/ Góc nhìn
/ Tự tử tại tòa - Bày tỏ oan khiên bằng cái chết

Tự tử tại tòa - Bày tỏ oan khiên bằng cái chết

09/12/2021 02:41 |

(LSVN) - Khi người ta phải lấy cái chết để minh oan cho mình hoặc để cán cân công lý đỡ nghiêng lệch thì đó đã là bước đường cùng và hệ lụy để lại là rất lớn. Cái chết mà họ tự tìm đến không chỉ biểu lộ một sự phản kháng bất lực mà còn là biểu hiện của sự mất lòng tin vào vào hệ thống tư pháp.

Chai thuốc diệt côn trùng mà Giám đốc một công ty bất động sản uống tại Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn để tự tử.

Sau khi Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) tuyên án, bị đơn thua kiện là Giám đốc một công ty bất động sản kêu oan, cho rằng Tòa đã không xem xét đến các giấy tờ liên quan mà đương sự đã cung cấp rồi rút ra lọ thuốc diệt côn trùng từ túi áo uống luôn. Người vợ cũng có hành vi tương tự hưng được những người chung quanh ngăn chặn kịp thời. Người có ý định tự tử được Công an và bảo vệ phiên tòa đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ xác định thứ nước mà ông ta uống là thuốc diệt côn trùng, có nghĩa ông ta định chết thật chứ không phải là chỉ để dọa dẫm.

Trước đó, một bị cáo bị tuyên án 3 năm tù giam trong một vụ án giao thông ở Bình Phước đã đến trụ sở tòa án nhảy lầu tự tử gây chấn động dư luận xã hội. Rất nhiều khuất tất trong quá trình tố tụng đã được phanh phui sau khi cái chết phản kháng và để lại sự biểu lộ mong muốn có một nền tư pháp trong sạch.

Hơn một năm trước đây, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) ngay sau khi nghe Tòa tuyên hủy việc chuyển nhượng đất đai mà phần thiệt thòi thuộc về mình, hai vợ chồng đương sự đã định nhảy lầu tự tự nhưng được can ngăn kịp thời. Ngay sau đó, Tòa án cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã vào cuộc, Chánh án kháng nghị vụ án này, chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng về tố tụng. Phiên Giám đốc thẩm của đã chấp nhận kháng nghị này mang lại công bằng và giải tỏa nỗi bức xúc cho những người muốn tự tử bằng cách nhảy lầu ngay tại tòa án.

Khi người ta phải lấy cái chết để minh oan cho mình hoặc để cán cân công lý đỡ nghiêng lệch thì đó đã là bước đường cùng và hệ lụy để lại là rất lớn. Cái chết mà họ tự tìm đến không chỉ biểu lộ một sự phản kháng bất lực mà còn là biểu hiện của sự mất lòng tin vào vào hệ thống tư pháp.

Hệ lụy lớn hơn là gây bất ổn xã hội, dư luận hoang mang và phẫn nộ, niềm tin lung lay, nghi ngờ vào sự công minh của những người thực thi pháp luật. Cái chết ấy cũng có một hiệu ứng tích cực như một lời cảnh tỉnh để những người tiến hành tố tụng cẩn trọng hơn khi làm công việc của mình và tác động đến các cơ quan chức năng tìm ra sự thật để có những phán quyết công bằng và quan trọng nhất là không để những vụ tự tử tương tự xảy ra.

Vai trò Luật sư hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa các phản vệ tiêu cực của thân chủ mình, dù người đó là bị cáo trong một vụ án hình sự hay là đương sự trong vụ án dân sự. Luật sư không chỉ thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng trước pháp luật của thân chủ mà còn là người bạn đồng hành, trấn an tâm lý kịp thời, giải tỏa bức xúc, khơi gợi niềm tin vào công lý, không để thân chủ mình lâm vào bước đường cùng mà có những suy nghĩ và hành vi phản kháng một cách tiêu cực.

NHỊ NGỌC

Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ cổ đông thiểu số theo quy định pháp luật hiện hành

Lê Minh Hoàng