cổ súy cho những việc làm trái pháp luật, ảnh hưởng công bằng, dân chủ, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân ở mọi nơi, mọi lúc đặc biệt tại chốn công đường./.

Luật sư TRẦN VĂN AN
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
/nguoi-su-dung-facebook-can-duoc-bao-ve-theo-quy-dinh-cua-luat-bao-ve-nguoi-tieu-dung.html
/tiet-lo-noi-dung-vu-an-khien-nguoi-dan-ong-tu-tu-vi-khong-dong-tinh-voi-phan-quyet-cua-toa-tai-ha-nam.html