/ Góc nhìn
/ Tuân thủ pháp luật thì không sợ sai

Tuân thủ pháp luật thì không sợ sai

02/06/2022 06:55 |

(LSVN) - Luật cần sự ổn định, lâu dài nhưng cứ phải liên tục sửa đổi, bổ sung, đề xuất xây dựng luật mới (gọi là “sáng kiến lập pháp”), tình trạng này khiến một Đại biểu Quốc hội mang ra so sánh giữa “luật rừng” và “rừng luật” để xem cái nào tác hại hơn.

Ảnh minh họa.

Thực tế cuộc sống luôn biến động, thay đổi không ngừng nên có vấn đề phát sinh thì phải luật phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Vì thế và ngược lại, các nhà lập pháp buộc phải có tầm nhìn xa, lường trước và cho ra đời một thứ “văn bia” có giá trị lâu dài và tầm bao quát rộng có thể điều chỉnh các hành vi mới phát sinh.

Lấy ví dụ có hiện tượng “luật rừng” khá phổ biến ở các lĩnh vực giao thông, buôn lậu, biên chế,… nhưng không thể theo một “sáng kiến lập pháp” nào đó ra một đạo luật chính thống để chuyên trị “luật rừng”. Bởi đơn giản rằng, làm như thế là tạo ra một “rừng luật”, thêm nữa, hành vi “luật rừng” (thực chất là mãi lộ, hối lộ) đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, vấn đề là áp dụng, thực hiện và quan trọng nhất là ý thức pháp luật của mỗi con người, đặc biệt là ở cán bộ, công chức nhà nước, lãnh đạo các ngành, cơ quan.

Hoặc, có tình trạng hiện tại được phản ảnh trên diễn đàn Quốc hội chẳng hạn như ngành Y tế sau một loạt các vụ bê bối bị phanh phui, nhiều cán bộ lâm vòng lao lý của các vụ Việt Á, đấu thầu thiết bị y tế làm ngành này “tê liệt” và “ai cũng sợ sai, không dám làm”. Điều hiển nhiên là những người vi phạm pháp luật phải xử lý theo pháp luật bất kể chúng là ai và đông đến mức nào. Hơn nữa, việc bắt tay nhau kiếm lợi nhuận trên nỗi đau khổ của đồng bào là vi phạm trầm trọng y đức, đạo lý nào có thể dung tha.

Hãy nhìn vào thái độ của dư luận xã hội trước những vụ án này thì rõ. Nhân dân biết ơn những người thầy thuốc tận tâm, hy sinh nhiều thứ của bản thân, gia đình, kể cả sức khỏe và tính mạng để cứu giúp, chạy chữa người bệnh và đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế trong đại dịch vừa qua nhưng không thể “đồng cảm” với những kẻ hút máu mủ bệnh nhân và đồng bào. Những kẻ trong vụ Việt Á, “thổi giá” thiết bị y tế biết pháp luật nhưng không sợ pháp luật, ngang nhiên vi phạm, còn những ai tuân thủ pháp luật, đường đường chính chính thì có gì mà phải sợ sai? Với những kẻ trục lợi thấy làm nghiêm, không “chấm mút”, chia chác được gì nữa thì họ không làm thôi, chứ họ đâu có sợ sai, thực tế đã chứng minh điều đó!

Không cứ ngành Y tế mà các ngành khác như Giáo dục, Quân đội, Công an,… cũng hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh do không tuân thủ pháp luật mà bị xử lý bằng kỷ luật hành chính, quy định của Đảng hay bằng pháp luật hình sự. Thế nhưng, sự làm trong sạch cán bộ đó không dẫn tới sự “tê liệt” của các ngành này, trái lại, sẽ làm vững mạnh hơn và nhân dân tin tưởng hơn.

Nếu khoan nhượng với các hành vi trái pháp luật, thao túng quyền lực, làm giàu bất chính,… thì vô hình trung đã âm thầm phá hủy thành quả của cuộc sống hôm nay được xây dựng từ máu xương, mồ hôi, nước mắt của toàn dân tộc. Tin rằng, ngành Y với những con người tâm huyết, với đội ngũ thầy thuốc thực sự vì dân, lấy phương châm “sức khỏe nhân dân là trên hết” sẽ sớm “hồi phục” như lòng dân mong muốn.

BÌNH SƠN

Những đề xuất 'bất khả thi'

Lê Minh Hoàng