Các bị cáo tại phiên xét xử.
Ngày 28/7/2023, Toà án nhân dân TP. Hà Nội sẽ tuyên án với 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Có rất nhiều nhức nhối đọng lại sau những gì đã thể hiện ở phiên tòa xét xử. Song, cái làm cho dư luận xã hội bức xúc nhất vẫn là sự suy đồi của văn hóa công quyền cùng sự suy thoái tột cùng của đạo đức cán bộ công quyền.
Thấy rõ nhất là thái độ của những bị cáo giữ cương vị khác nhau trong bộ máy công quyền với hành vi hối lộ – một tội danh bị chế tài nặng và đáng xấu hổ trong Bộ luật Hình sự. Họ coi việc đưa và nhận, môi giới hối lộ là việc quá đỗi bình thường, một hành vi không thể thiếu, thiếu cũng không được, trở thành “một phần tất yếu” của cuộc sống hiện tại trong làm ăn kinh doanh cũng như hoạt động tố tụng. Đơn giản họ coi đó là “quà biếu”, “cảm ơn”, “bồi dưỡng” có nhận hối lộ thì cũng không phải tội lỗi gì (và tiếc thay, có Luật sư bào chữa cũng cùng quan điểm này). Việc vòi vĩnh hối lộ diễn ra trắng trợn cả trong quá trình cấp phép lẫn chạy án, chỉ rõ phải đưa cho chỗ nọ, chỗ kia, người này, người khác. Về phía doanh nghiệp thì nhận thức rõ không đưa hối lộ thì không được việc, bộ máy này cần bôi trơn bằng tiền và rất nhiều tiền.
Khi văn hóa phong bì trở thành một phép ứng xử thông thường thì hiện tại, ở trong vụ án này và cả một số vụ án khác trước đây, không có thứ phong bì nào chứa nổi khoản tiền hối lộ, dù đó là ngoại tệ và họ phải chuyển bao bì sang một hình thức khác, đó là va ly, cặp số và cả thùng các tông. Mức độ hối lộ không phải ngày càng tinh vi mà ngày càng lớn đến khổng lồ, thủ đoạn hối lộ cũng vậy, không cần tinh vi, che đậy mà diễn ra trắng trợn, có phần công khai trong một nhóm người.
Cái mất lớn nhất trong vụ án này không phải mất cán bộ mà mất lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp vào bộ máy công quyền. Việc biến một chủ trương nhân đạo, nhân văn của Nhà nước thành cơ hội kiếm tiền trên lưng đồng bào, trong đó có cả những người cùng khổ (như phạm nhân mãn hạn tù…) làm sụp đổ hoàn toàn những giá trị đạo lý truyền thống của dân tộc cùng các giá trị nhân văn mà xã hội đương thời đang hướng tới và xây dựng.
Vụ án này đã phơi bày một cách toàn diện những suy nghĩ, hành động, nhận thức, thái độ của những cán bộ có chức quyền và được coi là thoái hóa, biến chất và nhân dân nhận diện bộ mặt thật của họ. Từ đây, càng thấy rõ việc xây dựng một môi trường trong sạch "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng" là cực kỳ cấp thiết - một yếu tố không thể thiếu trong việc bảo vệ chế độ.
NHỊ NGỌC
Vụ "chuyến bay giải cứu": Số tiền các bị cáo khắc phục sẽ được xử lý thế nào?