Là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết sức coi trọng khơi dậy, phát động phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Người coi đây là một trong những biện pháp căn bản để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vừa chứa đựng những giá trị khoa học, nhân văn cao cả, vừa bao hàm những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
Hồ Chí Minh - Người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước của nhân dân Việt Nam
Ngày 27/3/1948, trong bối cảnh đất nước đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức của những năm tháng đầu cuộc kháng chiến kiến quốc, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó nêu rõ: “Thi đua ái quốc là gì? Là ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể công việc của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ. Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Dù chỉ được thể hiện súc tích trong hơn 400 từ, song Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện đã khởi nguồn và mở ra một phong trào hành động thiết thực thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn của cách mạng.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc xác định mục đích của phong trào thi đua yêu nước là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, để nhằm thực hiện “Hạnh phúc cho dân”.
Về nội dung thi đua, Lời kêu gọi chỉ rõ: “Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ quân sự, kinh tế, cho đến chính trị, văn hóa. Đây là sự thể hiện tính toàn diện của cuộc kháng chiến, sâu xa hơn là tính toàn diện của sự nghiệp cách mạng.
Về cách làm, trong Lời kêu gọi, Hồ Chí Minh nêu phương châm: “dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”. Đó là sự kết hợp giữa huy động sức dân và bồi dưỡng sức dân, huy động sức dân, phát huy tinh thần và lực lượng của dân xét đến cùng là để mang lại hạnh phúc cho dân. Đó cũng là tính nhân văn, triệt để của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Từ phong trào thi đua yêu nước ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo. Ảnh: Báo Thanh Hóa.
Đi vào cách làm cụ thể, Lời kêu gọi nêu lên bổn phận của mỗi người dân yêu nước trong các hoạt động thực tiễn: Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp. Đồng bào công nhân và nông dân thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Tóm lại, tất cả mọi người Việt Nam, hễ là người yêu nước đều có trách nhiệm phải tham gia các phong trào thi đua.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước rất sôi nổi và hiệu quả. Trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương; trên khắp các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự…; ở khắp các giới, các ngành, các cấp, đâu đâu cũng sục sôi phong trào thi đua yêu nước. Đúng như sau này, Người đã tổng kết: người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua.
Kết hợp phong trào thi đua với tinh thần yêu nước, từ những việc làm thiết thực hằng ngày
Phát động phong trào thi đua trên nền tảng tinh thần yêu nước là một tư tưởng rất đúng đắn, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm động viên đến mức cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc cho sự nghiệp cách mạng. Yêu nước là một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc hàng nghìn năm đã cho thấy đây là giá trị luôn được xếp đứng đầu trong hệ các giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam và luôn luôn đồng hành cùng dân tộc trong dựng nước và giữ nước.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn hết sức chú trọng khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước để tạo thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. |
Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam và yêu nước luôn gắn liền với bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước, dân tộc. Với Hồ Chí Minh, yêu nước không chỉ là tình cảm cao quý, thiêng liêng, mà còn phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, việc làm thiết thực, được thúc đẩy bởi những động cơ trong sáng, ý thức của mỗi người về bổn phận và trách nhiệm bản thân đối với đất nước, dân tộc, nhằm mang lại ích lợi cho đất nước, dân tộc. Những hành động đó mới chính là sự biểu đạt trung thực nhất, thuyết phục nhất cho tinh thần yêu nước. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực... Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Điều có ý nghĩa hết sức sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh khi đề cập về thi đua yêu nước là Người chỉ ra rằng, những hành động, việc làm của mỗi người trong phong trào thi đua yêu nước không phải là những việc làm cao siêu, khác thường, mà đó chính là những công việc rất đỗi bình thường hằng ngày của mỗi người, nhưng được làm với tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, tạo nên năng suất, chất lượng và hiệu quả của hành động. Với ý nghĩa đó, thi đua ái quốc là phong trào hành động thiết thực của tất cả mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt công việc sang hay hèn, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, chỉ cần ai có tinh thần yêu nước thì đều là những người tham gia và xứng đáng được tôn vinh. Người quan tâm giáo dục nhân dân ta “thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc”, lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua. Đồng thời, thi đua là hành động thiết thực, làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng "yêu nước phải tỏ ra trong công việc thực tế”, trong công việc hằng ngày, bằng hành động cụ thể trong lao động, sản xuất và chiến đấu.
Tiếp nối các giai đoạn cách mạng trước, Hồ Chí Minh đã chủ trương khơi dậy, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước ở mỗi một người dân thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại thế và lực mới cho cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Người đã đặt tên phong trào thi đua là phong trào thi đua ái quốc, gắn thi đua với truyền thống yêu nước, tạo nên sức lay động và thuyết phục đối với mỗi người yêu nước.
Thi đua yêu nước giúp đào tạo và nhân rộng những con người mới
Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang và nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh, con người luôn có vị trí cao quý nhất, quan trọng nhất, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Người luôn chú trọng bồi dưỡng, giáo dục con người, làm cho mỗi người ngày càng được hoàn thiện hơn cả về phẩm chất đạo đức và năng lực cá nhân. Đó chính là những con người mới trực tiếp góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quân sự, đến văn hóa, khoa học, nghệ thuật… Đồng thời, xét về thực chất, những con người mới đó cũng chính là thành quả tốt đẹp nhất, quý giá nhất của sự nghiệp cách mạng, là giá trị để tìm hiểu, lý giải khởi nguồn sự nghiệp cách mạng vẻ vang, cao đẹp của Hồ Chí Minh.
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả sau cơn bão số 9 tại Trường mầm non Hướng Việt, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Trong bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo con người mới, ngoài môi trường tập trung và thường được coi là mang tính chuyên nghiệp - các trường lớp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân - Hồ Chí Minh còn đặc biệt coi trọng việc giáo dục, đào tạo con người thông qua một loại trường học rất đặc biệt - trường học thực tiễn cuộc sống. Đây là trường học giúp người học ứng dụng, thực hành và hiểu sâu hơn những điều đã học ở trường lớp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, theo triết lý giáo dục rất khoa học, tiên tiến: học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Đồng thời, với Hồ Chí Minh, thực tiễn cuộc sống cũng là trường học suốt cả cuộc đời mỗi người, phù hợp với phương châm, phương pháp tự học, học suốt đời của Người. Trường học đó dạy cho người học những kiến thức thiết thực và cũng chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc của cuộc sống mà không phải và không thể có được theo đúng nghĩa trong các trường lớp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Phong trào thi đua yêu nước chính là một loại trường học thực tiễn cuộc sống. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người”. Thông qua việc phát động và tổ chức phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, Hồ Chí Minh đã quy tụ những người Việt Nam yêu nước thuộc mọi giai tầng, lứa tuổi tham gia vào trường đào tạo của thực tiễn cuộc sống. Từ phong trào thi đua yêu nước của toàn dân, những con người mới, những tấm gương tiêu biểu cho một xã hội mới được hình thành. Những anh hùng và chiến sĩ thi đua tiêu biểu trong lao động sản xuất và chiến đấu được tuyên dương và tôn vinh như: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Viết Xuân,... là những điển hình cho những con người mới được đào tạo, hình thành trong phong trào thi đua yêu nước, đồng thời cũng là những tấm gương tiêu biểu để các thế hệ tiếp nối học tập, nhân rộng những con người mới. Đó chính là những điển hình tiêu biểu cho nguồn lực con người Việt Nam trong kháng chiến kiến quốc, nguồn động lực quan trọng nhất, quyết định nhất của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Đó cũng chính là nguyên nhân quan trọng góp phần lý giải vì sao lực lượng kháng chiến lúc đầu nhỏ bé hơn rất nhiều so với quân đội thực dân, đế quốc thiện chiến, nhà nghề, nhưng càng đánh càng mạnh, càng đánh càng phát triển và cuối cùng đã giành được thắng lợi vẻ vang.
Những giá trị to lớn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay
Hơn 70 năm đã qua từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, đất nước và dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử; uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay”. Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước. Độ lùi lịch sử giúp chúng ta nhận thức rõ hơn giá trị cả về lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về thi đua yêu nước nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đó không chỉ là những chỉ dẫn, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy tinh thần yêu nước thông qua những công việc cụ thể hằng ngày trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, mà còn là sự cổ vũ, dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh, văn minh hiện nay.
Đại hội Thi đua yêu nước TP. Hồ Chí Minh lần thứ VII (giai đoạn 2015 - 2020).
Thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đến nay phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thi đua yêu nước luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước và các ban, bộ, ngành, địa phương. Các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng, chủ đề, mục tiêu rõ ràng, tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả. Việc xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới được quan tâm, chú trọng và đảm bảo thực hiện đồng bộ 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập.
Tuy vậy, phong trào thi đua yêu nước những năm qua cũng còn những hạn chế cần phải giải quyết, như: một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn tầm quan trọng của thi đua yêu nước; có nơi, có lúc, thi đua còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích; thi đua chưa gắn chặt với khen thưởng, chưa thực sự khích lệ, động viên cao độ sự phấn đấu, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một trong những giải pháp góp phần khắc phục tình trạng trên là trở lại với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Tư tưởng của Người vẫn đang soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PGS. TS. LÝ VIỆT QUANG
Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh